Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

Cây sồi sở hữu chính mình ở Mỹ

Cây sồi trắng ở bang Georgia, Mỹ tự sở hữu chính mình và được du khách bình chọn là chủ sở hữu tài sản lạ lùng nhất trên thế giới.

Trên ngã tư giữa phố Dearing và Finley thuộc khu dân cư yên tĩnh và thanh bình gần Athens, bang Georgia có một cây sồi trắng. Qua gần hai thế kỷ, cây sồi này được cho là tự sở hữu chính mình và một phần nhỏ diện tích đất xung quanh gốc cây.
cay-soi-so-huu-chinh-minh-o-my
Cây sồi là một trong những điểm tham quan thú vị của du khách khi tới bang Georgia. Ảnh: Amusing.
Câu chuyện về sự thật thú vị này được một tờ báo địa phương đăng tải vào những năm 1890. Vào đầu thế kỷ 19, một giáo sư của Đại học Georgia tên là Colonel William H.Jackson rất mê cây sồi này. Kể từ khi William còn là một đứa trẻ, cây sồi trắng 350 tuổi đã là một phần tài sản thuộc sở hữu của gia đình Jackson. Nó không chỉ đơn thuần là một cái cây bình thường, cậu bé thực sự coi đây là người bạn tri kỷ. Khi trưởng thành, ông quyết định bảo vệ người bạn của mình mãi mãi ngay cả khi ông mất.
Để thực hiện mong muốn của mình, vào khoảng giữa những năm 1820 và 1832, Jackson thảo một bản chuyển nhượng và trao cho cây sồi quyền tự sở hữu mình và phần đất rộng 2,5 m xung quanh gốc. Qua thời gian, bản gốc giấy chuyển nhượng không còn nữa nhưng quyền sở hữu của cây sồi vẫn được giữ nguyên.
Người duy nhất khẳng định từng đọc giấy chuyển nhượng của Jackson cho cây sồi là một tác giả vô danh của bài viết đăng trên tờ báo địa phương năm đó. Dù tính chính xác của lời khẳng định hay danh tính của tác giả đều chưa được làm rõ, mọi người đều dần chấp nhận rằng tờ giấy đó là có thật nhưng đã bị mất.
Trong thực tế, William H.Jackson sở hữu phần đất ở phía đối diện phố Dearing Street bắt đầu tính từ cây sồi. Khi đó cũng có cuộc tranh luận xảy ra về việc liệu cái cây có thuộc quyền sở hữu của Jackson hay không. Sau đó ông đã bán phần đất này vào năm 1832.
cay-soi-so-huu-chinh-minh-o-my-1
Cây sồi ban đầu đã chết. Người ta trồng vào đó một cây sồi non mọc từ quả của cây sồi cũ và gọi nó là "con trai của cây sồi tự sở hữu chính mình". Ảnh: Amusing.
Cùng năm đó, một tấm bia khắc trích dẫn nội dung giấy chuyển nhượng được đặt dưới gốc cây như một sự đánh dấu chủ quyền của nó. Hiện nay, vị trí của cây lấn sang một phần đất của số nhà 125, Dearing Street và ngay sát đường phố Finley Street. Tuy nhiên, quyền sở hữu của cây sồi vẫn được giữ nguyên vẹn. Người dân ở hạt Athens và Clarke chính thức thừa nhận rằng bất chấp luật pháp, cây sồi tự sở hữu chính mình.
Cây sồi ban đầu hiện nay đã chết. Nó bị bệnh và đổ sau một cơn bão vào năm 1942. Khi đó, cây cao khoảng 30 m và có tuổi thọ ước tính 400 tuổi. Trong suốt bốn năm tiếp theo, khoảng đất nhỏ vẫn bị bỏ trống. Sau đó, một thành viên trong câu lạc bộ cây cảnh Junior Ladies ở Athens đã tìm thấy một cây nhỏ mọc lên từ trái sồi của cây ban đầu và quyết định trồng nó ở đó. Giờ đây, cây này còn được nhắc đến như là "Con trai của cây sồi tự sở hữu chính mình".
Trải qua hơn một nửa thế kỷ, "Con trai của cây sồi tự sở hữu chính mình" vẫn được người dân ở đây coi như một thành viên nổi tiếng của cộng đồng. Hàng năm, người ta vẫn tổ chức tiệc mừng sinh nhật và trang trí cây vào mỗi dịp Giáng sinh.
cay-soi-so-huu-chinh-minh-o-my-2
Vào năm 2008, một nhà tài trợ quyên góp cho cây sồi này một hệ thống chống sét để bảo vệ. Ảnh: Amusing.

Về mặt luật pháp, cây sồi trắng của Jackson không có quyền sở hữu chính mình. Đối với những người mới biết thì bản gốc giấy chuyển nhượng đã bị thất lạc và chỉ được áp dụng với gốc cây ban đầu.
Luật pháp bang Goergia quy định, bất kỳ người hay vật nào được nhận tài sản cũng phải có khả năng chấp nhận sự chuyển nhượng của tài sản đã nêu. Cây sồi của Colonel Jackson không có khả năng này, vì vậy quyền sở hữu của cây đối với chính nó là không hợp pháp.
Khi đến đây, du khách có thể đỗ xe ở một nơi nào đó trên đường và đi bộ để ngắm nhìn cây sồi có một không hai mà không phải mất bất kỳ một loại phí nào.
Ngọc Mai

Không có nhận xét nào: