Tại Việt Nam, bánh croissant còn gọi là bánh sừng bò, là một trong những loại bánh nổi tiếng nhất ở Pháp và cả châu Âu, thường được dùng trong bữa điểm tâm nhẹ nhàng cùng với một tách cà phê hoặc tách trà.
Bánh croissant được làm từ bột mì, men, bơ, sữa và muối; đúng kiểu phải thật xốp, giòn, ruột bánh rỗng và thoáng, khi ăn có thể xé ra thành từng lớp mỏng nhỏ. Loại bánh khá đơn giản này chỉ chinh phục được thực khách sành ăn khi chất lượng men thật tuyệt hảo.
Do là bánh nổi tiếng, thông dụng tại Pháp nên không ít người cho rằng chính xứ Gaulois là nơi sản sinh ra loại bánh này, song khi truy nguyên nguồn gốc của nó, người ta mới ngạc nhiên khi biết bánh croissant có xuất xứ từ nước Áo với cái tên “kipfel” (có nghĩa là “trăng khuyết”). Có nhiều giai thoại chung quanh chiếc bánh croissant, nhưng phổ biến hơn cả là câu chuyện gắn với lịch sử vệ quốc của nước Áo.
Chuyện kể rằng vào năm 1683, khi cuộc chiến tranh Áo – Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra ác liệt thì vào một đêm khuya, có người thợ làm bánh người Áo ở thủ đô Vienna bỗng nghe thấy tiếng khoan đục kỳ lạ, bất thường dưới mặt đất.
Anh ta mật báo việc này cho quân đội Áo, nhờ vậy đã ngăn chặn được quân Thổ Nhĩ Kỳ đào hầm tiến vào thủ đô Vienna, từ đó dẫn đến chiến thắng của nước Áo.
Người thợ làm bánh được ban thưởng trọng hậu, nhưng anh từ chối tất cả và chỉ muốn được nướng một mẻ bánh thật ngon để ăn mừng. Đó chính là kipfel – món bánh truyền thống có hình lưỡi liềm rất được yêu thích ở Áo – tiền thân của bánh croissant trứ danh khi nó được đưa sang Pháp.
Năm 1770, công nương nước Áo là Marie Antoinette được gả cho vua Louis XVI khi nàng mới 15 tuổi. Vì quá nhớ món bánh kipfel của quê hương nên Marie Antoinette yêu cầu đầu bếp người Pháp làm món bánh thân thương ấy. Chiếc bánh kipfel được thợ làm bánh người Pháp chế biến với hình dáng cầu kỳ hơn để phù hợp với bàn ăn hoàng gia và đặt tên là croissant bò.
Chiếc bánh kipfel khi ra khỏi biên giới nước Áo không ngờ đã thông dụng khắp châu Âu từ ngày ấy cho đến tận hôm nay. Trở thành bánh croissant, nó ít nhiều chịu ảnh hưởng tính cầu kỳ, tinh tế của ẩm thực Pháp. Vì thế, croissant có thêm nhân chocolate, mứt, nho khô hoặc kem bơ mềm như bánh su kem.
Thậm chí ở một số vùng ở Pháp, người ta còn làm croissant với nhân trái cây hoặc nhân mặn. Dù mang phong cách truyền thống hay hiện đại, giản dị hay biến hóa cầu kỳ, chiếc bánh sừng bò vẫn giữ được hương vị đặc trưng.
Ở Việt Nam, từ nhiều năm qua bánh croissant đã rất quen thuộc với người bản xứ. Riêng tại nhà hàng của các khách sạn lớn, bánh croissant vẫn là một món ăn không thể thiếu trong thực đơn bữa sáng.
Theo VNN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét