Tôi đã phải đưa tay bịt mồm để khỏi kêu lên vì kinh ngạc: Bảng dự báo thời tiết ở Varadero được in trên một nửa miếng giấy cỡ A4 bị xé góc nham nhở đặt bên cạnh tấm bảng thông báo giờ check in và check out.
Lời tòa soạn:
Không đến mức bí hiểm như Triều Tiên nhưng lệnh cấm vận dai dẳng suốt hàng chục năm qua đã khiến Cuba vẫn là một vùng đất còn khá lạ lẫm đối với khá nhiều người dân trên thế giới.
Dưới đây sẽ là một thiên ký sự dài 3 kỳ mang theo những cảm nhận khá chân thực về một đất nước Cuba “lạ mà quen” dưới con mắt của một người Việt sau chuyến du lịch đến Cuba của anh. Lạ là bởi có những thứ ở Cuba đến nay nhiều người vẫn không biết nhưng “quen” là bởi nhiều thứ đang diễn ra ở Cuba giống y như những gì đã từng xảy ra ở Việt Nam cách đây 20-30 năm.
Được sự đồng ý của tác giả, Infonet xin phép đăng lại ký sự này nhằm giúp độc giả trong nước phần nào hình dung được những gì đang xảy ra ở đất nước cách chúng ta đúng nửa vòng trái đất.
----------------------------------------
Máy bay hạ cánh xuống phi trường quốc tế Varadero vào lúc 2 giờ sáng giờ địa phương. Varadero là một địa danh du lịch nổi tiếng ở Cuba cách thủ đô La Habana khoảng gần 150 km - tương đương từ Vũng Tàu về TP.HCM.
Tác giả (người bên phải) trước quầy làm thủ tục nhập cảnh ở sân bay Varadero. |
Ấn tượng đầu tiên khi đặt chân lên Cuba là hành khách đi thẳng vào sảnh đến (Arrive) qua một đường ống áp sát cửa máy bay. Trong trí tưởng tượng của tôi thì Cuba nghèo và lạc hậu lắm, chắc hành khách sẽ phải đi bộ lếch thếch xách hành lý từ máy bay xuống băng qua đường băng để đi vào hoặc sang hơn thì được xe bus chở đi. Hóa ra Varadero còn “hiện đại” hơn phi trường Long Beach (Mỹ) mà tôi hay đi.
Ấn tượng đầu tiên qua đi, khi nơi làm thủ tục nhập cảnh thì lại có vẻ cũ kỹ, nhếch nhác như phi trường Tân Sơn Nhất ở Việt Nam vào đầu những năm 90. Các bục làm thủ tục nhập cảnh nằm sát nhau được che chắn kín mít bởi thứ ván ép có vẻ rẻ tiền, hành khách đứng xếp hàng không thể nhìn thấy được những sĩ quan biên phòng (Immigration Officer) ngồi bên trong.
Kiểm tra visa và hộ chiếu của tôi là một cô sĩ quan da đen to béo. Biết tôi đến từ Mỹ, cô hỏi vặn vẹo bằng tiếng Anh rất chuẩn đại khái: Đã từng ở Mỹ bao lâu? Làm gì ở Mỹ? Hình như không hài lòng với câu trả lời của tôi nên cô với tay lấy điện thoại nội bộ gọi đi đâu đó, vừa cúi xuống nhìn vào hộ chiếu của tôi vừa ngước lên nhìn tôi vừa nói lau láu bằng thứ tiếng Tây Ban Nha mà tôi không thể nào hiểu nổi.
Sau khi bỏ điện thoại xuống cô ấy lại lặp lại những câu hỏi cũ và tôi đã không giữ được bình tĩnh nên đáp trả lại: "Tôi làm gì ở Mỹ đâu có liên quan gì đến cô?". Cô sĩ quan nhìn tôi có vẻ ngạc nhiên rồi đột nhiên hỏi về bảo hiểm y tế! Tôi trả lời là đã mua rồi và được yêu cầu đưa cho cô ấy xem. Tôi liền rút điện thoại ra tính vào email đưa cho cô ấy xem thư xác nhận (Insurance Confirmation) mà hãng bảo hiểm đã gửi cho tôi. Nhưng số điện thoại ở Mỹ của tôi không roaming được ở đây nên không có sóng Internet. Khi không thể vào email tôi đã thoáng hốt hoảng: "Ôi, mình đang lạc vào xứ sở nào thế này?". Tôi ấp úng giải thích là đã mua rồi nhưng do không có internet nên tôi không thể đưa cho cô xem.
Cô sĩ quan khoát tay chỉ ngược lại phía sau bảo tôi đi mua bảo hiểm rồi quay lại. Bối rối quay lui thì đã có một người địa phương đứng chờ sẵn và dẫn đến bàn bán bảo hiểm nơi có một số hành khách đang đứng lố nhố vây quanh. Bực mình tôi hơi lớn tiếng: "Tôi đã mua bảo hiểm rồi khi mua tour đến đây, sao lại bắt tôi mua nữa?". Cô gái Cuba ngồi ở bàn bán bảo hiểm ngước lên nhìn tôi và từ tốn trả lời: "Anh mua rồi thì có thể đi, không phải mua bảo hiểm thêm lần nữa!" Thái độ nhã nhặn, lịch sự của cô gái làm tôi vừa ngạc nhiên, vừa tự xấu hổ bởi sự nóng nảy của mình.
Chiếc vòng thay giấy thông hành cho du khách tại Cuba. Vòng được bấm nút, không thể mở ra được ngoại trừ cắt nó đi. |
Rút kinh nghiệm tôi không quay lại nơi vừa bị từ chối mà đi sang một quầy khác để làm thủ tục nhập cảnh. Lại một cô sỹ quan xuất nhập cảnh nữa. Cô sĩ quan lại hỏi tôi những câu hỏi giống hệt như cô đầu tiên hỏi: ở Mỹ bao lâu? Làm gì? và rồi lại nhấc điện thoại lên gọi đi đâu đó. Tôi đã hoang mang khi nghĩ mình phải quay lại Canada thì may mắn sao khi gọi điện xong cô sĩ quan nở một nụ cười đóng dấu vào tờ visa và xé đôi đưa lại cho tôi một nửa kèm câu chúc: "Welcome to Cuba! Have nice time" (Chào mừng đến Cuba! Chúc có những thời gian vui vẻ).
Nỗi mừng rỡ không kéo dài được lâu khi tới hải quan (Custom Clearance) tôi lại bị kiểm tra rất kỹ. Ba lô mang theo sau khi đã bị bỏ vô máy soi đi, soi lại thì lại bị yêu cầu bỏ hết đồ đạc ra. Nhân viên hải quan cầm cục sạc pin điện thoại, dây cáp nối điện thoại của tôi cùng cục pin dự trữ chuyền tay nhau săm soi và bỏ riêng vào một khay cho vô máy soi riêng. Sau đó họ hỏi tôi dùng những thứ này để làm gì và tôi buộc phải cắm pin dự trữ vô điện thoại qua dây charge rồi chỉ tín hiệu pin đang nạp trên màn hình điện thoại cho họ xem.
Quá nhiều “thủ tục” nên tôi gần như là hành khách cuối cùng trong chuyến bay được nhập cảnh vào Cuba hôm đó. Thật sự tôi có cảm giác hơi khó chịu khi mình được "đón tiếp chu đáo" đến như vậy.
Về đến khách sạn đã trễ nên tôi lăn ra ngủ. Sáng ra lục tung cả phòng để tìm cuốn hướng dẫn các dịch vụ của khách sạn mà không thấy, tôi đành phải đi xuống quầy lễ tân (Reception) để hỏi số điện thoại của một khách sạn 5 sao khác cũng ở trong vùng Varadero này. Cô lễ tân lôi ra một cuốn sổ dày cộp cong mép, sờn gáy chi chít những dòng chữ viết tay bằng đủ thứ loại màu mực, gạch xóa lung tung và lật từng trang để tìm. Trong lúc cô lễ tân đang lúi húi dùng ngón tay dò từng chữ thì tôi đảo mắt nhìn quanh quan sát và suýt nữa phải đưa tay bịt mồm để khỏi kêu lên vì kinh ngạc: bảng dự báo thời tiết trong tuần ở Varadero được in trên một nửa miếng giấy cỡ A4 bị xé góc nham nhở đặt bên cạnh tấm bảng thông báo giờ check in và check out.
Khách sạn 4 sao mà trong sảnh reception không một màn hình dự báo thời tiết, không một bản đồ địa phương, hoàn toàn không có một cuốn sách hướng dẫn du lịch nào hết... Không có gì!!!
Bảng dự báo thời tiết của khách sạn 4 sao. |
Khi được cô lễ tân đưa cho một mảnh giấy có ghi nghệch ngoạc thông tin của khách sạn 5 sao mà tôi cần, tôi ra bục điện thoại đặt trong sảnh lễ tân và quay số hoài nhưng không ai trả lời nên đành gọi thẳng vào số di động Nga roaming của người bạn từ Moscow sang đang ở đó. Vội vàng cho anh bạn địa chỉ nơi tôi ở rồi cúp máy rồi quay lại reception để trả tiền. Tôi không tin vào tai mình khi nghe cô lễ tân báo giá 20 CUC (đồng tiền chuyển đổi Cuba -Cuban Convertible Peso) tức khoảng 25 USD cho khoảng 3 phút điện thoại.
“Rẻ” hơn điện thoại một chút là internet. Tôi mua card 10 CUC (khoảng gần 13USD) cho 1 giờ đồng hồ sử dụng phòng Internet Service của khách sạn. Nhưng khi vào phòng internet thì 3 chiếc máy tính hiệu Dell thì chỉ có 2 cái sử dụng được. Internet dùng dial up nên chậm hơn rùa bò. Đang quen dùng Wifi, 3G, 4G... tôi gần như nổi quạu khi mở hoài không được một website chứ đừng nói gì vào Facebook hay Youtube. Trong 1 tiếng đồng hồ mà tôi chỉ kịp check được một số email, một số new email khác nhìn thấy trong inbox nhưng không mở ra nổi... Kìm mình lắm để không đập tay lên bàn phím bởi sự giận dữ và bất lực.
Tôi lảo đảo bước ra khỏi phòng internet với tâm trạng bị shock. Trên đường quay về phòng tôi kịp nhận ra chiếc lồng thủy tinh bao quanh thang máy bị vỡ lỗ chỗ, trên trần hành lang khách sạn mang danh 4 sao đọng nước tụ thành từng giọt có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, những cánh cửa phòng được sơn cẩu thả như trong những ký túc xá sinh viên bên Nga. Bathroom trong phòng thì không có tấm chắn bồn tắm, mỗi khi tắm thì nước bắn tung tóe ướt đẫm sàn... Nói chung nhìn quanh đâu cũng thấy... tiêu cực, cái nhìn của tôi với Cuba cực kỳ u ám khác hẳn với những cảm xúc khi còn ngồi trên máy bay.
Quầy Lễ tân của Khách sạn. |
Than thở những suy nghĩ của mình với người bạn đi cùng thì bạn ấy xoe tròn mắt: "Vậy anh muốn gì khi đi Cuba? Có phải anh muốn quay về với quá khứ, thử nghiệm lại những cảm xúc xa xưa của thời khốn khó không? Anh nên nhớ Cuba bị cấm vận mấy chục năm rồi, được như vầy là họ cố gắng lắm rồi đấy!". Rồi anh bạn bồi thêm: "Anh quên đi những Wifi hay iCloud hoặc đám mây đi nhé! Đến đây là để sống với thiên nhiên, xa lánh xã hội hiện đại bên ngoài. Em thấy anh đang bị “sốc văn hóa” (culture shock) đấy. Nhưng em tin anh sẽ có cái nhìn khác về Cuba và sẽ theo chiều hướng tích cực hơn".
Nói thêm là người bạn đi cùng tôi mang hộ chiếu của 3 nước: Việt Nam, Mỹ, Canada và đến Cuba lần này là lần thứ 6.
Cuốn sổ danh bạ "Những trang vàng" của cô lễ tân. |
La Habana với những chiếc xe hơi Mỹ đời những năm 50 của thế kỷ trước. |
Một Ký túc xá sinh viên. |
Ngõ nhỏ vào một khu tập thể ở La Habana. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét