Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Đến thăm thế giới cổ tích của Đức


Những cửa hàng chứa vô vàn điều kỳ diệu cho mọi lứa tuổi
Những cửa hàng chứa vô vàn điều kỳ diệu cho mọi lứa tuổi
Ai đến bang Saxony của Đức đều ít nhất một lần nhìn thấy cửa hiệu bán đồ chơi bằng gỗ với vô vàn các con giống dễ thương, đủ màu sắc, những đồ chơi vừa học vừa chơi lý thú, những đồ trang trí trong nhà tinh tế phù hợp với mọi dịp.
Các loại đồ chơi này đều đến từ vùng núi biên giới Erzgebirge của CHLB Đức giáp với CH Tiệp Khắc, khu vực nổi tiếng với nghề thủ công đồ chơi tiện gỗ sơn nhiều màu và cung cấp đồ trang trí bằng gỗ cho dịp Giáng sinh.
xưởng chế biến ở thành phố nhỏ Seiffen nổi tiếng của vùng với những nghệ nhân tài ba nhất trong nghề tiện đồ chơi gỗ
Vùng Erzgebirge xa xưa vốn là nơi khai thác mỏ quặng. Các anh lính được điều đến vùng núi này để làm việc tại mỏ. Họ cũng mang theo gia đình đến để an cư. Sau khi các mỏ khai thác cạn kiệt, công việc cũng ít đi, những người thợ mỏ ngồi buồn gọt các mẩu gỗ làm đồ chơi cho con.
Một lần, có người lính nằm mơ thấy một cô tiên với đôi cánh trắng bay tới đậu lên miếng gỗ anh đang gọt dở dang và bảo: Hãy tập hợp những người thợ mỏ lại, chúng ta có mỏ khác để khai thác. Quanh vùng này có rất nhiều gỗ tốt, và trẻ em khắp nơi đều cần có đồ chơi không chỉ riêng con cái các anh. Hãy dùng những đôi tay khéo léo của các anh tạo đồ chơi gỗ, đem sản phẩm đến mọi nơi.
Hôm sau tỉnh dậy, người lính nhớ lại giấc mộng lạ và những điều cô tiên phán bảo, bèn họp các bạn lại.
Chỉ bằng một chiếc đục nhỏ khéo léo tỉa hình thông
Từ đấy nghề làm đồ chơi gỗ trở thành nghề truyền thống của vùng Erzgebirge, và cô tiên có đôi cánh trắng được coi là người bảo trợ cho mọi gia đình làm nghề này. Trên hiên nhà trước lối vào, người ta thường đặt hai búp bê bằng gỗ rất to, có những nhà tạo búp bê to bằng kích thước người thật và thậm chí lớn hơn, một bên là người thợ mỏ mặc áo xanh đứng nghiêm trang, một bên là cô tiên với đôi cánh trắng muốt.
Người thợ mỏ bằng gỗ mặc áo xanh truyền thống
Cô tiên bảo trợ cho nghề tiện đồ chơi gỗ
Khắp các làng trong suốt dải núi dọc biên giới giữa hai nước Đức - Tiệp đều có nghề truyền thống tiện đồ chơi gỗ. Những nghệ nhân giỏi nhất cùng với học trò của mình đã chế ra các loại máy tiện cực kỳ tinh xảo hỗ trợ cho những đôi bàn tay vàng. Các bản vẽ thiết kế các loại đồ chơi và đồ trang trí phức tạp thời xưa  vẫn còn được lưu truyền và sử dụng đến tận ngày nay song song với việc sản xuất các loại đồ chơi bắt kịp với cuộc sống hiện đại.
Những đồ trang trí hình tháp có thể quay tròn do chênh lệch áp suất không khí vì đốt nến ở dưới là thứ đồ không thể thiếu trong nhà mỗi người dân bang Saxony vào dịp Giáng Sinh
Vào dịp chợ Giáng sinh trước thềm Năm mới, các nghệ nhân từ vùng Erzgebirge luôn dựng một pyramid cực lớn, chiều cao lên đến hai chục mét ở trung tâm chợ, với các búp bê gỗ nhiều màu xoay quanh cây thông và nhà thờ gỗ mô hình thu nhỏ trang hoàng bằng ánh nến.
Ai cũng vui thích ngước nhìn những vòng xoay của cây pyramid khổng lồ
Đây là ông già Giáng Sinh mang tiếng chuông an lành đến với mọi nhà
Người ta thiết kế ông già búp bê này có thể vặn rời thành hai phần. Thân của búp bê rỗng, làm thành khoang có thể để được trầm hương đốt trong đó. Khói và hương thơm thoát ra phía miệng ông già.
Có nhiều loại búp bê tương tự thế này, nhiều kích cỡ, hình dạng theo nhiều nghề nghiệp khác nhau; nhưng đều có tên gọi chung là Räuchermänner (Ông già nhả khói) hoặc loại bé thì gọi là Räuchermännchen (Người nhả khói tí hon).
Còn vô vàn những con giống bé tí tẹo, hay những ngôi nhà có đầy đủ tiện nghi vừa lọt trong kích thước một bao diêm khiến ai nấy đều phải trầm trồ trước sự khéo léo của những người thợ thủ công
Những cô tiên bé xíu xiu đang chơi nhiều loại nhạc cụ khác nhau
Mỗi con giống gỗ chỉ bằng ngón tay như thế này có giá từ 8 euro đến 30 euro tùy loại và kích cỡ. Còn các loại pyramid giá từ 50 euro đến hàng nghìn euro.
Giá các món đồ chơi gỗ tiện này khá cao. Một phần vì mức thu nhập trung bình của người lao động ở Đức cao hơn so với các nước ở Đông Âu hay Nam Âu, một phần vì những sản phẩm mang tính thủ công ở Đức cũng được trau chuốt và làm tỉ mỉ, rất tốn công và dùng những nguyên liệu chất lượng không hại sức khỏe và phần nữa là các sản phẩm mang tính nghệ thuật, nên thường khách mua hàng phần đông là người trung tuổi và lớn tuổi. Những người này sẵn sàng chi tiền cho món đồ chơi truyền thống để trang trí nhà vào dịp Giáng sinh, Năm mới hơn là những người trẻ.
Người dân trong bang cũng thường tặng đồ chơi gỗ tiện làm quà lưu niệm cho khách phương xa, để giới thiệu một nghề thủ công rất phát đạt của địa phương. Người ta cũng buôn bán những món đồ chơi cổ với giá đắt gấp hàng chục lần đồ chơi mới. Vì thế, mua đồ chơi và vật trang trí tiện gỗ của vùng Erzgebirge cũng là một cách đầu tư cho thế hệ sau vậy. Những giá trị văn hóa tinh thần sẽ còn được lưu giữ mãi về sau...
Những đồ chơi tiện gỗ có tuổi hàng trăm năm vẫn tươi màu trong tủ kính Bảo tàng
Bạn sẽ chọn cho mình một món đồ chơi chứ?
TT

Không có nhận xét nào: