Nói như nhà văn Hồ Anh Thái - người có nhiều năm nghiên cứu về Ấn Độ, thì đất nước của Tagore, của Mahatma Gandhi là một bảo tàng sống và “càng bơi càng khó thấy bờ”. Với tôi, 8 ngày đi qua những vùng đất thiêng của xứ Ấn quả là chỉ chạm được một phần rất nhỏ vào bảo tàng sống đó.
Đền Taj Mahal và Pháo đài đỏ Agra được UNESCO công nhận là di sản thế giới, chỉ cách một bờ sông Tamuna. Cả hai di sản này gắn liền với câu chuyện tình vĩ đại của hoàng đế Shan Jahal và người vợ thứ hai Mumtaz Mahal.
Pháo đài đỏ Agra - Ảnh: C.M.H |
Biểu tượng của tình yêu
Đáp chuyến bay của Jet Airways (9W), theo lời mời của Công ty Vertor Aviation (đại diện cho 9W ở Việt Nam) và với sự hỗ trợ của Công ty Top Travel & Tours (P) LTD của Ấn Độ, đoàn nhà báo Việt Nam đã đến sân bay New Delhi vào lúc 2 giờ 30 sáng. Từ đây, chúng tôi trực chỉ bằng xe buýt đến cố đô Agra để “kịp nhìn bình minh lên ở Taj Mahal” như lời anh hướng dẫn viên Kamesh Saxena cho biết.
Cách New Delhi 220 km, Agra (thuộc bang Uttar Pradesh) là nơi đóng đô của triều đại Mogul - một vương triều hùng mạnh của vùng đất Ấn Độ ngày xưa. Thành phố này có lẽ nhộn nhịp không kém thủ đô New Delhi khi mỗi năm đón đến hơn 4 triệu du khách và nó có đến 3 tài sản vô giá là: Đền (lăng mộ) Taj Mahal, Pháo đài đỏ Agra và Tòa thành Fatehpur Sikri. Cả ba đều được UNESCO công nhận là di sản thế giới lần lượt vào năm 1983 và 1986.
Lăng mộ Taj Mahal - Ảnh: C.M.H |
Háo hức và chờ đợi, chúng tôi như quên đi sự mệt nhoài của chuyến bay dài khi mà Taj Mahal đã hiện ra phía trước. Bình minh không có được như mong muốn vì mùa mưa ở Ấn Độ bầu trời buổi sáng cũng khá ảm đạm. Mới sáng sớm mà đã có hàng đoàn người nối bước vào cổng thành bên ngoài của ngôi đền thâm nghiêm mà lộng lẫy này. Sự vĩ đại của Taj Mahal với chiều dài lịch sử 358 năm là một trong 7 kỳ quan thế giới, là lăng mộ duy nhất tạo bằng những khối đá cẩm thạch trắng... Có lẽ những điều đó ai cũng đã biết, nhưng câu chuyện về một tình yêu của hoàng đế Shan Jahal với người vợ yêu dấu của mình mới thật vĩ đại trong lòng hậu thế.
Anh Kamesh Saxena kể rằng: Shan Jahal là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng của đế quốc Mogul, một ông vua đa tình và cũng chung thủy. Ông có nhiều vợ, nhưng chỉ có nàng Mumtaz, người vợ thứ 2 là người ông yêu thương nhất. Năm 1631, đang chinh chiến ngoài biên ải, biết được hung tin nàng Mumtaz Mahal qua đời sau khi sinh, vua Shan Jahal đã từ cõi biên ải tức tốc trở về Agra và chỉ trong một đêm ngồi bên xác vợ, Shan Jahal đã bạc trắng đầu. Suốt những ngày sau đó, ông chỉ biết ôm xác vợ, mặc cho quần thần can gián... Truyền thuyết còn nói rằng Shan Jahl đã ôm xác vợ đi trong đêm mưa, đi trong sương gió và khi không còn sức lực nữa thì ông đã đến bên sông Tamuna và dừng lại ở đó với một quyết định táo bạo: xây một lăng mộ bằng đá cẩm thạch trắng để chôn cất vợ mình. Toàn bộ sức lực của cả vương triều đều tập trung cho công việc xây dựng này. Vậy mà đến 17 năm sau (1648) lăng mộ mới hoàn thành.
Có một câu chuyện khác, sau khi hoàn thành lăng mộ thì vị kiến trúc sư Ustad Tsa (người Iran), người thiết kế Taj Mahal, trong lúc cảm hứng đã hỏi vua Shan Jahal là có muốn xây thêm một lăng mộ tương tự không. Tức khắc, đôi bàn tay tài hoa của Ustad Tsa đã bị chặt đứt. “Ta đã nói chỉ có một Taj Mahal duy nhất cho nàng Mumtaz Mahal mà thôi”, Shan Jahal gầm lên. Quả là một tình yêu bất diệt!
Nhưng đó chưa phải là đoạn kết của câu chuyện tình. Sau khi Taj Mahal xây xong thì vua Shan Jahal cũng không còn đoái hoài đến việc nước. Ông chỉ còn cái việc “ăn, thở, ngủ...” cùng Taj Mahal. Chính vì thế, người con của ông đã chiếm đoạt ngai vàng của cha và đày ông về pháo đài đỏ bên kia sông, để cho ông đoạn tuyệt với nàng Mumtaz Mahal. Thế nhưng, trái tim của vị vua này ngày đêm cứ thương nhớ về người vợ cũ, nên ông đã có 10 năm ngồi trên một vọng lâu - vị trí đẹp nhất của pháo đài đỏ để nhìn sang Taj Mahal. Và rồi một ngày ông gục chết tại vị trí này mà mắt thì như nhìn về hướng Taj Mahal.
Taj Mahal sẽ sụp đổ ?
Trở lại với Taj Mahal và pháo đài đỏ Agra ngày nay, theo anh Kamesh Saxena, thì mỗi năm có gần 4 triệu lượt người đến tham quan hai nơi này vì nằm trong một quần thể với bán kính 2,5 km. Số lượng du khách đông đúc nên cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng cả hai di sản này cần phải giảm tải lượng du khách. Tuy nhiên, điều đó không quan trọng bằng việc con sông Tamuna chảy qua 2 di sản này đang cạn kiệt dần. Báo chí Ấn Độ từng đăng tải ý kiến của nghị sĩ Ramshanka Katheria cho rằng nếu không khơi dòng chảy con sông Tamuna thì từ 2 đến 5 năm tới, những hố móng của Taj Mahal có nguy cơ sụp đổ. Còn nhà sử học Ấn Độ cũng cảnh báo: “Sông Tamuna là một phần của thiết kế kiến trúc nên Taj Mahal. Chính vì vậy, nếu dòng sông này cạn kiệt thì Taj Mahal không thể sống được”.
Vâng, quả là cả nhà chính trị và sử gia kia đều có cái lý của họ. Còn với tôi, dù đứng bên này Taj Mahal nhìn sang pháo đài đỏ hay ngược lại thì dòng sông Tamuna như là một khoảng lặng, dù vơi hay đầy, chứng kiến một mối tình vĩ đại nhất của nhân loại còn đọng lại trong lòng nhân gian mãi mãi...
Có ai đó ví von, đến Ấn Độ mà chưa đến Taj Mahal xem như chưa đến Ấn Độ, còn chưa đến sông Hằng và Varanasi là chưa hiểu hết người Ấn Độ.
Thành phố của thần Shiva
Rời Agra với Taj Mahal và pháo đài đỏ, những công trình kiến trúc gắn liền với đạo Hồi và cũng là nơi đạo Hồi phát triển mạnh mẽ ở Ấn Độ dưới triều đại Mogul (1526-1857), chúng tôi trực chỉ Varanasi - thành phố linh thiêng của người theo đạo Hindu (Ấn Độ giáo).
Varanasi là cái tên bất cứ người theo đạo Hindu nào cũng phải biết, mà dân Ấn Độ thì có đến 80% theo đạo Hindu (khoảng hơn 800 triệu người), qua đó cũng đủ hiểu giá trị tâm linh của Varanasi là thế nào với đa số người Ấn.
Theo khảo cổ thì Varanasi là thành phố cổ có cư dân cư ngụ liên tục hàng ngàn năm trước, còn theo truyền thuyết của người Hindu thì thành phố này do thần Shiva lập ra 6.000 năm về trước và sông Hằng chính là hóa thân của nữ thần Ganga - vợ của Shiva (theo tiếng Phạn, Ganga cũng có nghĩa là sông Hằng). Có lẽ vì thế mà ở thành phố này tượng Shiva có mặt hầu như khắp hang cùng ngõ hẻm.
Anh hướng dẫn viên Rajesh Tripathi của Top Travel & Tour cho biết, ở Varanasi hiện có đến 2.000 ngôi đền thờ có tượng thần Shiva. Điều đó càng thúc giục trong tâm thức của những người Hindu giáo hành hương đến nơi này hơn bất cứ nơi đâu trên suốt chiều dài 2.510 km của sông Hằng, vì với họ, thần Shiva là một trong 3 vị thần quan trọng nhất trong tâm linh của họ (2 vị thần kia là Brahma và Vishnu). Hơn thế nữa, trong cuộc đời của người theo Hindu giáo có 2 trong 4 điều phải thực hiện là: Kính thờ thần Shiva và đến sông Hằng tắm nước thánh, uống nước ở đây. Chính vì vậy, Varanasi là nơi “thần thánh nhất” trong các địa danh thánh của người Hindu giáo.
Hôm chúng tôi đến Varanasi, dù không có một lễ hội lớn như lễ hội Kumbh Mela của người Hindu giáo (quy tụ cả triệu người ở các Ghat bên sông Hằng chảy qua Varanasi), nhưng cả một thành phố như tràn ngập trong một màu cam - đồng phục của những người đàn ông theo đạo Hindu. Xe thồ, xe buýt, xe máy, đâu đâu cũng thấy những người đàn ông da ngăm, những phụ nữ với sarê nhiều màu sắc tất bật mua hoa, mua lọ đựng nước, đợi đến bình minh để xuống những Ghat cầu nguyện, tắm rửa và xin nước thánh từ sông Hằng. Ngạc nhiên nhất là có rất nhiều người già.
Anh Rajesh Tripathi giải thích, những người già càng muốn đến gần sông Hằng ở Varanasi hơn bất cứ ai vì với họ đến được đây và chết ở Varanasi, bên bờ sông Hằng hoặc được thiêu xác, rải tro xuống sông Hằng thì họ mới thật sự được thoát kiếp luân hồi. Chúng tôi gặp những người già phải đi xa hàng ngàn cây số đến đây, nằm vật vạ ở những con phố dẫn xuống bến sông để chờ một ngày mới trên sông Hằng. “Người ta nói Varanasi và sông Hằng chảy qua thành phố này đôi khi có rất nhiều xác người vô thừa nhận là vậy đó” - người hướng dẫn viên nói. Biết làm sao được, tâm linh thì mãi vẫn là tâm linh của mỗi con người theo ý nguyện của mình mà thôi!
Những Ghat và đền đài dọc theo sông Hằng, đoạn chảy qua Varanasi - Ảnh: C.M.H |
Đón bình minh trên dòng sông thiêng
Giám đốc điều hành của Top Travel & Tour Sumit Mathur luôn dặn chúng tôi bằng mọi cách phải đi thuyền và đón bình minh trên sông Hằng ở Varanasi. Bản thân anh cũng bay từ Việt Nam về New Delhi, rồi lại bay xuống Varanasi để sắp xếp cho chúng tôi “có cảm nhận trọn vẹn nhất khi ngắm bình minh trên sông Hằng” - như ý anh mong muốn.
4 giờ sáng, chúng tôi rời khách sạn trong trạng thái vừa ngái ngủ, vừa tò mò. Những con đường dẫn xuống bến sông Hằng lúc này đã có rất nhiều người. Tiếng bò kêu, tiếng xe chạy, tiếng người ăn xin, những cửa hàng mở sớm, những gánh hàng hoa, hàng nhang, bình, lọ, những đoàn người già, trẻ, bé lớn, người màu cam, người mình trần, người sarê... Tất cả tạo nên một khung cảnh vừa đời thường, vừa lạ lẫm, vừa huyền bí...
Chúng tôi men theo một Ghat để xuống bờ sông khi mặt trời chưa kịp ló dạng. Ghat, theo hướng dẫn viên giải thích, từ này có thể hiểu là những bậc thang dẫn đến bến sông (đôi khi rất hoành tráng, có đến hàng trăm bậc và dài rộng gần 50 mét), cũng có thể hiểu là nơi thiêng liêng để những tín đồ Hindu xuống tắm gội và xin nước thiêng từ nữ thần sông Hằng. Xưa kia, Ghat cũng là nơi để người ta hỏa táng và đem tro cốt của người chết rải xuống sông Hằng theo ước nguyện của họ. Sumit Mathur cho biết, hiện dọc bờ sông Hằng chảy qua Varanasi còn tồn tại đến 84 Ghat như vậy - dù có những Ghat đã xuống cấp, có những Ghat đi liền với những đền thờ cổ đã sụp một phần xuống sông Hằng.
Kiều Chinh - đại diện Jet Airway tại Việt Nam và Sumit thật chu đáo khi mời một nhạc công đánh đàn Sitar lên ngồi mạn thuyền của chúng tôi, để tăng phần lãng mạn khi đón bình minh lên. Amit Pandey, tên người đánh đàn, gương mặt giống như một bức tượng, nhưng đầy biểu cảm, nhẹ nhàng đánh từng phím đàn với giai điệu cổ của âm nhạc Ấn Độ. Thuyền cứ trôi và tiếng cầu nguyện trên những Ghat vang vọng cả một bờ sông... Sông Hằng đục ngầu vào mùa này, nhưng có sá gì... Dọc theo bờ sông là hàng đoàn người cởi bỏ xiêm y với tất cả lòng thành kính để được Mẹ sông Hằng ôm ấp và gột rửa mọi tội lỗi ở trần gian này.
Không có một xác chết nào trôi sông... Sumit cười khì: “Bây giờ thì điều đó chỉ còn ở các đoạn sông thưa vắng thôi vì đoạn sông chảy qua Varanasi, chính quyền thành phố cũng biết cách “dọn dẹp” để tránh làm kinh sợ du khách”. Nói vậy, nhưng anh cũng hóm hỉnh: “Biết đâu các bạn đi thêm một đoạn nữa rồi gặp thì sao?”.
Vốc một ngụm nước sông Hằng vào tay, tôi chưa dám uống, nhưng tự nhủ thầm, dân tộc nào, đạo giáo nào dù ở đâu và bao giờ cũng có sự linh thiêng riêng của nó! Chính điều đó mà sông Hằng và Varanasi cứ tồn tại hàng ngàn năm qua trong tâm thức người Ấn Độ giáo là như vậy!
Tiếng đàn Sitar kết thúc ở bài Raga Bhairavi (Khúc nhạc ban mai) khi thuyền cập bến, mà tôi như còn lạc ở một thế giới huyền bí nào đó... Ở đằng đông, mặt trời chỉ hửng lên một vài tia sáng rồi tắt ngấm với tất cả sự tiếc nuối của chúng tôi. Đành vậy, hẹn gặp lại sông Hằng lần sau nếu còn duyên...
Cao Minh Hiển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét