Nằm ngay cạnh những thiên đường du lịch quen thuộc của người Việt như Singapore, Malaysia, Indonesia... nhưng nói đến đi Brunei thì với số đông vẫn còn rất xa lạ.
Hôm sang Brunei bằng hãng hàng không quốc gia của nước này, tôi ngồi gần một ông Brunei. Lúc mới lên, tôi quay sang chào bắt chuyện nhưng ông chợt nhắm tịt mắt lại và rơi vào trạng thái... không thèm quan tâm đến ai khác! Chưa kịp định thần xem mình có gì thất lễ không thì vài giây sau đã nghe tiếng đọc kinh vang lên trong máy bay! Ngó nghiêng khắp nơi thì thấy người Brunei nào cũng đang đọc kinh. Có người đọc khe khẽ, có người rì rầm, có người không mở miệng nhưng ai cũng rất thành kính. Thì ra là tới giờ đọc kinh thì người Brunei dù đang ở đâu và đang làm gì cũng tập trung đọc kinh trước hết!
Sau khi đọc kinh xong, ông Brunei ngồi kế bên mới nhẹ nhàng quay sang chào hỏi. Ông nói mới đi du lịch ở VN và giờ quay về Brunei. Ông nói thích VN lắm và hỏi tôi sang Brunei vì lý do gì. Tôi nói mình cũng đi du lịch, ông nhìn tôi hơi lạ và cho biết hiếm có ai sang Brunei du lịch vì đất nước nhỏ quá, hầu như không có gì để giải trí.
Nhỏ đúng như ông Brunei mới quen nói. Xuống sân bay quốc tế Brunei, đi có vài bước là ra đến cổng hải quan. Có chừng mười người hải quan đứng tại một cổng, họ đóng dấu vào hộ chiếu cái cộp, nhanh chóng vô cùng. Trông họ thân thiện lắm, cứ cười cười thẹn thùng, như rất vui được đón khách du lịch vào nước mình. Bình thường sang một nước nào đó, người ta phải xếp hàng dài để qua cổng hải quan, còn ở đây một hàng hải quan đứng chào từng hành khách một!
Lúc đó đã gần nửa đêm, chúng tôi ai cũng mệt, tôi thở dài nghĩ chắc chừng cả tiếng nữa mới được về đến khách sạn. Nhưng ngạc nhiên chưa, chỉ năm phút sau, xe dừng lại. Chúng tôi được thông báo đã đến khách sạn rồi. Mọi người có ý chê khách sạn gần sân bay như vậy, chắc là ở ngoại ô rồi. Nhưng anh hướng dẫn tên Tom cho biết: “Ở thủ đô này, không có khái niệm khu trung tâm và khu ngoại ô. Vì trung tâm cũng là ngoại ô và ngoại ô cũng là trung tâm”.
Thánh đường Hồi Giáo lớn nhất Đông Nam Á
Sáng đầu tiên hướng dẫn viên Tom đến đón chúng tôi đi chơi với nụ cười thẹn thùng như các bạn hải quan đêm qua.
Điểm tham quan đầu tiên trong hành trình khám phá thủ đô của Brunei là thánh đường Hồi giáo có tên gọi Jame Asr Hassanil Bolikah. Mới lên xe, ngồi chưa được ấm chỗ vì chỉ có năm phút là tới nơi rồi.
Thánh đường Jame Asr Hassanil Bolikah không có gì quá đặc sắc, ngoại trừ đây là thánh đường Hồi giáo lớn nhất Đông Nam Á, được trang trí bằng năm tấn vàng với tổng kinh phí xây dựng lên đến 200 triệu USD (khoảng hơn 4.200 tỉ đồng), tự nhiên tôi thấy thánh đường đẹp rụng rời. Nhìn kỹ, mới ý thức được toàn bộ màu vàng chói lọi trên các mái vòm của các tháp hình “củ tỏi” là vàng thật. Dưới ánh nắng lung linh của một ngày đẹp trời, các mái vòm rực sáng ánh vàng ròng, chiếu lấp lánh dưới bầu trời trong xanh, tạo cảm giác vô cùng bình yên (và dĩ nhiên là, thịnh vượng).
Thánh đường được xây dựng trong vòng chỉ có 6 năm (1988 - 1994), một khoảng thời gian không dài cho một công trình quá bề thế. Nói vậy vì cũng “méo mó nghề nghiệp”, do tôi làm trong ngành bất động sản nên biết được thời gian để xây dựng một tòa nhà lớn ít nhất phải là 3 năm, thánh đường này cần rất nhiều thời gian để trang trí từng họa tiết, lại là kiến trúc mái vòm chóp nhọn nên xây dựng sẽ công phu hơn là dạng mái bằng. Chắc chắn công trình phải được xây dựng dựa trên rất nhiều sức người và vào niềm tin tôn giáo (đương nhiên còn nhờ vào sức mạnh tài chính của Brunei).
Du lịch chỉ dành cho nghỉ dưỡng !
Rời thánh đường Jame Asr Hassanil Bolikah, lên xe đi tiếp năm phút thì đến khu vực mà Tom gọi là trung tâm hành chính và thương mại của thủ đô. Anh cho biết sẽ cho mọi người vào chợ mua sắm một chút. Mọi người la lên: “Úi cha, chưa đổi tiền, làm sao mua sắm được?”. Nhưng chúng tôi không biết là, ở Brunei có rất ít cơ hội để được tiêu tiền.
Ngôi chợ mà Tom đưa chúng tôi vào là dạng chợ địa phương bán các loại rau củ và bánh trái bình dân. Chợ sạch sẽ, phân sạp kinh doanh rõ ràng. Chúng tôi đi một vòng hết chợ chỉ chưa đầy năm phút. Người bán nhìn chúng tôi hơi lơ đễnh, họ không mời chào cũng không phiền hà khi bị đám du khách chĩa máy chụp hình vào chụp lung tung. Ai đứng lại trò chuyện thì họ trả lời nhẹ nhàng. Có những trái sầu riêng nho nhỏ, ruột màu vàng rực là loại trái hơi lạ đối với người VN. Trong đoàn tôi có người dừng lại mua ăn thử. Họ cho biết “Không ngon! Vị như trái lê ki ma thôi!”. Thật ra trái cây và rau củ của Brunei đa phần nhập từ Malaysia, nông nghiệp của họ không mấy phát triển và cũng chẳng đa dạng.
Và lẽ dĩ nhiên, vì quốc giáo của Brunei là Hồi giáo, có nhiều điều luật của đạo này được áp dụng lên toàn thể dân cư, ví dụ như Brunei không cho phép kinh doanh và tiêu thụ rượu bia, chất kích thích, không có các quán bar, vũ trường… nên cũng đừng mong tốn tiền cho giải trí về đêm.
Nói chung là một cuộc sống rất thanh bình, không quậy phá, không chộn rộn, không bon chen. Ít ra là với tư cách một khách du lịch bắt đầu có tuổi, tôi không sợ móc túi, giật dọc, không cần phải tìm chỗ giải trí mà chỉ đi vòng vòng xong về phòng khách sạn ngủ cho khỏe.
Một đất nước nhiều đặc quyền
Tom nói Brunei không nhận người nước ngoài di cư vào vì một khi đã là công dân của Brunei, bạn sẽ được những quyền lợi rất đáng kể.
Quyền lợi thứ nhất là được chăm sóc sức khỏe toàn diện. Người dân Brunei khi không được khỏe, họ vào bất cứ bệnh viện nào cũng được khám chữa bệnh miễn phí. Thật ra là họ đóng một đô la Brunei tượng trưng để tỏ lòng cảm ơn.
Nếu bệnh viện tại Brunei không có khả năng điều trị căn bệnh của họ, bác sĩ sẽ gửi họ sang Singapore hoặc Malaysia. Mọi chi phí gồm đi lại, lưu trú, viện phí, kể cả chi phí cho một người bà con đi theo chăm sóc cũng đều được chính phủ lo hết. Trường hợp họ phải đi xa hơn, sang Anh hay nước nào chữa được căn bệnh đó, chính phủ cũng trả hết chi phí và trả lương cho một người bà con đi theo.
Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, mọi chi phí về chăm sóc sức khỏe của dân Brunei đều được nhà nước lo từ A đến Z.
Quyền lợi thứ hai là có nền giáo dục toàn diện miễn phí. Chính phủ Brunei cho học sinh học hoàn toàn miễn phí 11 năm đầu tiên (gồm tiểu học và trung học). Ngoài chuyện đi học không đóng tiền, học sinh còn được bao luôn dụng cụ học tập, toàn bộ sách vở, ăn uống trong trường, tiền đi lại bằng taxi xuồng hay xe đưa rước. Nói chung là cha mẹ không cần quan tâm đến chi phí học tập của con cái.
Lên đến năm thứ 12 là dự bị đại học, học sinh sẽ chọn ngành học và trường học. Nếu là trường đại học công, họ tiếp tục học miễn phí và ra trường thì vào công sở của nhà nước Brunei để làm việc. Nếu họ thích học trường tư (gồm học trong nước hay du học ở nước ngoài), họ được chính phủ cho mượn tiền và tùy từng trường hợp mà tài trợ các gói khác nhau. Ra trường, họ sẽ trả nợ dần dần và được hỗ trợ tìm việc làm.
Quyền lợi khác nữa là về an cư. Những ai không có nhà riêng, điều kiện tài chính cũng không đủ mua nhà, họ sẽ làm đơn xin cấp nhà xã hội. Chúng tôi có đi ngang qua những khu nhà xã hội này, rất buồn cười, vì toàn là biệt thự cao hai tầng, xung quanh rộng rãi, có cả garage đậu hai ba chiếc xe. Một quyền lợi nữa là người dân Brunei không biết đến khái niệm “đóng thuế”. Cá nhân đi làm không phải đóng thuế thu nhập, hàng hóa không có thuế giá trị gia tăng, du khách mua hàng hóa tại Brunei vì thế khỏi cần được hoàn thuế.
Với tất cả những quyền lợi kể trên, tôi thấu hiểu vì sao người dân Brunei kính yêu quốc vương củ
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét