Rất ít người biết rằng có thể lặn dưới lòng thủ đô Hungary, nơi phần lớn dân cư đang sống lại nằm ngay trên mỏ đá vôi bỏ hoang Kobanya
Vô số tòa nhà ở Budapest, bao gồm cả tòa nhà Quốc hội xây từ 1902 theo kiến trúc tân Gothic (ảnh) cũng được xây phía trên mỏ đá vôi ở quận Kobanya. Khu vực "quận mỏ đá vôi" này nằm ở phía bờ đông Pest của thành phố.
Trải qua nhiều thế kỷ từ thời Trung Cổ kéo dài tới nửa sau thế kỷ 19, việc khai thác mỏ đã tạo nên một hệ thống hầm chứa ngầm dài tới 32 km và nằm sâu 30m so với mặt đường.
Khi các giếng khoan và hầm bị ngập vào giữa thập niên 1990, chính quyền địa phương yêu cầu một nhóm nhỏ thợ lặn xuống để dọn dẹp khu vực dưới nước. Và họ nhận ra một số hầm có điều kiện lý tưởng để lặn.
Một trong những thợ lặn thường xuyên là kỹ thuật viên địa phương, Kornel Domjan, bắt đầu lặn để khôi phục các chấn thương sau một lần bị trần rơi đè lên người năm 2003. Khi một đồng nghiệp gợi ý anh học lặn để làm lành vết thương nhanh hơn cũng như tạo sự tự tin khi làm việc trên các tòa nhà, anh bắt đầu lặn ở các bờ biển Croatia, Đài Loan, Ai Cập... mà không biết mình có thể lặn ở chính thành phố quê hương, chỉ cách nhà anh 4 km.
"Một hàng xóm lần đầu đề nghị tôi lặn dưới lòng Budapest vào năm 2009. Tôi đã rất nóng lòng muốn tìm ra cách được lặn ở đó". Domjan chia sẻ. Anh liên lạc với Attila Bolgar, chuyên gia dạy lặn ở công ty địa phương, người giới thiệu anh tới các địa điểm lặn ngay giữa lòng thành phố Budapest.
Theo Domjan, khi được lặn giữa lòng thành phố quê hương, bạn sẽ luôn thôi thúc mình tìm hiểu về lịch sử của nó. Nhờ có hệ thống hầm mỏ này, Budapest bên trên mặt đất trở thành một nơi hoàn toàn khác biệt.
Hiện có 4 địa điểm lặn ở khu hầm mỏ bị bỏ hoang Kobanya. Chỉ có một điểm tên là Park kút (Giếng Park) là dễ tiếp cận nhất với các thợ lặn có chứng chỉ lặn cơ bản. "Đó là vì các căn hầm và bậc thang ở Park kút mở nên có không khí luồn vào làm bên dưới thoáng đãng, và nó cũng là một chỗ an toàn.
Các điểm khác đều đóng cửa và chỉ có thể tiếp cận nếu bạn là thợ lặn kỳ cựu và có chứng chỉ cao cấp hơn. Nhiệt độ nước ở đây thường giữ ở mức 12 độ C.
Tại Park kút, thợ lặn có thể lặn sâu 17 m so với mặt nước (nghĩa là sâu hơn mặt đường 47 m). Tốn 40 phút bạn mới có thể khám phá các căn hầm trong khu mỏ trong khi các trang thiết bị máy móc vẫn còn lại. "Khi lặn ở đây bạn sẽ biết được cách người ta khai thác đá vôi như thế nào", Bolgar cho hay.
Theo Bolgar, lần cuối cùng đá vôi còn được khai thác ở Budapest là vào cuối năm 1890. Khi đó, các thợ nấu rượu và bia đã sử dụng một số nơi ở mỏ để chưng cất và lên men nguyên liệu. Các hầm hiện được dùng làm nơi lặn cũng từng được những thợ nấu rượu đào sâu thêm để tạo giếng lấy nước sạch.
Ngày nay, phần mỏ không bị ngập nước được mở cửa tự do cho khách tham quan vài lần một năm, đôi khi còn là chỗ tổ chức các cuộc thi chạy, đua xe.
Theo Zita Szederkenyi, trưởng hiệp hội làm rượu bia Dreher Brewery, các nhà sử học ước tính một triệu m3 đá vôi được khai thác từ khu mỏ Kobanya. Mặc dù khu mỏ là nơi bí ẩn, người dân vẫn chứng kiến nó hàng ngày bởi vô số tòa nhà đã được xây dựng cũng nhờ chính khối đá vôi được khai thác từ lòng đất đó. Tổng diện tích của khu mỏ vẫn chưa có số liệu chính xác. Hệ thống hầm chứa không chỉ nằm dưới khu làm rượu bia mà còn mở rộng ra nhiều phía của quận Kobanya.
Sau khi lặn ở một trong những hành lang của hầm chứa cũ ở nhà máy bia rượu, Domjan chia sẻ là từng thấy một hòn đá bị đào ra bởi các thợ mỏ hơn một thế kỷ trước nhưng không bao giờ cắt được để làm gạch xây. Nó nhắc anh nghĩ về việc thế giới lòng đất này được hình thành ra sao.
"Tôi thấy mình thật may mắn khi ban ngày có thể nhìn ngắm các tòa nhà Budapest ấn tượng và đêm xuống lại được lặn ở nơi tìm ra nguyên liệu xây nên những công trình vĩ đại đó", Domjan chia sẻ.
"Tôi thấy mình thật may mắn khi ban ngày có thể nhìn ngắm các tòa nhà Budapest ấn tượng và đêm xuống lại được lặn ở nơi tìm ra nguyên liệu xây nên những công trình vĩ đại đó", Domjan chia sẻ.
Hương Chi (theo BBC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét