Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Không giỏi tiếng Anh bằng người Việt, nhưng cách người Nhật tạo ra xã hội siêu tiện lợi cho người nước ngoài khiến chúng ta phải ngả mũ

Việc phát triển được hạ tầng hỗ trợ ngôn ngữ cho người nước ngoài là điều thực sự cần thiết trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa ngày một sâu rộng...


Không giỏi tiếng Anh bằng người Việt, nhưng cách người Nhật tạo ra xã hội siêu tiện lợi cho người nước ngoài khiến chúng ta phải ngả mũ
Ảnh: Japantimes
Người Nhật đã nghĩ ra những cách riêng rất hiệu quả để hỗ trợ cho cuộc sống của người nước ngoài tại Nhật mà hiếm nước nào trên thế giới có thể làm được giống như họ.
Hỗ trợ cho người nước ngoài tối đa trong cuộc sống đời thường
Những ngày mùa đông lạnh giá ở Hokkaido quả thực chẳng hề dễ chịu tý nào. Tuyết rơi dầy liên miên từ sáng đến tối mịt đến nỗi nhiều người phải thốt lên: “Không biết trời lấy đâu ra lắm tuyết mà rơi xuống vùng này đến thế.” Ngoài đường vắng lặng bởi hôm đó là ngày nghỉ, chẳng ai muốn ra đường nhiều trong thời tiết khắc nghiệt như vậy.
Anh Igor Mariano là một chuyên gia nông nghiệp đến từ Nga làm việc ở Hokkaido đã nhiều năm. Sau chuyến công tác dài ngày về nhà anh nhận được một bưu kiện, họ chuyển đồ đến trong lúc anh vắng nhà và bây giờ anh sẽ cần phải gọi điện lại để thông báo giờ cho họ chuyển hàng đến.
Dù không biết tiếng Nhật nhưng anh cũng không gặp khó khăn gì trong ngôn ngữ bởi công ty vận chuyển có sẵn đường dây nóng bằng tiếng Anh phục vụ cho người nước ngoài trực tổng đài từ 8h sáng đến 6h tối.
Dịch vụ đường dây nóng bằng tiếng Anh như trên có ở gần như tất cả các công ty vận chuyển hàng hóa của Nhật. Nếu không có những hỗ trợ kiểu này, không biết người nước ngoài sẽ xoay xở thế nào bởi sẽ khó mà kiếm được ai để nhờ vả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như thế.
Tại một thị trấn vùng núi hẻo lánh của tỉnh Niigata nằm cách Tokyo khoảng 200km. Chị Preethi Appatu, nhân viên Bộ Tài chính Sri Lanka mới sang Nhật học theo diện học bổng chính phủ Nhật. Chị cần phải có một chiếc điện thoại di động để sử dụng trong khoảng thời năm 2 năm học thạc sỹ ở đây. Mất mấy ngày trời chị mới tìm được một người nói tiếng Nhật đi cùng với mình vì thủ tục đăng ký điện thoại di động ở Nhật rất phức tạp.
Thế nhưng khi đến nơi chị phát hiện ra mình đã lo lắng thái quá. Nhân viên ở điểm dịch vụ đăng ký điện thoại cho chị biết họ có một đường dây nóng chuyên phục vụ cho khách hàng không nói được tiếng Nhật. Các bản khai thông tin cá nhân đều bằng tiếng Nhật nhưng lại ngay lập tức có kèm bản giải thích bằng tiếng Anh. Và vậy là những lần sau chị đã có thể tự đến các điểm dịch vụ điện thoại để giải quyết công việc cá nhân của mình không phải phiền hà đến ai.
Năm 2015, Nhật Bản đã chính thức đón 20 triệu du khách đến nước này, đáng nói, đây từng là mục tiêu của chính phủ Nhật vào năm 2020. Như vậy có thể nói Nhật đã rất thành công trong việc thu hút khách du lịch.
Trở ngại ngôn ngữ khi mua sắm là một trong những yếu tố khiến khách nước ngoài nản lòng khi đến Nhật. Thế nhưng những khó khăn này cũng đã phần nào được giải quyết khi mà khoảng 5 năm trở lại đây, nhiều trung tâm mua sắm lớn ở Tokyo đã có hệ thống đường dây nóng với nhân viên nói tiếng Anh.
Thường sẽ có khoảng 2 hoặc 3 nhân viên nói giọng Anh Mỹ cực chuẩn sẽ ngồi trực tổng đài. Khi gặp quá nhiều khó khăn trong việc giao tiếp với khách để bán được hàng, lập tức họ sẽ gọi tổng đài và nhân viên tiếng Anh lập tức có mặt để hỗ trợ cho khách. Đối với người Nhật, họ không quan trọng việc bạn phải mua hàng, kể cả sau khi phiên dịch của họ đã hỗ trợ bạn đến cả tiếng mà bạn không mua, họ vẫn tươi cười cám ơn.
Không chỉ hỗ trợ cho người nước ngoài với dịch vụ bưu điện hay mua sắm, ở khá nhiều bệnh viện lớn của Nhật, các bác sỹ có thể giao tiếp tiếng Anh với khách nước ngoài đối với một số bệnh thông thường như răng miệng, tai mũi họng.
Khi khách du lịch đến chơi bảo tàng, công viên thì các tờ rơi bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, thậm chí là tiếng Hàn, tiếng Trung cũng rất phổ biến. Khách muốn nghe hướng dẫn bằng tiếng nào, chỉ cần bỏ ra thêm khoản chi phí nhỏ sẽ được phát một bộ phát kèm tai nghe với hướng dẫn về nơi họ đang tham quan.
Khi bạn là khách du lịch ngắn hạn mà không biết chữ tiếng Nhật nào, bạn cần mua vé tàu, bạn cần hỏi về những địa điểm du lịch nổi tiếng và bạn sợ hãi, lo lắng không biết mình sẽ xoay xở thế nào. Không cần phải quá lo lắng, bởi luôn có bộ phận hỗ trợ du khách nói tiếng Anh cực chuẩn ở các thành phố du lịch lớn như Tokyo hay Kyoto. Trước đó, khách bước chân xuống sân bay thì đã có bộ phận nói tiếng Anh rất tốt hỗ trợ.
Dù người Nhật có niềm tự hào dân tộc và ngôn ngữ rất cao nhưng họ đã rất cố gắng bằng mọi cách có thể để giúp người nước ngoài vượt qua rào cản ngôn ngữ trong cuộc sống thường ngày.
Vậy nên mới có chuyện rất nhiều người Anh, Mỹ đến Nhật dậy tiếng Anh hoặc một số người làm cho các tập đoàn đa quốc gia ở Nhật dù sống ở đây đến mười mấy năm và họ không nói được nhiều tiếng Nhật nhưng cuộc sống vẫn rất ổn.
Hỗ trợ trong khủng hoảng và hỗ trợ trong dài hạn
Tháng 9 năm ngoái, lũ lụt nặng nề đã khiến hàng nghìn người dân sống gần Tokyo phải di tản. Công tác di tản đặc biệt khó khăn đối với người nước ngoài, ví như hàng nghìn người Brazil tại tỉnh Gunma. Họ không thể hiểu được những thông báo của cảnh sát bởi tất cả đều bằng tiếng Nhật. Tình trạng tương tự xảy ra với hàng trăm người thuộc cộng đồng người Indonesia, Philippines hay người Mỹ, Anh, Canada.
Đối với nhiều bậc cha mẹ có con ốm, họ cảm thấy có rất nhiều khó khăn vì vốn tiếng Nhật của họ không đủ để diễn đạt bệnh tình của con, còn các bác sỹ chuyên làm nhiệm vụ hỗ trợ khẩn cấp thì lại không thể nói được tiếng Anh. Lập tức chính quyền của một số tỉnh kêu gọi sự hỗ trợ tình nguyện từ những người Nhật nói giỏi tiếng Anh.
Hàng trăm người Nhật giỏi tiếng Anh cũng như rất nhiều người nước ngoài giỏi tiếng Nhật đã lập tức đến để hỗ trợ nhiệt tình cho việc giao tiếp giữa bác sỹ và cảnh sát với những người nước ngoài di tản.
Và cũng đồng thời, cơ quan cứu trợ của Nhật yêu cầu các đại sứ quán lên danh sách công dân nước ngoài thuộc thẩm quyền quản lý của họ và gửi các thông báo qua Facebook, các ứng dụng chat trên điện thoại. Ngoài ra, hệ thống của cơ quan cứu trợ cũng phối hợp với đại sứ quán để tin nhắn điện thoại bằng cả tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng địa phương để người dân có thể nắm được thông tin nhanh và hiệu quả nhất.
Những biện pháp trên thường chủ yếu mang tính hỗ trợ ngắn hạn cho khách du lịch hoặc người đến Nhật trong một khoảng thời gian ngắn. Còn đối với mục tiêu sinh sống dài hạn ở Nhật, phải kể đến hàng trăm câu lạc bộ tiếng Nhật do phụ nữ, người già cũng như rất nhiều người trẻ Nhật đứng lớp được lập ra trên khắp nước Nhật để giúp người nước ngoài nói tiếng Nhật tốt hơn. Và quan trọng là tất cả đều… miễn phí.
Nếu ở nhiều nơi khác trên thế giới, sự miễn phí đi kèm với chất lượng giảng dạy kém, lịch trình thất thường thì với người Nhật, kể cả họ không thu được đồng tiền nào từ việc giảng dạy tiếng Nhật cho người nước ngoài họ vẫn luôn đến lớp đúng hẹn, đúng giờ và giảng nhiệt tình không thiếu một phút.
Vậy nên mới có nhiều trường hợp, người dạy tiếng Nhật đã đến còn học viên lớp tiếng Nhật vì lý do này khác vẫn chả thấy đâu hoặc ít nhất cũng đến muộn vài phút.
Nếu không có sự so sánh, chắc chắn không ít người sẽ không hiểu được sự ưu việt trong hỗ trợ ngôn ngữ của người Nhật. Với kinh nghiệm của người viết bài, có rất ít nước phát triển trên thế giới mang đến sự hỗ trợ tương đương cho người nước ngoài như người Nhật.
Ở Ý, Pháp, Đức và nhiều nước khác tại châu Âu hay Trung Đông, nếu bạn không biết tiếng bản địa và không kiếm được một người đi cùng với bạn, sẽ chẳng bao giờ bạn có thể sử dụng dịch vụ tại bưu điện, trung tâm mua sắm, bệnh viện, đăng ký được điện thoại di động ở địa phương hay hỏi cách mua vé tàu, xe bus. Và chắc chắn sẽ cực kỳ khó để tìm kiếm được những lớp dạy tiếng miễn phí mà giáo viên chân thành, đúng hẹn như ở Nhật.
Xếp hạng của EF, một tổ chức giáo dục quốc tế rất uy tín, cho thấy tính đến cuối năm 2015, trình độ tiếng Anh trung bình của Việt Nam còn cao hơn Nhật (53,81 so với 53,57). Và so với 16 nước châu Á được xếp hạng thì Việt Nam đứng thứ 5, cao hơn Nhật.
Một nghiên cứu khác cũng do EF công bố năm 2014 cho thấy suốt từ năm 2009 đến năm 2014, người Nhật không có một tiến bộ nào về trình độ tiếng Anh trong khi Indonesia và Việt Nam ghi nhận tiến bộ về trình độ tiếng Anh thuộc loại nhanh nhất thế giới. Những số liệu trên cho thấy điều gì? Có nghĩa là so với nhiều nước như Nhật, Thái Lan hay vùng lãnh thổ như Đài Loan, thì trình độ tiếng Anh của người Việt cao hơn, nhưng cái chúng ta thể hiện ra và hỗ trợ cho người nước ngoài thì kém hơn rất nhiều.
“Trông người lại ngẫm đến ta”, câu nói này có lẽ thực sự cần thiết trong bối cảnh Việt Nam hiện nay. Hãy thử tưởng tượng một du khách nước ngoài đến Việt Nam và họ hoàn toàn không biết tiếng Việt cũng như không có điều kiện học trước đó. Họ sẽ gặp khó từ sân bay khi mà nhân viên sân bay của Việt Nam không thực sự giỏi tiếng, rồi ra ngoài họ muốn gọi taxi và muốn trả giá, nhân viên điều phối xe và lái xe taxi cũng không biết nói tiếng Anh.
Trong cuộc sống thường ngày, họ muốn đi siêu thị mua đồ, nhân viên không biết nói tiếng Anh và cũng không có ai hỗ trợ cho họ. Không một trung tâm mua sắm nào của Việt Nam có nhân viên tiếng Anh hỗ trợ cho khách.
Nếu không may mắn họ ốm đau và cần đi viện thì ở bệnh viện cũng không có ai nói tiếng Anh, có lẽ khách du lịch đến Việt Nam tốt nhất không nên ốm. Họ cần gửi đồ, ra bưu điện cũng không ai giúp được họ nói cái họ muốn, bản khai không có tiếng Anh.
Việc phát triển được hạ tầng hỗ trợ ngôn ngữ cho người nước ngoài là điều thực sự cần thiết trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa ngày một sâu rộng và người Việt muốn phát triển du lịch. Bởi đơn giản, sẽ rất khó để hiểu và cung cấp dịch vụ cho tốt nếu chúng ta không thể hiểu nhau.
Ngọc Thanh
Theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào: