Trên chuyến bay rời Israel, tôi vẫn thấy tiếc nuối vì chuyến đi chưa đủ dài để có thể khám phá hết một đất nước đậm màu sắc tôn giáo, huyền bí và linh thiêng.
Israel luôn được truyền thông nhắc đến như một vùng đất nguy hiểm và khắc nghiệt, nơi luôn là điểm nóng của khu vực Trung Đông với những vụ đánh bom liều chết, những trận oanh tạc, pháo kích với các nước láng giềng suốt hàng thập kỷ qua vẫn chưa có hồi kết…
Tôi đến Israel vào một ngày cuối tháng 5, khi mà cái nóng gay gắt của vùng sa mạc ấy đã lên tới 40 độ. Ấn tượng sâu sắc đầu tiên về đất nước này đó là hệ thống an ninh vô cùng khắt khe ngay từ khi làm thủ tục check-in trước khi lên đường. Mọi hành khách cho dù là quốc tịch nào vẫn bị thẩm vấn rất kỹ, hành lý bị gỡ tung để kiểm tra, nhân viên an ninh dùng máy dò kim loại và chất nổ kiểm tra từng ngăn nhỏ của vali, túi xách. Máy ảnh, camera, laptop… được đưa vào các máy soi để kiểm tra xem có phải thiết bị kích nổ hay không.
Những hành khách có lịch sử du lịch đến các nước đạo hồi hay Ả rập thì thời gian thẩm vấn kéo dài hơn rất nhiều. Hộ chiếu của tôi và bạn đồng hành có dấu nhập cảnh vào Malaysia và Ai Cập (là các nước theo đạo hồi và Ả rập) nên cuộc thẩm vấn được tiến hành rất chặt chẽ trong suốt hàng tiếng đồng hồ. Vì vậy, lời khuyên cho những ai đi Israel đó là nên sắp xếp thời gian ra sân bay trước ít nhất 3-4 tiếng. Khả năng lỡ chuyến bay là rất cao nếu chỉ đến trước 2 tiếng như thông thường.
Từ Hà Nội tới Israel, hầu hết các chuyến bay đều mất hơn 10 tiếng bay liên tục và phải quá cảnh tại một nước thứ 3 do chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam đến Israel. Tuy nhiên, có một điều rất thú vị mà sau chuyến bay tôi mới biết, đó là trước khi hạ cánh, các chuyến bay quốc tế đến Israel đều phải mất thêm một vài giờ lòng vòng trên không. Họ làm như vậy để bay vòng, tránh đi qua không phận các nước hồi giáo như Ả rập, Iran vì những nước này không công nhận sự tồn tại của nhà nước Israel.
Khi nhập cảnh, mọi hành khách đều được đóng dấu nhập cảnh vào một phiếu rời (không đóng vào hộ chiếu như thông thường). Họ làm thế để tránh các nước hồi giáo như Ả rập và Iran biết rằng bạn đã từng đến Israel; nếu biết họ sẽ thẩm vấn và gây phiền toái cho bạn khi vào các nước này.
Dấu nhập cảnh vào Israel sẽ được đóng ở một phiếu rời.
|
Từ trên cao nhìn xuống, Israel hiện ra như một ốc đảo xinh tươi giữa một vùng sa mạc rộng lớn và khô cằn. Ba hướng bắc, đông, nam của đất nước Do Thái này tiếp giáp với các nước Hồi giáo là: Libăng, Syria, Jordan, Ai Cập. Trong khi đó, phía tây Israel lại vùng Địa Trung Hải với cát vàng, biển xanh đẹp đến mê hồn. Israel là thế, vừa thanh bình, xinh đẹp, vừa đầy rẫy những xung đột tôn giáo và nguy hiểm xung quanh. Chẳng thế mà người Israel lại ví mình như cây xương rồng giữa sa mạc cằn cỗi, bề ngoài thì xù xì, gai góc, nhưng bên trong lại quật cường và đầy sức sống.
Israel không lớn lắm, dân số chỉ có hơn 7 triệu người trong đó hơn 80% là người Do thái. Dòng máu Do thái được quan niệm là được duy trì và giữ gìn qua người mẹ. Nếu phụ nữ lấy chồng ngoại đạo thì con của họ mặc nhiên được công nhận là người Do thái.Do sống trong môi trường mà chiến tranh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào và ở đâu nên người dân luôn được trang bị những kiến thức và hiểu biết cần thiết để bảo đảm mạng sống của mình. Vài kinh nghiệm sinh tồn quý báu ấy có thể kể đến như: khi được báo động có pháo kích từ các nước láng giềng, người dân cần trú hoặc đứng tại cầu thang ở tầng trung của tòa nhà, nơi dễ thoát hiểm và bị gây tổn vong ít nhất; khi sử dụng các phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện hay đi siêu thị thì nên đề phòng những đối tượng đánh bom cảm tử…Tuy nguy hiểm luôn cận kề là thế, nhưng những cây xương rồng chốn sa mạc ấy vẫn ngẩng cao đầu, ngạo nghễ dưới sự khắc nghiệt của cuộc sống. Phẩm chất đáng quý ấy không phải dân tộc nào cũng có.
Điểm dừng chân đầu tiên của tôi là thành phố Tel Aviv trẻ trung, hiện đại và náo nhiệt bậc nhất Trung Đông với nhiều khu vui chơi, mua sắm tầm cỡ quốc tế. Tel Aviv cũng là trung tâm công nghiệp kỹ thuật cao, được coi là thung lũng Silicon thứ 2 sau Santa Clara ở Mỹ. Nằm trong 10 thành phố có bãi biển đẹp nhất thế giới, du khách chắc chắn không thể bỏ qua những bãi biển đẹp kéo dài, nước trong xanh rất đặc trưng của Địa Trung Hải nơi đây. Những bãi biển nổi tiếng của Tel Aviv có thể kể đến như Gordon-Frishman, Hof Hatzuk, Metzitzim hay Atzmout.
Thành phố này còn được mệnh danh là thành phố không bao giờ ngủ với nhịp sống sầm uất, nhộn nhịp và vui tươi. Có một điểm rất thú vị cần lưu ý về nhịp sống của người Israel đó là ngày nghỉ trong tuần bắt đầu từ sau khi mặt trời lặn ngày thứ 6 đến khi mặt trời lặn ngày thứ 7 (vì thứ 7 là ngày cầu nguyện của người Do thái). Chủ nhật mọi công sở, trường học quay lại lịch làm việc bình thường.
Người dân nơi đây cũng rất thân thiện và hiếu khách. Họ sẽ sẵn sàng dừng lại chỉ đường cho bạn với sự nhiệt tình và thân thiện đến ngỡ ngàng. Tôi chợt thấy đây đâu phải là đất nước đầy hiểm nguy, nơi mà người người đáng lẽ phải luôn cảnh giác và nơm nớp lo sợ. Dưới bầu trời Địa Trung Hải xanh thẳm ấy, tôi thấy thật an toàn và bình yên.
Cơm chiên với đùi gà, một món ăn truyền thống của người Israel.
|
Tôi đã rất hào hứng khi được biết có khoảng hơn 30 gia đình người Việt nam định cư tại Tel Aviv. Đây là thành phố duy nhất tại Israel có người Việt sinh sống. Phần lớn số người này là dân Bắc sang Israel từ những năm 70 dưới dạng thuyền nhân và được chính quyền Israel cho phép cư trú tại đây (do trong quá trình lênh đênh trên biển, không một quốc gia nào chấp nhận cho số người này cứ trú). Số lượng người Việt ở Israel vẫn không gia tăng do không có thêm người Việt nhập cư, trong khi có 1 số người cũ theo gia đình di cư sang các nước khác. Trên nơi đất khách quê người, xa lạ và quá khác biệt ấy, biết rằng ở đây cũng có đồng bào mình sinh sống, tôi cũng cảm thấy có gì đó gần gũi, thân thương.
Sau vài ngày ở Tel Aviv, tôi lại lên đường, tiếp tục cuộc hành trình của mình ở miền đất tôn giáo thiêng liêng ấy. Điểm đến tiếp theo chính là thủ đô vẫn vang danh trong sử sách: Jerusalem - Miền đất Thánh của các vị Thánh.
Rộng 48km2, Jerusalem là thành phố lớn nhất Israel, với hơn 5000 năm tuổi, nằm chính giữa đất nước Do Thái này. Thành phố có khoảng 650,000 dân và là kinh đô đời đời của Israel. Dân Do Thái ở đây chiếm khoảng 70%.
Đặt chân đến Jerusalem, trong tôi không ngừng cảm khái và suy ngẫm về cuộc Thánh chiến huyền thoại, đã tắm máu không biết bao nhiêu người, gây ra bao nhiêu nhiêu sóng gió và thù hận giữa người Cơ đốc giáo và người Hồi giáo. Cả một trang sử thể hiện sự tăm tối của thời Trung Cổ ấy kéo dài suốt từ cuộc thập tự chinh thứ nhất cho tới cuộc thập tự chinh thứ chín mà mục đích cũng chỉ để chiếm lấy vùng đất Thánh.
Qua nhiều thế kỷ, nơi đây vẫn là điểm tranh chấp và thánh địa hành hương của hàng triệu tín đồ Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Do thái giáo. Cả người Do thái lẫn người Palestine đều tuyên bố Jerusalem là thủ đô của mình. Từ Nam chí Bắc, họ sống riêng rẽ, tránh né nhau, nhưng tại Jerusalem, cả hai khối người khác biệt này lại sinh hoạt cùng với nhau trong hòa bình. Nhưng trong cuộc tranh chấp gay cấn hiện nay giữa người Palestine và dân Do thái, cả hai đều dứt khoát tranh đấu cho đến cùng để trở thành chủ nhân duy nhất của Jerusalem.
The Wailing Wall (Bức tường than khóc) ở Jerusalem, nơi được coi là linh thiêng nhất của người Do Thái.
|
Hành trình về miền đất thánh Jerusalem được đánh dấu bởi 3 điểm mốc không thể bỏ qua:
- Đỉnh Olives (Mount Olives): Khu vực linh thiêng, là nơi chúa Jesus cầu nguyện lần cuối, trước khi bị tông đồ Judas giao nộp cho người La Mã.
- Bức tường than khóc (The Wailing Wall): Đây là bức tường linh thiêng nhất đối với người Do thái. Sở dĩ nơi này có tên như vậy vì trước đây khi người Do thái bị lưu đày và bị cấm vào Jerusalem, mỗi năm họ chỉ được phép vào khu vực bức tường này 1 lần để than khóc cho số phận đau đớn của dân tộc mình;
- Nhà thờ Mộ Thánh (The Holy Sepulcher): Là nơi chúa Jesus bị đóng đinh trên cây thập tự và được chôn cất. Nơi đây còn lưu giữ phiến đá được cho là nơi Thánh Joshep đặt thi hài chúa Jesus trước khi khâm liệm. Theo năm tháng, phiến đá lạnh lẽo giờ đây tỏa ngát mùi hoa hồng do các tín đồ Thiên Chúa thường mang theo nước hoa rải lên đó. Du khách khi đến đây thường lấy khăn tay áp vào phiến đá để được lưu lại mùi của Chúa.
Cuộc hành trình ngắn ngủi đã đến lúc dừng lại. Trên chuyến bay rời khỏi Israel, tôi vẫn cảm thấy tiếc nuối vì chuyến đi chưa đủ dài để tôi có thể khám phá hết Israel, một đất nước mang đậm màu sắc tôn giáo đầy huyền bí và linh thiêng ấy. Thay cho lời kết, tôi sẽ nói câu nói mà người Do thái hay chào nhau mỗi khi tạm biệt “See you next year in Jerusalem – Hẹn năm sau gặp lại tại Jerusalem" như bày tỏ mong muốn một ngày không xa sẽ được trở lại vùng đất này trong phước hạnh và mừng vui!
Bài và ảnh: Lâm Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét