Có một nghịch lý thú vị: khi những tấm ảnh ở các khu di sản văn hóa nổi tiếng thế giới càng quen thuộc và đơn điệu bao nhiêu, thì những câu chuyện hay truyền thuyết về những nơi chốn ấy càng kỳ bí và hấp dẫn bấy nhiêu.
Trước khi tới di sản văn hóa UNESCO “đời đầu” là Chichén Itzá và các di chỉ lân cận, tôi không biết rồi mình có chụp nổi một tấm ảnh độc đáo hay không, khi trên mạng đã tràn ngập hình ảnh nền văn minh Maya lừng lẫy một thời ở đây, với những ngôi đền hình kim tự tháp nổi tiếng, những hàng cột, những giếng nước, cầu trường, tượng thờ hoang phế chen giữa rừng cây và mây trời, từ góc chụp nào trông cũng có vẻ giống nhau.
Người Nhật đi đâu cũng chụp ảnh lia lịa, người da đen thích ca hát ở khắp mọi nơi, người Anh mặt mũi hiền lành nhưng nghiêm nghị, còn người México thì lúc nào cũng vui vẻ nói cười luôn miệng. Mặc lòng tự nhủ là đừng gán cho những người gặp trên đường đi một đặc tính dân tộc nào đó, vì rất khó tránh khỏi thành kiến, nhưng thỉnh thoảng tôi cho phép mình được nhận xét như vậy, nếu đó là những ý nghĩ vui vui và tích cực. Bạn tôi còn có khả năng nhận biết hầu như chính xác 100% người nào thuộc dân tộc gì. Anh không mấy khi nhầm lẫn người Canada với người Mỹ, người Nhật với người Hàn Quốc, người Ba Lan với người Tiệp. Hình như khả năng ấy cũng nằm trong lưng vốn kiến thức về con người thu nhận được từ những cuộc du hành. Mà nếu thiếu con người, thì hành trình về quá khứ giữa mùa hè nóng bỏng năm 2011 ấy ở México, bắt đầu từ Cancún tới bán đảo Yucatán, nơi có di chỉ Maya nổi tiếng nhất là Chichén Itzá, rồi qua Riviera Maya, nơi có các di chỉ khác là Cobá và Tulúm, sẽ buồn tẻ lắm.
Từ cửa ngõ di sản
Di tích ngàn cột
Rời khu nghỉ mát Cancún với 2/3 lượng du khách là người Mỹ, và mới nhác nhìn thì hiện đại và tiện nghi không kém một thành phố biển bên Mỹ, chúng tôi quyết định không mua vé tour (giá khoảng 100USD/người), mà thuê xe để đi thăm Chichén Itzá, vì có một phiếu thuê xe ưu đãi 20USD cho 3 ngày. Ngay từ khi du khách dừng chân ở sân bay, đã có một đội quân các nhân viên khu nghỉ dưỡng chạy ra chào mời. Phiếu ưu đãi thuê xe là quà tặng khi bạn đồng ý tham gia buổi giới thiệu thực địa miễn phí về một dự án khu nghỉ dưỡng sắp được hoàn tất. Xe đón tận nơi, dẫn chúng tôi tham quan khắp chốn, rồi ăn bữa trưa thịnh soạn trước khi vào một căn phòng bán thẻ hội viên (với giá cắt cổ nhưng được chào là đã được “giảm giá hết mức”!). Từ đầu đến cuối chúng tôi gặp tới 7 nhân viên niềm nở lịch lãm nói chuyện vô cùng cuốn hút, và cảm thấy áy náy ghê gớm khi từ chối không mua. Ra tới cổng vẫn còn một chàng México đội sombrero, điển trai rám nắng, bám theo với nét mặt tiếc nuối và nài vớt “xin quý vị nghĩ lại, đừng bỏ lỡ cơ hội này”. Mới đầu tôi thấy ái ngại, nhưng rồi tự an ủi rằng hơn nửa ngày dãi nắng thay vì nằm thư giãn cạnh hồ bơi trên bãi biển được trả công bằng phiếu quà tặng này cũng đáng chứ sao.
Vì mải bàn tán về những thủ thuật marketing vừa gặp, chúng tôi không để ý là xe đã bon bon trên xa lộ 180D từ lúc nào. Con đường trải nhựa khá tốt, tuy chỉ có hai làn xe nhưng thẳng tắp, chạy giữa hai hàng cây mảnh dẻ nhưng không quá khô cằn. Sao đường vắng thế nhỉ, chẳng thấy bóng xe nào, cũng không có cây xăng dọc đường? Đi được hơn 200 cây số mới thấy lù lù hiện ra một trạm thu phí, và thế là phải ngậm ngùi trả 325 peso, tương đương 26 đô la Mỹ. Bấy giờ mới nhìn bản đồ và thấy ngay con đường 180 bên cạnh không thu phí, khá tươm tất và không quá đông xe. Ra khỏi xa lộ180D mới có thể mua xăng, vì trạm xăng chỉ có ở những nơi có nhiều xe chạy, chắc thế. Dù hơi tiếc rẻ, nhưng không thể không mỉm cười với mấy chàng bán xăng mập mạp da đen giòn, lăng xăng hồ hởi. Rất có thể họ là người Maya, hậu duệ của một nền văn minh kéo dài ngót nghét 10 thế kỷ (từ khoảng thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ mười sau công nguyên), và để lại cho thế giới một dải di chỉ kéo dài suốt mấy quốc gia Trung Mỹ, từ miền Đông Nam México qua Bélize, Guatémala tới Hónduras.
Kim tự tháp và người Maya
Đổ xăng và ăn trưa xong, xe lăn bánh có vẻ trơn tru hơn trên con đường đã trở nên tấp nập và dịu nắng. Câu chuyện của chúng tôi cũng chuyển sang hướng khác, không còn dính dáng tới những bất ổn “lẻ tẻ” vừa gặp nữa, mà trở nên thâm thúy cao siêu hơn. Điều này không có gì lạ, trên những chuyến du hành di sản, ta thường rơi vào trạng thái lơ lửng giữa quá khứ và hiện tại lúc nào không hay. Cảnh vật lướt qua trên đường đi chợt đưa ta về những ký ức, vốn không phải của ta mà của một ai đó chia sẻ trong sách vở tài liệu, về nơi ta đang đến. Đã tới gần Chichén Itzá, nhưng lại cảm thấy con đường có thể kéo dài xa mãi qua những dấu tích còn lại của những đô thị hay bến cảng sầm uất trong rừng cây nước mặn hay phơi mình trước biển khơi, những lễ hội tưng bừng, và những cuộc tế lễ đẫm máu trước ta cả ngàn năm.
Đi vào những bí mật ngàn lần hấp dẫn hơn những điều mắt thấy hay trong phim ảnh
Vùng đất có vẻ khô khát được tưới tắm bằng những giếng thiên nhiên, hứng nước từ những mạch ngầm giữa các tầng đá vôi, cũng ôm ấp bao nhiêu bí mật của nền văn minh tiền Columbus (Trước thời đô đốc Christopher Columbus đặt chân lên châu Mỹ) một thời rực rỡ. Nhờ có hệ thống chữ viết hoàn chỉnh và duy nhất ở châu Mỹ thời kỳ này, dùng số 0 và hệ nhị thập phân trong các tính toán và đo lường, người Maya đã từng đạt đến độ phát triển rất cao về văn học, kiến trúc, toán học, thiên văn học và cả thuật làm lịch hết sức tinh vi.
Câu chuyện bí ẩn đầu tiên là chuyện về ngày tận thế trong lịch của người Maya. Tôi đã nhiều lần định tìm hiểu về cách người Maya phân định thời gian và không gian qua những nghiên cứu trên mạng, nhưng thấy có vẻ phức tạp và không mấy hấp dẫn. Chỉ mang máng hiểu rằng lịch của họ có cả Mặt trời, Mặt trăng và Sao kim, thay vì chỉ chú trọng Mặt trời như Dương lịch hay Mặt trăng như Âm lịch. Còn vì sao họ lại tự cho rằng thế giới mà chúng ta đang sống là thế giới thứ tư, được bắt nguồn từ khi thế giới thứ ba kết thúc vào đầu một chu kỳ dài tới 5125 năm trước, và tiên liệu những cơn đại hồng thủy vào cuối năm 2012, khi chính mình đang chịu đựng hạn hán chiến tranh, thì dù đến đây hay không cũng chẳng có câu trả lời chính xác. Chuyện Chichén Itzá trở thành phế tích sau những cuộc nội chiến vào thế kỷ 13 hay 11 cũng không có chứng cứ rõ ràng. Riêng tôi thì thích những lí do vui vẻ, rằng người Maya định ra ngày 21/12/2012 để mở lễ hội tưng bừng chào đón một chu kỳ thế giới mới tốt đẹp hơn. Một cuộc hẹn hò ngàn năm như vậy trong truyền thuyết hẳn lãng mạn hơn tin tức mới đây về những tai nạn và cả thương vong vì giẫm đạp lên nhau trong lễ hội “Tận thế” tại một ngôi đền Maya khác ở Guatémala là Tikal. Tai họa thật như vậy đương nhiên còn khủng khiếp hơn cả những cảnh tế lễ rùng rợn trong các phim Apocalypse.
Giếng thiêng tế thần
Và dài hơn một tiếng ngân
Những ý nghĩ về bí ẩn thứ nhất còn chưa dứt thì Chichén Itzá đã hiện ra trước mặt, tấp nập du khách. Có khoảng 3000 người tới đây một ngày, vé vào cửa 20USD, một nguồn thu lớn! Không khí xếp hàng ồn ào chen chúc giống như ở những điểm du lịch khác ở các nước đang phát triển lôi ta về thực tại. Người lo mua kem và nước giải khát, người lo mua dù che nắng. Vài người nhiệt tình đề nghị chụp hình giùm những du khách đi lẻ, giữa tiếng chào mời của những thợ chụp hình dạo và những người bán đồ lưu niệm. Và chỉ cách đó 300 mét là bí ẩn thứ hai.
Nằm ngay trong khuôn viên của khu di tích thành phố cổ Maya được xây dựng từ thế kỷ thứ 6, nhưng chỉ phát triển phồn thịnh vào thế kỷ thứ 10 sau cuộc tiếm quyền của người Toltec, là kim tự tháp Kukulkan, còn được gọi là “El Castillo” (lâu đài), sừng sững giữa mây trời. Đây là đền thờ thần rắn linh thiêng và là đài thiên văn của người Maya cổ đại, được sử dụng như một la bàn khổng lồ đo nắng gió và phân định ngày tháng và mùa. Kim tự tháp cao 25m, có bốn mặt đối xứng, mỗi bên có 91 bậc thang, cộng với phần đàn tế ở đỉnh tháp là 365 bậc, tượng trưng cho 365 ngày trong năm. Nghe đâu nó được xây từ 52 phiến đá, tượng trưng cho chu kỳ ngắn 52 năm trong lịch Maya hay 52 tuần của năm, và trên đỉnh còn có ngai vàng hình báo đốm của vua Kukulkan. Nhưng không ai được lên đỉnh sau một tai nạn chết người năm 2005.
Toàn cảnh kim tự tháp El Castillo
Một người đàn bà Maya bé nhỏ đi ngang qua Kim tự tháp, khiến tấm ảnh của chúng tôi có khác với những tấm trên mạng một chút, dù vẫn có vòng dây bảo vệ làm phong cảnh kém đẹp. Những tiền nhân của bà không biết làm cách nào đã tính được bóng nắng buổi sáng và xế chiều vào những ngày 20-21/3 của mùa xuân và 21-22/9 của mùa thu luôn tạo thành ảo ảnh rắn trườn xuống các cạnh của kim tự tháp. Năm nào vào 4 ngày đó, du khách cũng xúm vòng trong vòng ngoài để xem cảnh này. Còn chúng tôi, đến đây vào một ngày tháng Sáu, chỉ đứng dưới chân tháp và thả sức mường tượng. Cho đến khi nghe những tiếng vỗ tay của vài du khách tạo ra âm thanh hướng lên đỉnh tháp rồi dội trở lại.
Hiệu ứng âm thanh này cũng là một thành tựu của văn minh Maya đã bị thất truyền, còn thấy ở những cầu trường của người Maya, mà sân lớn nhất nằm cách kim tự tháp này không xa. Hai đầu sân là các đài tế lễ, trên bức tường hai bên có những vòng đá rỗng vừa lọt trái bóng. Một tiếng thì thầm ở một đầu sân có thể được nghe thấy rất rõ ở đầu bên kia. Sóng âm thanh lan dọc theo sân và tung lên trời cao, càng lan xa càng mạnh hơn, và không bị một sức gió nào ngăn cản, vào bất kỳ lúc nào, ngày cũng như đêm. Không ai rõ các cuộc đấu – tế lễ thực đã diễn ra thế nào. Hình như các cầu thủ phài dùng hông, eo lưng và chân để quất trái bóng nặng tới hơn 3kg, tượng trưng cho mặt trời. Nếu “mặt trời” được tung lọt qua vòng đá (rất khó để làm điều này), thì đội còn lại lập tức thua cuộc và đội trưởng sẽ bị chặt đầu làm vật tế lễ.
Thậm chí có chuyện kể lại rằng xương sọ của anh ta sau đó được nhồi vào vỏ trái bóng để khiến nó được nhẹ hơn. Tôi tự hỏi ai lại chịu làm đội trưởng nhỉ, không biết thủ tục đề cử và bầu bán thế nào. Nhưng những tiếng lao xao cười nói từ phía bên kia cầu trường còn làm tôi tò mò hơn. Một anh hướng dẫn viên du lịch người México đang hào hứng kể cho các khách tour rằng còn có một chuyện khác li kỳ hơn, rằng đội trưởng bên thắng cuộc mới bị chặt đầu làm vật tế lễ, và trước khi chết còn được các bà mẹ dâng con gái cho để truyền giống anh hùng. Cũng có thể người Maya coi cái chết kiểu này là một sự hy sinh đáng tự hào, cũng có thể anh hướng dẫn viên vui tính kia chỉ muốn pha trò thôi. Dù sao thì tôi cũng ngại nghĩ thêm về những chuyện này, và chạy ra đứng giữa sân thử vỗ tay xem những tiếng ngân được vọng lại thế nào.
Cầu trường - tế lễ với tiếng ngân vọng lan xa
Nghe nói vào năm 1931, nhạc trưởng lừng danh Leopold Stokowski đã dành 4 ngày liền ở cầu trường này để nghiên cứu hiệu ứng cộng hưởng âm thanh, những mong có thể áp dụng vào việc thiết kế một sân khấu giao hưởng ngoài trời. Song ông đã thất bại trong việc tìm ra nguyên tắc truyền âm kỳ diệu ấy. Chichén Itzá lưu giữ bí mật này, cùng những bí mật đầy ám ảnh về những cuộc tế người sống ở giếng thiêng gần đó. Đi qua miệng giếng, qua đền thờ thần rắn, khu lăng mộ, đền thờ các chiến binh và di tích ngàn cột, tôi cảm thấy trí óc hơi bão hòa và muốn được trốn chạy ra con đường có các sạp bán đồ lưu niệm. Giữa quần áo thêu và những tấm thảm dệt tay in hình lịch Maya còn có những chiếc mặt nạ và những hàng thủ công rẻ tiền. Một anh chàng người Maya mời chúng tôi mua một mẩu mô hình kim tự tháp nhỏ bằng xi măng, mà anh quả quyết là bằng đá với giá 1USD. Thôi thì bằng gì cũng được, mẩu mô hình và tấm thảm vàng chói, cùng với những tấm ảnh biết trước là không đặc sắc gì, chỉ làm nặng thêm hành trang một chút.
Song ký ức của chúng tôi trong buổi chiều tà hôm ấy nặng hơn hành trang kia và dài hơn những tiếng ngân vọng rất nhiều, trên đường ra khỏi khu di sản cách Việt Nam nửa vòng trái đất, để quay về với thực tại giờ đã trở nên hiền hòa và sáng sủa hơn.
Khu nghỉ dưỡng Royal Sand Cancún
Bài: Lã Hoa
Ảnh: Anh Anh
Ảnh: Anh Anh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét