“Một mâm đầy những bát tiết canh đỏ ối, điểm xanh mấy lá húng tươi... Thế mà họ ăn ngon lành một lúc hai, ba bát. Rồi đánh thêm một đĩa vừa lòng vừa dồi. Ăn xong quét miệng đứng dậy, bước đi thành chậm chạp...”.
Lòng lợn tiết canh của quán phở Thà Bò trở thành món “độc” tại Thái Lan - Ảnh: Nguyễn Tập
|
Xin mượn đoạn văn “kinh điển” về món lòng lợn, tiết canh đầy hấp dẫn của nhà văn Thạch Lam trong tùy bút Quà Hà Nội để miêu tả lại chính xác hình ảnh đã gặp được trong một quán nhỏ tại... Thái Lan.
|
Tiết canh Việt lên báo Thái
Ông bà mình ngày xưa “ăn bát cháo chạy ba quãng đồng”, còn tôi ngày nay ăn chén tiết canh, chạy... 500 cây số. Nói đùa vậy nhưng thông tin nghe được từ bạn bè cả Việt lẫn Thái về một quán lòng lợn, tiết canh ở xứ chùa Vàng đã thật sự làm tôi tò mò.
Tôi đến Khỏn Kèn - một tỉnh nhỏ vùng đông bắc Thái Lan - sau 8 tiếng xập xình tàu lửa từ Bangkok. Anh bạn chỉ đường qua điện thoại: “Quán này nổi tiếng lắm. Đến Khỏn Kèn, cứ leo lên taxi và nói “phở Thà Bò” là xe sẽ chở đến tận nơi”. Tôi làm theo và... đúng thật.
Đến quán chẳng thấy chủ đâu, phải hỏi người ta mới chỉ người đàn ông trung niên đang tươi cười, mướt mồ hôi bưng đồ ăn cho khách: “Ông chủ đó”. Chủ quán phở Thà Bò là người Thái gốc Việt, tên Tadat Pongphit còn tên Việt là Vắt. “Thà Bò là tên một huyện thuộc tỉnh Nong Khai, nơi mẹ tôi sinh ra”, anh giải thích lý do đặt tên quán.
Mở từ cách đây hơn 20 năm, gọi là quán phở, nhưng quán bán đủ loại đặc sản Việt như: phở, dồi heo, giò lụa, bánh tráng, bánh chưng... và nổi tiếng nhất là món tiết canh, lòng lợn.
Thật ra, Thái Lan cũng có món tiết canh gọi là “lạp lượt” nhưng họ không ăn tiết canh hãm đông như mình mà khi ăn “cúi tíu” (một loại hủ tíu) thì đổ bát tiết lõng bõng vào. Tiết canh VN hoàn toàn khác, lạ hơn nên dân Thái thích mê tơi. Chỉ riêng tiết canh, mỗi ngày anh Vắt bán được gần cả trăm chén.
“Tiết canh VN ăn chất lượng hơn. Có thịt, sụn băm nhỏ ăn xực xực, có đậu phộng bùi bùi, có rau húng thơm thơm, nồng nồng... Kêu thêm đĩa lòng lợn nữa là thành mồi nhậu rất bắt”, anh Preedji - một khách quen người Thái của quán - nhận xét.
Đều đặn mỗi ngày anh Vắt ra quán từ 9 giờ sáng và bán đến 8 giờ tối. Về ăn cơm với gia đình, đến 12 giờ đêm lại tất tả ra lò mổ tự tay chọn heo, làm tiết. “Heo phải chọn con khỏe, không bệnh, làm tiết canh cơ bản vẫn theo cách truyền thống 3 sôi, 2 lạnh như ông bà mình thôi nhưng làm sao cho ngon, không bị tanh thì phải có bí quyết riêng”, anh nói.
Phở Thà Bò quyến rũ không chỉ giới bình dân mà cả quan chức cũng mê. Dân Việt, Thái các tỉnh mỗi khi ghé Khỏn Kèn thế nào cũng phải ghé đây “làm một bát”. Tổng lãnh sự quán VN mời khách phương xa cũng chọn phở Thà Bò làm nơi chiêu đãi đặc sản Việt. Điều này cũng dễ hiểu vì trong quyển sách giới thiệu những điểm du lịch, quán ăn nổi tiếng tại địa phương do Hội đồng TP.Khỏn Kèn xuất bản có tên Phở Thà Bò. Tờ Thairath, một trong những tờ báo nổi tiếng và vào hàng bán chạy nhất Thái Lan, cũng đã có bài viết về quán.
“Tôi biết quán này do một người bạn Thái chỉ. Đến một lần rồi ghiền luôn vì đồ ăn ở đây món nào cũng ngon, có nhiều rau, ăn tốt cho sức khỏe”, nữ cảnh sát Jarucha Takanjorn vừa cười vừa nói với tôi.
Anh Vắt tự tay chế biến và phục vụ những món đậm chất Việt cho thực khách Thái
|
Giữ hồn Việt
“Gia đình tôi 3 đời sinh ra ở Thái Lan nhưng vẫn mang tên Việt. Từ nhỏ, ông bà, bố mẹ tôi đều bắt buộc mọi người trong nhà phải nói tiếng Việt. Người lớn dạy người nhỏ, nên 8 anh em chúng tôi ai cũng nghe nói tiếng Việt được”, anh Vắt kể.
Anh Vắt chỉ học tiếng Việt đến lớp 5 nhưng nếu biết ngày xưa, người Việt bị kỳ thị thế nào ở Thái Lan thì mới thấy học lên đến đó cũng không phải là chuyện dễ dàng. Khoảng 20 năm trước, người Việt ở Thái khổ trăm bề: không được tự do đi lại, đi học, ra đường không dám nói tiếng Việt vì bị bạn bè coi thường, lại dễ bị cảnh sát bắt giam hoặc trục xuất về nước. “Mỗi lần đi học tiếng Việt đều phải có người canh. Thấy cảnh sát đến thì liệng cục gạch lên mái tôn báo động cho người trong nhà biết để... chạy”, ông Lâm Quang Quế, thầy giáo dạy tiếng Việt ở Khỏn Kèn, kể.
Dù chưa từng đặt chân về VN, nhưng anh Vắt lại là một trong những người chủ chốt trong việc tổ chức các hoạt động liên quan đến VN tại Khỏn Kèn. Ngoài vị trí Hội trưởng Hội “Tôi yêu tiếng nước tôi” chuyên dạy tiếng Việt miễn phí cho con em kiều bào và cả người Thái, anh còn vận động bà con quyên tiền xây chùa Một Cột tại Khỏn Kèn, tổ chức đón giao thừa tết truyền thống... Nói chuyện với tôi, anh vẫn luôn miệng: “người Việt mình”, “quê mình”, “nhà mình”...
Ngay cả món ăn tại quán, anh vẫn cố giữ đúng hương vị VN gốc được truyền lại từ thời ông bà, bố mẹ. “Món dồi là do người Việt mình đem sang, người Thái không có. Trong thực đơn tôi phiên âm qua tiếng Thái để đọc vẫn đúng chữ “dồi”. Chữ “phở” cũng chẳng xa lạ gì với người Thái vì từ thời Đông Dương (nửa đầu thế kỷ 20 - PV), người Việt mình ở Lào nấu bán rất phổ biến”, anh kể. Vắt còn cầm chai mắm tôm lên khoe với tôi: “Người Thái chưa quen lắm với mắm tôm, nên ăn lòng lợn vẫn chấm với nước mắm pha. Biết vậy nhưng thỉnh thoảng tôi lại dụ họ thử mắm tôm quê mình. Ngon thế mà không thử thì uổng quá, đúng không?”, nói rồi anh cười phá lên, có vẻ vui lắm…
Quế “giò” và cây xúc xích dài 1 km
Khỏn Kèn còn có một “quái kiệt” gốc Việt khác là ông Lâm Quang Quế, 63 tuổi, thầy giáo dạy tiếng Việt. Gia đình 4 đời sinh tại Thái Lan nhưng ông vẫn nói tiếng Việt đặc sệt. Ông có biệt danh Quế “giò” vì là người làm giò chả nổi tiếng nhất Khỏn Kèn. Khách đặt mua nườm nượp, mỗi ngày bán cả trăm ký chả.
Nhân dịp thành lập Cộng đồng kinh tế chung ASEAN năm 2015, ông đang ấp ủ dự định làm chiếc xúc xích dài... 1 cây số, chia làm 10 khúc, mỗi khúc 100 m tượng trưng cho một nước để tượng trưng cho khối đoàn kết ASEAN.
|
Nguyễn Tập
(Văn phòng Bangkok)
(Văn phòng Bangkok)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét