Chủ nhân của lâu đài - nữ bá tước Elizabeth Bathory - là nhân vật có thật trong lịch sử mà khi nhắc đến người ta vẫn còn sợ hãi không kém gì bá tước Dracula.
Khung cảnh đổ nát của một tòa lâu đài trên đỉnh ngọn đồi ở ngôi làng Cachtice, Slovakia giống như phim trường của bộ phim kinh dị. Tuy nhiên ít ai biết rằng vào những ngày này 400 năm trước (21/8/1614), lâu đài là nơi chứng kiến "nữ quỷ khát máu nhất mọi thời đại" - nữ bá tước Elizabeth Bathory - trút hơi thở cuối cùng và chính thức khép lại thời kỳ đen tối, u ám của cả ngôi làng.
Tòa lâu đài Cachtice huyền thoại và nổi danh sử sách. Ảnh: CNN.
|
Vào ngày này, người dân Cachtice không tổ chức kỷ niệm 400 ngày mất của "nữ quỷ" nhưng tòa lâu đài cùng quá khứ kinh hoàng của nó vẫn thu hút sự quan tâm của hàng nghìn khách du lịch trên thế giới.
Nơi che giấu tội ác
Sinh trưởng trong một dòng họ quý tộc lâu đời và giàu có bậc nhất Hungary, Elizabeth Bathory là một người phụ nữ xinh đẹp và tàn ác. Dòng họ nhà Bathory sản sinh ra nhiều nhân vật kiệt xuất, quyền lực trong lịch sử. Người nổi tiếng nhất dòng họ Bathory là Istvan Bathory - hoàng đế Ba Lan.
Năm 15 tuổi, Elizabeth kết hôn cùng với nhà quý tộc, bá tước Nadasdy Ferenc, họ cùng nhau sống tại lâu đài Cachtice. Bá tước Ferenc thường xuyên xa nhà để chinh chiến và là một người có công trạng với đất nước Hungary. Sau khi bá tước qua đời, bá tước phu nhân Elizabeth mới ở độ tuổi 40. Kể từ đó, bà có một nỗi sợ hãi về sự già nua và luôn tìm mọi cách để được trường sinh bất lão.
Một truyền thuyết kể rằng trong lần chải tóc cho nữ bá tước, cô hầu gái đã mắc lỗi nhỏ và phải nhận một cú tát mạnh đến nỗi bật máu. Máu của cô văng ra dính vào tay bá tước. Khi lau khô, bà nhận thấy làn da ở tay mình hình như mịn màng và trẻ lại. Kể từ đó, Elizabeth thực sự biến thành một con quỷ khát máu. Bà liên tục tìm kiếm những cô gái trẻ đồng trinh trong làng, bắt giữ và dùng nhục hình cho đến chết. Máu của các cô gái được nữ bá tước dùng để tắm. Elizabeth tin rằng chỉ có cách đó, bà mới có thể níu giữ nét xuân thì.
Ban đầu, nữ bá tước chỉ nhắm vào các cô gái ở tầng lớp khốn cùng, nhưng sau đó bà ra tay với cả các vị tiểu thư gia đình quyền quý. Vua Hungary cuối cùng cũng nghe được những lời cầu cứu của dân chúng và sai bá tước Thurzo Gyory, anh họ của Elizabeth tới điều tra. Khi quân lính đột nhập vào lâu đài, họ đã chứng kiến một hình ảnh kinh hoàng: xác chết của những cô gái nằm giữa đại sảnh, máu bị rút hết. Một số cô khác còn thoi thóp và số còn lại bị treo lên sẵn.
Trước sự việc ghê rợn này, nhà vua yêu cầu Elizabeth phải bị tử hình nhưng bá tước đã thuyết phục thành công vua rằng điều đó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến giới quý tộc và xin hoãn phiên tòa. Vào năm 1611, tòa án hoàng gia tối cao đã họp xét xử Elizabeth. Nhờ mang trong mình dòng máu hoàng tộc và công lao của chồng, Elizabeth được miễn án tử nhưng bị giam cầm suốt đời tại chính tòa lâu đài bà gây ra tội ác.
Vào ngày 21/8/1614, nữ bá tước được người lính canh gác phát hiện đã chết trong phòng biệt giam. Thi thể của bà sau đó được chôn tại nhà thờ trong vùng, nhưng do sự phản đối của dân làng về "con hổ cái Cachtice" nên được chuyển đến quàn tại nơi sinh ra là thị trấn Nagyecsed. Đến lúc chết, Elizabeth bị cáo buộc là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hàng trăm cô gái đồng trinh tội nghiệp.
Người ta "ưu ái" đặt cho bà nhiều cái tên, một trong số đó là "nữ quỷ khát máu", "nỗi nhục của quốc gia". Bên cạnh sự sợ hãi, oán hận và căm ghét, người dân cũng lưu truyền khá nhiều huyền thoại về người phụ nữ này. Một trong số đó là việc tất cả tài liệu liên quan đến Elizabeth Bathory đều bị niêm phong trong hơn một thế kỷ. Tên của bà bị cấm nhắc đến trong xã hội Hungary.
Một giả thiết khác kể lại không giống đa số phụ nữ lúc bấy giờ, Elizabeth thừa hưởng một nền giáo dục rất tốt. Sự thông minh của bà còn vượt hơn nhiều người đàn ông thời bấy giờ. Trong khi giới quý tộc Hungary còn chật vật trong việc đánh vần và viết chữ thì bà đã thông thạo tiếng Hungary, Hy Lạp, Latin và Đức.
Trong nhiều tài liệu, người ta thường cảnh báo các cô gái trẻ đừng bao giờ bôi máu của mình lên mặt và đứng trước gương vào đêm khuya. Điều này xuất phát từ lời chăng trối của Elizabeth về sự trở lại của bà. Người nào thực hiện nghi lễ máu sẽ thực hiện một giao kèo: được bà ban cho sắc đẹp trong truyền thuyết và ngược lại, cô gái đó sẽ phải hiến tế máu hàng tháng.
Tội ác của Elizabeth từng là đề tài cho rất nhiều bộ phim kinh dị, những bộ sách mà người ta truyền tay nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhiều người cho rằng Dracula - nhân vật hư cấu lừng danh của văn sĩ Ireland Bram Stoker - được lấy cảm hứng từ nhân vật có thật trong lịch sử, ông hoàng xứ Romania Vald the Impaler. Tuy nhiên theo nhiều nhà nghiên cứu về nhân vật ma cà rồng nổi tiếng, họ đưa ra một giả thuyết mạnh mẽ rằng hình tượng này được lấy cảm hứng từ Elizabeth Bathory của Hungary. Một trong những lý do được nhiều người tin vào giả thuyết là bởi Vlad không hề có thói quen uống máu, còn ác quỷ Dracula lại "khát máu". Điều này có thể dễ dàng tìm thấy qua câu chuyện về Elizabeth Bathory.
Quá khứ được lãng quên
Cachtice hôm nay là một ngôi làng trù phú với những hàng rào cao, các món ăn phong phú, hấp dẫn, có truyền hình vệ tinh và những chiếc SUV đậu cuối đường. Người dân dựng tượng Elizabeth Bathory ở quảng trường chính ngay tại trung tâm thị trấn. Tuy nhiên, những người dân địa phương ở đây tránh bức tượng này như "tránh tà".
Cachtice hôm nay là một ngôi làng trù phú với những hàng rào cao, các món ăn phong phú, hấp dẫn, có truyền hình vệ tinh và những chiếc SUV đậu cuối đường. Người dân dựng tượng Elizabeth Bathory ở quảng trường chính ngay tại trung tâm thị trấn. Tuy nhiên, những người dân địa phương ở đây tránh bức tượng này như "tránh tà".
Bức tượng của bá tước được dựng ở quảng trường. Ảnh: CNN.
|
"Thế hệ lớn tuổi ở đây dường như vẫn còn xấu hổ về bà ấy. Vì vậy, họ từng biểu tình khi bức tượng Elizabeth được dựng lên ở quảng trường". Adam Pisca, 18 tuổi, một trong những người hướng dẫn viên cho biết. Tuy vậy Adam cho biết thế hệ trẻ ngày nay không quan trọng quá khứ: "Chúng tôi biết bà ấy từng giết hại nhiều cô gái. Nhưng chúng tôi không quan tâm tới. Trước khi lâu đài được phục chế, chúng tôi đã ăn thịt nướng và cắm trại trong lều qua đêm tại đây".
Lâu đài Cachtice bị bỏ hoang, bị cây rừng bao phủ và đổ nát. Tháng 6/2014, chính quyền địa phương quyết định mở cửa cho khách du lịch tham quan sau hai năm cải tạo và phục hồi cảnh quan.
Đường đến Cachtice:
Khách sạn tốt gần nhất là ở Trencin, cách phía bắc của làng Cachtice 30 km. Một số khách sạn tốt ở Trencin gồm có khách sạn bốn sao Hotel Elizabeth, giá một phòng đôi vào khoảng 132 USD. Tuy nhiên du khách không có phương tiện giao thông công cộng từ Trencin đến lâu đài Cachtice. Taxi là phương tiện đi lại duy nhất (mất khoảng 40 USD).
Đến thăm nơi ở của "nữ quỷ", du khách có thể bắt tàu hỏa. Có khoảng 10 tàu đến đây mỗi ngày (mất khoảng 60-80 phút đi từ Bratislava). Giá vé vào khoảng 8-21 USD. Ngoài ra, du khách cũng có thể đến Cachtice bằng xe bus. Thời gian đi lại khoảng 2h, giá vé vào khoảng 8 USD.
Giờ mở cửa lâu đài: thứ hai, sáu hàng tuần từ 10h sáng đến 17h chiều, thứ bảy, chủ nhật từ 10h sáng đến 18h tối. Giá vé: 3,5 USD. Thời điểm mở cửa từ tháng 5-10 hàng năm.
|
Anh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét