Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

Lý do nhiều ngôi nhà ở Anh đều bịt kín cửa sổ bằng gạch

Chính phủ Anh một thời tin rằng việc đánh thuế lên những ngôi nhà có nhiều cửa sổ là cách đem lại sự công bằng trong xã hội.


Du khách khi đến Anh, ngoài tham quan các lâu đài cổ, ngôi làng đẹp như tranh vẽ thì thường chú ý đến một thứ kỳ lạ ở đây. Đó chính là những tòa nhà cổ với các ô cửa sổ bị bịt kín bằng gạch.
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 1696, khi chính phủ Anh cho ra đời thuế cửa sổ. Loại thuế này nhằm "đánh" vào tầng lớp giàu có, những người luôn ở trong các ngôi nhà rộng lớn.
Một ngôi nhà có cửa sổ bị bịt kín bằng gạch ở Greenwich. Ảnh: Amusingplanet.
Một ngôi nhà có cửa sổ bị bịt kín bằng gạch ở Greenwich. Ảnh: Amusingplanet.
Nhà càng rộng, càng lớn thì số lượng cửa sổ càng nhiều. Do đó, trong mắt các nhà lập pháp bấy giờ, nhà nào càng nhiều cửa sổ thì lại càng bị đánh thuế cao. Người ta cũng vin vào lý do "cướp ánh sáng ban ngày" với những nhà có nhiều cửa sổ, để thu thuế.
Còn với dân nghèo, họ sống trong các ngôi nhà nhỏ hơn, do đó cần ít cửa sổ hơn và đóng thuế cũng ít hơn. Để người nghèo cảm thấy dễ thở hơn, chính phủ cũng đề ra quy định: những ngôi nhà có ít hơn 10 cửa sổ thì sẽ được miễn thuế này hoàn toàn, theo Amusing Planet.
Sau 156 năm, vào năm 1851, cuối cùng loại thuế không giống ai này cũng đã được loại bỏ. Ảnh: Amusing Planet.
Sau 156 năm, vào năm 1851, loại thuế không giống ai này cũng đã được loại bỏ. Ảnh:Amusing Planet.
Tuy nhiên, thuế cửa sổ vẫn khiến người nghèo điêu đứng. Tại các thành phố lớn và thị trấn, nhiều gia đình nghèo không có tiền mua nhà nên phải sống trong các tòa nhà chung cư lớn với nhiều cửa sổ. Với những tòa nhà càng nhiều cửa sổ, thuế phải đóng càng nhiều. Tất nhiên, thuế này sẽ do người chủ của ngôi nhà đóng. Nhưng số tiền đóng thuế này được họ thu lại bằng cách tăng giá thuê nhà của người nghèo.
Dân nhà giàu cũng không để mình bị chính phủ "móc ví" mãi. Họ nghĩ ra nhiều cách lách luật. Một trong số đó là cho bít kín các cửa sổ trong ngôi nhà bằng gạch. Do vậy, các tòa nhà khi mới xây dựng, số cửa sổ bị giảm đáng kể. Thậm chí, có những ngôi nhà còn không có cửa sổ, nhằm tránh thuế.
Để không phải trả tiền thuế cao, nhiều người đã phải sống trong những ngôi nhà thiếu ánh sáng. Việc thu thuế dựa vào số lượng cửa sổ cũng gây ức chế trong dư luận. Một trong những người từng lên tiếng chỉ trích quy định này là đại văn hào Charles Dickens.
Thuế cửa sổ chỉ là một trong số các khoản thuế vô lý mà chính phủ Anh trước đây từng đưa ra để tìm cách thu tiền của dân. Một loại thuế phi lý khác từng được đưa ra là thuế gạch, xuất hiện lần đầu vào năm 1784 dưới thời vua George III. Việc thu thuế này nhằm giúp chính phủ có thêm tiền để chi trả cho các cuộc chiến tranh ở thuộc địa.
Một lần nữa, người dân lại tìm cách đối phó với chính quyền bằng việc tăng kích cỡ của viên gạch. Vì số lượng viên gạch dùng xây nhà càng ít họ càng phải chịu ít thuế. Ngày nay, du khách khi tới Measham, Leicestershire vẫn có thể tìm thấy những ngôi nhà được xây bằng những viên gạch to quá khổ.
Tương tự như vậy, từ năm 1662 đến 1689, nước Anh lại áp thuế với lò sưởi.

Anh Minh

Ý nghĩa bất ngờ phía sau những hàng rào xấu xí ở Anh

Những hàng rào sắt ngoằn ngoèo nằm rải rác London từng là công cụ để cứu mạng sống của hàng nghìn người.

Nhiều khu nhà ở khắp London được bao quanh bởi những hàng rào thép đen với lan can bằng lưới, các đường viền ngoằn ngoèo và dòng chữ đặc biệt được khắc bên cạnh. 
Thoạt nhìn, những hàng rào này chỉ gây ấn tượng với du khách về hình dáng kỳ lạ. Thậm chí một số người còn cho rằng trông chúng thật xấu. Tuy nhiên, phía sau sự ra đời của chúng lại là cả một câu chuyện dài. 
Những hàng rào sắt này có thâm niên từ thế chiến thứ hai. Ảnh: Amusing.
Những hàng rào sắt này có thâm niên từ thế chiến thứ hai. Ảnh: Amusing.
Theo AmusingPlanet, "tiền thân" của những hàng rào thép này là cáng cứu thương trong chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng được sản xuất để phục vụ việc cứu trợ y tế đối với người dân và binh lính Anh. Đó là lý do góc của mỗi rào chắn đều cong lên. Đây chính là phía tay cầm để khiêng cáng.
Những rào chắn kia từng là cáng để hỗ trợ thương binh. Ảnh: AmusingPlanet.
Những rào chắn kia từng là cáng để hỗ trợ thương binh. Ảnh: AmusingPlanet.
Trong những năm 1930, chính phủ Anh đã sản xuất hơn 600.000 chiếc cáng như thế ở Hertfordshire và Tây Midlands. Chính phủ Anh muốn chúng có thể vận chuyển bệnh nhân và khử trùng dễ dàng. Tuy nhiên, những người bệnh nằm trên cáng cho biết họ cảm thấy khó chịu.
Sau chiến tranh, những chiếc cáng được tái sử dụng để thay thế những hàng rào đã bị hỏng hóc. Ngày nay, du khách có thể nhìn thấy những hàng rào cáng này tại nhiều địa phương quanh London như Peckham, Brixton, Deptford, Oval...
Một số rào chắn ngày nay đang trong tình trạng hỏng hóc nặng nề. Một số khác đã bị chính quyền địa phương tháo dỡ, thay vào đó những cái mới đẹp hơn. Tuy nhiên, theo Hiệp hội đường sắt Stretcher, những hàng rào này là một phần quan trọng của di sản Anh và chúng cần được bảo tồn. 
Ý nghĩa bất ngờ phía sau những hàng rào xấu xí ở Anh - 2
Ngày nay, những hàng rào này được nhiều người coi là di sản của nước Anh và chúng cần được bảo tồn. Ảnh: AmusingPlanet.
Anh Minh

Không có nhận xét nào: