Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2016

Phù điêu tưởng niệm những kẻ chiến bại trên vách Stone Mountain

Có lẽ điều tôi nhớ nhất về Atlanta, nơi bắt đầu chuyến đi xuyên bang miền Nam Hoa Kỳ năm ngoái, trên "vùng đất của những kẻ chiến bại", là mùa thu ở đây tuyệt đẹp. Đẹp vì những tầng lá vàng đỏ dường như mơ màng hơn khi hòa quyện với màu núi đá - Stone Mountain - cách không xa phố phường, được dân địa phương tự nhận là kỳ quan thiên nhiên thứ tám.
 
Toàn cảnh bức phù điêu tạc vào núi 
Không còn nhiều dấu tích của cuộc nội chiến
Atlanta rộng rãi nhưng hiu hắt, không khí ảm đạm của cuộc suy thoái kinh tế bao phủ những dãy phố có nhiều cao ốc hiện đại nhưng thưa thớt bóng người ngay cả dịp cuối tuần. Nhà cửa ở đây tiếp tục xuống giá, và trang blog địa ốc Movoto gọi thủ phủ của Georgia là thành phố “redneck” (quê kệch, cổ hủ) nhất nước Mỹ. Blogger Natalie Grigson giải thích cách tính độ "redneck" là căn cứ theo tỉ lệ học sinh phổ thông bỏ học, số lượng các cửa hàng bán súng, số lượng thợ thủ công, Walmart (siêu thị bình dân), trung tâm nhạc đồng quê, tiệm bán phụ tùng xe cơ giới, tiệm sửa máy cắt cỏ, và cả khoảng cách đến các đường đua xe NASCAR!
Chúng tôi hơi ngạc nhiên vì kiếm mãi không ra một chỗ đậu xe trọn gói giá rẻ hơn 20 đô la, cho đến khi thấy bảng quảng cáo mới biết hôm nay thứ Bảy sẽ có đêm diễn duy nhất của Madonna ở trung tâm sự kiện Philips Arena. Chịu khó chạy xa một chút mới tìm được chỗ đậu xe giá 4 đô la một giờ. Hăm hở mở cửa xe thì gặp ngay một thanh niên da đen vừa hát vừa ngó nghiêng rất khả nghi. Cố nén cảm giác bất an để tận hưởng hơi gió chiều mát lạnh, chúng tôi vào thăm tòa nhà hãng thông tấn CNN sáng rực và tòa Capitol uy nghi cổ kính, rồi căn nhà nhỏ chứa đầy kỷ niệm của nữ văn sĩ Margaret Mitchell. Dần dần mới thấy nơi này khá thân thiện và bình yên. Thong thả xoa tay tìm hơi ấm từ li cà phê Starbucks, hít hà mùi mocha thơm ngọt, tôi lặng lẽ ngắm cảnh khách xem show hối hả bước xuống từ những chiếc xe buýt kềnh càng chật ních. Sạch sẽ, tiện nghi, đơn giản - vẫn là một thành phố như bao thành phố khác ở Mỹ.
Khi những dòng người bị hút hết vào các khán đài để thưởng thức đêm diễn của nữ ca sĩ đã ngoại ngũ tuần nhưng chưa hề giảm độ "hot", ánh hoàng hôn cũng dần tắt trên nóc những nhà thờ nhỏ bé vắng lặng, văng vẳng tiếng hát Gospel của giáo dân da đen. Không biết đích xác địa điểm nào trước đây là phim trường của bộ phim "Cuốn theo chiều gió", cũng chẳng thấy dấu tích nào của buổi vũ hội gây quỹ chiến tranh ồn ào náo nhiệt, nơi Rhett Butler đã quyên góp số tiền lớn để được mời Scarlet O’Hara. Tất cả đã lùi thật xa vào dĩ vãng, thành phố ngột ngạt bị bao vây năm 1862, hay nặng nề đầy thương tích và sôi sục làm ăn trở lại thời hậu chiến sau năm 1865. Tất cả đã nằm im trong những trang sách của Mitchell. Với người dân Georgia, giờ đây chỉ còn bóng bầu dục, golf, nhạc đồng quê, và những lo âu triền miên về tình hình kinh tế. Có vẻ hơi sáo rỗng, nhưng chính lúc ấy tôi đã nghĩ đến câu kết của cuốn tiểu thuyết: “Xét cho cùng, mai là một ngày mới”. Ngày mai chúng tôi dự định tới thăm nơi được mệnh danh là kỳ quan thiên nhiên thứ tám, và chắc chắn sẽ có thêm những trải nghiệm thú vị.
 
Trạm tiếp nối cáp treo trên khối đá granite khổng lồ 
Tới kỳ quan thiên nhiên gặp di sản văn hóa
Khi tìm hiểu về nước Mỹ, chắc chắn nhiều người sẽ tìm đọc bài diễn văn nổi tiếng của mục sư Martin Luther King, Jr. - nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng, người được cả nước Mỹ tưởng niệm bằng một ngày nghỉ lễ quốc gia (federal holiday) vào thứ Hai của tuần thứ ba tháng Một hàng năm. Trong một đoạn hùng biện đầy ấn tượng, ông kêu gọi:  “Hãy để tự do vang tiếng từ Núi Đá ở Georgia”. Tuy vậy tôi chưa bao giờ tìm hiểu lí do nào khiến mục sư King chọn địa danh này để vẽ nên ước mơ về một nước Mỹ hoàn toàn không còn nạn phân biệt chủng tộc. Trước khi đến đây, tôi chỉ tự hỏi vì sao ngọn núi đá granite trải dài khoảng 14km và cao hơn 500m trên mực nước biển hay 200m trên vùng cao nguyên Piedmont lân cận lại được sánh với bảy kỳ quan cổ đại. Không biết vào những mùa khác trong năm cảnh vật ra sao, nhưng buổi sáng Chủ nhật hôm ấy thực sự là một ngày thu nắng vàng óng ả trên những ngọn cây chưa trút lá. Stone Mountain (Núi Đá) nhìn từ xa như một ngôi nhà vòm xanh nhạt nổi bật trên nền trời xanh ngắt, quả cũng có vẻ đẹp kỳ quan.
Chúng tôi tới nơi trước khi trời kịp nắng gắt. Các gia đình có con nhỏ thường vào một công viên tạo cảnh có hồ nước, cát trắng và các mô hình nhà cửa thú vật. Những ai muốn lên đỉnh núi thì có thể mặc sức leo trèo hay đi cáp treo phóng vèo lên đỉnh. Xuống thì có thể hoặc thả bộ hoặc đi tàu hỏa. Chúng tôi chọn cách đi cáp treo lên núi. Và chỉ khi đã ngồi trong cabin mới nhìn cận cảnh vách núi có tạc một bức phù điêu lớn. Không phải dàn tượng bốn vị tổng thống Mỹ ở núi Rushmore, South Dakota thường được đưa vào các đoạn phim giới thiệu về Hợp chủng quốc, song cũng uy nghi khó tả, sáng chói lên trong ánh nắng trưa. Không thể ngờ rằng ở Georgia “redneck” này lại có hai cái nhất: hòn núi đá granite lớn nhất và bức phù điêu tạc vào vách núi lớn nhất thế giới.
Rộng khoảng 3 mẫu Anh (lớn hơn diện tích một sân bóng bầu dục và lớn hơn cả diện tích dàn tượng núi Rushmore), cao cách chân núi khoảng 130m, sâu vào lòng núi khoảng 13m và có tên gọi Confederate Memorial Carving – Tưởng niệm Liên bang miền Nam, bức phù điêu tạc hình ba vị được sử sách Mỹ gọi là anh hùng của cuộc Nội chiến, tuy thuộc phe bại trận: Tổng thống Jefferson Davis và hai vị tướng Robert E. Lee và Thomas J. "Stonewall" Jackson, cùng ba con ngựa quý của họ - Blackjack, Traveller và Little Sorrel.
 
Ảnh tư liệu: người thợ đang chỉnh sửa tai của bức phù điêu Jefferson Davis 
Thì ra sự ra đời của bức phù điêu đã có những bước thăng trầm trắc trở không kém, trong suốt 60 năm, quãng thời gian dài hơn nhiều lần cuộc nội chiến, do ba nhà điêu khắc thực hiện bằng những kỹ thuật khác nhau, thay đổi dần theo thời gian. Từ nguyện vọng vào năm 1912 của bà Hội đồng Helen Plane của Liên hiệp những người con gái Liên bang miền Nam – UDC, chủ dãy núi là gia đình nhà Venable đã nhượng lại cho UDC mặt phía Bắc vào năm 1916 dự định dùng để khắc phù điêu trong 12 năm. Nhà điêu khắc nổi tiếng Gutzon Borglum là người đầu tiên được giao việc. Sau những đình trệ vì lí do tài chính và Thế chiến I, Borglum khởi sự vào năm 1923 sau công việc nổ mìn khoét vách núi. Song phác thảo của ông – 7 nhân vật chính nổi lên trên hàng ngàn binh lính – đã không được hoàn tất. Mới chạm xong phần đầu của tướng Lee, Borglum bất đồng với các chủ dự án và rút lui, chuyển sang đúc dàn tượng “Tứ Tổng thống” ở South Dakota. Augustus Lukeman, nhà điêu khắc thứ hai tiếp tục công việc vào năm 1925, với phác thảo mới như hình ảnh ngày nay. Ông đã phải xóa đi phần chạm cũ của Borglum và dùng kỹ thuật khoan hơi để tiến hành công việc. Song đến năm 1928, vẫn chỉ có đầu tướng Lee được hoàn tất mà ngân sách thì đã cạn kiệt. Vách núi về lại tay nhà Venable. Bức phù điêu một lần nữa bị bỏ dở, lần này là 36 năm. 

Vào năm 1958, cùng với việc chính quyền bang Georgia mua lại Núi Đá và vùng lân cận, một Ủy ban Tượng đài trên núi được thành lập bởi Quốc hội tiểu bang. Cuộc thi tuyển các nhà điêu khắc được Ban cố vấn xây tượng đài Liên bang miền Nam tổ chức, và cuối cùng vào năm 1963, Ủy ban Tượng đài trên núi chọn nhà điêu khắc người Massachusetts là Walker Kirkland Hancock tiếp tục công việc vào năm 1964. Sau khi hàng tấn granite được khoét đi bằng khoan nhiệt, việc chạm khắc được thực hiện rất công phu để tạo nên một bức tranh hết sức tinh tế và tỉ mỉ. Đứng ở chân núi nhìn lên không thể hình dung hết độ lớn của bức phù điêu. Những người công nhân có thể dễ dàng đứng trên tai ngựa hoặc chui vào mõm chúng để trú mưa. Bức phù điêu kỳ công ấy chỉ được hoàn tất vào năm 1972, sau lễ khánh thành chính thức hai năm. Không kể đến công sức và tiền bạc đã đổ ra, thật khó đo đếm được những tình cảm, hy vọng và cả thất vọng tiếc nuối của những người tham gia mà không được thấy công trình hoàn thành. Dù cho đó không phải là một tượng đài chiến thắng.

Rừng cây mùa thu dọc đường xuống núi đang trút lá trên nền đá tạo nên những thảm màu rực rỡ, soi bóng xuống hồ nước có những vòi phun xinh xắn dưới chân bức phù điêu. Trong ánh chiều chạng vạng, mặt Jefferson Davis, vị tổng thống của cái liên bang chết yểu có vẻ hơi buồn bã. Ông bị chính những người thuộc phe miền Nam cáo buộc là nguyên nhân thất bại của họ, vì khả năng lãnh đạo kém; vì chú ý nhiều đến tiểu tiết và các hoạt động quân sự thay vì các hoạt động dân sự; vì sức khỏe và thị lực yếu. Các nhà sử học thì nói rằng “cuộc cách mạng Mỹ có George Washington, cuộc cách mạng miền Nam có Jefferson Davis, một người chiến thắng còn một người thua cuộc”. Các tướng lĩnh của ông thì cho rằng ông không phải một nhà lãnh đạo lý tưởng, nhưng là người có ít khiếm khuyết nhất trong số họ.
 
Lối đi dạo theo vạch trắng trên đỉnh Stone Mountain 
Vậy tại sao một nhân vật lịch sử có những tư tưởng cổ lỗ và phi tiến bộ khi cho rằng “trong quá khứ và hiện tại của dòng chảy lịch sử, không bao giờ đa số nắm vai trò lãnh đạo cả”, hay “chế độ nô lệ da đen, như đang tồn tại ở Hợp chủng quốc, là một chế độ có đạo đức, là một ân điển chính trị và xã hội” lại được tưởng niệm long trọng dường ấy trên vách núi? Có thể hình dung ra câu trả lời từ hình ảnh các nhân vật trong "Cuốn theo chiều gió". Họ là những người có tính cách, trí tuệ và hoàn cảnh xuất thân không giống nhau, nhưng cùng chung một niềm tin vào điều mà họ cho là chính nghĩa – bảo vệ chế độ nô lệ. Hình ảnh những người nô lệ trong "Cuốn theo chiều gió" khác hẳn hình ảnh những người nô lệ đau thương và quả cảm trong "Túp lều bác Tôm" - thỏa mãn, an phận và biết vâng lời, dưới góc nhìn của giới chủ da trắng. Scarlett cho rằng những người nô lệ có phẩm chất trung thành, nhẫn nại và yêu thương chủ, mà không một áp lực hay tiền bạc nào có thể mua chuộc. Cách nhìn phiến diện, không bình đẳng và sai lầm ấy ngày nay đã trở nên lạc hậu. Song lịch sử là lịch sử, như được gìn giữ và ghi nhận trên vách đá kia.

Để thấy bài học về thái độ với quá khứ
Chắc các bạn cũng như chúng tôi đều không tin rằng những người tham gia xây dựng phù điêu, trong đó có chính quyền bang Georgia, muốn bảo lưu quan điểm chính trị ủng hộ chế độ nô lệ. Ngay cả tổ chức UDC chắc cũng chỉ hoạt động nhằm bày tỏ tình cảm với cha ông và những người thân tham gia nội chiến. Dù sao đi nữa, bức phù điêu vẫn nhiều lần bị đe dọa dỡ bỏ. Chỉ cách đây vài tuần, báo chí Mỹ lại đưa tin về một kiến nghị, yêu cầu thay bức phù điêu bằng một hình ảnh lịch sử khác ca ngợi tất cả những người đã hi sinh trong chiến trận. McCartney Forde, người khởi xướng kiến nghị đã thu được chừng 200 chữ ký, cho rằng thay đổi nội dung phù điêu sẽ xóa đi hình ảnh một Georgia biểu tượng của phân biệt chủng tộc, nô lệ và áp bức. Song số đông đã không tin rằng bức phù điêu hiện nay có ngụ ý như Forde mô tả. Ngay chính câu nói của mục sư King cũng không hàm ý rằng phù điêu trên Núi Đá cần được xóa đi. Khi nghe kiến nghị, hầu hết người dân ở đây đã phản đối và cho rằng: ”không thể xét lại hay xóa bỏ lịch sử”. Hơn nữa, dù thất bại và lỗi thời, nhưng đó lại là một hình ảnh lịch sử đã được biết bao tình cảm và niềm tin chân thật vun đắp.
Con đường mòn xuống chân núi mùa thu 
Do mối quan hệ phức tạp với UNESCO, chủ yếu về vấn đề nộp tiền quỹ, Mỹ rút khỏi tổ chức này năm 1984, vào lại năm 2003 rồi lại lăm le rút từ năm 2011, nên có rất ít di tích và thắng cảnh được trao danh hiệu di sản ở Mỹ. Phù điêu tưởng niệm ở Stone Mountain lại càng không thể nằm trong danh sách này, do ý nghĩa tiếp tục gây tranh cãi của nó. Song vì thái độ trân trọng và công khó của con người khi lưu giữ và ngưỡng vọng về quá khứ, thể hiện trong một hình ảnh rất sử thi và nghệ thuật, bức phù điêu rất đáng được liệt vào hàng những di sản văn hóa.
 
Phóng tầm mắt từ đỉnh Núi Đá xuống thung lũng xanh và hồ nước 
 
Bài: Lã Hoa - Ảnh: Anh Anh

Không có nhận xét nào: