(Tin Nóng) Trong quần thể Bagan, nơi được chọn làm kinh đô của Myanmar một thời, khối gạch nung hình dạng kim tự tháp đồ sộ có thể được nhìn thấy từ bất cứ nơi nào. Đó chính là ngôi đền lớn nhất tại Bagan có tên Dhamayangyi.
Trong lịch sử trị vì của các vị vua tại Myanmar, vị vua nào khi lên ngôi cũng muốn xây dựng lại ít nhất một ngôi chùa hoặc đền thờ để lại cho hậu thế. Những công trình này không chỉ thể hiện quyền uy của vị vua trị vì, nhưng còn thể hiện lòng thành tâm kính Phật, tôn giáo đã được chọn làm quốc giáo từ hàng ngàn năm qua.
Lịch sử Myanmar ghi chép vua Narathu đã cho xây dựng ngôi đền Dhamayangyi vào năm 1170 khi ông lên nắm quyền. Tuy nhiên sau ba năm khởi công, ngôi đền đã bị bỏ dở cho đến ngày nay, vì vua Narathu bị giết hại.
Tốn khoảng 6 triệu viên gạch nung, nhìn từ bên ngoài, đền như một tam giác cân với 6 tầng bậc thang. Bốn sảnh chính với 4 cửa lớn quay về 4 hướng. Vào trong đền, hai hành lang lớn chạy song song ôm lấy khối trụ lớn nằm chính giữa đền. Chiều rộng nền đền thờ lên đến 78 m trong khi độ rộng của lõi trung tâm đền thờ cũng lên đến 25 m.
Hệ thống cửa sổ nhỏ đón ánh sáng trời từ vòm mái và tường được thiết kế xen kẽ nhằm lấy ánh sáng vào hành lang cũng như sảnh chính của ngôi đền. Cũng nhờ ánh sáng này mà du khách có thể nhìn thấy những bức họa tượng Phật được vẽ trên các bức tường dọc hai hành lanh song song trong đền, dù phần lớn đã bị phai mờ.
Ba cửa chính có ba tượng Phật đồ sộ lớn và một cửa còn lại chứa hai bức tượng phật ngồi. Huyền thoại kể rằng, vua Narathu đã giết cha và anh trai để chiếm ngôi. Có lẽ vì lo tạo nghiệp xấu nên vua Narathu đã cho dựng hai bức tượng Phật cúng dường, đại diện cho cha và anh trai ở nơi này.
Trên tường hành lang còn nhiều tượng Phật nhỏ, được cho là do các phật tử khắp nơi cúng dường mỗi lần đến đây cầu nguyện.
Khi các nhà khảo cổ tiếp cận chùa này, công trình đồ sộ bị bỏ hoang, chất đầy gạch đá, các lỗ đón sáng đều bị bịt bằng gạch, hành lang bên trong cũng bị chắn lấp, một thời được tin là lối dẫn vào một nơi bí mật để tìm đến kho báu của vua.
Nghe nói, vua Narathu là một người rất hà khắc. Trong thời gian xây dựng đền, ông sẵn sàng chặt tay bất cứ người thợ nào nếu làm việc không hoàn hảo. Ông yêu cầu nhân công dùng vữa gắn kết các viên gạch phải mỏng đến mức chiếc kim ghim không thể nhét vào giữa các viên gạch.
Tuy nhiên, theo các nhà khảo cổ, chứng cứ cho thấy, các phần của ngôi chùa này bị chặn lấp ngay sau khi nó mới được xây dựng xong. Nhiều người cho rằng, có thể những người thợ xây đền đã ném gạch vữa vào trong đền để nhốt hồn ma của vua trong đền ngay sau khi ông chết, vì căm phẫn sự tàn bạo của vua Narathu.
Nhưng cũng không ít người tin rằng, có thể chính vua Naruthu đã cho chặn nguồn sáng đó do mặc cảm tội lỗi vì giết cha, anh và giết cả vợ của ông.
Thế hệ sau này tại Myanmar cũng như nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo và Myanmar vẫn chưa tìm ra lý do, tại sao vua Narathu lại chọn hình dạng kim tự tháp cho ngôi đền, một hình dạng hoàn toàn khác so với hình dạng đền tháp truyền thống tại Myanmar; trong khi các phù điêu chạm trổ trực tiếp trên nền gạch nung vẫn được thể hiện theo phong cách Myanmar.
Mặc dù ngôi đền bị bỏ dở, nhưng lại trở thành một trong những công trình vĩ đại trong quần thể Bagan, đánh dấu một trong những ngôi đền độc đáo nhất tại đất nước Phật giáo còn bao điều điều huyền bí với phần còn lại của thế giới.
Thinh lặng, bước những bước chân trần trên nền đá, dọc hành lang bao bọc ngôi đền, du khách như trở về với không gian xưa, với những dấu ấn di tích ngàn năm trước còn lưu lại cho hậu thế. Dù chỉ là gạch vữa, những vật vô tri, vô giác này lại như đang thì thầm kể lại những nỗ lực và kỳ công của người xưa khi để lại cho Bagan những di sản ngày nay.
Bài, ảnh: Ninh Hạ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét