Đống đổ nát Ephesus - chuyến du hành ngược trở về 3000 năm trước
Những tàn tích cho thấy các cuộc cướp phá của người Ả Rập vào cuối thế kỷ 7 cùng với những trận động đất lớn đã làm cho thành phố cổ Ephesus (Thổ Nhĩ Kỳ) bị suy sụp nhanh chóng.
Ephesus là thành phố cách huyện Selcuk, tỉnh Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ 3 km về phía tây nam, thuộc vùng duyên hải Ionia. Cách thành phố Izmir 80 km (Izmir là thành phố lớn thứ 3 của nước này với 12.000 km2, dân số 4,5 triệu dân và là thành phố cảng biển lớn thứ 2 sau Istanbul).
Đại lộ chính của Ephesus thênh thang với hai hàng cột cẩm thạch, dọc hai bên đường là các tòa nhà hội họp, nơi bàn vấn đề quốc sự. Trên đại lộ này có ngôi đền thờ Hadrian xây từ thế kỷ thứ 2, thờ vị minh quân Hadrianus của Đế quốc La Mã.
Thành trì của người La Mã rộng khoảng 224 ha, trong khi đó những vùng đất xung quanh không có dấu hiệu của các khu định cư. Do vậy nhiều nhà khoa học cho rằng Ephesus rất thịnh vượng thời điểm này và dân số chỉ từ 33.600 - 56.000 dân.
Ở gần cuối đại lộ, cách đền thờ Hadrian khoảng 500 m là khối kiến trúc đồ sộ của thư viện cổ Celsus xây dựng vào khoảng năm 110, gồm hai tầng thiết kế đẹp mắt và độc đáo để bảo quản 12.000 cuốn sách quý. Đây là một công trình kiến trúc La Mã cổ đại, là một trong những tòa nhà ấn tượng nhất dưới Đế chế La Mã hoàn thành vào khoảng những năm 114-117. Bên dưới thư viện có một quan tài bằng đá cẩm thạch, nơi chôn cất Celsus (Quan chấp chính năm 110). Thư Viện Celsus là "thư viện lớn thứ ba trong thế giới cổ đại" sau thư viện Alexandria và Pergamum.
Các cuộc khảo cổ ở Ephesus và vùng phụ cận cho thấy con người xuất hiện ở đây khoảng 6.000 năm cách ngày nay. Năm 1954 người ta tiếp tục phát hiện một nghĩa địa cổ có liên hệ với nền văn minh Mycenea (khoảng 1500-1400 trước Công nguyên) ở gần khu vực Vương cung thánh đường Thánh Gioan.
Vào thế kỷ 10 (trước CN), Hoàng tử Androlos của Athen đã chạy đến đây thành lập vương quốc của mình sau khi đánh đuổi người bản địa. Văn hóa Hy Lạp được in đậm ở Ephesus thời kỳ này.
Tới thế kỷ 6 (trước CN) đền thờ Nữ thần Artemis được xây dựng. Đây là tòa nhà lớn nhất thời kỳ cổ đại ở Ephesus.
Năm 356 BC đền thờ Artemis bị một người điên là Herostratus đốt cháy, nhân dân Ephesus đã xây dựng lại đền thờ này.
Từ năm 263-197 (trước CN), Ephesus nằm trong sự cai trị của Ai Cập. Trong khi các cuộc chinh phạt của người La Mã tới các vùng đất của người Hy Lạp đang dành được nhiều thắng lợi. Năm 146 (trước CN) La Mã đã hoàn thành xong việc thôn tính Hy Lạp, Ephesus bị rơi vào sự kiểm soát của La Mã.
Thời kỳ này, người La Mã đã cho xây dựng nhiều công trình vĩ đại như: Thư viện Celsus, đền thờ Hadrian, nhà hát ngoài trời có sức chứa 25.000 người (ảnh).
Trong đó có hệ thống đường ống dẫn nước to bé khác nhau (ảnh), nhà tắm công cộng, nhà máy xay vận hành bằng nước, máy cưa đá cẩm thạch...
Tuy nhiên, vào năm 263 (sau CN), thành phố Ephesus đã bị người Goths xâm lược và phá hủy toàn bộ.
Năm 614, thành phố bị phá hủy nặng bởi động đất. Con sông Cayster (nay là sông Menderes) bị phù sa bồi đắp. Con đường ra biển Agean trở lên vô cùng khó khăn, bến cảng thương mại bị ngừng trệ.
Nhiều người bỏ đi nơi khác kiếm sống, lên các đồi cao hơn định cư, nhiều đền đài bị san lấp để xây dựng ra những khu nhà mới trên nền cao hơn.
Các tác phẩm bằng đá cẩm thạch bị xay làm bột thạch cao... Rồi những cuộc xâm nhập cướp phá của người Ả Rập vào cuối thế kỷ 7, đầu thế kỷ 8 đã làm cho Ephesus suy sụp nhanh chóng.
Năm 1090, người Thổ Seljuk chinh phục Ephesus. Lúc này nơi đây chỉ còn là một ngôi làng nhỏ. Thậm chí theo ghi chép của các cuộc Thập Tự chinh đến Ephesus vào năm 1147, các nhà cầm quân còn rất ngạc nhiên về một thành phố vốn được đồn đại là giàu có, sầm uất mà khi họ tới chỉ là một ngôi làng nhỏ.
Chiếc áo quan của thời đó vẫn còn tồn tại nguyên vẹn cho đến nay.
Khu vực bệ xí của người xưa.
Năm 1304, một Lãnh chúa người Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm Ephesus. Họ đuổi những người theo đạo Kito đi, phá bỏ vương cung Thánh đường Gioan và xây dựng nhà thờ Hồi giáo Isa bay và nhiều nhà tắm Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, một thành phố cảng biển khác được xây dựng cách đó 3 km là Ayasulud. Năm 1425 Ephesus nằm trong sự kiểm soát của Ottoman. Thế kỷ 15 Ephesus bị bỏ hoang. Thị trấn Ayasulud được đổi tên thành Selcup vào năm 1914.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét