THEO HELINO
Bị bỏ hoang gần 50 năm nhưng nhà ga xe lửa xuyên quốc gia Canfranc vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính vốn có và trở thành địa điểm du lịch của du khách đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Ga xe lửa quốc tế Canfranc nằm sâu trong thung lũng sông Aragon sát vùng biên giới Tây Ban Nha - Pháp. Nơi đây từng là một phần trong kế hoạch mở rộng biên giới nhằm thúc đẩy thương mại và quan hệ quốc tế giữa 2 quốc gia. Ngày khánh thành nhà ga vào năm 1928, vua Alfonso XIII của Tây Ban Nha lẫn tổng thống Pháp đương nhiệm Gaston Doumergue đều có mặt tham dự, chứng tỏ tầm quan trọng của dự án đường sắt này.
Nhà ga Canfranc đại diện cho niềm mơ ước của các kiến trúc sư với kết cấu từ dầm sắt và kính. Bao quanh nó là một khu liên hợp có cả bệnh viện, nhà hàng và nhà nghỉ cho nhân viên hải quan của Pháp và Tây Ban Nha. Sảnh chính bên trong ga có 365 cửa sổ tượng trưng cho 365 ngày trong năm, hàng trăm cánh cửa và khu sân ga dài hơn 200m. Canfranc từng là nhà ga lớn thứ 2 thế giới và được mệnh danh là “Titanic vùng núi” bởi độ hoành tráng choáng ngợp của nó.
Thế nhưng, việc vận hành ga Canfranc lại không diễn ra suôn sẻ như kỳ vọng. Nhà ga này chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế vào năm 1929. Sau đó vài năm, do tình hình nội chiến căng thẳng, chính phủ Tây Ban Nha ban lệnh phong tỏa nhà ga nhằm ngăn chặn nạn buôn lậu vũ khí. Suốt một thời gian dài, nơi đây chỉ đón tiếp vỏn vẹn khoảng 50 khách đi tàu mỗi ngày, lợi nhuận thu về không đủ bù đắp cho khoản tiền khổng lồ đã bỏ ra để xây dựng nên nó.
Dù Tây Ban Nha và Pháp đồng sở hữu nhà ga nhưng nơi đây vẫn tồn tại 2 tuyến đường ray riêng biệt. Nguyên nhân bởi vì quy định kích thước đường ray tiêu chuẩn của mỗi quốc gia khác nhau. Điều này dẫn đến việc khách từ Tây Ban Nha muốn sang Pháp buộc phải đổi tàu để nối chuyến và ngược lại. Hàng hóa vận chuyển giữa 2 nước bị trì trệ cũng bởi do mất thời gian dỡ hàng xuống và đưa hàng lên lại.
Thế chiến thứ II kết thúc, chính phủ Pháp cũng không còn hứng thú với nhà ga Canfranc và quyết định bỏ phế nó. Dù không đồng ý với cách làm việc của Pháp bởi trước đó 2 bên đã thỏa thuận cùng duy trì bảo tồn nhà ga nhưng Tây Ban Nha vẫn không chi số tiền quá lớn để tu sửa lại nơi này. Vào năm 1970, một con tàu đã bị trật đường ray, đâm vào một cây cầu bên dãy núi thuộc Pháp và sự kiện này đã chính thức kết thúc hoạt động của ga Canfranc.
Dẫu vậy, từ khi bỏ hoang đến nay, nhà ga Canfranc vẫn thu hút lượng lớn khách du lịch ghé thăm và chụp ảnh lưu niệm. Hầu hết mọi người đều ấn tượng với kiến trúc mang đậm chất châu Âu cổ điển, sang trọng của nhà ga dù không ít khu vực bên trong đã bị hư hỏng nặng do sự tàn phá của thiên nhiên.
Cách đây vài năm, chính phủ Aragon, khu tự trị thuộc Tây Ban Nha, đã mua lại ga Canfranc với mong muốn biến nó thành khách sạn hạng sang. Ngoài ra, chủ sở hữu mới còn muốn xây lại một nhà ga mới bên cạnh và mở cửa lại tuyến đường sắt đi qua dãy núi Pyrenees xinh đẹp.
(Nguồn: CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét