(PL)- Dù bom rơi đạn lạc nhưng kinh tế vẫn phát triển thần kỳ, có thánh địa của người Thiên Chúa giáo nhưng không ăn mừng lễ Giáng sinh, đất hoang mạc nhưng lại xuất khẩu nước... Những điều kỳ lạ này nằm ở một vùng đất đang rất nóng: Israel.
Từ Sài Gòn muốn sang Tel Aviv, thủ phủ của Israel thì phải sang Bangkok của Thái Lan để đáp chuyến bay dài 11 giờ 20 phút của hãng hàng không quốc gia Israel mang cái tên khá lạ: El Al. Chúng tôi được dặn dò rất kỹ: Phải đến sớm ít nhất hai tiếng đồng hồ, tuyệt đối không được khóa hành lý vì đằng nào họ cũng sẽ mở tất cả ra kiểm tra từng món một. Không khí còn ngột ngạt hơn khi trước cửa ra máy bay, hành khách phải xếp hàng dài để… hỏi cung lần nữa. “Có biết ai ở Israel không? Có mang theo vũ khí không? Có nhờ ai xếp hành lý không? Có đi quốc gia châu Phi nào không…”. Một đống thiết bị hiện đại được dùng để dò qua dò lại hộ chiếu, một mớ cuộc điện đàm bằng ngôn ngữ Hebrew để hỏi ý kiến cho từng trường hợp, ấn tượng “xin visa Israel không khó” trước đó tan biến và không khí trở nên hơi căng thẳng, tất cả những lời can gián lo ngại khi nghe kế hoạch đến Israel vụt hiện về. Nhưng rồi cuối cùng chúng tôi cũng lên máy bay - một chiếc máy bay cũ nhất trên đời, tối lù mù và ai dòm cũng lom lom đáng sợ…
Tòa nhà nào cũng có hầm trú bom
Đến Tel Aviv, lại thêm một đợt hỏi han cẩn thận nữa. Và để chừa đường cho khách còn được đi những nước “ghét” Israel sau này, hải quan không đóng dấu vào hộ chiếu mà cấp một giấy thông hành riêng. Đường từ sân bay về toàn xe của Nhật, của Hàn, hóa ra sau dự án xe hơi điện thất bại, người Israel không phát triển ngành công nghiệp ô tô nữa, dẫu rằng họ là quốc gia tỉ lệ kỹ sư trên đầu người cao nhất thế giới. Mùa đông xứ Trung Đông hơi lành lạnh, ngoài phố ngăn nắp với những khu nhà màu vàng nâu vuông bằng sắc cạnh trông hơi thô, thiếu tinh tế nhưng có vẻ rất tiện dụng để chống nóng và chống lạnh. Người dẫn đường bảo: “Nếu nghe ai đó nói về sự mất an toàn ở Israel thì đừng lo, ở đây tuyệt đối an toàn, không có chiến tranh ở đây đâu”.
Đoàn Việt Nam tham quan một trung tâm ươm táo doanh nghiệp của Israel.
Khách sạn nhỏ nằm cạnh bờ biển - một phần của Địa Trung Hải, ở giữa làn phân cách là hàng chà là thẳng tắp. Phía dưới là từng bụi, từng bụi cây hương thảo - loại cây gia vị lừng danh rose marry được phương Tây dùng để ướp thịt ngon nhất trên đời, chen lấn thỉnh thoảng có mấy bụi nha đam mọc lẩn khuất trong những cây cam trĩu quả. Thế nhưng chúng tôi được cảnh báo không được hái, phạt nặng lắm. Hít thở một hơi thật dài, nghe thoảng mùi thơm của cây gia vị, xen cái mằn mặn của biển và thấy lòng bình yên trong tiếng nhạc khe khẽ phát trên đài. Chúng tôi cảm thấy yên tâm khi tiếp tân khách sạn bảo: “Hầm trú bom ở phía dưới, tất cả tòa nhà đều có hầm trú bom. Nhưng chưa bao giờ chúng tôi phải dùng tới vì đây là một xứ sở bình an”.
Gặp ba ông chủ Viber tưởng ba chàng thất nghiệp
Có nhiều loại tour ở Israel. Chọn tour khởi nghiệp, khách được đưa đến trung tâm “Quốc gia khởi nghiệp” - trung tâm phi lợi nhuận do chính tác giả của quyển sách lừng danh này sáng lập. Trung tâm nằm trên tầng một của căn chung cư cũ, không hoành tráng như tưởng tượng nhưng lại là nơi kết nối chính hầu hết công ty khởi nghiệp của đất nước này. “Nhà đầu tư giàu nhất thế giới Warren Buffett nói rằng nếu đến Trung Đông tìm dầu mỏ thì đừng ghé Israel nhưng nếu muốn tìm những bộ óc giỏi nhất, những ý tưởng kinh doanh độc đáo nhất thì Israel là lựa chọn hoàn hảo nhất” - cô hướng dẫn ở trung tâm này bắt đầu câu chuyện. Và câu chuyện kéo dài trong suốt hành trình du lịch, đi qua những mảnh ghép huyền bí nhất tưởng chừng như ở xứ thần tiên.
Đây là thủ phủ của Viber - ứng dụng nhắn tin di động trị giá gần 1 tỉ đôla. Ba người sáng lập dành thời gian ra tiếp khách, xuề xòa và gần gũi đến mức ra đường không ai nghĩ rằng họ là những ông chủ giàu nứt đố đổ vách. “Ở đây chúng tôi sợ nhất là mặc đồ trịnh trọng, lâu lâu lại có đoàn khách đến mặc đồ lộng lẫy làm chúng tôi hoảng sợ” - anh giám đốc phát triển sản phẩm mặc một cái áo thun tùm lum hình vẽ cũ sờn, đi đôi dép kẹp cười bảo. Rồi anh bảo lát nữa sang thăm những vườn ươm khởi nghiệp, nhớ xem các bạn trẻ chưa có gì ngoài một kế hoạch thay đổi thế giới sẽ khác chúng tôi thế nào…
Quả thật đến những khu làm việc chung của những người trẻ khởi nghiệp, thấy những tỉ phú và những anh chàng vừa được giải ngũ sau ba năm đi lính bắt buộc chẳng khác gì nhau. Họ ngồi quanh bàn, dán mắt vào màn hình hay nửa nằm nửa ngồi trên những chiếc ghế lười bằng đệm để trao đổi các ý tưởng giữa nhiều công ty với nhau một cách thoải mái. Ai cũng đang thực hiện những dự án để “giải quyết những vấn đề đau đầu của xã hội”: Một chàng 26 tuổi đang làm hệ thống cho phép người dùng xem hình trên mạng mà xuất hiện câu hỏi: “Trời cái áo đẹp quá, không biết mua ở đâu?” chỉ cần đưa chuột vào, hệ thống sẽ tự kết nối với dữ liệu của tất cả hãng thời trang và nhà bán lẻ để đưa ra hướng dẫn; một người 33 tuổi vừa bán xong công ty chuyên hẹn lịch gặp bác sĩ trên toàn nước Mỹ thì đang làm một ứng dụng mới cho phép người dùng có thể thử giày trực tuyến khi phát hiện ai cũng sợ mua giày online vì không vừa chân; một anh chàng khác thì đã tạo ra phiên bản thử nghiệm của đôi giày có gắn chíp tự phát hiện tình trạng mất cân bằng của người già sắp té để ra lệnh kéo ngược chiếc giày còn lại ra phía sau để người mang không bị té; công ty nọ thì vẽ những nhân vật hoạt họa có khả năng hướng dẫn sử dụng những trang web vốn ngày càng nhiều thông tin, nhiều chữ không ai muốn đọc… Tất cả những điều tưởng chừng phi thực tế nhất, thần tiên nhất đều được họ nghĩ ra và tìm cách biến nó thành hiện thực, để sau đó bán cho các nhà đầu tư trên thế giới với giá vài triệu, vài chục triệu hoặc vài trăm triệu đôla Mỹ.
Nhiều nghề lạ
Israel nhỏ xíu. Toàn bộ lãnh thổ nhỏ hơn một tỉnh xứ mình. Toàn bộ dân số ít hơn Sài Gòn. Nhưng họ sống theo tiêu chuẩn châu Âu, tức là lương cao như Mỹ và giá sinh hoạt đắt đỏ khủng khiếp. Bên cạnh một cái lồng sắt rất lớn đặt trên vỉa hè để mọi người cho tất cả chai nhựa, túi nylon vào nhằm bảo vệ môi trường là những người da đen cần mẫn dắt cả một đàn bốn, năm con chó đi dạo. Mới hay ở Israel có nhiều nghề lạ, mà đa phần là người gốc Phi sang làm, chẳng bù cho thời xưa toàn bộ người Do Thái đều bị thế giới xa lánh và không cho đụng chạm vào đồ ăn vì sợ ô uế, không cho học hành mà chỉ được làm nô lệ…
Có nhiều loại tour ở Israel: Tour hành hương đi thăm thánh địa Jerusalem - nơi mà trước khi châu Mỹ được phát hiện thì là trung tâm của trung tâm thế giới, hiện vẫn còn lưu giữ những vật phát tích của đạo Công giáo như núi Sọ, nơi mà chúa Giêsu bị đóng đinh, phiến đá dùng để tẩn liệm hay hang trên núi quàn xác trước khi Người sống lại; không thăm đền Jerusalem thì có thể ghé bức tường Than khóc của người Do Thái, nơi mà truyền kỳ kể về việc danh thủ Maradona đến cầu nguyện và giành chức vô địch World Cup Mexico 1986 bằng “bàn tay của Chúa”…
Dạy trẻ con không nghe lời người lớn
Một trong những bí mật lớn nhất của nền giáo dục Israel được giáo sư Trường Kỹ thuật Technion chia sẻ, đó là việc trẻ con luôn được dạy “không được nghe lời người lớn - cho dù đó là ai”. “Trẻ con cũng có ý kiến và ý kiến đó, quan điểm đó cần được tôn trọng. Cha mẹ, thầy cô muốn chúng nghe lời thì phải chứng minh và thuyết phục được chúng. Nếu không trẻ con mặc sức được sáng tạo, thử nghiệm dựa trên niềm tin của bản thân mình” - ông giáo sư bảo.
Nó giống như chia sẻ của một ông bố trong một gia đình Israel bình thường: “Con tôi muốn trèo lên cây, tôi thấy ngay là nó sẽ té. Nhưng nếu nó muốn trèo thì tôi nghĩ cùng lắm là té gãy tay gãy chân, đem vào bệnh viện là xong nhưng nó sẽ có trải nghiệm về chuyện leo cây”. Đây chính là hạt giống của những khát vọng khởi nghiệp, suy nghĩ và bắt tay vào thực hiện những suy nghĩ độc lập của người Israel mà không phải nhìn trước ngó sau xem quan điểm của xã hội thế nào. Họ tự làm và cùng lắm thì thất bại, giống như bị té, không sao cả.
Giáp mặt nhà rất giàu, sắp giàu
(PL)- Ông chủ của Viber - ứng dụng có hơn 400 triệu người dùng hiện nay trên toàn thế giới hóa ra “bụi đời” hơn tưởng tượng. Và nửa đêm về sáng ngồi uống bia, lại cũng gặp một câu chuyện đang muốn thay đổi thế giới.
Từ ngày được định giá gần 1 tỉ USD Mỹ, Viber trang trí lại văn phòng của mình cho vui nhộn hơn. Nguyên một tầng của khu văn phòng được phủ bởi màu tím và mọi nơi đều có dấu vết của sự nguệch ngoạc đầy ngẫu hứng, các miếng dán đủ mọi hình thù xuất hiện mọi nơi.
Ngồi làm việc, gác chân lên bàn
Một trong bốn anh chàng sáng lập Viber từ ngày đầu tiên vào tháng 3-2010 nhìn như một nhân vật hoạt hình: béo tròn, trắng mũm mĩm và mặc một cái áo thun đã ngả màu với đủ mọi họa tiết trên đời. Anh dẫn chúng tôi vòng quanh văn phòng và giới thiệu: “Đây là đội đang hỗ trợ cho khoảng mấy chục triệu người đang dùng Viber ngay thời điểm này, đảm bảo cho việc giao tiếp của họ được thông suốt. Đây là nhóm đang sửa những lỗi của phiên bản Viber bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau vì có sự khác biệt giữa ký tự giữa các quốc gia. Phòng này còn chưa có người vào vì họ là team marketing nhưng làm việc theo múi giờ của bên kia Trái đất…”.
Mọi người ăn mặc thoải mái, thư giãn, ngồi làm việc gác hẳn chân lên bàn. Đến một căn phòng vô cùng sặc sỡ, anh ngoắc người bạn đang ngồi ôm cái màn hình máy tính to kinh khủng ra và bảo: “Này, Việt Nam sang này”. Anh chàng là giám đốc thiết kế, nhảy chân sáo bước ra, ồ lên ngạc nhiên: “Có ai mang phở sang không? Tôi mới ở Việt Nam hai tháng trước, thấy thèm phở rồi…”.
Điểm dừng cuối cùng của tour tham quan “nhà tím” là căn tin, nơi có nhà sáng lập và Tổng Giám đốc Talmon Marco đang chờ. Anh chàng đại gia này cầm một chồng ly giấy, tất nhiên cũng màu tím, đưa cho mỗi người một cái và bảo: “Tự nhiên như ở nhà nhen, ở đây có trà, cà phê, đủ mọi loại nước ngọt. Còn ai muốn uống nước cam ép thì để tôi phục vụ”. Xong anh te te đi đến cái máy, cho trái cam vào, chạy lọc cọc vòng quanh cái máy và nước cam ép chảy xuống, rất điệu nghệ.
Talmon Marco - CEO và là người sáng lập Viber
Marco ra vẻ chủ nhà: “Tôi tranh thủ nói một chút về Viber, xong các bạn nhớ kể cho tôi nghe về start up và các quán bar ở Việt Nam để lần sau tôi sang còn đi khám phá nữa”. Rồi anh chàng mặc áo thun đen có dòng chữ “Chúng tôi đã ra đại chúng rồi”, quần jeans bạc màu và đôi giày da lộn màu xám cũ rích bắt đầu nói về mình: “Tôi sinh ra ở Israel, đi lính, đi học ở đây nhưng phần lớn thời gian sau đó thì lại ở Mỹ cho thuận tiện công việc. Tôi đã mở vài công ty trước khi có Viber, cũng không mấy thành công, chẳng hạn iMesh - một dịch vụ chia sẻ dữ liệu… À, như mọi người, tôi vào lính nhưng có trình bày về khả năng của mình nên được vào làm việc ở phòng công nghệ thông tin, sau một thời gian thì tôi được bổ nhiệm làm giám đốc công nghệ thông tin của bộ chỉ huy trung tâm của lực lượng quốc phòng Israel… Ở Israel mọi người đều đi lính và những mối quan hệ từ môi trường quân đội là vô cùng quan trọng, chẳng hạn một trong những nhân sự quan trọng nhất của Viber cũng là đồng đội của tôi thời còn tại ngũ… Ở đây ai cũng thích làm khởi nghiệp nên vấn đề là mình phải nghĩ ra là làm cái gì hay nhất, phục vụ được nhu cầu của nhiều người nhất và mình cũng có thể làm giỏi nhất. Chúng tôi thấy ai cũng có một nhu cầu thiết yếu là giao tiếp và cụ thể hơn là giao tiếp thông qua thiết bị viễn thông, nhất là nhắn tin và thoại. Cũng có rất nhiều người tham gia thị trường này rồi nhưng chúng tôi bảo nhau là mình cố gắng làm cái ứng dụng nào nó siêu đơn giản và lấy tiêu chuẩn là ông ngoại già ở nhà của mình có thể sử dụng mà không cần phải hướng dẫn gì hết thì mới gọi là thành công. Cuộc sống vốn đã hơi phức tạp và bận rộn rồi nên nếu chúng ta làm mọi thứ đơn giản nhất thì chính là hiệu quả nhất. Có lẽ là nhờ nghĩ ra điều này và bằng mọi cách làm được điều này mà chúng tôi cũng tương đối thành công…”.
Tâm sự của chàng trai gần 2.000 lần đi thuyết phục nhà đầu tư
Buổi chiều, chúng tôi có hẹn ở Trung tâm Khởi nghiệp của Trường ĐH Tel Aviv với lịch trình ghi vỏn vẹn: “Trao đổi về cách bán dự án khởi nghiệp với nhà đầu tư”. Ngồi chờ sẵn là một anh chàng xăm trổ rất nhiều họa tiết trên hai cánh tay. Anh mặc một cái áo len rất mốt và ra dáng dân chơi sành điệu. Anh mở máy và bắt đầu câu chuyện một cách tràn đầy năng lượng: “Tôi tên là Roy Tertman, 32 tuổi, một vợ, một con gái bé xíu xiu, đã năm lần khởi nghiệp, trong đó có hai lần hoàn toàn thất bại, một dự án đã được mua hoàn toàn với giá triệu đô, một đang hơi vất vả, một cái thì đang đi lòng vòng tìm nhà đầu tư mới có tiền làm. Tôi có kinh nghiệm đi trình bày dự án trước nhà đầu tư hơn 1.000 lần, chính xác là gần 2.000 lần và đặc biệt tôi có bộ sưu tập những thứ liên quan đến phim Chiến tranh giữa các vì sao lên đến hơn 300 món…”.
Roy bảo một trong những điều kỳ diệu nhất ở Israel là mọi người thích chia sẻ những điều mình biết. Do đó khi trường đại học gửi email hỏi ai thu xếp đến chia sẻ kinh nghiệm với nhóm Việt Nam thì tôi xung phong trước tất cả người khác. “Một người biết mà giữ riêng thì cái biết sẽ bị mòn đi, đem ra chia sẻ thì sẽ được mài cho sắc bén thứ kỹ năng này hẳn lên” - anh bảo. Và anh say sưa chia sẻ tất cả kinh nghiệm chiến thắng cũng như đau thương mà anh đã gặp phải trong hơn 1.000 lần đối diện với các nhà đầu tư để kiếm tiền làm dự án: “Xứ của khởi nghiệp mà. Đối thủ cạnh tranh đông khiếp. Nhà đầu tư thì không nhiều và khó tính lắm, lại ít thời gian, vậy nên bằng mọi cách chúng ta phải chứng minh được mình là hay nhất, hấp dẫn nhất và tiềm năng nhất. Có khi chỉ có chưa đầy một phút, có khi có được ba phút, có khi được tới bảy phút. Nhưng bao lâu thì cũng phải nói cho hết tất cả những gì quan trọng nhất để hy vọng nhận được cuộc hẹn lần sau, lúc đó mới nói những điều quan trọng khác”.
“Mọi thứ phải bắt đầu từ một vấn đề khó khăn của xã hội và chúng ta đưa ra giải pháp, phải là một giải pháp hay và chưa ai làm tốt bằng mình nhưng lại phải chứng minh được khả năng hiện thực hóa và thương mại hóa nó. Như vậy cần phải kể một câu chuyện hay với những dữ liệu phù hợp. Chẳng hạn, công ty của tôi phát hiện ra chuyện mua bán online thì thứ mà mọi người mua ít nhất chính là giày dép, vì ai cũng sợ mua về mang không vừa chân. Vậy là chúng tôi nghĩ ra một ứng dụng có thể thử giày trực tuyến để xử lý chuyện này. Ai trên đời mà không phải mua giày?” - anh cười, khá thoải mái và có phần tự hào.
Chuyện la cà quán bar
Rất nhiều thanh niên khởi nghiệp ở Israel sống theo múi giờ của Mỹ nên họ thường ra khỏi văn phòng lúc 10 giờ đêm và đi thẳng đến… quán bar. Bởi vậy trong tour du lịch khởi nghiệp mà chúng tôi tham dự có một chương trình hấp dẫn: Tel Aviv về đêm. Hướng dẫn viên là Hanah, một cô gái đang làm luận văn thạc sĩ sau khi tốt nghiệp ĐH du lịch. Hanah bảo: “Chúng ta có hai giờ để đi chơi, tôi sẽ dẫn mọi người đi qua vài cái bar khác nhau. Sau đó muốn ngồi ở đâu thì báo”.
Cuối cùng, sau khi yên vị ở cái bar “hiền hiền” như cách Hanah miêu tả, cô nàng xách chai bia ra ngoài hút thuốc lá. Lọ mọ đi theo, ngồi tán dóc giữa trời mùa đông xứ Trung Đông cũng rất thú vị. Hanah bảo chồng cô đang đi nguyên một tour các nước để tìm nhà đầu tư giai đoạn 2 của công ty nên cô mới được hút thuốc, tuần sau là phải nhịn. Hóa ra chồng của cô nàng mới 30 tuổi nhưng đã khởi động công ty chuyên về ứng dụng “tòa nhà thông minh” có thể tự nhận diện còn bao nhiêu người để điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ cũng như các hướng dẫn tự động khác, đã xong giai đoạn 1 với vài triệu đô la, giờ chuẩn bị sang giai đoạn tiếp thị nên cần thêm nhà đầu tư mới…
Nghe xong thấy tỉnh cả hơi men, cái xứ gì đâu mà chỗ nào cũng gặp đại gia vậy ta?
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét