BPO - Là đô thị lớn thứ ba ở Morocco, những con phố cổ là hiện thân của Fez nhưng những con người sống sau các bức tường trầm mặc mới thật sự là phần quan trọng nhất của thành phố này.
Những bức tường thành phố
Là đô thị lớn thứ ba ở Morocco, thành phố Fez ngày nay đã phát triển vượt ra khỏi khuôn khổ bao bọc của những bức tường được xây dựng từ thế kỷ thứ 9, mang dáng vẻ thật sự hiện đại. Tuy thế, nét Ả Rập mang phong cách trung cổ trong các con phố, tại khu chợ cổ xưa nhất thế giới hiện còn lưu lại ở nơi này.
Được UNESCO công nhận danh hiệu di sản văn hóa thế giới, những con phố nhỏ hẹp và ngoằn ngoèo hơn mê cung của Fez vẫn là nơi mọi người đến tụ họp, mua sắm, hội hè và cầu nguyện.
Đây cũng là địa điểm lý tưởng để du khách khám phá những câu chuyện, những điều bí mật về công việc và cuộc sống những cư dân sau mỗi bức tường.
Ăngten chảo và những tòa tháp
Nhìn từ trên cao, những con phố của Fez vừa lộn xộn vừa rất hài hòa. Trải rộng tầm mắt một chút, mọi thứ dường như thu hẹp lại đến mất hút.
Dù không thể nhìn thấy nhưng bạn vẫn có thể nghe được mọi điều: tiếng búa gõ đanh chát, tiếng quát nạt của người lớn, tiếng trẻ con khóc, tiếng xe kéo lạch cạch trên con phố chính Talaa Kebira…
Vượt lên trên hẳn tầng không gian ồn ào phía dưới, những tòa tháp nhà thờ lừng lững giữa trời xanh, chia phần không gian cùng vô số chiếc ăngten chảo.
Hình ảnh cuộc sống gần gũi hơn với những dây phơi đầy quần áo và những chú mèo lang thang tìm mồi trên dãy mái nhà.
Âm thanh đường phố, mùi vị đường phố
Quay lại con phố Talaa Kebira, cuộc sống thành thị mới thật sự sôi động. Mọi người đi lại hối hả theo nhịp độ bất tận của những trung tâm đông đúc. Tiếng chào mời khách của người bán dụng cụ gia đình, đồ gia vị hay đồ điện tử cũ.
Một người đàn ông trong trang phục djellaba dài với mũ trùm đầu, kiểu áo choàng truyền thống của người Berber vùng Bắc Phi, lướt qua.
Sắc tộc, chủng loại, âm thanh, mùi vị… tất cả đều ở đây, vô cùng bắt mắt: già trẻ, nam nữ, từng chồng bánh rán, những chiếc giỏ đan, những chiếc tai nghe… bạn đang nhìn thấy tất cả hình ảnh của Morocco ở Fez.
Thịt và cá
Khu thương mại cổ kính có tuổi đời tới 12 thế kỷ này từng được chia thành nhiều khu chợ, mỗi khu bán một loại hàng hóa đặc trưng như mật ong, đồ gỗ hay vải vóc. Sống động và náo nhiệt nhất là khu bán đồ ăn.
Khu chợ bán thịt nằm trên phố Talaa Kebira cạnh cổng Bab Boujloud ở phía tây. Những chú gà chạy nháo nhác trong chuồng, đám lạc đà ngọ nguậy quay bên này bên nọ, và ở một góc chợ người đàn ông đang bán cá.
Người Morocco thường nấu thịt và cá bằng nồi tagine, loại nồi đất tròn, có nắp dạng chóp. Rau cùng các loại gia vị cũng được nấu cùng để tạo mùi vị rất đặc trưng.
Chở hàng hóa
“Hấp! Hấp”, người lái xe vừa hét chú lừa vừa để mọi người tránh đường cho xe đi qua. Ôtô không được phép lưu thông trên các con phố cổ, mà nếu có được phép cũng không đủ chỗ để xe qua. Mọi người chọn cách dễ nhất là đi bộ.
Trong cuốn Ngôi nhà nhện năm 1955, tác giả Bowles là người sống ở Fez đã viết rằng không có ôtô thì chẳng thể nào tuân thủ thời gian biểu được.
Và khi phải đi bộ sẽ chẳng mấy ngạc nhiên khi bạn gặp ai đó hối hả chạy trên đường, hẳn là cho khỏi trễ hẹn.
Nơi thuộc da
Rất nhiều xưởng thuộc da tập trung ở khu chợ đồ da. Da cừu và da bò đầu tiên được làm mềm bằng cách ngâm trong dung dịch chứa amoniac từ phân chim bồ câu. Sau đó chuyển sang các thùng nhuộm, những người thợ sẽ dùng chân để ép, giúp da ngấm no màu.
Giai đoạn cuối là phơi, những chiếc xe lừa kéo được dùng chuyển da lên phơi trên khu đồi gần đó. Không gian rộng và nắng sẽ hoàn thành phần còn lại. Sản phẩm ra đời là những chiếc túi xách, những đôi dép da… đậm chất Morocco.
Nếu bạn yêu thích ảnh, sự pha trộn giữa màu sắc của sự sống và cái chết, cùng những dải màu sáng của da nhuộm nổi bật trên nền tường thành phố bạc màu sẽ khiến bạn không thể bỏ qua.
Trường dạy kinh Bou Inania
Nếu không theo đạo Hồi, bạn sẽ không thể vào các giáo đường của dòng đạo này. Du khách chỉ có thể thăm các tòa nhà medersa hay trường dạy kinh Koran.
Được xây bởi hoàng đế Abou Inania dưới triều đại Merenid khoảng những năm 1350, Bou Inania Medersa là nơi đẹp không kém gì giáo đường Karaouine nổi tiếng.
Ngày nay, những tác phẩm gỗ và zellij (kiểu tranh ghép mosaic thiên về hình khối) đầy ấn tượng ở các giáo đường quanh thành phố vẫn là những bí ẩn thu hút mọi người.
Chỉ toàn đàn ông
Các con phố và quán cà phê ở Fez đâu đâu cũng toàn đàn ông. Phụ nữ chỉ thấy bên ngoài các cửa hàng thực phẩm, hay cửa hàng bán đồ gia dụng, họ luôn hối hả và chẳng lúc nào được dừng chân.
Cánh đàn ông thì nhẩn nha trong các quán hàng, bên cốc cà phê hay trà bạc hà và trò chuyện cùng bạn bè. Văn hóa gia trưởng có thể thấy rõ ở đây.
Theo một cuộc khảo sát từ năm 2011-2013 bởi nhóm nghiên cứu độc lập Afrobarometer, chỉ khoảng 50% số người được khảo sát ở Morocco quan tâm đến bình đẳng giới, trong khi con số này là 75% ở các khu vực khác tại các nước Đông và Nam Phi.
Trang phục truyền thống
Một phụ nữ và hai cô bé đang ngắm nghía bộ đồ kaftan và takchita đầy màu sắc. Bộ trang phục truyền thống của Morocco này thường được mặc trong các dịp lễ hội.
Gần giống kiểu trang phục mùa đông của phụ nữ ở Fez, kaftan là phiên bản trông sang trọng hơn: kiểu áo khoác dài làm từ lông cừu, vừa đẹp lại vừa ấm.
Cùng với quần jean và áo khoác jacket, chiếc khăn truyền thống che phủ đầu và tóc hijab cũng là trang phục nữ thường thấy. Riêng hijab còn là phụ kiện bắt buộc, hiếm cô nào dám ra đường mà không mang khăn.
Hướng về tương lai
Bất kể xu hướng tương lai ở Morocco có thể nào đi nữa, người dân Fez có thể chắc rằng trong khu chợ truyền thống, nét xưa cũ, cách sống chậm rãi sẽ tiếp tục được duy trì.
Như nhà văn Bowles đã viết: “Thành phố này (Fez) không chỉ quan trọng bởi những công trình kiến trúc cổ kính. Sự hấp dẫn của nó chỉ một phần nhỏ nằm trong các di tích, còn phần lớn là trong lối sống người dân. Chính lối sống đó là quá khứ, được duy trì trong hiện tại và tiếp tục ở tương lai”.
Điều đó vẫn đúng cho đến tận ngày nay. Những con phố cổ chính là hiện thân của Fez, thế nhưng, những con người sống sau các bức tường trầm mặc mới thật sự là phần quan trọng nhất của thành phố này.
Nguồn TTO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét