THEO TRÍ THỨC TRẺ
Đất nước Nga xinh đẹp không chỉ có mỗi súp củ cải đỏ hay bánh mì lúa mạch đen mà còn có nhiều món tráng miệng hết sức xinh đẹp và ngọt ngào.
Với địa thế trải dài, nước Nga có cảnh sắc đa dạng, hấp dẫn và đan xen giữa nhiều nền văn hóa khác nhau. Bên cạnh những cánh rừng hùng vĩ, kiến trúc cổ kính và dòng sông Volga hiền hòa, ẩm thực Nga cũng rất hấp dẫn với nhiều món ăn nổi tiếng như súp củ cải đỏ, súp lạnh, salad Nga…
Món tráng miệng đóng một vai trò lớn trong sự hình thành nên nền ẩm thực đặc sắc của nước Nga. Trái với vẻ ngoài tưởng như cục mịch, tính cách người Nga rất ôn hòa, thân thiện và ngọt ngào như những món tráng miệng này. Người dân Nga đặc biệt yêu thích những món ngọt mềm, nhiều mật ong và chocolate.
Dưới đây là những món tráng miệng đặc sắc bậc nhất của nền ẩm thực Nga mà bạn không nên bỏ qua nếu có cơ hội đến với quốc gia xinh đẹp này.
Xúc xích chocolate
Đất nước Nga có một thời gian dài chịu sự cấm vận, gây ra thiếu hụt thực phẩm, chính vì vậy nên người dân Nga đã không hề bỏ phí một chút thức ăn nào. Rất nhiều món ăn được ra đời nhờ kết hợp những thực phẩm cơ bản hay tận dụng những món ăn thừa. Xúc xích chocolate cũng là một món ăn như vậy.
Có hình dạng như những chiếc xúc xích thông thường với thịt và mỡ, nhưng đây lại là một món ngọt. Xúc xích được làm từ bánh quy đập vụn, hạt óc chó cùng sốt chocolate gồm bột cacao, sữa, bơ và đường. Hỗn hợp sẽ được lăn thành thanh dài rồi để lạnh cho đông lại. Loại "xúc xích" đặc biệt này sẽ được thái lát, ăn cùng với bánh mì.
Syrniki
Là một kiểu bữa sáng phổ biến tại Nga, Syrniki thực chất là món bánh pancake phô mai. Dù cũng mềm xốp như bánh pancake thông thường, nhưng phô mai khiến chiếc bánh "chắc" thêm một chút và có hương vị khác lạ hơn.
Để làm Syrniki, bột bánh pancake thường sẽ được thêm phô mai Cottage khô hoặc phô mai Ricotta. Để phục vụ như món tráng miệng, bánh sau khi rán xong sẽ được ăn cùng mứt, dâu tươi và kem chua.
Bánh sữa chim
Gọi là bánh sữa chim, song đây thực chất là món bánh mousse kem bơ trứng với lớp phủ chocolate bên ngoài. Bánh mousse béo ngậy, thơm hương trứng cùng chocolate ngọt ngào có thể chinh phục bất kỳ thực khách khó tính nào. Ngoài việc được trình bày như một chiếc bánh ngọt lớn, phần mousse bánh sữa chim còn có thể được làm lạnh, cắt miếng và phủ chocolate lên như những viên kẹo nhỏ.
Chiếc bánh này đã từng là biểu tượng của giai đoạn kinh tế phát triển, đời sống đủ đầy tại Nga, nhưng đã biến mất dần trong giai đoạn cấm vận khó khăn. Ngày nay, khi nhịp sống đã phát triển trở lại, chiếc bánh sữa chim đã trở thành món ăn thông dụng mà nhiều người Nga yêu thích.
Chak-chak
Chak-chak là món ăn truyền thống của vùng Tatar (Nga). Chúng là những "quả bóng" nhỏ xinh, gồm bánh mì chiên tẩm mật ong, được viên tròn và ăn cùng trái cây sấy khô, quả hạch. Chak-chak trong cuộc sống thường ngày chỉ là những quả bóng nhỏ, nhưng vào những dịp lễ hội, Chak-chak sẽ có kích thước lớn hơn, ít nhất phải bằng chiếc bát canh. Chak-chak rất được người Nga yêu thích trong các dịp lễ hội.
Bánh khoai tây
Dù tên là bánh khoai tây, nhưng trên thực tế trong bánh không hề có chút khoai tây nào, mà tên gọi này xuất phát từ vẻ ngoài của bánh. Bánh có ruột màu vàng và vỏ màu nâu, chính vì vậy mà nó được mang cái tên này.
Bánh khoai tây từng là một cách để những bà nội trợ Nga tận dụng thực phẩm thừa, họ sử dụng bánh mì cũ trộn với sữa đặc, trái cây sấy, các loại hạt và một chút rượu để làm ra bánh. Sau đó, hỗn hợp được viên tròn và phủ bằng bột cacao rồi được làm lạnh để đông lại. Ngày nay, người ta không dùng bánh mì cũ nữa, thay vào đó là bánh bông lan hoặc bánh quy sữa nghiền vụn.
Bánh gối Nga
Bánh gối là món tương đối phổ biến tại Nga, tuy nhiên khác với bánh tại Việt Nam, người Nga thường hay luộc chứ không rán bánh. Bánh gối có thể là loại ngọt và mặn, tùy thuộc vào phần nhân bên trong. Người Nga có thể làm bánh gối nhân thịt, nhân bắp cải, cà rốt phiên bản ăn chay và nhân ngọt để sử dụng làm món tráng miệng.
Trong số các loại bánh gối ngọt để tráng miệng thì nhân anh đào là loại phổ biến nhất tại Nga. Những trái anh đào tươi được bọc trong lớp bột bánh gối, sau khi luộc chín, để nguội sẽ được ăn kèm chút kem chua và đường bột.
Medovik
Medovik là loại bánh ngọt mật ong có 8 lớp rất được ưa chuộng tại xứ sở bạch dương. Cốt bánh bông lan bình thường được thêm mật ong khiến bánh trở nên ẩm mượt và ngọt ngào hơn. Một chiếc bánh Medovik được coi là hoàn hảo nếu có đúng 8 lớp bánh và kem xen lẫn ở giữa.
Giữa 8 lớp bánh của Medovik có thể là bất kỳ loại kem nào mà bạn yêu thích, từ sữa đặc, kem bơ cho đến kem chua, kem sữa trứng… Những phần bánh thừa sẽ được nghiền vụn và được sử dụng để phủ lên chiếc bánh. Theo truyền thuyết, đến ngay cả người vợ khó tính, kiêu kỳ của Sa hoàng Alexander cũng phải chết mê, chết mệt chiếc bánh này.
Bánh quy Vatrushka
Chiếc bánh quy nhân mứt này đã có mặt trên đất nước Nga từ hàng ngàn năm nay. Ngày xưa, chúng là món ăn dành riêng cho vua chúa, quý tộc, ngày nay Vatrushka là món ăn vặt bình dân, dành cho mọi tầng lớp.
Vatrushka thực chất cũng giống như những loại bánh quy bơ khác, nhưng sau khi được nặn tròn, người thợ làm bánh sẽ dùng ngón tay ấn lõm một lỗ trên bề mặt của bánh rồi mới đem đi nướng. Sau khi được nướng và để nguội xong, mứt hoa quả hoặc phô mai sẽ được thêm vào chính chỗ lõm trên bề mặt bánh. Đơn giản là vậy thôi, nhưng vị giòn giòn của bánh quy và chua ngọt từ mứt quả sẽ rất dễ khiến bạn "ăn nữa, ăn mãi".
Táo nướng Nga
Hầu hết mọi vùng trên nước Nga đều rất lạnh, và vì mùa hè ngắn ngủi nên trái cây rất khan hiếm. Táo ở Nga có xu hướng chua, nhưng đầu bếp tại nơi đây đã tìm ra cách để khiến chúng trở nên ngọt ngào hơn.
Đầu tiên, táo sẽ được khoét lõi ra, rồi được ngâm vào siro ngọt. Phần táo khoét ra sẽ được ướp với đường, quế, nước chanh, chút rượu rum, trộn thêm các loại hạt và nhồi trở lại vào quả táo đã ngâm siro và cuối cùng chúng sẽ được nướng lên.
Pryanik
Công thức cổ xưa nhất của bánh gừng Pryanik đã có mặt tại đất nước Nga từ tận thế kỷ IX. Vào thời điểm đó, bánh gừng được làm từ bột lúa mạch đen trộn với mật ong và nước quả mọng. Khi gia vị Ấn Độ và Trung Đông trở nên phổ biến hơn ở Nga, công thức bánh đã được thêm vào quế, gừng, bạch đậu khấu và nhiều loại gia vị khác, khiến chúng mang tên "bánh gừng" hay "bánh mì cay".
Cái tên Pryanik của bánh xuất phát từ một từ cổ trong tiếng Nga là "pryanost", có nghĩa là "gia vị". Ngày nay, bên trong bánh còn có cả nhân mứt quả hoặc mứt sữa kiểu Nga. Thành phố Tula tại Nga nổi tiếng về món bánh gừng và ở đây có cả một bảo tàng chuyên trưng bày và giới thiệu lịch sử ra đời của món bánh này.
Nguồn: The Culturetrip
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét