(Dân trí) - Những nhà hát nổi tiếng trên thế giới hàng năm không chỉ thu hút khán giả yêu nhạc mà còn nhiều du khách đến để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cầu kỳ, tráng lệ của những công trình kiến trúc này.
Nhà hát Opera Oslo, Na Uy
Nhà hát Opera Oslo nằm ở trung tâm thủ đô Oslo, Na Uy do chính phủ làm chủ dự án, chính thức mở cửa năm 2008. Nhà hát được thiết kế sang trọng và hiện đại giống như một tảng băng trôi trên nước. Mỗi ghế trong nhà hát được trang bị thêm màn hình hiển thị phụ đề bằng 8 thứ tiếng. Oslo Opera đã trở thành biểu tượng của thành phố, gắn kết thành phố với các hoạt động trên sông. Những khách tham quan hoàn toàn có thể đi bộ trên mái của nhà hát và ngắm nhìn quang cảnh của toàn bộ thành phố.
Nhà hát Bolshoi, Nga
Nhà hát Bolshoi hay còn được gọi là Nhà hát lớn, là một nhà hát ballet và opera lịch sử tại Moscow được xây dựng lại trên nền móng cũ còn lại sau vụ hỏa hoạn từ thế kỉ 19. Nhà hát được xây dựng gần điện Kremlin và Quảng trường Đỏ và từng là nơi diễn ra những dấu mốc lịch sử chính trị quan trọng.Liên Xô đã tuyên bố thành lập tại nhà hát vào năm 1922.Đây có thể được coi là nhà hát diễn ra nhiều sự kiện chính trị nhất trên thế giới.
Nhà hát Opera Metropolitan, Mỹ
Nhà hát Opera Metropolitan, New York được coi là nhà hát opera lớn nhất trên thế giới với 3.800 chỗ ngồi.Chất lượng âm thanh của nhà hát được nhận xét là xuất sắc. Những bức tranh điêu khắc nghệ thuật cũng là điểm nhấn cho sự tráng lệ của nhà hát.
Nhà hát Bayreuth Festspielhaus, Đức
Nhà soạn nhạc tài ba Richard Wagner đã trực tiếp giám sát xây dựng nhà hát này để trình diễn những tác phẩm của mình. Đến nay những vở opera của ông vẫn được trình diễn trong dịp kỉ niệm hàng năm. Nhà hát được thiết kế đơn giản với sự kết hợp giữa gỗ và gạch. Nhưng khán giả có khi phải mất 5 đến 7 năm mới có được vé xem biểu diễn tại nhà hát này.
Nhà hát Opera Civic ở Chicago, Mỹ
Mặc dù thời gian nhà hát được xây dựng còn gặp nhiều khó khăn vì sự sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 nhưng nhà hát đã không làm thất vọng người yêu nhạc. Nhà hát với sức chứa 3,563 ghế ngồi trở thành nhà hát lớn thứ hai ở khu vực Bắc Mỹ. Thiết kế âm thanh của nhà hát được chú trọng để làm nổi bật biểu diễn của ca sĩ và dàn nhạc.
Nhà hát Teatro Olimpico, Ý
Nhà hát Teatro Olimpico hay còn được biết đến với cái tên Nhà hát Olympic được thiết kế và xây dựng bởi kiến trúc sư người Ý Andrea Palladio vào những năm 1580 – 1585. Đây là nhà hát thời Phục hưng duy nhất còn sót lại tại thành phố này và vẫn được sử dụng. Nhà hát đã được UNESCO công nhận là kiệt tác kiến trúc thế kỉ 16.
Nhà hát Opera Quảng Châu
Nhà hát được nữ kiến trúc sư nổi tiếng Zaha Hadid thiết kế dựa trên ý tưởng về một viên ngọc trai sáng rực rỡ bên bờ sông Châu Giang. Công trình kiến trúc bất đối xứng bằng bê tông, đá granite và kính này đã trở thành biểu tượng của thành phố Quảng Châu hiện đại và xinh đẹp. Nhà hát độc đáo mang tầm cỡ thế giới này đã khẳng định tên tuổi và tài năng của nữ kiến trúc sư Hadid.
Nhà hát Amazon, Brazil
Nhà hát Amazon được xây dựng ở Manaus, trái tim của rừng mưa Amazon vào thời kì bùng nổ cao su ở Brazil – thời kì đã làm thay đổi diện mạo của Brazil vào thế kỉ 19. Nhà hát được thiết kế theo phong cách kiến trúc thời kì Phục Hưng và nguyên liệu xây dựng công trình này hoàn toàn được nhập khẩu từ Ý, Pháp và Scotland.
Nhà hát Opera Sydney, Úc
Opera Sydney là một công trình kiệt tác của nền kiến trúc hiện đại, đã trở thành biểu tượng của đất nước Australia. Nhà hát có kiến trúc độc đáo hình con sò hay những cánh buồn no gió ra khơi là một trong những địa điểm biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng thế giới, thu hút nhiều du khách đến thăm.
Nhà hát Palais Garnier, Pháp
Nhà hát Palais Garnier còn được nhiều người biết đến với cái tên là Paris Opera.Công trình được thiết kế bởi nhà thiết kế nổi tiếng Charles Garnier, khánh thành vào năm1875. Hành lang dài ở tiền sảnh của nhà hát được lấy cảm hứng từ cung điện Versailes ở Pháp. Liên Hợp Quốc cũng đã bổ sung Nhà hát Opera Sydney vào danh sách Di sản Thế giới các địa danh có ý nghĩa văn hóa.
Lê Nhàn
Theo USA Today
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét