Công việc không khiến nhóm trở nên giàu có, nhưng mang lại niềm vui.
Các trận đấu tăng khủng khiếp từng diễn ra tại nơi hiện nay là Belarus. Khi chiến tranh qua đi, một nhóm nhỏ vài người là thành viên trong một gia đình lại tìm đến chiến trường xưa, với hy vọng hồi sinh cho những cỗ máy đã từng tung hoành chiến trận, đang trong cảnh vùi thân nhiều mét dưới bùn lầy.
Nghề đặc biệt ở vùng đất chứa đầy xác xe tăng
Khi quân đội phát xít Đức bất ngờ tấn công Liên Xô vào mùa Hè năm 1941, xe tăng là một công cụ đóng vai trò cốt yếu giúp mang lại thành công ban đầu. Những chiếc xe tăng Đức ầm ầm lao qua biên giới và tiến thẳng về phía trước, khiến quân đội Xô Viết không có thời gian và lực lượng để chống trả. Trong bối cảnh Hồng quân liên tục thoái lui trước đợt tấn công bất ngờ, các đội hình khổng lồ của quân đội Đức tràn qua nơi hiện nay là Belarus. Nhiều trận đánh quy mô lớn đã để lại mảnh đất này vô số xác người và những cỗ máy bị hư hỏng hoặc tan nát vì trúng đạn.
Nhưng nay, gần 80 năm sau chiến tranh, những chiếc xe tăng của cả Liên Xô lẫn Đức đang được nhấc lên từ rất nhiều đầm lầy ở Belarus. Một gia đình Belarus, gồm ba cha con ruột trong nhà Yaushev, đã tìm kiếm những chiếc xe tăng này trên các vùng đất rộng lớn ở Belarus để “hồi sinh” chúng. Phóng viên BBC đã tìm tới tận Belarus để gặp gỡ họ, các “thợ săn tăng” nổi tiếng nhất tại đất nước này.
Câu nói “nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề” chẳng thể đúng hơn với lãnh đạo nhóm, ông bố Vladimir Yakushev. Cách đây nhiều năm, Vladimir kiếm sống bằng công việc kỹ sư tại một nông trang tập thể. Một ngày nọ, có người tìm đến hỏi ông cách tìm kiếm và đưa lên khỏi đầm lầy một chiếc xe tăng BT-7. Chiếc xe này đã mắc kẹt trong vùng đầm lầy Belarus kể từ năm 1942 và có thể vẫn nằm ở đó tới tận giờ.
Vladimir đi thu thập thông tin từ vài người dân cao tuổi ở địa phương và được họ xác nhận rằng chiếc xe đã vô tình chạy xuống vùng đất yếu nằm gần một con suối trong mùa Xuân 1942. Nhưng họ chẳng biết chính xác chiếc xe nằm ở chỗ nào. Sau khi tìm hiểu thực địa, Vladimir đánh giá chiếc xe đã chặn dòng chảy của con suối, làm nước đổi dòng. Quả đúng như thế, chiếc BT-7 được phát hiện tại khu vực cách dòng suối hiện nay có 10 mét!
Đó là câu chuyện của gần 20 năm trước, thời điểm Vladimir đột nhiên tìm thấy cảm hứng và niềm vui từ công việc phục chế xe tăng. Kể từ dấu mốc này, ông đã lôi lên từ dưới bùn đất hàng chục chiếc xe tăng, xe bọc thép các loại. Kinh ngạc hơn, gần như mọi chiếc trong số đó đã được phục hồi tới mức có thể tự di chuyển bình thường.
Hiện Vladimir đang làm việc trong vai trò thợ máy chính kiêm chuyên gia phục hồi tăng thiết giáp tại một tổ hợp lịch sử và văn hóa có tên “Stalin Line” gần thủ đô Minsk của Belarus. Cả hai con trai của ông, Aleksei và Maxim, đều đang làm việc cùng cha trong một khu nhà xưởng của bảo tàng.
Nhà Yakushev có một thời gian biểu thú vị. Họ làm việc và sống trong khuôn viên bảo tàng suốt 9 ngày, trước khi thực hiện một hành trình dài 270km về nhà nằm tại ngôi làng ở khu vực kế cận, và ở đây trong 5 ngày. Ở xưởng làm việc, gia đình được bố trí một căn hộ nhỏ, có một khu bếp và một phòng ngủ chung lớn với nhiều giường. “Có những khoảng thời gian chúng tôi từng phải ngủ trong xe tải”, Vladimir kể. Ông đã quen với việc đi lại từ nhà tới Stalin Line suốt 9 năm qua. Một con trai của ông quyết định theo bước cha vào năm 2010 trong khi đứa còn lại là vào năm 2012.
Nhà Yakushev không phải là những thợ săn tăng duy nhất ở Belarus. Có nhiều nhóm nghiệp dư khác cũng đi tìm những chiếc xe bị lãng quên. Tuy nhiên việc xác định vị trí và trục vớt những chiếc xe này rất tốn thời gian. Ngoài ra, cần phải có giấy phép đặc biệt để tìm kiếm và thu hồi thiết bị quân sự. Các giấy phép này được cấp rất hạn chế, với mỗi giấy đều do chính Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko phê chuẩn.
Vì lý do này, chỉ có 2 đội tìm kiếm ở Belarus có giấy phép: Đội đầu tiên là gia đình Yakushev và một chuyên gia phục chế có tên Alexander Mikalutski. Đội thứ hai, một câu lạc bộ nghiệp dư có tên Poisk, chính là nơi Vladimir và Mikalutski bắt đầu học nghề phục chế cách đây gần 20 năm.
“Giai đoạn ban đầu chúng tôi làm việc không lương. Chúng tôi nghĩ rằng mình có thể trục vớt những chiếc xe tăng, tân trang sửa chữa chúng và kiếm tiền nhờ việc đó. Nhưng thực tế là chúng tôi đã từng làm ở CLB Poisk suốt 9 năm mà chỉ được trả lương có 1 năm. Tôi đã phải trồng khoai tây, dưa chuột đem bán để có tiền sinh sống”, Vladimir nói.
Giờ thì thời khốn khó ấy đã qua. Cả đội đã nhận được một khoản lương cố định. Công việc xuất phát từ niềm vui đã biến thành một nghề có thu nhập. Quan trọng là niềm vui vẫn còn nguyên vẹn nên công việc giống như một kỳ nghỉ dài hơi vậy. “Khi kiếm được việc tốt, anh chả cần phải đi nghỉ”, họ pha trò. “Chúng tôi chỉ muốn sáng tạo”.
Một quy trình công phu và phức tạp
Mục tiêu chính của các cuộc săn tăng là những chiếc xe bị mắc kẹt lại trong bùn lầy. Rất nhiều chiếc lâm vào tình cảnh bi đát như thế là do rơi khỏi cầu xuống vùng đất xốp mềm, hoặc do lái xe không nắm rõ được địa hình nên đã đi vào khu vực đất lún. Các xe bị chìm xuống dưới nước và nằm yên trong bùn thường vẫn còn khá nguyên vẹn.
Có một thực tế là những chiếc xe tăng, ngay cả khi bị bắn cháy, vẫn ít khi bị bỏ lại. Nếu nhận thấy chiếc xe có thể sửa chữa, nhân lực từ các tiểu đoàn bảo trì sẽ kéo nó ra khỏi chiến trường. Người Đức đặc biệt giỏi trong khoản này. Chỉ khi nhận thấy rằng không thể mang xe đi được, kíp lái mới nhét đầy chất nổ vào trong và cho nổ tung nó, để vũ khí khỏi rơi vào tay kẻ thù.
“Chúng tôi đã tìm được hai chiếc xe tăng Panzers 38(t) và một pháo tự hành StuG III bị bắn cháy”, Vladimir cho biết, nói thêm rằng do cả ba xe đã gần như vỡ vụn nên nhóm phải đưa lên từng mảnh một. Trong khoảng thời gian tìm thấy và thu hồi những chiếc xe này, nhóm đã phát hiện được 5 chiếc xe tăng khác còn nguyên vẹn. “Thực ra là gần nguyên vẹn”, Vladimir thú nhận. “Chúng tôi đã phải lắp các tháp pháo mới lên chúng”.
Thường thì để có một chiếc xe tăng hoạt động, nhóm phải dùng linh kiện, thiết bị lấy từ nhiều xác xe tăng tương tự. Đơn cử như một chiếc xe thiết giáp của Séc, nay đang nằm trong bảo tàng lịch sử kỹ thuật tại Tolyatti, Nga, đã được tạo ra từ ba chiếc xe cùng loại với nó.
Trước khi tiến hành tìm kiếm một chiếc xe tăng, cả đội sẽ thu thập dữ liệu trong nhiều tháng. Họ tra cứu thông tin từ các thư viện và hỏi những cư dân cao tuổi trong vùng, với một số chỉ là trẻ con vào thời chiến tranh. Sau đó họ lang thang trong rừng rậm và các đầm lầy, để tìm dấu vết xe tăng.
Vladimir là người giàu kinh nghiệm nhất trong việc này. Ông thường dùng máy dò kim loại với các đoạn nối dài đầu dò lên tới 8 mét, để chọc sâu vào bùn lầy. Với những chỗ đầm lầy quá sâu, nhóm còn phải mặc đồ bảo vệ hóa chất khi làm việc.
“Việc săn lùng sẽ dễ hơn khi bạn được chỉ cho xem một vị trí cụ thể”, Mikalutski nói. “Nhưng để tới điểm đó, bạn vẫn phải đi nhiều cây số xuyên qua đầm lầy hoặc tuyết lạnh. Khi tới nơi, đôi khi bạn phải bò để có thể trở ra”.
Vì lý do an toàn, các thợ săn tăng không bao giờ đi vào đầm lầy một mình. Họ thường qua đêm tại khu vực gần đầm lầy, trong một chiếc xe tải. “Có lần chúng tôi đã phải ngủ trong xe khi ngoài trời lạnh tới -33 độ”, Vladimir kể. Mùa Đông thì thế nhưng mùa Hè cũng có vấn đề của riêng nó. Ban đêm muỗi xông tới hàng đàn, tưởng như chúng có thể lật tung chiếc xe để hút máu những người bên trong. Các loại thuốc đuổi muỗi hầu như không có tác dụng với muỗi đầm lầy. Vì thế khi trời nóng, điều kiện làm việc trở nên vô cùng ngắc nghiệt: Các thợ săn tăng phải mặc quần áo dày cộp, đội mũ sùm sụp dù nhiệt độ lên tới 30 độ C, chỉ để chống lại các đám mây muỗi bay xung quanh người.
Khi một chiếc xe tăng được trục vớt thành công, các quan chức từ Bộ Nội vụ sẽ tới thị sát, lấy đi đạn dược và phong tỏa khu vực để “không ai bị bắn bay đầu” do tai nạn. Sau đó người của Bộ Tình trạng Khẩn cấp sẽ hút nước tại khu vực chiếc tăng bị mắc kẹt. Cuối cùng, người từ Bộ Quốc phòng sẽ đến gỡ hết mìn nằm quanh chiếc xe tăng, đồng thời tháo dỡ đạn dược mang đi tiêu hủy. “Các vật liệu đó chưa bao giờ phát nổ cả”, Vladimir nói, nhưng cho biết ông vẫn thường gõ vào một khúc gỗ ba lần để lấy may.
Sau khi nước được rút cạn, người ta sẽ móc cáp thép cỡ lớn vào chiếc xe tăng và dùng xe tải hạng nặng kéo nó ra khỏi đầm lầy. Bằng cách này, nhóm đã đưa một chiếc KV-1 lên mặt đất vào tháng 11.2015. Vladimir cho biết chiếc xe bị kẹt lại tại một đầm lầy gần Senno, vùng Vitebsk, vào tháng 7.1941, khi một trong những trận đấu tăng lớn nhất Thế chiến 2 diễn ra. Trong trận đó, khoảng 2.000 xe tăng và thiết giáp đủ loại từ đôi bên đã tham chiến.
Kết thúc trận chiến kéo dài, Hồng quân được lệnh rút lui. Các xe tăng phải chạy xuyên qua rừng để tránh việc bị máy bay săn tăng tấn công. Kết quả là chiếc KV-1 nặng 47 tấn bị mắc kẹt lại trong một đầm lầy. Kíp lái đã cố kéo chiếc xe ra khỏi đất lún. Họ còn nhờ dân làng đặt gỗ xuống dưới các bánh xích của xe. Tuy nhiên chiếc xe vẫn mắc kẹt nên những người lính phải gài thuốc cho nổ xe. Cú nổ cực mạnh đã khiến tháp pháo của xe văng xa tới hàng trăm mét, còn thân xe chìm xuống bùn lầy, nhưng sống sót cho tới ngày hôm nay. Trong quá trình trục vớt, người ta đã tìm thấy 8 viên đạn vẫn có thể sử dụng được trong xe.
Cần phải nói thêm một chút về KV-1. Đây là một chiếc xe nổi tiếng, với khả năng kháng cự rất tốt trước vũ khí chống tăng dưới thời của nó. Xe còn được trang bị một khẩu pháo 76mm cực mạnh, giúp nó đủ sức bắn hạ bất kỳ xe tăng Đức nào.
Thời điểm Đức xâm lược Liên Xô vào tháng 6.1941, xe KV-1 và xe tăng mang tháp pháo khổng lồ KV-2 mới chỉ đi vào trang bị. Vì thế các xe này đã trở thành cú sốc lớn với các tổ lái tăng của Đức. Trong một trận đánh diễn ra tại khu vực nay là Lithuania vào tháng 6.1941, một chiếc KV-2 đơn lẻ đã có thể cầm chân cả sư đoàn xe tăng Panzer của Đức trong suốt một ngày trời. Người Đức điều xe tăng, pháo chống tăng 50mm và cả pháo 88mm huyền thoại tấn công chiếc xe, nhưng những lực lượng này đều bị tiêu diệt trước khi có thể ra tay. Sau đó người Đức phải tiến hành tấn công hiệp đồng giữa xe tăng, bộ binh và pháo 88mm mới có thể hạ được chiếc xe. Người Đức quá ấn tượng với những chiếc KV nên đã đặt cho chúng biệt danh “chướng ngại thép”.
Khi trục vớt những chiếc xe tăng, nhóm của Vladimir không chỉ tìm thấy đạn pháo mà còn cả kẹo sôcôla, lược chải tóc và nhiều vật dụng cá nhân khác. Vladimir còn nhớ khi nhóm tìm thấy một chiếc xe tăng hạng trung Panzer III của Đức bị rơi xuống đầm lầy ở khu vực Vitebsk. “Chiếc xe đó còn gần như mới nguyên, vì mới chạy được 400km. Kíp lái vội vã bỏ xe nên tất cả còn ở nguyên vị trí”, ông nói. Trong xe ông tìm thấy một chiếc ống nhòm, các đôi tất, sách giáo khoa về nông nghiệp và cả sổ sách kế toán. Dường như người Đức tin chắc họ có thể chinh phạt Liên Xô thành công nên đã lên kế hoạch cho hoạt động tái thiết sau chiến tranh.
Một gói đồ cá nhân thuộc về thành viên kíp lái người Đức đã được phát hiện bên trong chiếc xe tăng. Trong gói đồ có những chiếc lược và dao cạo râu của Liên Xô. “Chúng tôi thậm chí đã ăn sôcôla Đức từ chiếc xe tăng này”, Mikalutski cho biết. Giờ thì chiếc xe tăng đã qua phục chế được đặt trong Bảo tàng quốc gia về cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Belarus nằm tại Minsk. Đã có lúc nhóm tìm thấy một chiếc xe tăng với nguyên kíp lái ở bên trong. Những mẩu xương người trong chiếc xe sau đó đã được chuyển tới Bộ Quốc phòng Belarus.
Thường thì việc trục vớt xe tăng dễ hơn nhiều so với công tác phục hồi. Trong chiến tranh, hoạt động chế tạo xe tăng đã đạt những bước tiến khổng lồ, ở cả Đức lẫn Liên Xô. Khoảng thời gian giữa giai đoạn thiết kế ban đầu và hoạt động sản xuất hàng loạt được rút ngắn tối đa.
Đôi khi những chiếc xe tăng được đưa vào sản xuất quá sớm, khi chúng chưa thực sự hoàn thiện. Ví dụ như khi chiếc tăng T-34 huyền thoại được đưa vào sản xuất hàng loạt hồi đầu năm 1941, chỉ tới cuối năm đó người ta đã thực hiện hơn 800 chỉnh sửa trên thiết kế ban đầu, với một số yêu cầu việc sử dụng phụ tùng hoàn toàn mới. Vì lẽ đó khi các nhà phục chế muốn lắp ráp một chiếc xe tăng dựa trên nhiều xác tăng, đôi khi họ phải chơi một trò xếp hình rất khó nhằn.
“Anh lấy một bánh răng trung gian nằm trong puli dẫn hướng của một chiếc tăng T-34 ra đời năm 1942 và tìm cách lắp nó vào mẫu tăng tương tự sản xuất năm 1941. Nhưng rồi anh nhận ra hai bộ phận không giống nhau”, Vladimir cho biết.
Đôi khi Vladimir là người duy nhất có thể biết cách sửa chữa lỗi hoặc kiếm phụ tùng để xử lý nguyên nhân vì sao xe tăng không khởi động. Vladimir đã theo học ngành cơ khí và là một thợ máy giàu kinh nghiệm. Để giúp cha, con trai anh là Maxim đã trở thành một thợ hàn lành nghề, trong đứa con trai còn lại, Aleksei, thành thợ sơn. Về phần mình, Mikalutski là cựu kỹ sư của lực lượng thủy quân lục chiến và có 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu hải quân, cứu nạn.
Không phải mọi chiếc xe tăng đều giống nhau. “Nếu anh muốn thay đổi một phụ tùng trong một chiếc xe tăng Đức, anh phải tháo tung tới nửa chiếc xe”, Vladimir cho biết. “Trong khi đó, xe tăng Liên Xô được thiết kế để có thể lắp ráp và sửa lỗi thật nhanh, bởi trong chiến tranh, ngay cả trẻ con cũng có thể tham gia chế tạo những chiếc xe như thế”.
Không giàu vì nghề, nhưng có niềm vui
Tổng cộng, chiếc KV-1 mà nhóm tìm thấy phải mất 5 tháng phục chế để trở lại hoạt động. Quân đội Belarus quyên tặng cho nhóm một pháo tự hành với các phụ tùng tương tự trên chiếc KV. Trong khi đó, cơ quan đường sắt Belarus tặng một động cơ máy kéo, đã được hoán cải từ động cơ của một pháo tự hành. Nhờ những món đồ này, chiếc KV-1 đã có thể hồi sinh. Và nhìn từ bên ngoài, nó chỉ khác phiên bản gốc ở một vài chi tiết.
Vậy sau khi được phục hồi, những chiếc xe tăng sẽ đi về đâu? Câu trả lời là một số sẽ lên các tượng đài (gần như mọi thành phố ở Belarus đều có một tượng đài xe tăng như thế) trong khi số khác sẽ vào các bảo tàng ở Belarus hoặc Nga. Không dễ để bán những xe này ra nước ngoài. Quy định hiện này chỉ cấp phép bán một chiếc xe tăng cổ, nếu ở trong nước có hơn hai mẫu xe tương tự.
Chiếc tăng BT-7 mà nhóm hồi sinh là phiên bản duy nhất có khả năng hoạt động trên thế giới. Khi chạy bằng bánh hơi, xe có thể đạt tốc độ 70km/giờ. Phiên bản bánh xích có tốc độ thấp hơn, chỉ 55km/giờ. Nhưng vào thời điểm BT-7 ra đời hồi năm 1935, đây là chiếc xe tăng nhanh nhất thế giới, với khả năng lướt bon bon qua nhiều địa hình khác nhau.
Ngoài Nga và Belarus, nhóm từng bán một chiếc xe thiết giáp Đức, mẫu SdKfz 252, cho một nhà sưu tầm ở Anh và một chiếc xe tăng hạng nặng IS-2 của Liên Xô cho một nhà sưu tầm tư nhân tại Latvia. Tuy nhiên các thương vụ này không giúp họ giàu lên. Vladimir hiện vẫn đi lại trên một chiếc xe SUV Niva cũ kỹ từ thời Liên Xô. Thi thoảng xe dở chứng hỏng giữa đường, nhưng may mắn là cha con ông đều giỏi sửa chữa máy.
Đa phần những chiếc xe tăng được tìm về sẽ nằm lại trong khuôn viên bảo tàng Stalin Line. Các mẫu tăng hoạt động được tập trung trong khu sửa chữa. Thông thường nếu không tham gia đội hình tăng được trưng bày, chúng có thể được dùng trong các cuộc diễu binh hoặc đóng phim. Các nhà sản xuất trò chơi World of Tanks nổi tiếng từng tìm tới đây để ghi lại âm thanh động cơ của nhiều mẫu xe tăng khác nhau, nhằm có được chất lượng tốt nhất.
Ngoài ra, ít nhất 15 lần mỗi năm, bảo tàng sẽ dùng các xe trong bộ sưu tập để mô phỏng một trận đấu tăng trong Thế chiến hai. Thường thì nhóm phục chế sẽ lái chiếc xe tăng mới được “hồi sinh” gần nhất, vì họ sợ người khác không biết cách điều khiển thuần thục chiếc xe có thể phá hỏng nó, khiến nỗ lực bao lâu nay đổ xuống sông.
Ở trận chiến giả lập gần đây, chiếc KV-1 của bảo tàng vờ phá hủy hai chiếc xe tăng Đức, một mẫu Panzer III và một mẫu Panzer 38(t). Tuy nhiên các nhà phục chế tăng không bao giờ yêu quý chiếc tăng nào hơn, vì với họ mỗi chiếc xe đều rất đặc biệt.
“Trước kia, chúng tôi chủ yếu phục chế xe tăng Liên Xô. Nhưng kể từ khi hoạt động giả lập diễn ra, chúng tôi phải tìm và hồi sinh nhiều xe tăng Đức hơn”, Mikalutski nói. “Mỗi lần tìm được một chiếc xe tăng Đức, chúng tôi vô cùng thích thú. Và khi một cỗ máy có thể tự rời xưởng sửa chữa, nước mắt chúng tôi luôn rơi xuống vỏ thép của xe, vì vui sướng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét