Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

“Chơi dại” ở xứ sở 4.000 đảo: Rã rời

(NLĐO) – Sau này, khi nhìn trên bản đồ khu vực Si Phan Don và đo lại khoảng cách, chúng tôi thấy nể chính mình khi ngày hôm đó đã chèo thuyền kayat đến gần 15 km ở xứ sở 4.000 đảo.

Lào nằm trong nội địa nên không có biển. Vậy mà, một lần đến Champasak, cô bé tiếp tân khách sạn ở Pakxe người Việt hỏi “chị có đi 4.000 đảo không? Đẹp lắm đó”. “Ủa, Lào mà cũng có đảo nữa hả?”. “Dạ có chị, cách đây có hơn 30 km hà, đi thử đi chị!”. Ừ, thì đi!
Trong tiếng Lào, Si Phan Don có nghĩa là 4.000 đảo. Nói là đảo chứ thật ra đây chỉ là một đoạn của sông Mê Kông. Khi chảy qua đoạn này bị thác Khone – thác nước lớn nhất Đông Nam Á - chặn lại hình thành nhiều đảo nằm dày đặc, chia cắt sông thành những nhánh rẽ chằng chịt.

Một chiều mưa dữ dội ở Si Phan Do
Một chiều mưa dữ dội ở Si Phan Do
Thuê chiếc xe máy với giá gần 200.000 đồng/ngày, tôi cùng cô bạn đồng hành hướng về Si Phan Don lúc trời đã xế chiều. Do đi ngẫu hứng, không tìm hiểu kỹ thông tin, chúng tôi cứ nhắm hòn đảo lớn nhất khu vực là Don Khong thẳng tiến.
Vừa qua đò lên đến đảo thì giông gió nổi lên tơi bời và mưa như trút nên đành tìm khách sạn thuê. Hỏi ra mới biết điểm du lịch ăn chơi nhảy múa chính của khu vực là đảo Don Det và Don Khon. Để đến được đây phải qua hai con đò và hòn đảo Don Som dài thườn thượt.

Những con đường thanh bình ở đảo Don Som
Những con đường thanh bình ở đảo Don Som
Vậy là hôm sau, mới 5 giờ sáng chúng tôi phải dậy trả phòng để đi sớm cho kịp. Đã du lịch qua nhiều quốc gia, cũng thuê xe máy chạy lang thang nhưng chưa nơi nào đem đến cho tôi cảm giác vừa gần gũi vừa lạ lùng như Lào. Cũng những cánh đồng quê ngan ngát, cũng những mái nhà đơn sơ như miền quê Việt Nam nhưng ở Lào, cái chất thanh bình, tĩnh tại như tăng lên gấp bội.
“Chơi dại” ở xứ sở 4.000 đảo: Rã rời
Sáng hôm ấy, chạy xe trên con đường đất dằn xóc xuyên qua những cánh đồng khô cằn, những xóm làng ngái ngủ và những ngôi chùa nằm ẩn mình dưới những tán cây thốt nốt, tôi cứ ngỡ mình đã lạc vào cõi Niết Bàn. Mọi ưu tư phiền muộn cuộc sống đời thường như rơi lại đằng sau khi nhìn những chú tiểu tay cầm bình bát chậm rãi đi trên đường quê; những chú trâu được dẫn ra đồng sớm đứng nghễnh cổ nhìn khách lạ và những đứa bé đen nhẻm được chụp ảnh cũng biết tạo dáng rất ngầu.

Em bé Lào biết tạo dáng khi chúng tôi chụp ảnh
Em bé Lào biết tạo dáng khi chúng tôi chụp ảnh
Sau hơn 2 giờ chúng tôi cũng qua được đảo Don Det, hai tay mỏi nhừ vì đi xe máy trên đường dằn. Ghé vào một đại lý bán tour cho du khách khám phá đảo, ngắm cá heo nước ngọt bằng thuyền Kayat và xe buýt hỏi thông tin thì được biết chuyến đi xuất phát sau 30 phút. Vậy là vội vàng mua ngay mà không hỏi han gì nhiều. Hậu quả là cả hai có một chuyến ăn chơi rã rời, về rồi nhắc lại vẫn còn le lưỡi.
“Chơi dại” ở xứ sở 4.000 đảo: Rã rời
Cứ nghĩ chèo Kayat chỉ là dạo chơi đôi chục phút ai ngờ ngày hôm đó, chuyến đi kéo dài từ 9 giờ sáng đến 6 giờ chiều thì chúng tôi mất đến hơn 5 giờ đồng hồ chèo thuyền. Lúc đầu quả là thú vị. Sông rộng mênh mông, trời xanh mây trắng, tôi thấy mình như người ngư phủ thảnh thơi hất nhẹ tay chèo, tận hưởng cuộc sống an nhàn, thi vị. Cũng là Mê Kông nhưng đoạn chảy qua Lào không mang phù sa nên nước trong vắt.

Một hồ sen tươi mát trên đảo Don Khon ở Si Phan Don
Một hồ sen tươi mát trên đảo Don Khon ở Si Phan Don
Thi thoảng lại nhô lên vài khóm lau lách hay sen súng nở e ấp với vài chú trâu đang trầm mình. Càng thú vị khi đi qua những đoạn có nhiều đá ngầm, nước xoáy khiến con thuyền tròng trành ngang ngửa rồi lao băng băng qua những cái thác nhỏ khiến ai nấp rú lên vì phấn khích.
Nhưng càng về trưa, đôi tay càng rã rời mà đích đến là điểm ngắm cá heo nước ngọt vẫn còn xa. Ban đầu, đoàn đầy tiếng cười. Sau đó, ai cũng cặm cụi chèo, trên sông chỉ nghe tiếng sóng nước.
Vậy mà đáp lại bao công lao cực khổ, chúng tôi chờ suốt hơn nửa giờ chẳng có chú cá heo nào xuất hiện. Nhìn cả đoàn ai nấy ngồi im thin thít, thiếu điều nín thở để lũ cá không sợ mà ngoi lên mới buồn cười làm sao. Đi du lịch có sướng ích gì đâu, vất vả và căng thẳng lắm. Nhưng đó là nỗi vất vả đầy màu sắc mà chỉ những người thích xê dịch mới thấu hiểu.
“Chơi dại” ở xứ sở 4.000 đảo: Rã rời

Nín thở chờ cá heo nước ngọt nhưng chẳng thấy đâu
Nín thở chờ cá heo nước ngọt nhưng chẳng thấy đâu
Sau khi chờ mãi cá không lên, cả đoàn đành lục tục chèo về điểm ăn trưa là một quán ăn đơn sơ nằm ven bờ sông. Bữa trưa không có gì ngoài thịt xiên rau củ nướng, cơm trắng và gỏi đu đủ vậy mà ai nấy ăn rất hào hứng sau nhiều giờ lao động vất vả.
“Chơi dại” ở xứ sở 4.000 đảo: Rã rời

Bữa trưa ven sông
Bữa trưa ven sông
Hai anh chàng hướng dẫn viên trông dáng nông dân thứ thiệt, tiếng Anh rất kém. Cả đoàn xúm lại khai thác đổ cả mồ hôi chỉ biết được là sau khi ăn trưa sẽ tiếp tục chèo thuyền, sau đó di chuyển qua xe buýt rồi lại chèo thuyền.
Vậy là cả buổi chiều hôm đó, ngoài 30 phút di chuyển bằng xe buýt và 45 phút tham quan thác Khone hùng vĩ, chúng tôi phải chèo thuyền suốt. Đó là chưa kể phải hì hục vác thuyền từ bến sông lên bờ để chất lên xe chở đến một bến sông khác chèo tiếp. Nhìn mấy anh Tây gồng mình vác thuyền, mồ hôi nhễ nhại tôi không khỏi ngạc nhiên về cách làm du lịch đơn giản của Lào. Làm du lịch mà “hành” khách rã rời nhưng lạ là chẳng ai phàn nàn, cứ thấy hai anh hướng dẫn viên làm gì lại xúm lại làm giúp.
“Chơi dại” ở xứ sở 4.000 đảo: Rã rời

Không chỉ chèo thuyền cả ngày, du khách phải kiêm luôn nhiệm vụ vác thuyền lên bờ di chuyển qua bến sông khác
Không chỉ chèo thuyền cả ngày, du khách phải kiêm luôn nhiệm vụ vác thuyền lên bờ di chuyển qua bến sông khác
Đó là một ngày đẹp trời, nắng tươi roi rói suốt cả ngày, nắng làm đôi tay rã rời chúng tôi cháy đen vì cứ hết giơ lên rồi hạ xuống. Chiều về trên sông rực rỡ và mơ màng như cõi thần tiên nhưng hai đứa chẳng còn tâm trạng để phiêu cùng cảnh vật, cứ thi thoảng lại hỏi nhau: “Đôi tay này có còn là tay của mình nữa không, nó sắp rụng ra rồi”.
Thật may là khi tưởng mình không chịu đựng được nữa thì cũng đến nơi, trăng 16 cũng vừa lên trên bến sông. Hai đứa thuê một cáiBUNGALOW nhỏ nằm ven bờ sông ngắm trăng cho thỏa. Cứ tưởng sau một ngày vất vả sẽ được ngủ say mê nhưng nào ngờ… Đôi tay sau cả ngày chỉ có chèo và chèo đến tối đã biểu tình, đau nhức dữ dội đưa chúng tôi vào một giấc ngủ đầy mộng mị và đau khổ.
“Chơi dại” ở xứ sở 4.000 đảo: Rã rời

Thác Khone hùng vĩ
Thác Khone hùng vĩ
Cơn đau nào rồi cũng qua chỉ có kỷ niệm đẹp là còn mãi. Lúc chèo thuyền trên sông, cứ thề với lòng sẽ không bao giờ “chơi dại” như vậy nữa. Tuy nhiên, khi thấy người bải hoải với Sài Gòn xô bồ lại muốn trở lại Si Phan Don, muốn có một ngày rã rời trên sóng nước mênh mông.
Bài và ảnh: Hà

Ngỡ ngàng với vẻ đẹp nguyên sơ của 4.000 hòn đảo tại Lào

Nằm cách Vientiane khoảng 900 km, cách thủ phủ Pakse của tỉnh Champasak gần 180 km và giáp với tỉnh Stung Treng của Campuchia, Siphandone theo tiếng Lào có nghĩa là 4.000 đảo đang trở thành một trong những "thiên đường" du lịch tại Lào.

Siphandone đang trở thành một trong những "thiên đường" du lịch tại Lào. Ảnh: internationalrivers.org
Việc một quốc gia lục địa không hề có biển như Lào lại có tới 4.000 hòn đảo tại khu vực khá hẻo lánh này đã thôi thúc nhiều du khách tới đây tìm hiểu và khám phá.
Theo phóng viên TTXVN tại Lào, khu quần đảo du lịch hấp dẫn trên được hình thành một cách tự nhiên do dòng sông Mekong bị 2 con thác khổng lồ có chiều dài hàng chục km là Khone Phapheng và Somphamit chắn dòng, tạo ra một vùng ngập nước mênh mông với hàng nghìn hòn đảo lớn, nhỏ. Nơi đây cũng có hàng trăm doi cát rất đẹp có thể xuất hiện và biến mất rất nhanh tùy theo dòng chảy hàng năm của sông Mekong.

Do nằm ở khu vực hẻo lánh, giao thông đi lại không thuận tiện, quần đảo Siphandone đến nay vẫn giữ được nét hoang sơ đầy quyến rũ, trở thành một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua trong hành trình đến đất nước Triệu Voi của những du khách yêu thiên nhiên và thích khám phá.

Mặc dù có tới 4.000 hòn đảo, tuy nhiên, hiện chỉ có 3 đảo gồm Don Khong, Don Khon và Don Đet là đủ điều kiện để du khách lưu trú. Hầu hết các du khách tới đây đều có chung nhận xét Siphandone là điểm du lịch rất đẹp, người dân hòa nhã và thân thiện.
Đến Siphandone, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động như thuê thuyền chạy trên sông để ngắm các đảo. Ảnh: internationalrivers.org
Đến đây du khách có thể tham gia nhiều hoạt động như thuê thuyền chạy trên sông để ngắm các đảo, hay tự mình chèo thuyền khám phá, thuê phao để thả trôi theo dòng chảy của sông Mekong và đặc biệt với không gian yên tĩnh, đây là địa điểm lý tưởng để du khách có thể nghỉ ngơi thoải mái.

Với những du khách thích khám phá, họ có thể thuê xe máy, xe đạp tự mình vào thăm các làng bản, thăm thác Somphamit hùng vĩ, thăm đầu máy xe lửa và cầu cảng khi xưa người Pháp dùng để vận chuyển hàng hóa qua thác Khon Phapheng (do con thác quá lớn khiến tàu vận tải không thể qua được).

Bên cạnh đó, có một hoạt động mà hầu như tất cả du khách đều không thể bỏ qua khi đến Siphandone là đi ngắm loài cá heo nước ngọt Irrawaddy. Tuy nhiên, không phải lúc nào du khách cũng có may mắn bắt gặp loài cá có tên trong danh sách đỏ và có nguy cơ tuyệt chủng cao này.

Với 4.000 hòn đảo và hai ngọn thác hùng vĩ có thể nói là lớn nhất Đông Nam Á, cảnh vật yên bình, con người thân thiện và mến khách, trong những năm qua, Siphandone đã trở thành một trong những điểm đến yêu thích của du khách phương Tây, đặc biệt là những người ưa khám phá và tìm hiểu văn hóa địa phương.
TTXVN/Báo Tin tức

Hấp dẫn vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn thác lớn nhất Đông Nam Á

Được ví là "Niagara châu Á", thác Khone Phapheng, nằm ở huyện Khong, tỉnh Champasak giáp giới tỉnh Stung Treng của Campuchia, là con thác lớn nhất, hùng vĩ nhất Đông Nam Á, là một trong những địa điểm du lịch không nên bỏ qua nếu có dịp tới thăm Lào.

Thác Khone Phapheng ở huyện Khong, tỉnh Champasak, Lào. Ảnh: LAtimes/TTXVN
Từng là một bức "tường thành" tự nhiên ngăn cản ý đồ của thực dân Pháp dùng sông Mekong để thâu tóm Đông Dương vào cuối thế kỷ 19, nhờ những ghềnh thác khổng lồ liên tục gấp khúc kéo dài hàng chục km khiến tàu chiến không thể vượt qua, thác Khone Phapheng còn được nhiều du khách gọi là "thác Khói" vì vào mùa mưa, dòng thác ầm ầm chảy qua những ghềnh khổng lồ, tạo nên một làn khói trắng mờ ảo chẳng khác nào sương mù trên bầu trời, để lại ấn tượng sâu sắc cho bất cứ ai được một lần tới thăm thác.

Theo  phóng viên TTXVN tại Lào, với chiều cao 21m, bao gồm nhiều thác ghềnh nhỏ kéo dài 12km dọc theo chiều dài sông, Khon Phapheng là dòng thác hùng vĩ với nhiều luồng lạch và 4.000 hòn đảo nhỏ bao quanh. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài cá quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, như cá heo nước ngọt, cá đại tra dầu.

Từ năm 2012, nhận thức được "điểm yếu" của thác Khone Phapheng là nằm ở khu vực khá khuất nẻo nên ít người biết tới, chính quyền tỉnh Champasak đã cho các nhà đầu tư đấu thầu quy hoạch tổng thể và xây dựng khu nghỉ dưỡng, quầy lưu niệm, quán ăn, khu nghỉ ngơi, cắm trại và ngắm cảnh chụp hình lưu niệm, đồng thời tăng cường quảng bá mạnh mẽ, nhờ đó, số lượng du khách nước ngoài đến thăm thác đã liên tục tăng.

Anh Somphonxay Phosalath, chủ đầu tư khu du lịch Khone Phapheng, cho biết: "Sau khi xây dựng xong cơ sở hạ tầng, lượng du khách đến đây đã tăng, đặc biệt là du khách đến từ châu Âu đã tăng 10%, du khách đến từ các nước láng giềng cũng có, như Thái Lan, Việt Nam, Campuchia và khu du lịch này ngày càng nổi tiếng. Hiện cũng đã có cả du khách từ Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc…”.

Theo số liệu của chủ đầu tư dự án, năm 2017 đã có trên 150.000 du khách đến thăm thác Khone Phapheng và con số này dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm nay vì Chính phủ Lào chọn năm 2018 là năm Du lịch với rất nhiều hoạt động được tổ chức trên khắp cả nước nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Đối với nhiều du khách ASEAN, con thác đẹp và ấn tượng đến nỗi nó không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân bản địa, mà đã trở thành niềm tự hào chung của người dân các nước ASEAN, phù hợp với chiến lược xây dựng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thành “một điểm du lịch chung hấp dẫn” mà các lãnh đạo của khối đã đề ra và đang rốt ráo triển khai.
TTXVN/Báo Tin tức

Không có nhận xét nào: