Sân bay Gibralta, Anh giao cắt với đại lộ Winston Churchill gần biên giới Tây Ban Nha, làm cản trở giao thông khi có máy bay hạ cánh hoặc khởi hành.
Tenzing Hillary, Nepal Sân bay này nằm ở thị trấn Lukla, miền đông Nepal, được đặt tên theo Edmund Hillary và Tenzing Norgay, những người đầu tiên leo đến đỉnh Everest. Tenzing Hillary hầu như luôn có gió to, mây mù làm tầm nhìn hạn chế. Đường băng dài 460 m, chỉ phục vụ máy bay nhỏ và trực thăng.
Qamdo Bamda, Trung Quốc Qando Bamda nằm ở Qamdo, Tây Tạng, Trung Quốc. Nó nằm trên độ cao 4.334 m và có đường băng dân dụng dài nhất thế giới, với chiều dài 5,5 km. Không khí loãng ở đây khiến hành khách cảm thấy chóng mặt, choáng váng, và động cơ máy bay phải chịu nhiều áp lực vì ít lực đẩy được tạo ra hơn.
Toncontin, Honduras Sân bay quốc tế Toncontin nằm ở thủ đô Tegucigalpa, Honduras, phục vụ cho cả máy bay dân dụng lẫn quân sự. Nó có một đường băng duy nhất nằm trên độ cao 1.005 m, dài khoảng 2.100 m và gần đồi núi. Sân bay này là một trong những sân bay khó hạ cánh nhất thế giới, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu.
Sân bay Gustaf III, đảo Saint Barthelemy Sân bay Gustaf III nằm trên hòn đảo Saint Barthelemy ở vùng biển Caribe. Sân bay có một đường băng ngắn, khoảng 650 m, nằm ở chân dốc hướng ra bãi biển, chỉ dành cho những máy bay nhỏ có dưới 20 hành khách hạ cánh. Máy bay cất cánh bay qua ngay trên đầu những du khách tắm nắng trên bãi biển.
Sân bay quốc tế Gibraltar, Anh Sân bay quốc tế Gibralta là sân bay dân sự tại Gibraltar, một vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh. Đường băng của sân bay giao với đại lộ Winston Churchill, con đường chính đến biên giới Tây Ban Nha, khiến đại lộ luôn bị chặn lại mỗi khi máy bay cất hoặc hạ cánh. Việc hạ cánh trong mùa đông gây khó khăn cho các phi công vì luôn có gió lớn.
Sân bay quốc tế Barra, Scotland Nằm trên đảo Barra, Outer Hebrides, Scotland, sân bay quốc tế Barra là nơi duy nhất trên thế giới mà các chuyến bay được sắp xếp theo lịch trình thủy triều lên xuống, do sử dụng bãi biển làm đường băng. Ba đường băng tạo thành một khu vực tam giác được đánh dấu bằng các cọc gỗ để điều phối máy bay hạ cánh trên bãi cát.
Sân bay Courchevel, Pháp Sân bay Courchevel phục vụ các máy bay nhỏ và trực thăng ở khu vực trượt tuyết trên dãy Alps, Pháp. Nó nằm trên độ cao 6.588 m và có đường băng dài 525 m. Courchevel không được trang bị hệ thống cất hạ cánh chính xác nên máy bay không thể hạ cánh trong điều kiện thời tiết nhiều mây và sương mù.
Sân bay Juancho E. Yrausquin, Hà Lan Sân bay Juancho E. Yrausquin nằm trên hòn đảo Saba, một vùng đặc khu của Hà Lan ở vùng biển Caribe. Đường băng dài 400 m, nằm bên sườn núi với hai đầu là biển. Chỉ có những máy bay cánh quạt của hãng hàng không địa phương mới có thể hạ cánh tại đây.
Sân bay Juancho E. Yrausquin, Hà Lan
Sân bay Madeira, Bồ Đào Nha Sân bay Madeira nằm trên đảo Madeira, Bồ Đào Nha, được bao quanh bởi núi và biển. Madeira có đường băng dài khoảng 1.600 m, sau đó được mở rộng thêm, nâng chiều dài lên 2.781 m. Do không đủ đất, phần đường băng mở rộng được xây trên 1 mặt phẳng nổi trên nước, được chống đỡ bởi 180 cây cột.
Sân bay Ice Runway, Nam Cực Sân bay Ice Runway phục vụ cho chương trình nghiên cứu Nam Cực của Mỹ. Đường băng được làm từ băng, dài hơn 3.000 m và chỉ có thể sử dụng khi băng chưa tan. Các phi công nói rằng bề mặt đường băng cũng kiên cố như những sân bay bình thường khác, nhưng bánh xe máy bay có thể bị kẹt vào băng khi hạ cánh.
Du ngoạn bằng tàu TSS Earnslaw với tổng thời gian 90 phút trên hồ Wakatipu, du khách thoải mái được ngắm cảnh thiên nhiên tuyệt diệu ở Queenstown, miền Nam New Zealand.
Đến Queenstown, du khách sẽ được đi trên chiếc tàu thủy lịch sử 100 tuổi mang tên TSS Earnslaw, lướt sóng trên hồ Wakatipu nổi tiếng.
Địa điểm này nằm trong khu du lịch Walter Peak, giữa một hòn đảo, thành lập từ thế kỷ 19. Đó là trại nuôi cừu truyền thống của người New Zealand, lâu nay đã được chuyển thành địa điểm tham quan, ăn uống.
Chiếc tàu 100 tuổi này từng chở Nữ hoàng Elizabeth II và Hoàng thân Philip vào năm 1990.
Tàu chạy trong khoảng 90 phút hai chiều vừa đi vừa về, đủ thời gian để du khách thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên tuyệt diệu, đồng thời có cơ hội tìm hiểu lịch sử của con tàu và vùng đất đặc biệt này.
Con tàu hoạt động 11 tháng trong năm, chuyên chở hành khách qua lại giữa Queenstown và trang trại Walter Peak High Country với mỗi ngày 3 chuyến.
Mặc dù các khoang bên trong của tàu đều có cửa ngắm cảnh, nhưng để tận hưởng hết vẻ đẹp của hồ Wakatipu, boong tàu là vị trí lý tưởng nhất. Khi con tàu mới rẽ sóng, du khách ào ào đổ ra ngoài chụp ảnh.
Vào dịp thu đông, thời tiết có thể thay đổi nhanh chóng, có nhiều gió lạnh khá khó chịu, dù trời nắng. Những du khách đã có kinh nghiệm thường chuẩn bị sẵn áo ấm.
Hồ Wakatipu được tạo thành bởi các dòng chảy từ sông băng. Đất nước New Zealand được tạo thành bởi hàng trăm đảo lớn nhỏ, nhưng được phân chia rõ rệt bởi hai nhóm đảo Bắc và đảo Nam, chỉ cách nhau một eo biển hẹp chừng 20 km.
Không chỉ khoảng cách địa lý, hai hòn đảo này còn chịu những ảnh hưởng khác biệt của khí hậu và quá trình hình thành địa chất. Những ngọn gió nóng ẩm từ biển Tasman phía Tây - Bắc gặp khối khí lạnh Nam cực ở phía Đông Nam tạo nên những vùng khí hậu trái ngược nhau.
Miền Tây của dãy Alp ở đảo Nam là những cánh rừng nhiệt đới ẩm ướt với lượng mưa khá lớn, khoảng 7.500 mm. Trong khi đó, chỉ cần vượt con đèo cao hơn nghìn mét sang phía đông của hòn đảo này, khí hậu đã khô ráo hẳn, lượng mưa trung bình chỉ 330 mm.
Đó là lý do khi đặt chân tới New Zealand, bạn không thể không du ngoạn các thị trấn, thành phố ở đảo Nam. Ngoài tham quan ngắm cảnh, các môn chơi thể thao tại đây cũng khá phổ biến. Nhiều du khách đến từ châu Âu thích thú mang theo xe đạp lên con tàu trăm tuổi để đạp xe vòng quanh trang trại Walter Peak.
Trong thời gian chờ tàu quay lại đón, du khách được tận hưởng bữa trưa trong nhà hàng với các món thịt cừu, bò độc đáo cùng những ly rượu vang đặc trưng của New Zealand.
Với hơn 2.000 năm lịch sử con đường tơ lụa của thành phố ốc đảo Kashgar, Tân Cảng tạo nên những giá trị huyết mạch cho sự giao thương Á – Âu
Với chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm, thành phố ốc đảo Kashgar của Tân Cương luôn giữ được vị thế quan trọng trên con đường giao thương nối liền từ Á sang Âu. Hành trình vượt đất nước Trung Hoa của tôi khá đặc biệt, thay vì đi máy bay hay theo cách phượt thông thường, tôi đi bằng xe đạp. Vì thế để khám phá Tân Cương, tôi phải lựa chọn đâu là thành phố đáng để mình trải nghiệm.
Thủ phủ Ürümqi của Tân Cương với những tòa nhà chọc trời hiện đại và 75% dân số là người Hán không phải là đích đến của tôi. Thay vào đó, Kashgar được lựa chọn ngay lập tức vì đây mới là thủ phủ của người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ với những giá trị truyền thống văn hóa của đạo Hồi và là huyết mạch về lịch sử con đường tơ lụa ngày xưa.
ỐC ĐẢO GIỮA SA MẠC
Ở Tân Cương, nếu bạn muốn tìm hiểu về đời sống cũng như văn hóa của người bản địa thì hãy đi tới những vùng nông thôn hoặc tìm về Kashgar. Đây là một trong những thành phố cổ kính, là cái nôi lịch sử, một trong những nơi giữ được giá trị truyền thống của đạo Hồi tốt nhất khu vực Trung Á. Thành phố Kashgar có khoảng 350.000 cư dân sinh sống, đa chủng tộc gồm Hán, Ngô Duy Nhĩ, Tajik, Uzbek với những giá trị lịch sử hơn 2.000 năm. Kashgar nằm ở phía Tây lãnh thổ Trung Hoa, giữa sa mạc Taklamakan và biên giới đất liền với Tajikistan, Kyrgyzstan.
Là một trong những ốc đảo có vị trí quan trọng nhất trên lịch sử con đường tơ lụa, Kashgar giao thoa Đông – Tây, chứng kiến sự thăng trầm của lịch sử thương mại nối liền từ Tây An của tỉnh Thiểm Tây Trung Hoa trong đời Đường, xuyên khu vực Trung Á tiến về Địa Trung Hải. Trong thời hoàng kim của mình, Kashgar tấp nập thương nhân trao đổi gốm sứ, thảm, tơ lụa, những loại gia vị…, còn lũ lạc đà mệt mỏi trong những chuyến vượt sa mạc nằm nghỉ ngơi trên các con phố thờ ơ mặc cho bão cát sa mạc thổi về. Kashgar gần với thủ đô Hồi giáo Tehran của Iran hơn là Bắc Kinh, nhưng dù múi giờ đi sau hai tiếng thì người dân ở Kashgar vẫn phải sử dụng thời gian theo giờ Bắc Kinh.
SỰ HÒA HỢP HÁN – HỒI Ở KASHGAR
Kashgar đập ngay vào mắt tôi với bức tượng Mao Trạch Đông cao 18 mét, một trong những bức tượng lớn nhất còn sót lại ở đất nước Trung Hoa, nằm ngay công viên Nhân Dân. Những người phụ nữ Hồi giáo trùm đầu màu sặc sỡ bước đi dưới pho tượng kia, khiến kẻ du khách là tôi chạnh lòng với một câu hỏi: Liệu họ có nghĩ gì về vùng đất của tổ tiên mình đang bị giày xéo?
Tôi nghĩ mình đã tìm được câu trả lời. Những vụ bạo động, khủng bố ở Tân Cương chủ yếu do người Hồi tấn công cảnh sát trên báo chí khiến tôi chú ý cách giao hảo giữa người Hán–Hồi. Dường như Bắc Kinh đã thất bại trong việc cố gắng tạo ra sự hòa hợp mang tên Hán–Hồi.
Người Hán chỉ ở các thành phố lớn, đặc biệt là thủ đô Ürümqi, còn vùng nông thôn tuyệt nhiên vắng bóng họ. Người Hồi đang lo sợ sự xâm nhập của người Hán đến những giá trị văn hóa mà họ giữ gìn trong ngàn năm lịch sử. Rất khó có thể nhìn thấy hình ảnh người Hán–Hồi vui chơi cùng nhau hay mua sắm trong những siêu thị của nhau. Nhưng lại rất dễ nhận ra sự phân biệt, chia cắt giữa họ.
NỖ LỰC GÌN GIỮ NHỮNG GIÁ TRỊ HỒI GIÁO
Id Kah, nhà thờ Hồi giáo lớn nhất ở Trung Hoa, tọa lạc ngay tại trái tim thành phố, có niên đại từ năm 1442. Với sắc vàng nổi bật giữa phông nền là hàng bạch dương xanh như tấm bình phong bảo vệ, Id Kah trở thành một bức tranh nổi bật giữa Kashgar, hiên ngang chống chọi lại những cơn bão cát từ sa mạc Taklamakan. Id Kad (gồm cả sân, vườn) đủ chứa tới 20.000 tín đồ tới cầu nguyện trong các ngày lễ quan trọng. Những người không theo đạo Hồi có thể vào nhà thờ, nhưng không được phép trong giờ cầu nguyện. Đặc biệt, du khách cần mặc đồ lịch sự, riêng phụ nữ phải trùm đầu.
Có tới 20 ngôi chợ nhưng Grand Bazaar lớn nhất Kashgar, nằm ở phía Đông Nam của trung tâm thành phố. Ở đây du khách sẽ choáng ngợp trước các mặt hàng thảm, trà, quần áo, đồ gia dụng, hoa quả khô như chà là, nho… Dạo chợ đêm trước nhà thờ Id Kah là cách giúp bạn hòa nhập vào cộng đồng người Hồi giáo. Hàng quán bày la liệt các món ăn như kem, bánh mì, miến, dapanji (thịt gà nấu với khoai tây, ớt chuông, gia vị)… Đặc biệt, kem rất ngon, được làm từ sữa dê hoặc cừu.
Một vài người mang máy ảnh đứng lặng lẽ tìm góc chụp, nếu không vì những chiếc máy ảnh đó và cách ăn mặc, tôi sẽ khó lòng phân biệt được họ là người Duy Ngô Nhĩ hay phương Tây. Những chiếc mũ doppa, loại mũ hoa có 4 góc cạnh, trở nên đáng yêu hơn bao giờ hết, vì đó là điều đặc biệt thể hiện văn hóa Hồi của những con người bản địa.
Đến Kashgar, nhất quyết không được bỏ qua phố cổ, vì rất có thể trong tương lai nơi đây chỉ còn trong ký ức đối với ngay cả chính những cư dân bản địa. Chính quyền Trung Hoa đã tiến hành phá bỏ nhiều phần của khu phố cổ vì nơi này đang xuống cấp trầm trọng và xây dựng những tòa cao ốc hiện đại trong dự án cải tạo bộ mặt thành phố. Đi giữa lòng phố cổ Kashgar giữa ngày hè tháng 5, tôi chầm chậm ngắm nhìn lịch sử con đường tơ lụa qua những căn nhà cổ làm từ gạch, bùn đất, những vết loang lổ hư hỏng, những tấm biển đóng vào tường trước mỗi căn nhà giới thiệu về lịch sử chủ nhân làm nghề chế tác mũ, thảm… qua bao thế hệ. Cuộc sống bình lặng vẫn diễn ra trong những con hẻm nhỏ. Bất chợt tôi thấy lòng nhói đau, vì có thể nếu một ngày quay trở lại, tôi sẽ không còn được bước đi trên chính con hẻm này và những ngôi nhà có tuổi thọ từ hơn 200 năm sẽ chỉ còn nằm lại vĩnh viễn trong ký ức tôi mà thôi.
Tạm biệt Kashgar, tôi chia tay mảnh đất Tân Cương với một khoảng lặng trong lòng về những người Hồi giáo đang chật vật giữ gìn truyền thống, văn hóa lẫn di tích lịch sử giữa dòng chảy hiện đại và sự xâm nhập của người Hán.
THÔNG TIN THÊM
♦ Sân bay Kashgar cách trung tâm thành phố 10km. Để đến Kashgar, bạn bay từ TP. HCM theo hãng Vietnam Airlines. Tuy nhiên, tùy theo chuyến bay sẽ phải dừng 2–3 chặng tại Quảng Châu, Thành Đô hoặc Ürümqi. Do đó, để tiết kiệm chi phí, bạn nên bay từ TP. HCM đến thủ phủ Ürümqi của Tân Cương, rồi từ đó đi tàu hoặc xe bus đến Kashgar.
♦ Tại Kashgar, bạn có thể đi xe bus tham quan. Giá vé 1 tệ (khoảng 3.500 đồng)/người. Xe số 2 và 20 sẽ đưa bạn đến các địa điểm nổi tiếng.
♦ Xe taxi cũng là một lựa chọn thú vị, tuy nhiên tài xế không có đồng hồ tính cước. Bạn có thể tham khảo mức giá: 5 tệ/3km đầu tiên; 1,3 tệ/km trong 3–8km tiếp theo; từ 8km trở lên tính 1,95 tệ/km. Nếu để tài xế chờ, cứ mỗi 5 phút tính 1,3 tệ.