Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Cưỡi lạc đà trên sa mạc Gobi


 KỲ QUAN
Rời TP. Đôn Hoàng (tỉnh Cam Túc, Trung Quốc), đi xe khách khoảng 1 giờ, chúng tôi đến “cửa ngõ” của sa mạc Gobi. Trước khi vào sa mạc, du khách phải mang “bao” để tránh cát “ăn chân”.
Gobi là sa mạc lớn nhất Châu Á, lớn thứ tư trên thế giới, trải rộng trên vùng tây bắc của Trung Quốc và phía nam Mông Cổ. “Con đường tơ lụa” nổi tiếng từng đi qua sa mạc này. Khách du lịch vào sa mạc Gobi, phương tiện phổ biến nhất và cũng thú vị nhất là cưỡi lạc đà.
    Du khách đến “bãi xe” lạc đà, tự chọn cho mình “chiếc” ưng ý nhất. 
     Du khách tự cưỡi lạc đà tiến vào sa mạc.
    Đường vào sa mạc Gobi. 
     Lạc đà không lên được đỉnh núi cát, con người phải tự leo.
    Khoảng xanh hiếm hoi trên sa mạc. 

    Xe tay ở Tokyo

    GHI CHÉP CỦA NHÀ VĂN DI LI


    Tôi vừa đi Ấn Độ về, sau đó lại sang Nhật. Tự dưng thấy sự đối nghịch khổng lồ. Nhật Bản khác Ấn Độ một trời một vực.

      1. Nếu như Ấn Độ bát nháo thì Nhật Bản trật tự như một cỗ máy. Ấn Độ ngập rác thì Nhật Bản còn sạch hơn cả Singapore. Ấn Độ đến đâu cũng thấy ăn xin thì người Nhật tự trọng tới độ đi khắp Tokyo thấy có mỗi hai bác hành khất, lại còn ăn mặc sang trọng như võ sĩ đạo, đầu đội nón để dân tình đỡ nhìn thấy mặt thì khỏi xấu hổ. Ấn Độ có mỗi trang phục sari thì Nhật Bản có hàng vạn kiểu áo quần kỳ khôi mà điển hình là trào lưu Harajuku. 
      Như nhiều quốc gia khác còn duy trì nền quân chủ lập hiến, cung điện ở Tokyo là một điểm quan trọng để ghé thăm nếu đã qua Tokyo, mặc dù du khách chỉ được “ngó” bên ngoài. Nhưng kiến trúc của Ngoại thành Hoàng cung thì thực tệ. Còn nhớ một câu chuyện vui về Hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Là khi bạn được ăn cơm Tàu, ở nhà Anh, lĩnh lương Mỹ và lấy vợ Nhật. 
      Còn thế nào là Bất hạnh? Bất hạnh là khi bạn phải ăn cơm Anh, ở nhà Nhật, lĩnh lương Tàu và lấy vợ Mỹ. Vợ Nhật thì vừa đẹp vừa ngoan, vừa biết hầu chồng, còn nhà ở của Nhật thì xấu nhất thế giới. Giờ mọi giá trị đảo lộn hết cả rồi. Phụ nữ Nhật bây giờ còn “hư” hơn phụ nữ Mỹ ở chỗ không thèm lấy chồng, không chịu sinh con, khiến những mày râu chưa vợ ở Nhật Bản ngày càng trở nên tuyệt vọng.
       Chỉ riêng việc nếu bạn loanh quanh buổi đêm ở khu Shinjuku sẽ bắt gặp rất nhiều “trai đẹp” cầm ô trắng (dấu hiệu nhận biết đặc trưng của các “call boy”) để mời chào phụ nữ đã chứng minh cho nữ quyền ở Nhật mạnh mẽ dường nào. Nhưng kiến trúc Nhật Bản thì vẫn chẳng có gì thay đổi, ngay cả những công trình cổ kính giá trị nhất của xứ Phù Tang cũng không thể so sánh với Trung Quốc và Ấn Độ.
      2. Có một thứ đặc biệt tôi đã nhìn thấy ở Ấn Độ song cũng lại bắt gặp ở Tokyo là xe tay. Nhưng nếu xe tay ở Kolkata có bộ gọng đen đúa bẩn thỉu thì xe tay trước cổng chùa Asakusa Kannon sáng loáng mạ kền. Người kéo xe ở đền Kalighat gầy nhom nhếch nhác với bộ quần áo bốc mùi và khuôn mặt buồn thảm muốn khóc thì những chàng kéo xe ở chùa Asakusa phô bày một màn biểu diễn đường phố với quần soọc thời trang phô bắp vế lực lưỡng, tay áo xắn cao sẹc xi khoe những múi cơ đáng tự hào và khuôn mặt luôn nở nụ cười quyến rũ. 
      Người kéo xe Ấn Độ già nua miệng thở hồng hộc lê chân trần trên mặt đường lầm bụi tải theo những vị khách có bộ dạng béo phì của người không đủ thu nhập để ăn kiêng thì cậu thanh niên Nhật Bản kéo chiếc xe du lịch nhẹ nhàng như một món đồ chơi và trên xe là những cô búp bê Barbie thanh mảnh tuyệt vời. Xe kéo ở Ấn có giá rẻ mạt phù hợp với những công dân chẳng đủ tiền đi taxi thì xe kéo ở Nhật thậm chí còn đắt hơn taxi (mà taxi Nhật đã 8USD/km). Xe kéo Kolkata gợi nỗi buồn thương, u ám về những phận nghèo, khiến người nhạy cảm ngồi trên xe luôn cảm giác như mình là kẻ bóc lột. Còn xe kéo Tokyo lại mang vẻ… thể thao, lãng mạn, hài hước, vui nhộn và không kém phần xa xỉ.
       
      3. Ngày cuối cùng tôi ở khách sạn Nikko ngay khu vực sân bay, đồng nghĩa với việc chán chết nhìn đồng hồ cho tới giờ cất cánh. Quận Chiba rất nhiều khách sạn năm sao và siêu thị để phục vụ cho khách chờ bay, ngoài ra không còn gì khác ngoài mấy quả đồi. Tôi quyết định bắt tàu tốc hành vào Tokyo. Nhiều người gàn. Tối hôm trước lúc xe chạy qua khu Shinjuku, người am hiểu chỉ cho tôi ga tàu điện ngầm đông đúc nhất thế giới với ý đồ làm tôi phát nản mà không bỏ lên Tokyo chơi nữa. Họ sợ tôi sẽ bị lạc. 
      Nhìn “bầy ong” túa ra từ những ga tàu điện ngầm đông nhất thế giới, tôi bị hoảng mất 30 giây. Narita cách Tokyo 60km, đi taxi mất khoảng 500USD một lượt từ sân bay về nội thành, đắt bằng tiền vé máy bay từ Hà Nội sang Tokyo. Tôi chưa thấy taxi ở đâu đắt vô lý như vậy, trong khi so với giá cả mặt bằng thì mọi thứ ở Tokyo đều ở mức chịu đựng được. Có lẽ do mật độ xe cộ dày đặc nên chính phủ Nhật phải đánh thuế cao dịch vụ taxi nhằm khuyến khích mọi người chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Trước khi sang Nhật, một cô bạn thân giới thiệu cho tôi ông bố nuôi của cô, bảo ông rất nhiệt tình, sẽ đưa chúng tôi đi chơi một buổi. 
      Nhưng thấy bảo ông đã gần 80, tôi hơi nản, sợ sức ông đi bộ một quãng đã phải nghỉ. Song bạn tôi bảo cứ yên trí, ông vẫn còn đang đi làm. Y hẹn, ông Kondoh đón tôi ở một nhà ga Tokyo. Từ sân bay Narita, tôi bắt tàu lên Tokyo, hết chừng 20USD tiền vé và mất 55 phút. Nếu bạn chỉ muốn mất 45 phút thì chọn tàu JR Express nhưng giá vé sẽ là 30USD. Ông Kondoh hiện là đại diện của công ty Vinaconex ở Nhật Bản. Hồi bạn tôi sang Nhật làm việc ba tháng được ông nhận làm con nuôi. Ra đón tôi, ông mặc quần jean, áo vest demi và đầu trọc lốc. Đó là đặc điểm nhận diện. Ông hỏi chúng tôi muốn đi đâu, tôi chỉ đưa ra ba yêu cầu, coi như là tạm hết Tokyo: Đền thờ Minh Trị, nhà ga Harajuku và nhà ga Shibuya.
       
      4. Nơi mà tôi muốn đến đầu tiên ở Tokyo là nhà ga cổ Harajuku, khu vực tập trung nhiều nhất những thanh niên Cosplay, một đặc sản độc nhất vô nhị của Nhật Bản. Đã nhiều thập kỷ, giới trẻ Nhật khởi xướng một trào lưu thời trang quái dị khi đóng vai những nhân vật trên phim hoặc truyện tranh mà họ yêu thích. Họ thường đứng tụ tập ở khu vực nhà ga Harajuku và Shibuya, từ đó hình thành cụm từ “Thời trang Harajuku”. 
      Đối diện nhà ga là con phố chỉ bán độc một loại mặt hàng là quần áo và phụ kiện phục vụ cho các “Harajuku”: Trang phục cướp biển, trang phục tướng quân, trang phục vấy máu, những bộ tóc giả, giày tất và mũ đội đầu. Nhưng tuyệt nhiên sáng đó tôi chẳng bắt gặp một “Harajuku” nào. Hỏi ông Kondoh, ông bảo ông không biết, ông chẳng bao giờ đến đây, thậm chí ông còn chưa đứng cạnh tượng chó Hachiko bao giờ. Thôi thì ông Kondoh cũng đã già, giờ đã đến tuổi chỉ giải trí bằng cách đọc báo chứ sao lại bắt ông dẫn đi xem các cô gái mặc Lolita. 
      Chiều ý tôi, ông Kondoh đành đi bộ vào từng cửa hàng hỏi bao giờ thì những cô cậu thanh niên ăn mặc kỳ quái sẽ ra đứng đây. Không chắc ông Kondoh truyền đạt có đúng hay không mà không ai hiểu ông muốn hỏi điều gì. Cuối cùng ông đành gọi về Việt Nam cho bạn tôi để nói chuyện bằng tiếng Nhật, rồi chuyền máy sang cho tôi. Bạn bảo tôi muốn gì thì cứ nói, cô ấy sẽ giải thích lại cho ông Kondoh. Thực ra không cần hỏi tôi cũng đoán được rằng giờ này sớm quá, mới có 10 giờ sáng chủ nhật, các “Harajuku” còn đang ngủ, chưa kể việc ăn vận trang điểm cầu kỳ sẽ mất tới cả tiếng đồng hồ. Có lẽ họ sẽ chỉ ra đây vào chiều thứ bảy, chủ nhật, mà giờ ấy thì tôi lên máy bay rồi.
      5. Nếu có thời gian thì những buổi tối đẹp trời, tôi sẽ ngồi yên trên vỉa hè khu Shinjuku mà ngắm người qua lại như cách thưởng thức một sân khấu thời trang ngoài trời. Ngay cả những chàng trai cô gái không ăn vận theo kiểu Harajuku thì cũng có chút gì đó khác lạ so với trang phục đơn giản của người xứ khác. Các cô gái đi giày đế bánh mì cao 15 phân và chiếc váy da có lẽ chỉ dài hơn đế giày chút xíu. 
      Những chàng trai luôn để tóc dài, đội mũ rộng vành ngay cả lúc nửa đêm và mặc quần jean rộng thùng thình. Ở xứ này, ngay cả trang phục của cô dâu, chú rể cũng rất khác thường. Khi vào đền Minh Trị (chỉ cách nhà ga có vài trăm mét), tôi bắt gặp đến bốn đám cưới. Thay vì mặc vest và soiree trắng, chú rể lại vận kimono đen còn cô dâu mặc kimono trắng, đội mũ trắng, một loại mũ cứng chóp cao rất khó tả hình thù. 
      Bầu đoàn thê tử theo sau cũng ăn mặc theo lối cổ xưa. Cả gia đình hai họ đang làm lễ, một người đi sau che lọng cho đôi tân lang và tân giai nương. Những ông thầy tế quần chùng áo dài đi đôi giày to như cục gạch dẫn đầu đoàn. Theo sau là các Miko (người giữ đền phục vụ trong các thần xã) mặc bộ kimono vải hoa.
      Đền thờ Minh Trị Thiên Hoàng (1852-1912) được xây dựng để tưởng nhớ công lao của ông sau công cuộc Minh Trị Duy Tân năm 1868, một cuộc cải cách đã dẫn đến thay đổi to lớn trong xã hội và chính trị Nhật Bản. Đền Meiji là một nơi bình yên rộng lớn bao quanh bởi cây cối với torii bằng gỗ mộc không sơn phết. Tôi và ông Kondoh đi trên lối vào đền trải đá răm, nói không ngớt về cuộc cách mạng Minh Trị và vị minh quân có công lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản. 
      Tôi nói rằng nếu năm 1864 mà vua Tự Đức duyệt sớ cải cách toàn diện của danh sĩ Nguyễn Trường Tộ thì giờ nước chúng tôi có lẽ còn hơn cả nước Nhật. Ông già Kondoh cười khà khà bảo cũng có biết chuyện ấy, rồi không nói gì thêm nữa. Có lẽ cũng đã nhiều người kể câu chuyện “Nếu…” ấy với ông rồi.

      Núi trắng, hồ xanh Thụy Sỹ, chỉ ghé thăm thôi, thì tiếc lắm...

       ĐỖ DOÃN HOÀNG
      Phong cảnh Thụy Sĩ.
      Có nhiều lý do để loài người mắc hội chứng xê dịch. Một nguyên nhân quan trọng là khi du sơn hý thủy thì con người sẽ tự chữa được bệnh thiếu không gian mà tổ tông truyền lại. Tức là khi đi vào thiên nhiên, con người ta cảm thấy vơi bớt đi nỗi ám ảnh về sự nhỏ bé và hữu hạn vốn có của kiếp phận mình. Họ được thiên nhiên chia sẻ, bao dung rồi chiếm lĩnh và giác ngộ.
      Thuy%20Si%20phong%20canh.JPG

        Và đất nước Thụy Sỹ đã cho tôi những ngày sống mơ màng với xiết bao hồ nước trong xanh và những đỉnh tuyết trắng vĩnh cửu, những dòng sông băng mênh mông rợn ngợp, những cánh rừng ôn đới tươi non như Vườn Địa Đàng hạ giới. Dường như những đêm nằm ở thành phố di sản, giáp biên giới ba nước (nơi “một tiếng gà mang ba quốc tịch”) trên đường từ Pháp sang “Vương quốc đồng hồ”; những ngày sống ở đỉnh núi Titlis cao nhất miền trung Thụy Sỹ với các hang băng vĩnh cửu, các thị trấn đẹp hơn cả cổ tích… đã khiến tôi thay đổi suy nghĩ về nhiều điều trong cuộc đời. Để rồi, hôm ấy, nằm trên cỗ xe lãng mạn rời biên giới của đất nước nhỏ bé mà đáng sống vào bậc nhất thế giới đó, tôi luôn bị ám ảnh bởi câu hỏi: Tại sao một nơi như thế này mà mình chỉ ghé qua ít ỏi thế thôi? Chưa chia tay đã thấy len lén nhớ nhung, rồi tiếc nuối.
        Nhiều gia đình đang sở hữu máy bay riêng. 
        1. Ám ảnh nhất là văn hóa giao thông. Có hôm, xe đang chạy như những viên đạn xé gió ở Lucerne thì thấy tiếng phanh kít két, rồi đoàn dài nối đuôi nhau kiên nhẫn chờ đợi. Tôi, theo thông lệ Việt Nam, buột miệng, chắc có tai nạn hay cảnh sát giao thông chặn đường bắt xe vi phạm rồi. Hay có bà chửa qua đường, tôi lẩm bẩm. Không, có một “nữ giới lạch bạch” đang đi kìa. Cậu lái xe người Ba Lan da trắng nhễ nhại mỉm cười. Hóa ra giữa dòng xe là một con vật giống vịt bầu, cổ óng ánh sắc xanh, đang chậm chạp, lê thê dắt theo 5 đứa con để sang đường. Một con thiên nga cái mắn đẻ, lũ thiên nga con lít nhít bậm bạch, lũn cũn đang “bước đều bước”. Đáng yêu quá, thiên nga sậm tình mẫu tử đã đẹp, hồ nước mênh mông nó vừa bơi lên càng đẹp, nhưng cái tình tử tế của người đi đường còn tuyệt hơn

        Phố cổ dưới chân dãy Alps.
        Thụy Sỹ là một quốc gia trung lập, diện tích bé bằng 1/8 và dân số bằng khoảng 1/12 Việt Nam. Thụy Sỹ, núi sông nó lạ lắm. Nếu dãy Hymalaya như một phần quan trọng của nóc nhà, của xương sống (hay cái khóa giang) của trái đất, thì Alps giữ vai trò đó ở cả Châu Âu, với nhiều đỉnh cao trên 4.000m so với mực nước biển. Và chúng khai sinh ra nhiều kỳ quan thiên nhiên, riêng số sông băng bí ẩn đã có diện tích tới hơn 1.000km2. Khối núi trắng sông trắng băng tuyết này đã sinh ra tới 4 hệ thống sông lớn, chảy khắp cả Châu Âu. 
        Có những sơn nguyên hay các dãy tuyết sơn vĩnh cửu của địa cầu mà tôi từng bay qua hoặc lái xe qua rồi bói mắt nhìn xuống, chỉ thấy rợn ngợp hãi hùng thôi. Nhưng, còn ở Thụy Sỹ thì khác, núi cao nhất Châu Âu, cao vào hàng quán quân trên thế giới, rồi tuyết trắng nhức mắt, nhưng núi, rừng, hồ nước ở đó không hoang vu, cũng chẳng rậm rịt. Nó là rừng ôn đới sạch sẽ như có ai vào quét tước hằng ngày, rồi ấp ủ làm sao cho tán rừng nào cũng rực lên cái màu sắc thánh thần lắm. Đẹp sửng sốt nhất là những con hồ. Nhìn từ xa, tuyết trắng trên chóp núi cứ như mỗi núi đang đội một cái mũ của ông già tuyết. Tuyết từ trên núi tràn xuống chân thành dòng trắng xóa, có khi tuyết viền quanh chân núi, viền quanh các con đường tàu hỏa và ôtô. Ngoài những chỗ trắng xóa, cây vẫn xanh thắm, rừng vẫn bung sắc như một ân sủng của trời đất.
        Hồ xanh ở Thụy Sỹ.
         Từ Pháp rong ruổi qua nhiều thành phố để đến Zurich, tôi đi qua rất nhiều con hồ và nhiều dãy núi được chăm sóc vun vén cầu kỳ. Vạn trùng núi, vạn trùng mây, núi nào đủ cao thì chất ngất trùm mũ trắng băng tuyết. Núi thấp thì lan man vài dòng chảy “sương trắng nắng tràn”. Thấp nữa thì rừng vừa đủ rậm, vừa đủ thưa để phủ kín như lớp lông bóng mướt tuổi thanh xuân của một loài hoang thú kiều diễm. Ở rừng đó, vừa như nguyên thủy, lại vừa có cảm giác như bàn tay con người hiện hữu khắp mọi nơi. Thụy Sỹ nổi tiếng với những tòa lâu đài đẹp nổi da gà, thường là lake side (bên hồ), các ruộng nho vằn vện, uốn lượn điệu đà theo kiểu ruộng bậc thang Mù Căng Chải ở Việt Nam. 
        Trên đỉnh các vòng cung nho nấu rượu vang hay các thửa ruộng trồng hoa trái làm ra tuyệt kỹ chocolate đó, bao giờ cũng là một tòa lâu đài mái tròn nhọn. Núi cao thì phải có suối treo/ rừng già thì phải có dây leo/ đá tảng thì phải có rêu bám/ Là con người thì phải có đam mê. Tôi cứ láy đi láy lại cái câu đại ý thế chứ không hoàn toàn thế của cổ nhân, khi du thám Thụy Sỹ. Bởi rừng và hồ nước, bởi cây xanh và suối treo từ thiên đình buông tỏa xuống đại ngàn. Tàu hỏa ở Thụy Sỹ lừng danh nhân loại tiến bộ, nó đi với tốc độ 300km/h, bằng tốc độ của máy bay khi rời đường băng chuẩn bị cất cánh. 
        Đi qua các đường hầm xuyên dãy Alps, người ta phải thiết kế các thiết bị cách âm và chống áp suất để hành khách khỏi bị điếc tai. Hàng chục năm, các chuyến tàu này ít khi sai giờ một… phút. Có tunnel (đường hầm) xuyên núi dài chừng ba bốn chục cây số. Giữa đỉnh cao công nghệ đó, nhìn ra, tôi vẫn thấy mình như đi cùng cụ A Đam và cụ E Va thuở hồng hoang, vẫn thấy đủ sắc màu nguyên thủy, thánh thiện, trong văn vắt của thiên nhiên hồi Chúa mới nặn ra loài người. Đây, suối treo lắt lẻo trắng đến ớn lạnh sống lưng. 
        Suối tan ra từ tuyết trắng, chảy như áng tóc mây rủ xuống hồ xanh. Màu trắng in trên màu rừng già thăm thẳm. Người ta tinh tế, tôn trọng và nương tựa vào mẹ thiên nhiên đến mức thành lẽ sống. Nhà cửa làm vắt vẻo theo các triền núi có từ thuở tạo sơn, không có các tập đoàn ủi núi lấy mặt bằng để rồi đất lở đá lăn. Từ đỉnh trời xuống đến sát mép hồ, lít nhít, lô nhô, xanh thắm rồi sặc sỡ xanh đỏ toàn nhà cửa. Kiến trúc tựa rồi ẩn mình vào núi, cây, hồ nước. Phố xá, làng mạc lắt lẻo men theo núi đến mức, tôi cứ tự hỏi, liệu họ có nỡ phá núi mở đường ôtô lên trên vòi vọi kia không nhỉ?
         
        2. Dân Thụy Sỹ hơn 7,5 triệu người, tức là xấp xỉ Hà Nội, TPHCM, vậy mà hồ nước, sông suối của họ sạch như cổ tích, như một giấc mộng êm ái. Dường như họ chưa bao giờ xả rác hay đổ phế thải? Khen nơi đáng sống bậc nhất thế giới, nơi có chính trị trung lập mấy thế kỷ qua như Thụy Sỹ thì cũng là khen phò mã tốt áo. Nhưng đúng là không hiểu làm sao các hồ nước của họ xanh thế. Đẹp đến ảo mộng, mà hồ nào cũng đẹp. 
        Lòng tham nổi lên, tôi ước mơ mình có một tháng sống bên bất kỳ hồ nào của Zurich, Engelberg để nghĩ, rồi viết gì đó trong lúc được thở cho nở phổi, cho thanh lọc cơ thể sau mấy mươi năm tràn ngập bụi trần ai với các đám tắc đường của Hà Nội, TPHCM… Đôi lúc đến những miền đất mà sự ô nhiễm đè lên vai những phận người buồn, tôi đã thở dài thương họ, hỏi, cũng một kiếp nhân sinh ba vạn sáu nghìn ngày, sao người ta được mẹ thiên nhiên ôm ấp và cho bú mớm bởi cặp vú tuyệt đỉnh đến như Thụy Sỹ hay Butan (các nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới). Rồi tự trả lời, bởi vì họ thượng tôn giá trị vốn có của vỏ trái đất một cách tinh tế và tử tế. Cái đó phải học mới làm được. Cái đó lắm tiền kiểu trọc phú cũng chả làm được, huống nữa là đã nghèo lại còn sân si chẳng cầu tiến.
        Người Thụy Sỹ làm du lịch rất chuyên nghiệp và họ chăm sóc thiên nhiên đến tuyệt bích. Chẳng thế mà thị trấn núi Thiên Thần cao 1.000m so với mực nước biển ở quốc gia không hề giáp biển và rất nghèo tài nguyên này lại đón tới 800.000 lượt khách mỗi năm. Tức là trung bình mỗi người dân ở đây, bất kể cụ già 100 tuổi hay đứa trẻ sơ sinh, một năm đón 200 du khách! Có người bảo, thả một ánh nhìn vào Thụy Sỹ, bạn sẽ không đủ sức thu tầm mắt lại. Hao tổn thị lực và buông lơi nỗi nhớ các mặt hồ được phối cảnh lộng lẫy của Geneva rồi Lucerne như thế thì mệt lắm. Những cảnh đẹp kinh điển giở mộng giở thực này, nó dường như là một ám ảnh thèm khát về vườn địa đàng của tổ tiên loài người từng được chép trong kinh 
        Sáng Thế?
         
        Kỳ thú treo trên những cây cầu để vượt qua thung lũng sông băng.
        3. Núi cao, băng tuyết tinh khiết, rừng ôn đới sạch sẽ, các hang băng kỳ vĩ, các dòng sông đông cứng bí ẩn, từng đàn đại gia súc trù phú ngẩn tò te bên hồ nước trong veo. Mật độ dân số chỉ 181 người/km2, lại là biểu tượng danh tiếng của hòa bình và dân chủ. Người Việt Nam ta ai cũng biết đến một thành phố Geneva, nơi mà năm 1954 đã diễn ra lễ ký kết hiệp định đình chiến nhằm khôi phục hòa bình, chấm dứt sự hiện diện của quân đội và chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương. 
        Là nơi đặt trụ sở suốt nhiều thập niên qua của Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế và Tổ chức Thương mại Thế giới, nơi có hệ thống ngân hàng an toàn danh tiếng nhất của loài người, là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất địa cầu, Thụy Sỹ có ngàn lẻ một thế mạnh lý tưởng để biến du lịch thành con gà đẻ trứng vàng và trứng kim cương.
        Ngẫu hứng bên bờ tường nhà dân tại Angelberg.
        Khi tôi lên đến đỉnh Titlis, nhò mặt ra khỏi chỗ mấy cậu Trung Quốc bán đồng hồ Thụy Sỹ bằng gương mặt càu cạu, vừa dợm bước vào thế giới hang động băng tuyết khổng lồ thì máu mũi trào ra đỏ cả gương mặt. Cao quá, lạnh quá, không khí loãng quá. Ơn trời, có xúc xích của các nông dân tận tụy và tử tế của dòng tu Biển Thước (họ luôn tâm niệm lấy lao động làm vinh quang), bên cạnh là chai “Tương ớt” viết bằng chữ Việt Nam, dòng chữ tiếng Anh “chilli sauce” (tương ớt) bé xíu. 
        Chà, một niềm tự hào be bé như quả ớt chỉ thiên dâng lên, cũng đủ để máu cam ngừng chảy. Sang Thụy Sỹ, mua cái đồng hồ lừng danh thiên hạ, để cũng thấy râm ran mãn nguyện về một “giấc mơ con” đầy tục lụy. Và từ buổi chiều ấy, dòng trôi tích tắc thầm thì của chiếc “đồng hồ mạch máu” bất ly thân (máu còn rần rật dưới da thì nó còn tự lên dây cót và tiếp tục chạy) Swiss Made bắt đầu đếm ngược. Để đếm xem, bao lâu sau thì chủ nhân của nó mới được trở lại miền đất rất đáng sống, với núi trắng hồ xanh...

        Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

        Những người yêu sách không thể bỏ qua 10 thư viện tuyệt đẹp sau

        Cùng xem một số thư viện đẹp và cổ kính nhất thế giới!


        Đối với hội những người yêu sách, không gì có thể sánh bằng mùi thơm từ những trang giấy, cảm giác mát lạnh khi sờ vào những thớ gỗ trên bàn đọc sách và ngắm nhìn những giá truyện cao ngất chất đầy những của báu. Tôi có thể dành cả ngày lang thang trong những thư viện tuyệt đẹp như thế này, không chỉ là vì những cuốn sách mà còn để thưởng thức cả không gian tuyệt đẹp của chốn thánh địa dành cho những người yêu sách này nữa.
        1, Thư viện Librije ở Zuthphen, Hà Lan

        Thư viện cổ xưa Librije được xây dựng từ thế kỷ thứ 16, tọa lạc trong khuôn viên của ngôi chùa 1000 năm tuổi phố Walburga. Điểm thú vị là các cuốn sách ở đây không được bày trên các kệ giá thông thường mà được xích chặt vào bàn đọc để bảo vệ chúng vô giá này khỏi tay của những kẻ tham lam.
        2, Thư viện của nhà thờ Wells ở Somerset, nước Anh

        Bạn có thể tìm thấy 2.800 đầu sách cực giá trị trong thư viện, một số cuốn có mặt từ những ngày đầu tiên thư viện được đưa vào hoạt động, khoảng những năm 1600. Một trong số những cực phẩm tuyệt vời nhất ở đây phải kể đến cuốn "Về cấu tạo cơ thể người" của Vaselius, cuốn giải phẫu 1555 và những tấm bản đồ đầu tiên trên thế giới bởi nhà địa lý học trứ danh Abraham Ortelius.
        3, Thư viện Laurentian ở Florence, Ý

        Kiến trúc sư đại tài Michaelangelo chính là cha đẻ của thư viện Laurentia. Ông là người chịu trách nhiệm thi công và xây dựng tòa kiến trúc ấn tượng này, công trình được mở cửa vào năm 1571.
        Kho báu này chứa khoảng 11.000 bản phác thảo và 5.000 đầu sách từ thư viện của dòng họ Medici cao quý. Sàn nhà được lát hoàn toàn bằng các mẩu gạch nung nhiều màu sắc và hình dáng khác nhau.
        4, Phòng đọc của thượng nghị viện Tây Ban Nha tại Madrid

        Phòng đọc bên trong thượng nghị viên Tây Ban Nha hiện chứa tới 300.000 đầu sách, một vài cuốn có tuổi đời lên tới hơn 600 năm. Tất cả mọi thứ ở đây đều toát lên vẻ cổ kính, tôn nghiêm, ngay cả chùm đèn đặt giữa căn phòng cũng có mặt tại nơi này từ đầu những năm 1800.
        Hiện thư viện đã mở cửa phục vụ những người yêu sách từ khắp nơi trên thế giới thay vì chỉ mở cửa chào đón tầng lớp thượng lưu như trước kia.
        5, Thư viện Sorbonne ở Paris, Pháp

        Đây là một thư viện thuộc một trường đại học ở Paris được thành lập năm 1289. Rất nhiều cuốn sách đã được chuyển sang một thư viện khác trong cuộc nổi dậy ở Pháp năm 1791 để tránh khỏi việc bị thiêu hủy.
        Hiện giờ, đã có rất nhiều cuốn được mang trả lại Sorbone, thư viện vừa trải qua một đợt trùng tu năm 2013. Gian đọc sách dài tới 70 mét và chứa được 260 người cùng một lúc.
        6, Thư viện Palais Bourbon ở Sein, Pháp

        Bên trong tòa nhà Quốc hội pháp là công trình kiến trúc tuyệt đẹp đã từng là thánh địa dành cho những người yêu sách thuộc tầng lớp thượng lưu ở Pháp. Sau cuộc nổi dậy năm 1791, lớp người này phần lớn đã lưu vong sang nước ngoài.
        Bạn có thể tìm thấy lẫn trong hàng ngàn cuốn sách giá trị ở đây những tư liệu quý giá nhất ghi lại cuộc thử nghiệm của Joan Arc và bản thảo của của nhà triết học khai sáng Pháp Jean-Jacques Rousseau từ những năm 1794.
        7, Thư viện ở khu vườn trong lâu đài Sissinghurst (Sissinghurst Castle Garden) ở Kent, nước Anh

        Thư viện của lâu đài Sissinghurst có tới 20 phòng viết được bài trí tương tự như hình trên. Được xây dựng vào những năm 1700, toàn bộ các kệ đỡ sách đều được làm từ những thớ gỗ quý hiếm của cây Coromandel.
        8, Thư viện của Cao Đẳng Trinity ở Dublin, Ai Len

        Thư viện lớn nhất xứ Ai Len được xây dựng cùng lúc với ngôi trường Trinity từ những năm 1592. Giá sách khổng lồ cao tới 70 mét chứa tới 200.000 đầu sách được trang trí bằng bức tượng bán thân tinh xảo, gần đó là một cây đàn hạc được làm từ gỗ sồi và liễu được ghi nhận là cây đàn lâu đời nhất ở Ai Len.
        9, Thư viện của nhà thờ Hereford ở Hereford, nước Anh

        Đây là thư viện duy nhất trên thế giới được cho là còn giữ nguyên vẹn được dáng vẻ sơ khai của mình. Bộ sưu tập ở đây, chủ yếu là sách thần học và các tài liệu tham khảo liên quan có từ những năm 1100. Những cuốn sách ghi lại chi tiết các nghi thức tế lễ vẫn nằm nguyên vẹn trên giá sách trong thư viện được xây dựng và hoàn thành từ thế kỷ 13 này.
        10, Thư viện Lambeth ở Canterbury, nước Anh

        Được thành lập năm 1610, thư viện Lambeth sưu tập các cuốn sách từ thế kỷ thứ 9 cho tới nay.
        Trong một chuyến thăm đến thư viện vào năm 1689, Peter Đại Đế đã không thể không thốt lên kinh ngạc "dường như thư viện này sưu tập tất cả sách vở trên thế giới vậy".
        Tham khảo Techinsider

        Yên bình làng chài Chiang Khan

        (iHay) Chiang Khan là một làng chài nhỏ xinh xắn thuộc miền núi của tỉnh Loei (nằm ở biên giới Đông Bắc Thái Lan), đón nhận dòng Mekong chảy về từ nước Lào.


        Yên bình làng chài Chiang Khan - ảnh 1
        Chỉ cần bơi ngang qua bên kia sông là đã đến địa phận của nước láng giềng. Có lẽ vì thế mà cảm giác khi đứng ngắm dòng sông và những bờ cây đối diện nó cũng vui thú hơn hẳn so với đứng trước những con sông bình thường khác.
        Tôi nhớ mình đã đi dọc con đường Chai Khong ven dòng Mekong trong thị trấn như đã từng đi dọc dòng sông Hậu ở Cần Thơ, để cảm nhận về những sắc thái khác nhau trên cùng một dòng chảy. Mekong ở đây yên bình đến lạ!
        Người Thái coi Chiang Khan là một địa điểm nghỉ mát lý tưởng vào cuối tuần hoặc những kỳ nghỉ. Chiang Khan duyên dáng chính bởi cuộc sống thanh bình, chậm rãi của một thị trấn miền núi còn lưu giữ được khá nguyên vẹn những kiến trúc nhà gỗ đậm chất nông thôn. Nơi đây lại có khí hậu mát mẻ để người ta có thể dãn mình hưởng thụ sự trong lành của thiên nhiên.
        Yên bình làng chài Chiang Khan - ảnh 2
        Các nhà nghỉ trong thị trấn dành để đón khách du lịch thường nhỏ và nhìn ra sông, nơi mà mỗi sáng sớm, bạn có thể bắt gặp những nhà sư mặc áo vàng đi khất thực quanh vùng, mỗi chiều lại thấy người ta rủ nhau tắm sông bên cạnh những bãi cát bồi mùa nắng hạn, dưới ánh hoàng hôn rừng rực đang hạ xuống trên đất Lào.
        Du khách đến đây có thể thuê xe đạp để tự mình khám phá những ngóc ngách làng quê của Chiang Khan. Tính từ đường Chai Khong, là trung tâm du lịch ở Chiang Khan, bạn có thể đạp qua đoạn từ Wat Si Khun Mueang tại Soi 7 đến Wat Tha Khok ở Soi 2,0 là khu vực sôi động nhất với một số nhà nghỉ có truyền thống chào đón du khách nước ngoài nằm về phía đông. Thường thì đoạn tập kết của chuyến đi sẽ là khu chợ ẩm thực Khaeng Khut Khu, nơi bạn có thể vừa khám phá ẩm thực địa phương vừa nhìn ra một bãi bồi lớn ven sông để hóng mát.
        Với nhiều người thích khám phá xa hơn, có thể tìm đến những ngôi làng dân tộc thiểu số Tai Dam hoặc vườn quốc gia Phu Ruea cách thị trấn chừng 60 cây số về phía Tây.
        Tôi chia tay Chiang Khan có một chút tiếc nuối vì chuyến công tác không trùng vào đúng dịp nơi đây có lễ hội Ma xó Phi Ta Khon đặc sắc của người Loei. Tôi chỉ được nghe kể lại về truyền thuyết người dân làng chài đã đuổi ma trừ tà và làm lễ cầu mưa bằng những mặt nạ với hình thù kỳ quái, được rước bằng một đám rước vui nhộn vào khoảng tháng năm hoặc tháng sáu tùy mỗi năm. Tuy nhiên Chiang Khan cũng đã để lại những hạnh phúc khó tả từ chính những buổi ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp và yên bình ở một vùng biên giới xa thật xa quê nhà.
         
        Hải Ninh

        Ngỡ ngàng trước những bản sao kỳ quan thế giới ở Mỹ

        Nhiều phiên bản kỳ quan thế giới đã được xây dựng ở Mỹ. Người Mỹ không cần đi đâu xa vẫn có thể được chiêm ngưỡng những kỳ quan thế giới.
        Hàng loạt những kỳ quan thế giới như tháp nghiêng Pisa, tháp Eiffel hay đền thờ thần Parthenon đều được Mỹ làm nhái một cách hoàn hảo.
        Trên thực tế, để chiêm ngưỡng những địa danh này ngoài đời thực, các tín đồ du lịch thường phải chi rất nhiều tiền. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân Mỹ và thậm chí cả quốc tế vẫn có thể chiêm ngưỡng tất cả các kỳ quan thế giới này ngay tại đất nước mình. Chỉ có điều chúng đều là "hàng nhái".
        Ngỡ ngàng trước những bản sao kỳ quan thế giới ở Mỹ 0

        Trong khi kỳ quan thế giới Stonehenge ở Anh vẫn còn là bí ẩn chưa ai rõ
        thì một phiên bản khác đã được dựng năm 1918 tại Mỹ. Phiên bản này
        xây dựng để tưởng nhớ những người lính đã ngã xuống trong Thế
        chiến 1. Phiên bản gốc được ghép bằng những phiến đá khổng lồ,
        còn phiên bản mới tiện lợi hơn với những tấm bê tông cốt thép

        Ngỡ ngàng trước những bản sao kỳ quan thế giới ở Mỹ 1
        Thành phố Nashville, Mỹ cũng có một phiên bản đền Parthenon
        nhưng còn nguyên vẹn
        Ngỡ ngàng trước những bản sao kỳ quan thế giới ở Mỹ 2
        Texas ở miền Tây nước Mỹ là phiên bản thu nhỏ của thành phố Paris hoa lệ với
        một tháp Eiffel "nhái" cao 20m
        Ngỡ ngàng trước những bản sao kỳ quan thế giới ở Mỹ 3
        Tại Birmingham có một phiên bản tượng Nữ thần Tự Do kích cỡ chỉ bằng 1/5
        tượng thật và cũng có ngọn đuốc không ngừng cháy. Năm 1958, một doanh
        nhân cho đặt bức tượng trên nóc tòa nhà công ty mình. Ngày nay, bức
        tượng được đặt tại Liberty Park
        Ngỡ ngàng trước những bản sao kỳ quan thế giới ở Mỹ 4
        Ở ngoại ô Washington DC rao bán một ngôi nhà giống hệt Nhà Trắng với 6
        phòng ngủ và 7 phòng tắm. Ngôi nhà đặc biệt này được bán năm 2012
        với giá chỉ 865.000 USD (19,5 tỷ đồng). Trong khi đó, Nhà Trắng thật
        có 16 phòng ngủ và 35 phòng tắm
        Ngỡ ngàng trước những bản sao kỳ quan thế giới ở Mỹ 5
        Tháp nghiêng Pisa là một tòa tháp chuông tại thành phố Pisa được xây dựng 
        năm 1173 và nó được Chicago "cosplay" vào năm 1934. Tháp nghiêng Pisa
        của Chicago còn có thêm một đài phun nước và được cải tạo thêm một số
        chi tiết khác
        Ngỡ ngàng trước những bản sao kỳ quan thế giới ở Mỹ 6
        Bên ngoài Caesars Palace, Las Vegas là nhà hàng Trevi Italian. Ngoài ra còn
        có một phiên bản ít được biết đến của đài phun nước được trang trí công
        phu bên trong cửa hàng Fendi ở Crystals

        Khám phá cầu thang lên thiên đường ở Corsica, Pháp

        Cầu thang đá dốc với 187 bậc ở góc nghiêng 45 độ. Đây là cầu thang cao hun hút và được ví như lên thiên đường ở Corsica, Pháp.
        Không chỉ là một cầu thang bằng đá bình thường, nơi đây còn là một địa điểm lịch sử. Truyền thuyết kể rằng, nó đã được tạo nên bởi những người lính trong triều đại của Thiên Chúa Oragon Afronso năm thứ năm của năm 1420. Rất nhiều binh sĩ đã xây dựng các bậc đá bằng chính những đôi bàn tay của họ chỉ trong một đêm.
        Hiện, bậc thang đá lên thiên đường cao vút này đã trở thành một nơi thu hút nhiều khách du lịch.
        Cầu thang lên thiên đường Corsica, Pháp 0
        Cầu thang lên thiên đường Corsica, Pháp 1
        Cầu thang lên thiên đường Corsica, Pháp 2
        Cầu thang lên thiên đường Corsica, Pháp 3
        Cầu thang lên thiên đường Corsica, Pháp 4
        Cầu thang lên thiên đường Corsica, Pháp 5
        Cầu thang lên thiên đường Corsica, Pháp 6

        Cầu thang lên thiên đường Corsica, Pháp 7
        Cầu thang lên thiên đường Corsica, Pháp trở thành địa điểm thăm quan của nhiều khách du lịch