Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Lang thang trong rừng già Thụy Sĩ

(Tin Nóng) Người dân Thụy Sĩ vẫn tự hào rằng: “Ở đất nước chúng tôi, một cây gỗ già bị đốn hạ sẽ có ngay ba cây gỗ mới được trồng lên!”.

Điều đó không sai. Ở một đất nước mà sông hồ và đồi núi chiếm tới 70% diện tích thì mảng xanh của rừng luôn được chính phủ chú trọng trồng và gìn giữ.
 Những hộp gỗ có chứa sẵn thức ăn dùng làm nơi trú ngụ cho chim trời khi thời tiết giá lạnh
Tại bất cứ một làng mạc  nào, du khách cũng dễ dàng bắt gặp những khoảnh rừng nho nhỏ xung quanh. Ngay cả các thành phố lớn cũng luôn có một vài khu rừng kế cận.
Trong các khu rừng, người ta luôn bố trí những thùng đựng rác hoặc những biển báo nhắc nhở người dân nên tự lưu giữ các chất rác thải vô cơ. Và nguyên tắc này luôn được người dân tuyệt đối tôn trọng.
Nhiều người Thụy Sĩ vẫn còn giữ truyền thống khi có một đứa trẻ được sinh ra, gia đình của em bé sẽ vào rừng trồng một cái cây mới làm kỷ niệm. Cây này sẽ như một kỷ vật đặc biệt đánh dấu sự có mặt của một con người trên trái đất.
Chính quyền cũng luôn chừa ra những khoảnh rừng đặc biệt được đánh dấu theo từng năm, có rào chắn bảo vệ cẩn thận để tránh thú rừng có thể xâm hại.
Một bảng tên kỷ niệm
Một khoảnh rừng được rào lại để cây con phát triển
Khi khai thác gỗ ở một khoảnh rừng quy định, người ta luôn chừa lại một số cây lớn để làm giống, và rào chắn xung quanh để cho những cây giống con được phát triển tự nhiên.
Tại những khoảnh rừng có lệnh cấm khai thác, thì không có một lý do ngoại lệ nào cho phép con người được vận chuyển gỗ ra khỏi khu vực cấm, ngay cả trong trường hợp cây đã bị gãy, đổ vì nhiều lý do.
Những cây gỗ già đường kính cả mét khi bị gãy ngọn hoặc sâu bệnh sẽ được cưa thành từng khúc gọn gàng để giữ an toàn cho những người vào rừng, đồng thời không làm ảnh hưởng tới sự phát triển của cây cối xung quanh. Phần thân gỗ này buộc phải bị bỏ lại trong rừng cho tới khi mục nát chứ không được chuyển ra khỏi khu rừng.
Những thân cây lớn bị ngã đổ được bỏ lại trong khu vực cấm khai thác
Để tránh lãng phí, tại nhiều khu rừng già, người ta đã cho sử dụng những phần gỗ này để tạc thành những bức tượng nguyên khối. Chúng được trưng bày như một bảo tàng nghệ thuật giữa rừng.
Lang thang trong những khu rừng già Thụy Sĩ, thỉnh thoảng du khách lại bắt gặp những tấm biển cảnh báo không xâm phạm các khu vực hang hốc nhân tạo được tạo ra bằng các cành cây nhỏ. Đây chính là nơi dành cho các loài thú nhỏ trú ngụ. Các hội đoàn hướng đạo sinh đã tình nguyện hướng dẫn các em nhỏ làm những việc này, để truyền thêm cảm hứng và ý thức cho các thế hệ người Thụy Sĩ sau luôn có ý thức bảo vệ thiên nhiên.
Hương Vũ(Từ Thụy Sĩ)

Không có nhận xét nào: