Là lạ Campuchia
(iHay) Thường thì người ta đi Thái Lan - Lào - Campuchia để mua sắm, vãn cảnh chùa và thăm thú những di tích nổi tiếng ở Bangkok, Luangprabang, Angkor Wat, Phnompenh… Tôi cũng đi 3 nước này, nhưng bằng xe khách cùng đoàn khảo sát “Hành trình di sản Đông Dương”, từ TP.HCM qua Mộc Bài (Tây Ninh) ngược lên những vùng xa xôi, hoang vắng và ít du khách đặt chân đến...
Nói đến Campuchia, người ta thường tìm đến Phnompenh, Angkor Wat ngắm đền đài cung điện hoặc sang... đánh bạc. Tôi thì không đến những chỗ ấy, mà ngược lên các tỉnh đông bắc, đến với những vùng đất hoang sơ: Kampong Thom, Preah Vihear...
Chạy vật vã từ 4 giờ 30 sáng từ TP.HCM, qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sang phía Đông Campuchia, theo đường 72, 71, quốc lộ 6 với những địa danh hiếm hoi ghi tiếng Anh, rút cục chúng tôi cũng đến được thị trấn Stoung, nằm ven sông Stoeng Stoung lúc 4 giờ 30 chiều.
|
Hướng dẫn viên du lịch (HDV) Trần Hải Đăng của công ty du lịch Hòn Ngọc Viễn đông chỉ dãy phố lụp xụp cao thấp 2 bên đường: “Thủ phủ của tỉnh Kampong Thom đấy!”, và giải thích: “Phải ngủ lại giữa đường đến Preah Vihear bởi thị trấn đó chỉ có 7 nhà nghỉ tiêu chuẩn, số phòng rất ít và nhất là các ông bà chủ ở đó không muốn nhận khách!”. “Kampong Thom khá hơn thì có gì đặc sắc?”. Ai đó đặt câu hỏi và được HDV đáp ngay: “Chỗ này có đến 20 nhà nghỉ có thể ngủ và đặc sắc nhất là món ăn côn trùng, không đâu có!”.
Mướt mải chạy dưới mưa vào bên trong khối bê tông cũ kỹ ghi chữ xanh trên nền vôi trắng “Kampong Thom Market”, bên trong tối mù tối mịt, những người bán hàng ơ hờ nhìn khách. Anh Mony – HDV mới từ tỉnh SiemRiep sang đón từ chiều, giục rối rít: “Xem nhanh đi, dân ở đây chỉ bán đến 4 giờ 30 chiều là đóng quầy, không bán!”.
Loanh quanh chừng 10 phút, bóng tối đã sập xuống thị trấn heo hút, đèn đường vừa kịp bật cùng bập bùng chấm lửa đỏ của chục quán ăn đêm trên mảnh sân rộng trước chợ, bán đồ ăn tối với “đặc sản” duy nhất gây tò mò cho khách phương xa: Côn trùng nướng. Cữ này Campuchia vào mùa mưa, nên rất nhiều “mặt hàng” nhất loạt chiên gìòn với sả - ớt, bày bán cho khách bằng… USD: Dế than, dế mái giá 1 USD/ống sữa bò; dế cơm, cà cuống thì 2 USD/10 con; cao cấp hơn là món nhện 2-3 USD/10 con to nhỏ…
Nhìn “đặc sản Kampong Thom”, mới nhớ ra: Dọc quốc lộ 6 cơ man những bẫy bắt côn trùng. Loại bẫy này chỉ đơn giản là miếng nilon trắng căng rộng trên khung tre, giữa treo 1 bóng đèn sáng leo lét, phía dưới là ô đất được đào sâu, lót nylon và đổ nước muối. Ban đêm, các loại côn trùng như dế, cà cuống… thấy đèn sáng, hùng hục bay tới và vướng vào tấm nilon, rơi xuống hố, ướt cánh không bay được và sáng ra, chủ bẫy chỉ việc ra vớt thu hoạch.
Cái sự lạ ở các tỉnh vùng sâu vùng xa của Campuchia còn thấy rõ với các cọc bê tông vuông thành sắc cạnh, chông chênh đội trên những mái nhà xập xệ để… chống rắn bò lên nhà. Té ra, còn nhiều côn trùng – rắn rết cũng chỉ vì người dân bỏ hoang ruộng đất, mỗi năm làm 1 vụ lúa với phân bón truyền thống, nhờ vào nước mưa trời, lớp phù sa, không biết đến hóa chất trừ sâu…
Trước khi nhập cảnh vào Campuchia, tôi phải dừng lại cửa khẩu Mộc Bài do mang nhầm hộ chiếu đã hết hạn sử dụng, chờ mang hộ chiếu mới từ TP.HCM lên. Trung úy Nguyễn Song Hải, chỉ huy Trạm Kiểm soát Biên phòng Mộc Bài (Tây Ninh) an ủi: “Ngày trước, người Việt còn đi đường ruộng sang Campuchia, nhưng gần đây bên bạn kiểm soát rất chặt. Nếu đi qua biên giới bất hợp pháp, thế nào cũng bị các Trạm chốt của Cảnh sát – Quân đội kiểm tra, tạm giữ và trả về theo đường ngoại giao!”…
Hoàn thành thủ tục xuất nhập cảnh, lơ ngơ bên đất Campuchia, 1 “cò mồi” lơ lớ tiếng Việt chạy đến hỏi han. Sau một hồi nì nèo mặc cả, tôi phải trả 120USD (đúng giá trần, mà anh em du lịch đã báo trước) để thuê xe taxi chạy đuổi theo Đoàn, với đích đến là Kampong Thom cách đó 320km.
Cậu lái xe tên Tung, 32 tuổi, tưng bừng kể chuyện: Mua chiếc Camry 3.0 sản xuất năm 2010 với giá 4.800 USD chuyên chở khách Việt Nam sang Campuchia đánh bạc.
Mấy tháng nay, sòng bạc ế ẩm nên Tung mới chạy taxi sâu vào trong nội địa. “Kampong Thom nằm ở đâu anh nhỉ?” – Tung hồn nhiên hỏi sau khi đã chạy gần 100km khiến tôi giật mình. Cậu giải thích: “Em chở khách đánh bạc, đi vài km thu 30-50 USD, thời gian đâu mà đi mấy tỉnh vùng sâu xa. À! Xa nhất là Phnom Penh!”.
Tôi liền gọi điện cho Hải Đăng và trao lại điện thoại cho Tung để nghe chỉ đường, mặt Tung giãn ra, quay ngoắt xe: “Suýt nữa đi Phnom Penh!” và chỉ sau 50km chạy xe, Tung đã đuổi kịp xe của đoàn đang dừng ăn cơm trưa.
Mấy ngày ở Campuchia, hỏi mua gì người bán cũng xòe tay đòi tiền USD (1USD bằng 4.000 riel – tiền Campuchia). Seng – cậu bé 11 tuổi trong “đội quân” bán hàng rong ở khu di sản thế giới Preah Vihear lẽo đẽo bám theo chúng tôi từ chân núi lên tận khu đền, thi thoảng lại giật tay gạ mua túi cà phê tan giá 5USD và chỉ tay về phía những người lính canh gác ở mọi vị trí trong ngôi đền ngay biên giới Campuchia – Thái Lan ý bảo tặng cho họ, trước những ánh mắt háo hức đợi chờ của người chờ tặng.
Buổi tối lơ vơ dạo quanh khu bán đồ ăn cổng chợ Kampong Thom, bé gái Campuchia chắn trước mặt, giơ tay bập bẹ tiếng Việt: “Cho xin 1 USD đi!”, khiến cậu bạn đi cùng động lòng rút ví ra tờ 2 USD. Cô bé rụt tay không cầm, cứ nài nỉ: “Xin 1 USD thôi!”. Hỏi mới biết: Tờ 2 USD hiếm nên người dân coi là tiền thờ, chẳng quán hàng nào nhận.
Anh Mony là HDV Campuchia đã có nhiều năm cộng tác với các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, nên cái gì cũng biết. Anh sinh năm 1961 ở SiemRiep, năm 1981 khi mới 20 tuổi được chính phủ Campuchia cử sang học nông nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ. Ra trường, anh Mony không về nước ngay mà lấy vợ người Vĩnh Long, sinh con và tham gia công tác khuyến nông ở ngay quê vợ, mãi những năm cuối 1990 mới về lại Campuchia.
“3 con tôi nói chuyện ở nhà với bố mẹ bằng tiếng Việt, đến trường nói chuyện bằng tiếng Anh và chúng nó không biết tiếng Campuchia, tuy sinh ra lớn lên và đang ở Siem Riep!”, anh Mony thật thà bảo vậy. Mony kể: Hệ thống giáo dục ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa Campuchia rất hạn chế. Lương giáo viên chỉ 75 USD/tháng nên đa số giáo viên dạy cầm chừng, gọi là có nghề, thời gian còn lại để đi làm việc khác kiếm thu nhập hoặc chuyển nghề...
Pakse không chỉ có lạp xường
(iHay) Đến Lào, người ta hay nhắc tới những điểm du lịch nổi tiếng như Thủ đô Vientiane, cố đô Luang Prabang, di tích Cánh đồng Chum... Ít ai biết đến những địa danh 'vùng sâu, vùng xa' như Pakse - thủ phủ của tỉnh Champasack, nằm ngay nơi hợp lưu của sông Xedone và sông Mê Kông.
Rời tỉnh Preah Vihear (Campuchia) lúc đầu giờ chiều, các hướng dẫn viên (HDV) ai cũng căng thẳng sợ muộn, đến mức phải mua cơm hộp ăn bữa trưa ngay trên xe. Hỏi ra mới biết: Ở cửa khẩu Domcrolo (Campuchia) sang Vuenkham (Lào), các nhân viên công vụ chỉ làm việc đến 16 giờ 30, sau giờ ấy dù có lạy van cũng “không giải quyết” và khách đi qua chỉ có nước ngủ lại giữa rừng cao su hoặc quay lại thị trấn Krong Stung Treng tìm nhà nghỉ, sáng muộn hôm sau lên làm thủ tục xuất nhập cảnh. Chạy đến cặp cửa khẩu Domcrolo - Vuenkham đúng 16 giờ 15, các nhân viên hải quan - biên phòng ngồi trong 2 căn nhà gỗ ở 2 bên barie loang lổ trắng đỏ ngán ngẩm nhìn đoàn khách đến kịp giờ, uể oải đóng dấu hộ chiếu, chả buồn kiểm tra xe cộ - hành lý.
|
Trương Đức Hải, Giám đốc Hòn Ngọc Viễn Đông lắc đầu: “Cung đường này sợ nhất muộn giờ đóng cửa khẩu”, và giới thiệu Pakse - Nam Lào: Từ Thủ đô Vientiane đến Pakse khoảng 700km (đi bằng máy bay khoảng hơn 1 tiếng, chạy xe theo đường 13, với tốc độ 100km/giờ khoảng 1 ngày); từ Pakse, du khách muốn đến cao nguyên Bolovens (tỉnh Attapeu) về Gia Lai - Kon Tum (Việt Nam) hoặc muốn đi Campuchia thì chỉ cần đi thêm 40km nữa là đến biên giới. Từ khi có cầu Hữu nghị Lào - Nhật do Nhật Bản xây dựng bắc qua sông Mê Kông, đi thêm khoảng hơn 40km là đến Thái Lan, sau đó ngược lên phía bắc qua tỉnh Nong Khai (Thái Lan) là trở lại Vientiane...
Do vị trí thuận lợi, nên Pakse là điểm đến đầu tiên của du khách (nhất là khách châu Âu) trong hành trình thăm thú vùng Nam Lào - đông bắc Campuchia và đông Thái Lan, dĩ nhiên cũng khiến địa phương đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, thu hút nhiều người dân ở trong và ngoài nước đến làm ăn, trong đó đặc biệt nhiều - nhanh - nhạy bén là người dân Việt Nam.
Nói đến người Việt ở Lào nói chung và Pakse nói riêng, phải nhắc đến Tập đoàn Dao Heuang (Đào Hương), thuộc sở hữu của bà Lê Thị Lượng (quê gốc Huế) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất ở Lào, kinh doanh trong các lĩnh vực bán lẻ, bất động sản, sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp, khách sạn và nhất là nhà sản xuất cà phê hàng đầu với vùng nguyên liệu tại Lào trên 20.000ha, tại miền bắc Thái Lan cũng đang phát triển trên 160ha...
Ngoài kinh doanh, Tập đoàn Dao Heuang còn chú trọng giúp đỡ người nghèo, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. HDV Đặng Công Trạng, người mang cả 2 quốc tịch Việt - Lào, nhẵn mặt từng vùng đất, con người của đất nước triệu voi kể: Năm trước, 1 doanh nghiệp vận tải được thuê chở xe tải mì gói sang Lào làm từ thiện, lớ ngớ đi vào đường cấm, bị giữ lại. Phụ xe nhờ đến anh Trạng và anh đưa đến gặp bà Đào Hương. Nghe chuyện, bà gật đầu: “Làm việc thiện cho dân thì yên tâm. Tôi sẽ... đánh dây thép!” và chỉ sau 1 cú điện thoại, chiếc xe chở mì tôm ngay lập tức được phép đi...
Ở Pakse, một địa chỉ mà rất nhiều người Việt biết tới là quán “Cơm tấm Sài Gòn” nằm ở đường 13, đối diện khách sạn Champasak, do cô gái Trương Thị Liễu, quê ở Cần Thơ làm chủ. Cô gái này chưa tròn 30 tuổi, học Đại học Kinh tế TP.HCM, sau đó sang Pakse tìm "đất làm ăn” và trưởng thành từ quầy hàng nhỏ bán đồ ăn ven đường, giờ đã là bà chủ của 2 khách sạn mini và 1 quán ăn thuần món Việt, kiêm đại lý của các hãng xe khách chạy liên vạn Việt - Lào.
Một tay xây dựng cơ nghiệp, Liễu đưa gần 10 em - cháu từ quê sang phụ giúp, tuyển cũng ngần ấy nhân viên người Lào và túi bụi kinh doanh suốt ngày đêm. Hỏi chuyện, cô gái cười: “Người Việt mình bên này ít kinh doanh lớn, nên mình quyết định mở rộng kinh doanh, cũng dễ hơn!”...
Hoang vắng Wat Phou
Đến Pakse, chỉ sang ngày thứ 2 là... nản, bởi loanh quanh cũng chỉ đi xem chùa, vào chợ Đào Hương xem người Việt bán đồ lặt vặt và ra vỉa hè uống bia Lào ăn cá nướng, ra bờ sông Mê Kông xem nước chảy. May mà hôm sau, công ty tổ chức tour bố trí cho chúng tôi đi thăm Wat Phou - Di sản văn hóa thế giới của Lào, nằm cách đó gần 100 km.
Đây là quần thể đền thờ Khmer, nằm dưới chân núi Phu Cao (tỉnh Champasack), cách sông Mê Kông 6km, với nhiều dấu tích văn minh cổ gồm các lâu đài bằng sa thạch, các chùa chiền thờ Phật giáo Nam tông. Quần thể có 1 ngôi đền từ thế kỷ 5, nhưng các cấu trúc còn sót lại có niên đại từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 13. Ngôi đền kết cấu độc đáo dẫn đến điện thờ, có linga tắm trong nước từ một dòng suối trên núi chảy xuống. Địa điểm này sau trở thành 1 trung tâm thờ cúng của Thượng tọa bộ, mà ngày nay vẫn còn lại.
Anh Trạng, HDV kể: Lễ Wat Phou là lễ hội Phật giáo của cả vùng Nam Lào, được tổ chức liên tục trong 3 ngày vào dịp rằm tháng 3 âm lịch. Trong lễ hội, người dân khắp đất nước Lào và các tỉnh láng giềng vùng đông bắc Thái Lan nô nức hành hương về khu di sản để tham gia các nghi lễ Phật giáo, Ấn Độ giáo và tín ngưỡng vật linh. Dịp lễ hội, người ta còn tổ chức các hội đua thuyền, đua voi, chọi trâu, biểu diễn vũ nhạc và bắn pháo hoa vui nhộn.
Nghe thì vậy, nhưng lúc chúng tôi đến WatPhou chỉ lơ thơ gần chục khách, trong đó chủ yếu là khách châu Âu mắt xanh tóc vàng loanh quanh chụp hình. Cả Ban quản lý di sản chỉ lơ thơ 3 cô gái bán – soát vé kiêm bán nước ngọt, khăn quàng cổ; hai nhân viên nam lái xe điện đưa khách từ cổng vào đền và duy nhất 1 quầy hàng phía trong, chuyên bán hoa cúng kết từng lẵng nhỏ hoa rừng – lá dong, cho người dân vào thắp hương đền đài cũ.
Hỏi chuyện, cô bé bán vé líu ríu: “Chỉ dịp lễ hội mới nhiều khách, giờ mùa mưa rất vắng!” và chỉ những kết cấu tường được chống đỡ bằng những giàn giáo gỗ bên trong: “Đừng đi vào đó, tường đổ không ra được đâu!”.
Lang thang khắp ngôi đền, khó mà tưởng tượng nổi người xưa có thể vận chuyển những khối đá lớn, gọt đẽo, chạm khắc hoa văn, tượng Phật, thần linh rồi lắp ghép lại để tạo thành một quần thể kiến trúc to lớn nhưng hài hòa, vững chãi trên triền núi cao...
Dẫu không tránh khỏi sự tàn phá nghiệt ngã của thời gian và khí hậu khắc nghiệt, nhưng Wat Phou hơn nghìn năm tuổi vẫn là điểm đến hấp dẫn của du khách, không chỉ đơn thuần là vẻ đẹp kỳ vĩ của công trình kiến trúc độc đáo, yếu tố tâm linh thần bí của vùng đất thiêng, mà còn không bị thương mại hóa bởi nhan nhản hàng ăn uống, bán đồ lưu niệm, đồ cúng bái, bói toán và mọi dịch vụ ăn theo khác, như ở Việt Nam…
“Niagara của đất nước Triệu Voi”
“Đến Lào mà không thăm thác Khone Phapeng thì quá phí, bởi đây được gọi là thác Niagara của đất nước Triệu voi!” – người Việt ở Pakse nói vậy và liệt kê: Độ cao thác 21m, với hàng trăm thác ghềnh nhỏ suốt 10km sông. Thác nước cũng là nơi sinh sống của cá tra dầu, loài cá da trơn nước ngọt lớn nhất trên thế giới đang nguy cấp.
Rẽ qua Khone Phapheng lúc đầu giờ sáng, cô gái ở quầy bán vé mắt tròn xoe nhìn khách và rối rít gọi lái xe điện và tiu nghỉu: “Quý khách đi bộ chút vậy. Lái xe giờ mới thức dậy!”. Thận trọng bấm chân trên con đường lát đá trơn như đổ mỡ bởi trận mưa đêm qua, ra phía um tùm cây xanh ầm ầm nước chảy. Đập vào mắt là mặt sông nâu đậm phù sa, nước tràn lênh láng 2 bên dày kịt cây cối hoang vu. Dọc bờ sông, chốc chốc lại thấy những tay lưới nhỏ vắt trên cành cây và ánh mắt của người dân sau vách nhà lá, ngay cạnh khu du lịch.
Giữa khung cảnh vắng lặng, hoang sơ, thắng cảnh nằm sát khu dân cư nhưng tuyệt nhiên không thấy hàng rào ngăn cách, nhân viên bảo vệ mà chỉ thấy những thùng rác làm bằng lốp xe ôtô, mới thấm thía về ý thức giữ gìn môi trường ở nước bạn. Chả thế mà đến các điểm bán - thu vé, nhà đón tiếp ở các di tích - thắng cảnh đều chung 1 mẫu nhà thống nhất bằng tre nứa; thùng rác thống nhất bằng lố xe; nhà vệ sinh có khu dành riêng cho người tàn tật; đặc biệt không có hàng rong, cò mồi chèo kéo du khách...
Điểm giống nhất, như vẫn gặp trên các cung đường Tây Bắc là người dân địa phương mang sản vật núi rừng ra bày ven vệ đường, chống mắt nhìn khách như nài nỉ mua giùm, từ động vật hoang dã cho đến túi nấm, mớ rau và cả những cây phong lan còn nguyên vết bầm chặt. Hỏi, bà con bảo: “Không mua là hết đấy. Rừng bị phá nhiều, nhiều rồi!” và chỉ tay vào những ổ trâu ổ voi lún nguyên vết bánh xe siêu trường - siêu trọng...
Nhiều người nói: Đến Pakse Nam Lào, chỉ thấy lạp xường, cá nướng và thịt trâu khô. Thế nhưng có lọ mọ ở vùng đất này, mới vỡ ra nhiều điều thú vị, đáng đến để trải nghiệm và kết luận: Pakse không chỉ có lạp xường
Ubon chưa khỏi… u sầu
(iHay) Ubon là tên mà tôi gọi tắt cho tỉnh Ubon Ratchathani, nằm ở vùng Đông bắc Thái Lan - địa phương đứng thứ 5 trong các tỉnh lớn của Thái Lan, nhưng sự sầm uất nhộn nhịp và thu hút du khách thì vẫn là điều đáng bàn…
Vượt biên giới bằng… đường hầm
Cửa khẩu Vang Tao (Lào) cách Pakse chỉ vài chục km, nhưng ngổn ngang với cảnh tượng người dân bày la liệt rau măng, hoa quả, đồ ăn sống chín, đồ ăn vặt và cả những cây hoa lan mới hái trong rừng, bán bên đường. Cả khoảng sân rộng hàng nghìn mét vuông lầy lội bùn đất, ổ trâu - ổ voi và mấy chốt gác của Hải quan – Biên phòng tạm bợ, ơ hờ nhìn khách từ Lào làm thủ tục xuất cảnh sang cửa khẩu Chong Mek vào Ubon Ratchathani.
Trên xe chúng tôi hôm ấy, ngoài hướng dẫn viên (HDV) Trần Công Trạng còn có thêm một nữ HDV người Lào đi theo để “trợ giúp” làm việc với lực lượng chức năng của Lào tại cửa khẩu Vang Tao, thuận tiện sang nhập cảnh bên Thái Lan. Sau khi thu hộ chiếu để người “trợ giúp” làm thủ tục và trả lại cho từng người, tiếp tục xuất trình, anh Trạng thì thầm: “Phải đi sang bên kia theo đường hầm”, khiến ai cũng tròn mắt ngạc nhiên. Hỏi ra mới biết: Đầu những năm 1990, khu vực này xảy ra tranh chấp biên giới lãnh thổ. Khi 2 bên thống nhất mở cửa khẩu, phía Thái Lan đã yêu cầu đào đường hầm cho người đi bộ để kiểm soát - phòng ngừa xâm nhập và phía trên chỉ dành cho xe có động cơ với tài xế lưu thông.
Ngang qua sân đất, leo lên gò đất, trước mặt tôi là hàng rào dây thép gai hình chữ Z như trong thao trường quân đội, trấn giữ lối vào hàng rào là trạm gác làm bằng ép, lố nhố 4-5 nhân viên Biên phòng Lào, người ngồi trong nhìn qua khung cửa nhận mặt khách, người đứng bên chiếc bàn gỗ soi mói từng gói hành lý qua lại, mặt ai cũng lạnh lùng.
Dẫn chúng tôi xuống hầm bê tông dài khoảng 200 mét, chia thành 2 làn xuất - nhập, anh Trạng chỉ những đầu soi camera ghi hình gắn chi chít: “Phía Thái Lan kiểm soát ngặt nghèo, lát lên đất Thái còn gặp cả chục đầu ghi!”.
Vài phút là chui khỏi hầm, lên đất Thái Lan. Ấn tượng đầu tiên là tòa nhà xây đón khách với 2 pano cảnh sát nam nữ Thái Lan chắp tay tươi cười, dựng 2 bên cửa. Nhân viên làm thủ tục nhập cảnh, sau khi hoàn tất công việc, trả lại hộ chiếu đều tươi cười bập bẹ tiếng Việt: "Xin chào Việt Nam", thậm chí hóm hỉnh: "Ăn cơm chưa?" khiến mọi người đều nhẹ nhõm...
Xúc tiến cực nhanh
Trước khi đoàn khảo sát tuyến du lịch “Hành trình di sản xuyên Đông Dương” lên đường, Trưởng đoàn Trương Đức Hải đã thông báo với Tổng cục Du lịch Thái Lan về kế hoạch, thời gian và ngay lập tức nhận được phản hồi từ phía bạn: “Sẽ có người đón tiếp và… chiêu đãi đặc sản ẩm thực - tinh thần Thái”.
Cuối giờ sáng đến điểm hẹn là khách sạn Laithong (tỉnh Ubon Ratchathani), đã thấy ông Lê Quốc Vi là Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tỉnh Ubon Ratchathani, kiêm đại diện Tổng cục Du lịch Thái Lan tại tỉnh này, cùng các quan chức du lịch của tỉnh chờ sẵn ở sảnh khách sạn, tươi cười bắt tay chào đón. Buổi chiều, ngành du lịch Thái Lan mời dự chiêu đãi tại khách sạn khác. Ai cũng cứ tưởng chỉ… ăn nhậu như trong nước, khi đến mới té ngửa bởi được mời vào gian phòng rộng, bên trong là 20 bàn như 20 gian hàng giới thiệu về doanh nghiệp, địa danh, sản phẩm du lịch, y như 1 hội chợ xúc tiến Thương mại – du lịch cấp tỉnh của Việt Nam. Sau phần “xúc tiến du lịch” là các tiết mục giới thiệu các màn hát múa của người Thái vùng Đông bắc, các món ăn truyền thống và nhất là 1 phim giới thiệu về các di tích – danh thắng của tỉnh, cũng như mời gọi đầu tư – hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước, bằng giọng đọc chính gốc Việt Nam…
Hỏi ra mới biết: Việc huy động các doanh nghiệp trong tỉnh đến tham dự buổi gặp gỡ chỉ mới được tiến hành từ… buổi trưa, qua điện thoại. Nhiều doanh nghiệp nhận thông tin, dù ở các xa vài trăm km cũng nhanh chóng mang sản phẩm của mình đến góp mặt. Ngay phim giới thiệu “tiềm năng - cơ hội của tỉnh”, cũng chỉ được thực hiện trong 1 ngày, dành cho đoàn.
“Chúng tôi ý thức được là tỉnh mình ở xa, đi lại khó khăn, không có nhiều trung tâm mua sắm và di sản thế giới, nên trân trọng từng du khách đến thăm!”, ông Lê Quốc Vi thật thà nói vậy. Ông Vi hào hứng chia sẻ thêm: “Ít nhất, khách Việt Nam cũng có thể sang đây hưởng thụ sự yên bình và thăm bà con cộng đồng người Việt đang làm ăn sinh sống khá đông!”.
Dẫu sao ở Ubon này, tôi cũng thấy được yên lành - gần gũi (điều mà hiếm khách du lịch mong muốn), khi thấy những người xe thồ đạp giống xích lô ngủ ngon lành trên yên xe đỗ ven con phố, những chiếc xe bán kem bấm còi “bim, bim” mời gọi bọn trẻ con ào ra từ lớp học và cả những mái chùa cong cong, dẫu dát vàng son óng ánh, nhưng bên trong vẫn lưu giữ bao điều trầm mặc bí ẩn, như thể những người dân bản địa chỉ mong náu mình trong mái nhà cũ, ngôi chùa cổ, phó mặc cho những người “quản lý điều hành” phết lên bao sự hào nhoáng mang tên “mời gọi hội nhập” trên mọi cung đường góc chợ - dù xa xôi nhất Đông Dương...
Tỉnh Ubon Ratchathani (Thái Lan) có khoảng hơn 5.000 người Việt Nam sinh sống, chủ yếu là buôn bán và làm thợ thủ công. Trước năm 1975, việc làm ăn của người Việt ở đây khá vất vả, do chính quyền kiểm soát gắt gao việc đi lại, không được đi làm trong các doanh nghiệp, không được nhập quốc tịch… Thậm chí, chính quyền còn dồn người Việt về khu vực riêng gọi là “Nông trường”, cách xa trung tâm thành phố để sản xuất nông nghiệp.
Sau giải phóng, đặc biệt là những năm gần đây, đời sống của bà con người Việt ở Ubon Ratchathani đã có nhiều tiến bộ, với sự tạo điều kiện rất lớn của chính quyền. Không chỉ được nhập quốc tịch Thái Lan, những người Việt còn được giúp đỡ mở doanh nghiệp, cửa hàng làm ăn buôn bán và công tác – làm việc trong cơ quan quản lý nhà nước của Thái Lan…
|
Mai Thanh Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét