Thứ Năm, 24 tháng 5, 2018

Chơi đủ trò tại lễ hội Tapati của cư dân Đảo Phục Sinh

TTO - Đầy màu sắc, ngoạn mục, hoành tráng là những từ ngữ ngắn gọn để miêu tả về lễ hội truyền thống Tapati được tổ chức hàng năm của người Rapa Nui trên đảo Phục Sinh, Chile.

Lễ hội Tapati lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1969 với tên gọi là Semana de Rapa Nui nhằm quảng bá du lịch trên đảo Phục Sinh. Vào thời điểm đó, lễ hội thường diễn ra vào mùa hè với những màn ca hát, nhảy múa và một cuộc diễu hành nhỏ.
Dần dần, lễ hội tổ chức ngày càng quy mô hơn và nhận được nhiều sự quan tâm của du khách khi đến thăm hòn đảo ở phía đông nam Thái Bình Dương này.
Video tạm dừng
Màn nhảy múa sôi động quyến rũ trong lễ hội Tapati
Mỗi dịp hè hàng năm, đảo Phục Sinh (Rapa Nui) bỗng trở nên sôi động với một loạt các cuộc thi như âm nhạc, triển lãm nghệ thuật, điêu khắc, nhảy múa, đua ngựa, bơi thuyền,… giữa những bộ tộc người Rapa Nui.
Trong lễ hội Tapati, cư dân trên đảo sẽ được chia làm hai phe, mỗi "liên minh" sẽ chọn ra một nữ hoàng để đại diện và "dẫn dắt" họ trong các cuộc thi. Phe chiến thắng sẽ có quyền được đề cử "Nữ hoàng của hòn đảo" cho năm đó.
Sự kiện đặc biệt này diễn ra trong suốt hai tuần đầu tiên của tháng Hai và sẽ kết thúc bằng việc trao vương miện "Nữ hoàng".
Chơi đủ trò tại lễ hội Tapati của cư dân Đảo Phục Sinh - Ảnh 2.
Một thí sinh tham gia cuộc thi trượt dốc Haka Pei trong khuôn khổ lễ hội Tapati. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Một trong những phần ngoạn mục, ấn tượng nhất trong khuôn khổ lễ hội Tapati đó là cuộc thi ba môn phối hợp - Taua Rapa Nui. Cuộc thi được tổ chức bên miệng núi lửa Rano Raraku với ba phần thi chính: Pora, Aka Venga và Vaka Ama.
Các phần thi Taua Rapa Nui luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân bản địa và khách du lịch.
Trong đó phải kể đến màn đua thuyền mang tên Pora.
Chơi đủ trò tại lễ hội Tapati của cư dân Đảo Phục Sinh - Ảnh 3.
Các thí sinh trong phần thi đua thuyền Pora trên hồ nước ngọt bên trong miệng núi lửa Rano Raraku. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Pora là phần đầu tiên của cuộc thi ba môn phối hợp Taua Rapa Nui. Những người tham gia phải thể hiện sức mạnh và sự khéo léo của mình bằng cách chèo những chiếc thuyền được làm từ cây sậy vượt qua quãng đường 1.500m trên mặt hồ.
Các thí sinh tham gia đều mặc trang phục truyền thống và trang trí cơ thể bằng sơn màu.
Chơi đủ trò tại lễ hội Tapati của cư dân Đảo Phục Sinh - Ảnh 4.
Phần thi Aka Venga là dịp thách thức thể chất và sức chịu đựng của các thí sinh trong lễ hội Taua Rapa Nui. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Aka Venga là phần thứ hai của cuộc thi ba môn phối hợp Taua Rapa Nui. Các thí sinh tham gia sẽ chạy bộ quanh hồ với hai buồng chuối lớn. Đây được coi là phần thi vắt sức nhất trong cuộc thi ba môn phối hợp.
Chơi đủ trò tại lễ hội Tapati của cư dân Đảo Phục Sinh - Ảnh 5.
Một thí sinh trong phần thi Vaka Ama. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Trong chặng cuối cùng của cuộc thi ba môn phối hợp Taua Rapa Nui, các thí sinh phải bơi trên hồ với một chiếc bè nhỏ được làm từ cây sậy.
Chơi đủ trò tại lễ hội Tapati của cư dân Đảo Phục Sinh - Ảnh 6.
Takona, nghệ thuật vẽ cơ thể tại lễ hội Tapati. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Ngoài ra, một phần của lễ hội Tapati đó là phần thi vẽ trang trí cơ thể Takona, được những người đàn ông trẻ tuổi rất chú ý.
Họ sử dụng kỹ thuật trộn bột màu tự nhiên với đất sét để trang trí lên các vị trí trên cơ thể. Tính thẩm mỹ cũng như ý nghĩa tượng trưng của Takona kết hợp với trang phục truyền thống luôn được những người đàn ông Rapa Nui coi trọng.
Chơi đủ trò tại lễ hội Tapati của cư dân Đảo Phục Sinh - Ảnh 7.
Một tay đua Haka Pei chuẩn bị trước phần thi. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Phần cao trào của lễ hội Tapati chính là đua Haka Pei được tổ chức trên ngọn đồi Cerro Pui. Hàng chục thí sinh chỉ mặc một chiếc khố hẹp bằng da động vật, sẽ dùng tốc độ nhanh nhất lao xuống dốc trên một chiếc "xe trượt" làm từ hai thân cây chuối. Các thí sinh sẽ lao xuống từ con dốc dài 120m, nghiêng 45o với tốc độ có thể đạt đến 80km/h.
Chơi đủ trò tại lễ hội Tapati của cư dân Đảo Phục Sinh - Ảnh 8.
Các thí sinh trong phần thi đua ngựa. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Một phần thi cũng nhận được sự chú ý của khán giả đó là đua ngựa dọc theo một con đường mòn nằm ven bờ biển.
Chơi đủ trò tại lễ hội Tapati của cư dân Đảo Phục Sinh - Ảnh 9.
Những thanh thiếu niên tham gia biểu diễn điệu nhảy truyền thống của người Rapa Nui trong lễ hội Tapati. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Vào buổi tối, đó là thời điểm bắt đầu của những điệu nhảy truyền thống. Những thanh thiếu niên tham gia sẽ có cơ hội thể hiện khả năng vũ đạo của mình trên một sân khấu được xây dựng trên cánh đồng Hanga Vere Vere, bên ngoài thị trấn Hanga Roa.
Chơi đủ trò tại lễ hội Tapati của cư dân Đảo Phục Sinh - Ảnh 10.
Umu tahu được chế biến từ thịt bò và cá được chuẩn bị và phục vụ tại lễ hội Tapati. Ảnh: Jean-Bernard Carillet/Lonely Planet
Một phần quan trọng trong lễ hội Tapati là thưởng thức ẩm thức. Món ăn trong lễ hội này đều mang hương vị truyền thống, được chính người dân trên đảo chế biến từ những nguyên liệu địa phương.
Khách du lịch được mời gọi thưởng thức Umu Tahu, một món nướng đặc trưng được chế biến từ thịt bò và cá.
Cũng trong thời gian diễn ra lễ hội Tapati, nhiều thợ thủ công có tay nghề trên đảo Phục Sinh sẽ trưng bày và bán các sản phẩm được làm bằng tay như dây chuyền vỏ sò, giỏ và các đồ chạm khắc từ gỗ và đá…

MINH HẢI (Tổng hợp)

Một ngày trên đảo Phục Sinh

Với nhiều du khách phương Tây, đảo Phục Sinh trên Thái Bình Dương được coi là “The Ultimate Destination” – nghĩa là điểm đến tối thượng, hay cũng có thể hiểu là điểm đến cuối cùng bởi mức độ khó khăn của hành trình đến đây. Muốn đến đảo Phục Sinh, khách phải đến Chile rồi đi máy bay từ thủ đô Santiago. Một cách có vẻ đỡ mất công hơn là đến thăm đảo bằng du thuyền. Cách này thì không phải đến tận Chile nhưng rủi ro khá cao vì cứ ba chuyến du thuyền đến gần đảo sẽ có một chuyến phải bỏ cuộc do thời tiết xấu. Chính quyền đảo Phục Sinh không chịu xây cảng đón du khách nên tàu du lịch đến đây chỉ được thả neo ở xa rồi đưa khách lên canô chở vào đảo.
Một ngày trên đảo Phục Sinh
Từ một hòn đảo tươi tốt, Rapa Nui giờ trông có vẻ khô cằn

Hòn đảo cô đơn

Chúng tôi chọn hành trình mang tên World Cruise với tàu Amsterdam của hãng Holland-America Line vì tour này có ghé đảo Phục Sinh. Tàu khởi hành từ Miami, đi đến các đảo vùng Caribbean, ghé thăm Trung Mỹ, xuyên kênh đào Panama… Rồi từ bờ biển Peru, thuyền lênh đênh trên đại dương năm ngày mới nhìn thấy “The Ultimate Destination”. Sau một ngày trên đảo Phục Sinh, cả đoàn lại sẽ bập bềnh sóng nước thêm năm ngày nữa mới được xuống tàu tại điểm đến kế tiếp là đảo Tahiti. Tốn công là thế nhưng hành khách ai nấy đều náo nức mong chờ.Khi gần đến Phục Sinh, thời tiết xấu làm cả tàu hồi hộp. Nhiều người trên tàu đã từng đi hải trình này mà không lên được đảo. Thuyền trưởng sau một hồi đắn đo chờ đợi cuối cùng cũng cho mọi người lên canô tiến vào nơi mơ ước.
Một ngày trên đảo Phục Sinh
Hàng tượng Moai bên bờ biển
Dù không có những resort, khách sạn lộng lẫy hay bãi biển, phong cảnh đặc sắc, Phục Sinh vẫn là nơi hấp dẫn du khách bởi một số di tích nhuốm màu huyền bí. Cái tên Phục Sinh là do nhà hàng hải Jacob Roggeveen của Hà Lan, người châu Âu đầu tiên tình cờ đi ngang qua hòn đảo lẻ loi này đặt ra để kỷ niệm ngày ông đến đảo đúng vào lễ Phục Sinh năm 1722. Chứ còn dân đảo vẫn thích gọi quê hương của mình bằng cái tên Rapa Nui, nghĩa là hòn đảo xa vắng.
Mà đúng là xa thật!
Xét về mặt địa lý, Rapa Nui nằm cô lập nhất thế giới, cách nơi gần nhất là đảo Pitcairn đến hơn hai ngàn cây số, cách bờ lục địa Chile đến gần bốn ngàn cây số. Đã vậy cả chính phủ Chile lẫn dân đảo đều không muốn Rapa Nui trở thành điểm đến du lịch đông đúc. Người Rapa Nui sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cừu. Họ luôn tìm đủ mọi cách để giữ gìn các phong tục truyền thống và từ chối sự xâm nhập của nền văn minh bên ngoài. Dân số trên đảo vào khoảng 5.800, trong đó số người bản địa chính gốc chỉ chiếm khoảng hơn một nửa. Thị trấn duy nhất trên đảo là Hanga Roa. Chỉ ở đây mới có được dăm ba hàng quán, vài con đường nhựa dọc ngang qua mấy cơ quan hành chính, thư viện, nhà bảo tàng. Nơi hiện đại nhất đảo không đâu khác ngoài tiệm internet cạnh mái trường nhỏ vang tiếng trẻ nô đùa trên khoảng sân dưới bóng cây. Chỉ đi thêm mấy bước vào xóm nhỏ, không khí tĩnh lặng đã trở lại với những căn nhà giản dị giữa mảnh vườn xanh mát cỏ hoa.Hanga Roa thật bình yên, dung dị giữa trời biển bao la và tiếng sóng vỗ đều trên ghềnh đá.
Một ngày trên đảo Phục Sinh
Con đường chính của thị trấn Hanga Roa
Một ngày trên đảo Phục Sinh
Gương mặt tượng được mô phỏng theo dung mạo của các bậc tiền nhân trên đảo

Những bí ẩn trong lòng núi

Đảo Phục Sinh có hình tam giác, cạnh dài nhất chỉ hơn hai mươi cây số. Ba góc của tam giác là ba ngọn núi lửa đã tắt. Đảo không có cây cối lớn mà chỉ có dừa thưa thớt, cây bụi nhỏ và cỏ nên trông hoang vắng khô cằn. Đẹp nhất, đầy sức sống nhất trên đảo chỉ có thể nói đến… người dân. Thanh niên thiếu nữ ở đây ai cũng có nước da màu mật ong mịn màng, nét mặt thanh tú, mắt to mày sắc.Nếu đến đảo vào đúng dịp lễ, du khách sẽ được xem nam thanh nữ tú ăn mặc gợi cảm nhảy múa rất vui.Hiện nay, mỗi năm chính phủ Chile chỉ gửi một chuyến tàu ra liên lạc và tiếp tế một số nhu yếu phẩm cho Rapa Nui. Thời gian còn lại, đảo gần như hoàn toàn biệt lập đối với thế giới bên ngoài.Càng biệt lập, đảo lại càng hấp dẫn các nhà khảo cổ trên toàn thế giới vì những điều bí ẩn trong nền văn minh xưa.
Một ngày trên đảo Phục Sinh
Hòn đá được mệnh danh là “Cái rốn của Trái đất”
Bí ẩn đầu tiên là gần cả ngàn bức tượng khổng lồ hình đầu người cao từ 4 đến 10 mét, được tạc với loại đá tạo thành từ chất nham thạch cô đặc của ngọn núi lửa Rano Raraku. Những bức tượng được gọi là Moai này có nét mặt thật dài, đôi mắt sâu, chiếc mũi lớn, đôi môi mím chặt, chiếc cằm bạnh và nhọn, chiếc tai dài và chảy xuôi. Các nhà điêu khắc hiện đại phải công nhận những tác phẩm này có nhiều nét độc đáo, biểu lộ sự trầm tư mặc tưởng man mác và chắc chắn chúng được tạo ra bởi những bàn tay nghệ sĩ tài hoa thực thụ.
Một ngày trên đảo Phục Sinh
Một đền thờ nhỏ trên đảo
Đến nay đã có nhiều giả thuyết đặt ra để giải thích tại sao một dân tộc bán khai mà có khả năng khắc chạm, vận chuyển, dàn dựng trên bệ cao loạt tượng đá khổng lồ như vậy nhưng vẫn chưa có giả thuyết nào hoàn toàn thuyết phục. Trong vách ngọn núi lửa Rano Raraku còn khoảng 400 tượng Moai đứng, nằm nghiêng ngả, còn nhiều tượng tạc nằm sâu trong lòng đất và không biết bao nhiêu tượng dang dở trong vách đá. Tượng lớn nhất có chiều dài đến 21 mét. Điều thú vị là không thể tìm ra hai bức tượng giống nhau do mỗi gương mặt tượng được khắc theo hình nét của một bậc tiền nhân đáng kính trên đảo.

Quá khứ lặng im

Khi đứng dưới các tượng Moai, sự thích thú và mãn nguyện đều hiện trên những nụ cười của du khách. Hình nét các thần thánh và tiền nhân dòng tộc Tikis dân Polynesian của Rapa Nui có nét bí ẩn, tạo ấn tượng đặc biệt giữa sóng gió, trời cao biển rộng. Đảo Phục Sinh không chỉ hấp dẫn ở những bức tượng bán thân này mà còn có nhiều đền thờ nhỏ lạ mắt gắn với nhiều câu chuyện thú vị. Một điểm tham quan phổ biến khác là cột mốc khó hiểu được dân địa phương gọi là “Cái rốn của Trái đất”. Cái rốn của Trái đất bao gồm một hòn đá tròn xoe lớn hơn vòng tay người ôm được đặt giữa những khối đá thô bao quanh. Hòn đá trung tâm không chỉ trơn nhẵn và có vòng tròn hoàn hảo mà còn phát ra từ tính rất mạnh. Khi người ta đặt một chiếc la bàn bên trên đá, ngay lập tức đá sẽ làm kim la bàn bị mất phương hướng. Hiện tại có bốn hòn đá được đặt xung quanh tảng đá từ tính này tượng trưng cho bốn mặt của la bàn.Cho đến nay, chưa ai rõ nguồn gốc của hòn đá kỳ lạ này.
Một ngày trên đảo Phục Sinh
Các thanh niên trên đảo Phục Sinh với cách làm đẹp đặc trưng
Theo các nhà khảo cổ, Phục Sinh từng có thời xanh rờn bóng cọ và những rừng cây cổ thụ.Cư dân ở đây đã từng lên đến vạn người, có chữ viết riêng và công nghệ tạo ra hàng loạt tượng đá khổng lồ. Vậy điều gì khiến đảo chỉ còn là một vùng đất trơ trụi với hơn 100 dân vào cuối thế kỷ XIX, khi chính quyền Chile đặt chủ quyền ở đây? Có giả thuyết cho rằng những người sống trên đảo đã phá rừng lấy gỗ để vận chuyển tượng Moai rồi gây ra thảm họa sinh thái, hủy diệt nền văn minh trên đảo.Giả thuyết khác lại cho rằng những dao động của sóng ngầm El Nino, cả các cơn sóng thần đã gây thảm họa. Có người còn cho rằng số phận buồn của hòn đảo cô độc này là do tác động của… người ngoài hành tinh.
Một ngày trên đảo Phục Sinh
Thiếu nữ Rapa Nui trong ngày hội truyền thống
Tất cả những tranh cãi đó khiến cho đảo Phục Sinh trở thành một nơi vừa cuốn hút, vừa mãi mãi xa lạ cho những con người hiện đại luôn khát khao điều huyền bí.






Không có nhận xét nào: