Bạn sẽ thích thú khi phát hiện ra con ngõ nhà Y Bình trong 'Tân dòng sông ly biệt' hay cửa hàng đồng hồ của Trần Tử Khôn trong 'Chuyện tình Thượng Hải'.
Phim trường Chedun (thuộc huyện Songjiang, phía Tây Nam Thượng Hải, Trung Quốc) mở cửa năm 1998, trở thành phim trường của hầu hết các bộ phim thời dân quốc của điện ảnh Trung Hoa. Rất nhiều công trình được tái hiện lại, trùng khớp với thiết kế của những năm 1930 thế kỷ trước. Không chỉ là nơi diễn ra các cảnh quay, phim trường còn mở cửa cho khách tham quan trong một số khung giờ nhất định trong ngày.
Đường Nam Kinh được tái hiện theo đúng hình ảnh những năm 1930.
|
Để tới được đây, du khách sẽ phải trải qua một chặng đường khá gian nan, nếu không biết tiếng Trung hoặc có người bản địa dẫn đi thì chặng đường này càng trở nên khó khăn bởi khu vực này ở xa trung tâm và rất khó kiếm được người nói tiếng Anh để giúp bạn. Cũng bởi thế mà hầu như không có khách du lịch nước ngoài biết tới phim trường này. Dù vậy, sau khi đi qua chặng đường đó, cảm giác được đặt chân tới địa điểm quay những bộ phim mình hằng yêu thích sẽ khiến bản cảm thấy rất xứng đáng với công sức bỏ ra.
Nếu không có phim quan trọng khởi quay thì phim trường thường mở cửa cho khách tham quan từ 8h30 đến 16h30. Thi thoảng, một số bộ phim bắt đầu rục rịch quay từ khoảng sau giờ trưa. Sẽ thật may mắn nếu bạn có cơ hội tham quan đúng vào những ngày này bởi các diễn viên thường sẽ tới sớm để trang điểm, thay phục trang.
Cây cầu nơi nhân vật Y Bình nhảy xuống tự tử sau khi bị Thư Hoàn phụ tình, sau đó chàng trai cũng nhảy xuống dòng nước để cứu cô. Hiện nay, nhiều đôi uyên ương cũng chọn đây làm nơi ghi lại bộ ảnh cưới.
|
Lạc bước giữa không gian hoài cổ của những chàng trai, cô gái trong trang phục thời xưa, xen lẫn tiếng tàu điện leng keng sẽ khiến bạn có cảm giác như quay ngược thời gian, trở về những năm tháng đầu thế kỷ.
Bạn sẽ phải ồ à nhiều lần khi phát hiện ra con ngõ nổi tiếng nhà của nhân vật Y Bình trong "Tân dòng ly biệt", cây cầu nơi cô tự tử sau khi bị Thư Hoàn phụ tình hay con đường Nam Kinh nổi tiếng với tuyến tàu điện ngang dọc, nơi các cô nữ sinh trong bộ đồng phục xanh trắng thường hay rủ nhau đi học, hoặc bạn cũng sẽ nhận ra căn nhà kho rộng lớn - địa điểm quay nhiều cảnh ẩu đả, tranh hùng đoạt bá nơi bến Thượng Hải cách đây gần một thế kỷ.
Tàu điện tại phố Nam Kinh cũng phục vụ chở khách miễn phí, tuy nhiên phải xếp hàng khá lâu và quãng đường rất ngắn, chỉ kịp đủ để bạn cảm nhận được không khí xưa cũ trong các bộ phim dân quốc quen thuộc.
Những con ngõ với cổng đá vòm, một đặc trưng không thể lẫn của Thượng Hải.
|
Giá vé vào cửa là 50 tệ, khoảng 180.000 đồng, du khách sẽ được phát một tấm bản đồ chi tiết, có tiếng Anh, hình vẽ đánh dấu những địa điểm cần tham quan, tạo điều kiện cho việc khám phá một cách dễ dàng. Nếu tới đây để chụp ảnh cưới thì mức giá sẽ rất đắt, lên tới vài trăm tệ, nhưng không bởi thế mà phim trường thưa vắng các đôi uyên ương.
Các công trình thuộc phim trưởng được dựng gần như nguyên bản theo thiết kế trước đây. Hiện nay, đa phần các công trình này vẫn còn nguyên bản "xịn" trong nội thành Thượng Hải. Các hạng mục chính bao gồm: đường Nam Kinh, đường Tây Nam Kinh, những con ngõ với cồng đá cổ kính, nhà thờ, cầu Ngoại Bạch, quảng trường, trường học, bệnh viện, rạp hát Hòa Bình, biệt thự kiểu Âu, những con kênh kiểu Tô Châu, doanh trại lính Nhật... Đa phần chỉ dựng để đóng các cảnh quay bên ngoài nên bạn không thể vào bên trong.
Lúc 10h30 và 13h30, show biểu diễn đặc biệt dành cho du khách sẽ diễn ra trong 20 phút. Bạn có thể hỏi thêm những người phụ trách để không bỏ lỡ.
Khuôn viên phim trường có nhiều nhà hàng, quán cà phê phục vụ khách du lịch với giá chấp nhận được. Khu vực cũng được bảo vệ cẩn thận nên bạn không quá lo lắng về vấn đề an ninh. Điểm trừ lớn nhất của phim trường có lẽ cũng giống như bất cứ điểm tham quan nào khác ở Trung Quốc, là lúc nào cũng rất đông khách du lịch, rất khó để chụp được một bức hình "sạch sẽ", không dính người.
Rạp hát Hòa Bình được dựng lại với đúng nguyên bản năm 1930.
|
* Cách đi tới phim trường Chedun:
Có khá nhiều cách để đi tới đây và đều đến điểm cuối cùng là bến xe bus Chedun. Thông thường nhất là đi metro line 1 từ trung tâm thành phố, đến bến Lianhua, sau đó đi bus tuyến Lianshi line đến bến Chedun, sau đó bạn có thể đi bộ khoảng 800-1.000m vào trong, hoặc bắt taxi.
Đường Nam với tháp đồng hồ, rạp hát và đường tàu điện đã trở nên kinh điển.
|
Một căn biệt thự kiểu âu cùng đài phun nước hình cánh cung phía trước xuất hiện trong khá nhiều phim.
|
Cây cầu nối liền khu Tô giới Pháp với các khu vực còn lại.
|
Doanh trại lính Nhật.
|
Nhà thờ - nơi diễn ra hôn lễ của nhiều cặp đôi trong phim.
|
Không hiếm bắt gặp những khách du lịch ăn vận giống hệt như nữ sinh thời xưa đi dạo và chụp ảnh trong khuôn viên.
|
Một con ngõ được xây dựng theo phong cách cổ trang thời phong kiến.
Ảnh: Nguyên Chi
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét