Thành phố Lhasa được mệnh danh là thủ phủ của khu tự trị Tây Tạng, nằm trên bờ bắc của dòng sông Lhasa trong vùng thung lũng thuộc dãy Himalaya. Hành trình khám phá Lhasa sẽ là mãi mãi nếu như chúng ta vẫn mong trải nghiệm và vượt lên chính mình. Hành trình sẽ lần lượt khám pháTrải nghiệm các địa điểm Lhasa - Shigatse - Lhatse - Saga - Paryang - Darchen. Đích đến cuối cùng là Darchen - thị trấn ở độ cao 4.558m là cửa ngõ duy nhất để chạm vào Kailash.
Từ hồ Mặt Trời ( Manasarovar) và hồ Mặt Trăng ( Rakastal)
Đây là hồ nước ngọt cao nhất thế giới. Nó nằm ở độ cao 4.588 m so với mặt nước biển. Nó là hồ Thiện và đối với Mật Tông Tây Tạng và thế giới, thì đây là trú xứ của Thánh mẫu Phamog - người phối ngẫu tâm linh của Tổ Sư Demchokg trú xứ ở Kailash, trung ương đàn tràng của madala Ngũ Trí Như Lai, và là hóa thân của đức Đại Sư Cổ phật Tỳ Lô Giá Na, giáo chủ mật tông toàn thế giới.
Ngắm bình minh bên Hồ Mặt Trời ( Manasarovar)
Còn có một hồ nước ngọt nữa nhỏ hơn và thấp hơn tên là Rakshas Tal, tức hồ của Quỉ, là hồ Ác. Giữa hai hồ có một lạch nước nhỏ thông với nhau. Cả hai hồ Manasarovar và Rakshas Tal đều nằm dưới chân rặng núi Gurla Mandata quanh năm đầy tuyết phủ. Nước ở hai hồ này là do băng tan từ Gurla Mandata và Kailash tạo nên.
Hồ Manasarovar nổi tiếng về sự linh thiêng. Theo truyền thuyết, nếu tắm ở hồ này sẽ được mẹ Phamog độ. Vì thế, muốn lành bệnh, cắt đứt mọi nghiệp duyên, thân và tâm đều đầy ân điển thiêng liêng gia trì bởi có sự thực chứng các pháp của Mẹ và Dakini. Do vậy hàng năm khách hành hương từ Ấn Độ, Tây Tạng, Népal, Butan và các nước Âu Mỹ kéo đến khá đông. Họ cắm trại quanh hồ... để cầu nguyện, tụng kinh, đi thiền hành và tắm... Có 7 tu viện lớn của mật tông Tây Tạng ở xung quanh và một số nhà nghỉ nhỏ để phục vụ cho khách hành hương.
Check in hồ Mặt Trăng ( Rakastal) với những cung đường trải dài
… Đến núi Kailash - “ núi của sự sống”
Nơi 4 con sông lớn của tiểu lục địa Ấn Độ đều bắt nguồn từ núi Kailash. Đó là: Sông Karnali, sông Indus, sông Sutlej, sông Brahmaputra. Với độ cao 6.714m, Kailash hướng 4 mặt ra các dãy núi: phía tây là dãy núi Karakorum, phía bắc là dãy núi Côn Lôn, phía đông là dãy núi Magyal Pomra và phía nam là dãy núi Himalaya.
Kailash được mệnh danh là "vũ trụ tâm linh", nơi mà Kinh tạng Phật giáo gọi là núi Tu Di, cũng là nơi duy nhất ngày xưa Đức Phật và 500 vị A la hán đặt chân đến. Kailash là nơi linh địa được bao quanh bởi 4 quả núi của 4 vị Phật và Kim Cang trong Ngũ Trí Như Lai, các hang động của Tổ sư Milarepa, đạo tràng của Tổ sư Liên Hoa Sanh và hang động của Bồ tát Quan Âm. Ngọn núi này rất linh thiêng huyền bí tuyết phủ quanh năm, có nhiều hoa văn kỳ bí, độc đáo.
Kailash được mệnh danh là "vũ trụ tâm linh"
Những người tham gia Kora Kailash sẽ trải qua 3 ngày leo núi với con đường quanh núi dài 52km cùng với vô vàn thử thách: thử thách bởi niềm tin, sức khoẻ và hành trình khắc nghiệt của thời tiết. Rất nhiều người đã bỏ lại nơi đây cùng niềm tin tín ngưỡng trong mình. Người tham gia Kora Kailash với hy vọng sẽ có bước chuyển mới trong cuộc sống. Có người cầu xin giao phó cho mình sứ mệnh nào đó. Cũng có người đến Kailash chẳng cầu xin gì cả. Họ chỉ tạ ơn rồi thực hành Kora trong chánh niệm, hoặc quán vô ngã, vô thường. Nếu Kora Kailash trong trạng thái tỉnh thức và không mong cầu sẽ hấp thu một chút năng lượng bí ẩn nào đó từ ngọn núi linh thiêng nhất thế giới này…
Thiên nhiên và thế giới tâm linh cùng hòa quyện
Trải qua chặng đường dài đến Kailash, có lẽ phần nào khách hành hương sẽ hiểu thêm về thiên nhiên đẹp đẽ nhưng không kém phần khắc nghiệt của Tây Tạng, đặc biệt hiểu hơn về con người cũng như tín ngưỡng của người Tây Tạng nói chung và đời sống tinh thần của con người trên thế giới nói riêng.
Nhìn chuyến hành trình hành hương của người Tạng mà thấy khổ hạnh khôn cùng. Phải chăng họ cần tận cùng để thấu hiểu và minh chứng với đức tôn của mình, họ tin rằng càng khổ hạnh bao nhiêu thì họ càng gột sạch tội lỗi loài người bấy nhiêu.
Một góc nhìn từ trên cao xuống hồ thiêng Yamdrok-tso
Đối với họ, cõi này chỉ là cõi tạm, cứ rạp mình bái lạy trời xanh, bái lạy Phật tổ để kiếp sau sống thanh bình, thảnh thơi.Vì với họ kiếp sống này hữu hạn còn vô lượng kiếp là ở mai sau... “ Tam bộ nhất bái " là cách hành hương thường được chọn. Trên khắp những con đường hành hương luôn bắt gặp người dân ở đây quỳ rạp xuống đường với một niềm tin mãnh liệt. Họ thường làm lễ “Ngũ thể nhập địa”: trước tiên là 2 tay chụm lại làm thành hình như búp sen chưa nở, sau đó chạm lên đầu, chạm xuống phía dưới cằm, rồi chạm xuống ngực, thân hình theo đó mà cúi thấp xuống, 2 tay đưa về phía trước rồi đầu gối quỳ xuống cho đến khi chạm toàn thân xuống đất, khi đã nằm song song với mặt đất thì 2 tay lúc này ở phía trên đầu, ngón tay có thể lần 1 hạt trong tràng hạt hoặc bấm vào 1 máy nhỏ đeo ở cổ tay; như vậy là làm xong 1 lần lễ. Người Tạng đến Đại Chiêu Tự bày tỏ lòng thành bằng hình thức bái lạy như thế, ít nhất là lần hết 108 hạt trong tràng hạt hoặc lễ bái đến 10.000 lần.
Người Tạng đến Đại Chiêu Tự bày tỏ lòng thành bằng hình thức bái lạy
Đối với người Tây Tạng việc hành hương như vậy tới chân núi Kailash là việc cần phải làm một lần trong đời. Họ thường hành hương bằng cách đi bộ từ Lhasa tới Kailash và rất nhiều người đã bị bỏ lại trên đường do cung đường quá khắt nghiệt. Những khách hành hương khác nhìn thấy xác của kẻ đoản mệnh sẽ lấy chiếc răng của họ mang tới núi Kailash, để họ được siêu thoát và về với thiên đường… cũng là một cách kết thúc kiếp người đau khổ trong cõi này với niềm tin bất diệt nơi Phật pháp.
Hành trình tới Kailash quả là chuyến hành trình không dễ dàng chút nào. Những ai di chuyển theo chuyến hành trình này thường bị sốc về độ cao. Nhiều người mất kiểm soát, đau đầu, choáng váng, tức ngực, khó thở do thiếu oxy, mũi họng đau rát chảy máu… đó là những hiện tượng sẽ xảy đến khi cơ thể chưa kịp thích nghi với phản ứng độ cao và vô vàn những lý thú trên chặng đường dài đó.
…Và có lẽ!
Chạm tới Kailash là đã chạm sâu vào bản ngã trong con người mình, chạm tới thần thức để ở cõi bồng lai này thứ hiện hữu duy nhất chỉ còn là tinh thần và hơi thở sự sống.
Đinh Văn - Nhã Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét