Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Đôi đũa: Nghiêm cẩn và tùy tiện

Cùng là một đôi đũa, nhưng người Việt và người Nhật có cách sử dụng rất khác nhau, thậm chí, khác nhau ngay từ… cùng một quy tắc.
Đôi đũa đã đến với bữa ăn người Nhật như thế nào?
 
Dưới con mắt người Nhật, đôi đũa không có giá trị đơn thuần là một dụng cụ dùng để gắp thức ăn, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật, một thẩm mỹ học gắn nhiều với phong tục, tập quán. Ở Nhật Bản, một món ăn truyền thống nổi tiếng Sashimi sẽ chẳng còn là Sashimi nữa nếu sử dụng dao dĩa sắt thép lạnh lẽo của người phương Tây.
 
Đũa bắt đầu được sử dụng ở Nhật Bản vào năm 712 trước công nguyên, nhưng có thể thậm chí chúng ta đã được sử dụng sớm hơn nữa.

Đũa người, đũa ta, mỗi nơi một kiểu

Có câu ví von rằng ăn đồ Á Đông mà dùng dao nĩa thì chẳng khác gì uống cà phê trong cốc nhựa.

Ảnh: iStockphoto.com
Những đôi đũa dùng hàng ngày, mộc mạc, giản dị, nhưng lại có một lịch sử khá phức tạp. Không ai thực sự chắc chắn đôi đũa được ra đời như thế nào, nhưng với những gì phát hiện được đến nay, người châu Á có lẽ phải cám ơn… những chú chim. Hình ảnh con chim dùng mỏ ngậm giữ một cách có hiệu quả hột lúa hay con cá, trước khi đưa vào miệng ăn, đã trở thành nguồn cảm hứng cho để con người chế tạo ra dụng cụ gắp dùng hàng ngày. Nhưng thực ra, ban đầu, chúng không phải được sử dụng để đưa thức ăn vào miệng, mà dùng trong việc nấu nướng. Với chất liệu từ đồng, chúng có thể chịu được nhiệt độ cao trong quá trình chế biến thức ăn và lấy thức ăn ra từ nồi bốc khói. Đến năm 400, khi đồ ăn và lửa trở nên khan hiếm hơn, con người bắt đầu phải học cách tiết kiệm, vậy là đồ ăn phải xắt ra cho nhỏ, nấu cho nhanh. Đũa “khủng” mất chốn dụng võ, dần bé lại cho đến khi chúng đủ nhỏ để trở thành thứ không thể thiếu trong bữa cơm người Đông Á, thay cho thói quen ăn bốc hay dùng dao kéo xẻ thức ăn. Tuy nhiên, dù đũa phổ biến từ lâu ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam thì người dân Thái Lan, Brunei, Indonesia… mới chuyển từ ăn bốc (ăn bằng tay) sang dùng đũa từ vài thế kỷ nay và đũa cũng không hẳn được dùng như dụng cụ ăn chính.
 
Đũa ngày nay cũng không làm từ đồng nữa, mà làm từ gỗ, tre, nhựa, cũng có thể làm từ bạc, inox, xương, ngà voi. Nhìn sơ sơ thì đũa có kết cấu cơ bản giống nhau giữa các nước, nhưng thực ra mỗi nước cũng có phong cách làm đũa khác nhau. 
 
 
So với đũa Trung Quốc, Việt Nam… đũa Nhật Bản ngắn hơn và dễ sử dụng hơn. Theo nhà nghiên cứu người Anh Richard Bowring, đũa Trung Quốc dài và hơi “quá khổ” nên khó sử dụng. Trong khi đó, người Nhật rất chú trọng độ dài theo từng đối tượng sử dụng. Đũa của chồng dài hơn của vợ, đũa của bố mẹ dài hơn của con cái, đũa của anh dài hơn đũa của em. Mặc dù thời phong kiến xưa thì ngược lại, địa vị càng cao thì đũa càng ngắn, càng thấp thì đũa càng dài.
 
 
Đũa Hàn Quốc có chiều dài trung dung nhất giữa các nước. Nhưng họ không thích dùng đũa tre, gỗ vì nó nhẹ quá. Do đó, nếu đến một quán ăn Hàn Quốc, thực khách sẽ được sử dụng đũa bằng kim loại như nhôm hoặc inox để gắp thức ăn, đi cùng với muỗng để ăn cơm. Ban đầu nhiều người có thể cảm thấy hơi khó sử dụng, vì đũa có dạng dẹt, cầm sẽ thiếu mất cảm giác tròn đầy của đũa Việt.
 
 
Đũa Trung Quốc thì dài và dày hơn, vì người Hoa hay bày món tập trung vào giữa bàn. Do có nhiều vùng miền, nhiều vùng văn hóa, Trung Quốc có rất nhiều cách trang trí đũa khác nhau. Nhưng nhìn chung, đũa thường làm từ gỗ thường dùng trong gia đình hoặc nhựa melamine (một cái tên quen thuộc với những ai còn nhớ về vụ bê bối sữa bột trẻ em 2008) hay có ở nhà hàng, quán ăn, cao cấp hơn thì có đũa từ sừng, vuông ở đầu cầm và tròn ở đầu ăn. Nhưng dù được xem là nước “phát minh” ra đũa, chính Trung Quốc cũng là một nước nhập khẩu đũa lớn từ… Mỹ - một đất nước khi ăn toàn dùng dao và nĩa - do nạn chặt phá cây rừng gây ra thiếu nguyên liệu trầm trọng cho việc sản xuất.
 
 
Trong khi đó, về cơ bản, đũa Việt Nam có hình dạng tựa đũa Trung Quốc nhất, thon ở đầu gắp, đầu cầm có thể vuông hoặc vẫn giữ nguyên dạng tròn. Theo truyền thống, đũa được làm từ tre hoặc gỗ, nhưng với sự dung nhập văn hóa và trao đổi kinh tế với nước ngoài, những đôi đũa nhựa rồi đến inox cũng đã xuất hiện trong mâm cơm. Người Việt xưa còn có chiếc đũa cả to bản, dài, dẹt, được làm từ tre già để đánh tơi cơm trước khi xới vào bát. Nhưng ngày nay, người ta bắt đầu dùng ngày nhiều nồi cơm điện với thìa xúc bằng nhựa dẹt kèm theo, những đôi đũa cả chỉ còn xuất hiện ở một số vùng nông thôn.
 
G. Charles - Tác giả ''La table du dragon'' - hết sức ca tụng đôi đũa: Người ta tự đào huyệt chôn mình bằng chiếc nĩa, nhưng ngườt ta xây dựng sức khoẻ của mình với đôi đũa. Theo những gì được lưu truyền đến ngày nay, đôi đũa được coi là một dấu hiệu hòa bình, thay cho sự sắc bén và lạnh lẽo của những lưỡi dao hàm chứa bạo lực và đổ máu. Nhưng Charles cũng đá xoáy về cách một số người sử dụng đũa: Bữa ăn được xem là khoảng thời gian vui vẻ, nên họ gây nhiều tiếng động ồn ào. Xương xẩu, rác rươi khắp nơi, thậm chí vương vãi trên mặt đất. Chiếc bàn sau đó trông chẳng khác gì bãi chiến trường…  
 
 
Ban đầu, đũa chỉ được sử dụng trong các nghi lễ ở Nhật Bản, dùng để dâng thức ăn lên các vị thần. Đến thế kỷ 6 (thời kỳ Asuka), người ta bắt đầu dùng đũa hàng ngày. Hoàng tử Taishi được cho là người Nhật Bản đầu tiên dùng đũa trong bữa ăn. Có thể do ông là một nhân vật hoàng gia nên dễ được ghi lại trong sách sử Nhật Bản, còn liệu ông có thực sự là người đầu tiên hay có một người dân thường nào đó đã làm điều này từ trước đó thì cũng khó xác định được. Dẫu sao, họ cũng không thể chạy đến trước mặt các nhà ghi sách sử để nói “Tôi dùng đũa để gắp thức ăn đấy. Ngài hãy ghi lại đi!”. Nhưng dù sao, chúng ta cũng có thể xác định được văn hóa dùng đũa trở nên phổ biến từ thời kỳ Nara (thế kỷ 8). Những đôi đũa truyền thống được làm từ tre. Nhưng đến thời kỳ Edo (1603-1868), những đôi đũa được làm từ đủ vật liệu, thiết kế và màu sắc xuất hiện. Nếu muốn tìm một đôi đũa tuyệt nhất đi cùng bộ đồ ăn tốt nhất, du khách có thể tìm đến Kyoto - được coi là trung tâm thiết kế đũa của người Nhật. Còn về mặt sản xuất, 85% đũa đến từ thành phố Obama thuộc tỉnh Fukui.
 
 
Đũa của người Nhật thường ngắn và đầu ăn nhọn, trong khi đũa Việt hai đầu có thể bằng nhau hoặc một đầu thon hơn nhưng không nhọn. Có ý kiến cho rằng đũa không được vót nhọn mang hàm ý về hòa bình. Nhưng điều này rất khó xác định, bởi ngay cả món ăn của người Việt và người Nhật cũng khác nhau đáng kể, nên đũa có hình dạng khác nhau là hoàn toàn có thể hiểu được. Chẳng hạn, gạo Việt ít kết dính, khi ăn phải đưa bát lên gần miệng, trong khi gạo Nhật có độ kết dính cao, chỉ cần xắn một miếng và đưa lên miệng. Về bản chất là một hòn đảo lớn, người Nhật ăn rất nhiều cá, do đó, đũa nhọn cũng có thể là để thuận tiện xử lý món cá.
 
Quy tắc dùng đũa: Mỗi nơi một kiểu
 
Do đũa ban đầu được dùng trong nghi lễ, đám tang, nên sử dụng đũa ở Nhật chứa nhiều điều kiêng kỵ. Không được gác đũa chéo nhau khi đặt trên bàn bởi đó là dấu hiệu của tang lễ. Không được cắm thẳng đũa trên bát cơm vì sẽ gợi nhớ đến đồ cúng. Không dùng hai tay để kẹp đũa lại như đang cúng.
 
Một nét văn hóa thường thấy nhất trên bàn ăn là việc gắp thức ăn cho người khác. Ở Nhật cũng có hành động này, nhưng họ kiêng dùng đũa để lấy thức ăn từ một đũa khác, hoặc chuyển thức ăn từ đũa này sang đũa khác. Bởi theo truyền thống lễ an táng của người Nhật, sau khi hỏa táng, xương của người chết sẽ được người trong gia đình chuyền từ đôi đũa này sang đôi khác, chính vì vậy mà người Nhật luôn tránh để hai đôi đũa tiếp xúc trực tiếp trong lúc thưởng thức bữa ăn. Do đó, khi gắp đồ ăn cho người khác, người Nhật sẽ gắp vào bát hoặc đĩa đựng thức ăn để trên đĩa của người ta. Có thể quay đầu đũa để gắp, nhưng tốt hơn cả là dùng một đôi chuyên biệt để làm việc này. Vừa sạch sẽ vừa thể hiện sự tôn trọng đối phương. Ngay cả việc gắp thức ăn trong đĩa chung cũng như vậy. 
 
Hành động này là không được phép ở Nhật
 
Trong khi đó, ở Việt Nam văn hóa làng xã xuề xòa quý hóa nhau lại thể hiện ở việc có món ngon trong mâm là phải gắp mời hết lượt mọi người rồi mới gắp cho mình. Điều này xuất phát từ tục lệ xưa khi miếng ngon chỉ khi cỗ bàn mới có, vì thế, người ta trân trọng, quý hóa nhau mới gắp mời nhau. Tuy nhiên, xã hội hiện đại nảy sinh các loại bệnh béo phì, tiểu đường… cùng với đó, đời sống đã được cải thiện đáng kể khiến cho hành động gắp “miếng ngon” với người này lại trở thành “món kiêng kỵ” với người kia, đôi khi biến thành sự ngại ngùng, cưỡng ép phải ăn món không thích, dẫn đến thái độ lịch sự giả tạo. Cũng vì vậy mà việc gắp mời nhau dần trở nên bị mai một, lũ trẻ con cũng không còn được thường xuyên nhìn thấy sự kính trọng của người dưới với người trên thông qua hành động mời mọc nhau nữa.
 
Cắm đũa trên bát là điều kiêng kỵ ở Nhật
 
Ngoài những nghiêm cẩn trong việc sử dụng đũa, người Nhật không vừa cầm chén và cầm đũa cùng một tay. Không ngậm đũa vào miệng để rảnh tay làm các việc khác. Không gác đũa lên ngang miệng chén khi đang ăn, hành động này được hiểu là tôi không cần nữa, hay món ăn không ngon. Do có nhiều cấm kỵ trong việc đặt đũa như vậy, thứ không thể thiếu trong các bữa ăn là Hashioki (cái gác đũa) và Hashibukuro (bao đũa, bằng giấy hoặc bằng vải). Nhưng nếu là đũa dùng một lần, thực khách sẽ dùng chính giấy bọc đũa gấp lại thành một dạng Hashioki đặc biệt để gác lên. Cũng như đũa, Hashioki và Hashibukuro cũng là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp trong văn hóa ẩm thực của người Nhật. Hashioki có rất nhiều dạng, từ cỏ cây, hoa lá, đến cá, thỏ, mèo, thậm chí là một cô gái sexy, nhưng đều có đặc điểm chung là phần giữa lõm xuống để giữ cho đũa không bị rơi. Trong khi đó, ở Việt Nam, mâm cơm đã bị mất đi “cái gác đũa” nên thực khách chỉ biết để đũa tạm trên bát hoặc để bừa ra bàn bởi không biết để ở đâu trong khi muốn rảnh tay. Âu cũng là do nét văn hóa truyền thống trong bữa ăn đã bị “tiện giản” đến mất cả gốc. Ngày xưa, các gia đình quyền quý có cái gác đũa, còn tầng lớp bình dân thì dùng mâm nên ăn xong sẽ gác đũa lên mép và đặt về bên tay phải. Ngày nay, mâm không còn phổ biến, hầu hết các nhà hàng, cũng như ngay trong chính gia đình, cũng “quên” luôn việc sắp thêm một cái đĩa hay một cái gác đũa nhỏ cho người ăn. Dần dần, “tìm đại một chỗ” để gác đũa đã trở thành thói quen lúc nào không hay. 
 
Một Hashioki hình chú mèo rất dễ thương. Ảnh: nipponkiyoshi
 
 
Cách gấp Hashioki từ giấy đựng đũa dùng một lần. Ảnh: nipponkiyoshi
 
Trong bữa ăn, người Nhật cũng không gắp thức ăn cho thẳng vào miệng. Người Việt cũng có quy tắc này. Nhưng sự nghiêm cẩn lại không được duy trì phổ biến, và nếu có dùng đũa như thế thực thì cũng chẳng ai nhìn bạn như một kẻ từ trên cung trăng xuống. Nhưng nếu dùng bữa với người Nhật, rất có thể bạn sẽ mất cả hợp đồng lớn chỉ vì một hành động nho nhỏ như vậy.
 
Sự nghiêm cẩn trong việc sử dụng đũa của người Nhật còn được thể hiện trong thái độ trân trọng đôi đũa. Họ không dùng đũa cho những trò đùa nghịch, cũng không cầm đũa trong một thời gian dài, chà xát đũa vào nhau vì đó là dấu hiệu bạn không coi trọng đôi đũa và coi nó là hàng rẻ tiền.
 
 
Ngoài ra, còn một số quy tắc khác trong việc sử dụng đũa ở Nhật: Không đưa đũa liên tục từ món này sang món khác trong khi đang suy nghĩ xem muốn cái gì, không dùng đũa để di chuyển món ăn đến gần mình, không đảo loạn thức ăn cũng như khuấy canh vì đó là những hành động biểu hiện cho sự tham lam và thiếu sạch sẽ. Nhưng người Nhật hẳn sẽ tròn mắt khi đến Việt Nam, nhiều người có thói quen dùng một đôi đũa được khuấy khuấy trong nồi, rồi được đưa lên miệng để nêm nếm, rồi lại khuấy, và có thể dùng ngay chính đũa đó ăn và gắp thức ăn cho người khác… khiến ngày cả những thực khách Việt ngồi cùng mâm cũng thấy… ghê ghê.
 
Thực tế, văn hóa đũa của người Việt cũng chỉn chu, nghiêm cẩn không kém người Nhật, thậm chí có nhiều nét tương đồng, và một thời trẻ cũng được dạy từ cách cầm đũa, cách so đũa, các mời đũa, cách đặt đũa… Thế nhưng, điều đó không được duy trì lâu dài. Chỉ cần một chút va chạm nhẹ của thời gian, tác động văn hóa nước ngoài, sự bẵng đi của các bậc phụ huynh còn mải miết với việc đi làm, thăng quan tiến chức, trẻ em ngày nay ngoài việc cách cầm đũa sao cho có thể dùng để gắp thức ăn, thì mấy ai còn được biết giá trị tinh tế của đôi đũa Việt: “Thân em dù gỗ hay tre/ Có đôi có lứa không hề lẻ loi/ Thẳng ngay tròn trĩnh với đời/ Ở đâu cũng được tay người nâng niu” - (Tay người nâng niu).
 
 
 

Không có nhận xét nào: