Ngọc Trân –
Từ thành phố Sydney của nước Úc lái xe về hướng Nam khoảng 80 cây số, đi hết một giờ rưỡi vượt qua khỏi trung tâm thành phố Wollongong ra ngoại ô thì sẽ đến một ngôi chùa do thiền sư Hsing Yun (Hành Vân), người Đài Loan, xây dựng. Chùa mới nhưng khá đẹp, mang tên Nan Tien (Thiên đường phía Nam) – phiên ra tiếng Việt thành Nam Thiên.
Nam Thiên, mà người Việt ở Úc gọi nôm na là “chùa Đài Loan”, nằm trên một ngọn đồi trong cánh rừng nhỏ, nhìn ra hai ngọn núi Kedra Kembla, cho nên rõ ràng không khí rất trong lành và yên bình. Về mặt phong thủy, chùa quả cũng rất phù hợp. Hẳn vị thiền sư kia, khi xin miếng đất này (và được thành phố Wolongong đồng ý tặng), đã nghĩ ra trước rồi: sao cho chùa được xây đúng theo phong thủy kiểu quan niệm của người Trung Hoa. Đó là trước mặt phải có Minh Đường, tức một khoảng đất rất rộng để cho khí tốt tụ lại. Và sau lưng có Huyền Vũ (Rùa Đen); còn hai bên là Thanh Long (Rồng Xanh) và Bạch Hổ (Cọp Trắng) bảo vệ.
Bạn tới đây vãn cảnh, chiêm bái thì cũng hết ít nhất ba giờ đồng hồ, nếu không nói là cả ngày. Muốn hiểu biết về lịch sử và triết lý của Phật giáo – do các sư truyền giảng, hẳn phải mất vài ngày. Dường như nhà chùa đã trù tính đến việc đó nên trong khuôn viên Nam Thiên có nhà nghỉ 100 phòng và cao cấp như khách sạn 5 sao (giá cả cũng tương ứng: từ 100 đô la Úc cho phòng một người đến 1.036 đô la cho phòng gia đình bốn người; ăn sáng tính riêng, từ 6 đến 9 đô la/người; thứ Bảy, Chủ nhật và ngày lễ tính thêm 10%).
Về ăn uống, chùa có nhà hàng chay, mỗi món giá từ 9 đô la trở lên. Nhà chùa đề nghị khách, nếu mang đồ ăn riêng vào khuôn viên của chùa, đó không phải là đồ ăn có thịt; đương nhiên, không ăn thịt thì phải không được uống cả rượu.
Hôm đó ngày thứ Bảy, chúng tôi đến từ Sydney đi lên, gần đến Wolllongong – theo tiếng người bản địa có nghĩa “Âm thanh của biển” – thì đi dọc theo đường biển, nên đã dừng lại ngắm cảnh đôi chỗ. Vì vậy mà đến Nam Thiên phải hết gần hai giờ rưỡi.
Tới nơi trời đã gần trưa, thấy đông người thăm chùa. Vẫn đang hè, buổi trưa nắng nóng gần 30 độ C, tức rất nóng đối với người ở Úc, nên họ ăn mặc khá thoải mái: quần soóc, áo thun; có người mặc cả áo thun ba lỗ. Nhà chùa đề nghị không được mặc loại áo đó vào chánh điện, không cả quần quá ngắn (cần quấn xà rông). Vào chánh điện phải cởi dép, giày ra và không được chụp hình; thắp nhang cúng lạy xong rồi là phải đem ra cắm bên ngoài.
Nói về cảnh thì cảnh trong khuôn viên Nam Thiên quả là đẹp. Cây cối màu xanh – đương nhiên – nhưng có cả cây hoa màu đỏ và cây lá màu vàng không biết tên gì, cùng những bụi trúc thân vàng, mà thường chùa nào cũng có. Ở đây cũng không thể nào thiếu phượng tím, một loại cây đã trở thành đặc sản, có mặt ở nhiều nơi trên đất Úc.
Quê hương của phượng tím (tên tiếng Anh: jacaranda) là Nam Mỹ. Một số cây cũng đã được trồng ở Đà Lạt, nghe nói, do hồi xưa một người Việt Nam tốt nghiệp kỹ sư trường Canh Nông Versailles (Pháp) là ông Lương Văn Sáu đã cất công mang giống về.
Tiếp tục đi trong khuôn viên chùa, còn có thể thấy ao sen với cá Koi của Nhật; có những con to bằng bắp chân người lớn. Nhưng sen thì không thấy nở bao nhiêu, chỉ chừng vài đóa. Đặc biệt rải rác đó đây là những tượng đá cao cỡ nửa thước – sư có, người thường có; cũng là một nét đặc biệt của chùa này.
Trong khuôn viên chùa còn có một cái bảo tháp bảy tầng giống như mọi ngôi chùa lớn khác – khi vừa vào chùa, ngước mắt nhìn lên là đã thấy rồi. Nó mới rợi như chính Nam Thiên (xây xong vào năm 1995), không có được cái vẻ cổ kính của nhiều ngôi chùa lâu năm ở Việt Nam.
Tại Nam Thiên có cái thấy không được hay lắm: dây leo màu xanh trên lan can đi lên chánh điện bằng nhựa; lồng đèn màu đỏ tại nơi đó cũng bằng nhựa. Nếu được dây leo thật – dây nho hoặc những loại dây leo khác – thì quá hay. Giá mà có lồng đèn thứ thiệt kiểu của Hội An thì càng thêm thích.
Bảo tháp bảy tầng của Nam Thiên, nghe nói cần cúng dường cho chùa 50.000 đô la Úc để được để cốt người thân trên đó.
Năm tượng Phật ngồi tòa sen trong chánh điện cũng mới, không có nét thâm trầm của tượng Phật trong những ngôi chùa cổ kính.
Trong chánh điện còn có nhiều tượng Phật nhỏ bằng lòng bàn tay người lớn để trong những cái hốc có đèn gắn vào những bức tường. Khi hỏi một vị sư nữ – người nhà chùa ở đây chủ yếu là sư nữ, thì được biết có đến 10.000 tượng như thế. Và những người hành hương cúng dường một số tiền là 2.300 đô la sẽ được khắc tên mình trên đế của tượng; đối với tượng lớn hơn thì 15.000 đô la. Vị sư nữ nói thêm rằng “vẫn còn nhiều chỗ”.
Nhân nói chuyện cúng dường, bảo tháp bảy tầng của Nam Thiên là nơi lưu giữ cốt. Nghe nói gia đình nào muốn để cốt người thân vào đây thì cần cúng dường cho chùa 50.000 đô la Úc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét