Thứ Năm, 22 tháng 10, 2015

Điểm tên những thị trấn độc đáo trên thế giới

Bên cạnh những thị trấn sầm uất, đông dân cư thì trên thế giới vẫn có những thị trấn kỳ lạ, lèo tèo vài người nhưng lại khá hấp dẫn khách du lịch vì sự “lập dị”, độc đáo do “hoàn cảnh xô đẩy”.

Cư dân nói giọng “lơ lớ” Anh Mỹ
Thị trấn Tangier, Virginia (Hoa Kỳ) với dân số 720 người là một trong những nơi hấp dẫn những nhà ngôn ngữ học khi cư dân ở đây đều nói giọng điệu giống giọng Anh hơn giọng Mỹ nhưng không hoàn toàn giống một trong 2 khi có âm điệu đặc biệt. Nguyên nhân được cho là vùng đất này bị cô lập và được những người Cornish tìm thấy và định cư ở đây từ những năm 1600. Bên cạnh đó, người dân ở đây còn bị mắc một chứng bệnh rối loạn di truyền độc đáo được các nhà nghiên cứu đặt tên là bệnh Tangier (giảm nghiêm trọng về số lượng mật độ lipoprotein – thường được gọi là “cholesterol tốt” trong máu).
 
Ngôi làng “dưới lòng đất”
 
 
Thị trấn Aussie nhỏ bé nằm tại Úc với khoảng 3.500 dân là nguồn cung cấp chính loại đá quý opal cho thế giới. Chính vì vậy, nơi đây còn được đặt là “Thủ đô Opal của thế giới”. Từ nhiều thập kỷ trước, khi những người thợ mỏ đầu tiên khai thác đá quý, để tránh sống trong cảnh “ô nhiễm môi trường” do khí bụi Opal, người dân nơi đây đã tiến hành xây dựng những khu nhà dưới lòng đất. Ngày nay, phương pháp lấy Opal đã được cải thiện nhưng khoảng 1.600 cư dân vẫn thích sống dưới đất để tránh cái nóng oi bức của mùa hè và được sưởi ấm trong mùa đông. Họ đã lập nên ngôi làng Coober Pede với nhiều công trình ngầm dưới lòng đất.
 
Vùng đất của tâm linh
 
 
Lily Dale được ví như thiên đường cho thế giới tâm linh khi ở đây là nơi lý tưởng cho các nhà ngoại cảm, pháp sư và những người tin vào linh hồn. Vào cuối những năm 1800, đầu 1900 là thời hoàng kim của phong trào tâm linh. Dân số ở thị trấn này chỉ có khoảng 200 người nhưng hàng năm sẽ đón khoảng 20.000 du khách tới đây để tham dự các hội thảo, thuyết trình về tâm linh từ những người nổi tiếng như Deepak Chopra.
 
Hallstatt – phiên bản “nhái”
 
 
Trung Quốc nổi tiếng trong việc làm “nhái” các sản phẩm từ quần áo, giầy dép, túi xách. Tuy nhiên, không chỉ giới hạn trong đồ may mắc, Trung Quốc còn xây dựng thành công bản sao kiến trúc gần giống hệt với thị trấn Hallstatt của Áo – nơi được công nhận là Di sản Thế giới. Được bắt đầu xây dựng vào năm 2012 bởi công ty khai thác mỏ Trung Quốc – Minmetals nhưng phải 1-2 năm nữa thị trấn này mới hoàn thành và đón cư dân vào sinh sống.
 
Vùng đất ma
 
 
Centralia, Pennsylvania - thị trấn sầm uất một thời bỗng chốc trở nên hoang tàn, biến thành “vùng đất ma” khi xuất hiện đám cháy từ mỏ than vào năm 1962. Cho đến nay vụ cháy này vẫn chưa hề được dập tắt mà vẫn đang âm ỉ cháy ngầm. Theo dự đoán “bà hỏa” sẽ tiếp tục “cai trị” ở đây trong 250 năm nữa. Tuy nhiên, thị trấn này vẫn có 7 người sinh sống dù chính phủ Mỹ đã xóa bỏ mã số bưu điện và khuyến khích người dân rời đi. Chính phủ đã đồng ý cho họ sống ở đây với điều kiện sau khi họ chết thì tài sản của họ sẽ được quyên góp cho các tên miền nổi tiếng. 
 
Thị trấn “hoang sơ”
 
 
Buford thuộc tiểu bang Wyoming, Hoa Kỳ là thị trấn hoang vắng nhất và giản đơn nhất khi chỉ có 5 tòa nhà và 3 người dân sinh sống gồm Don Sammons (chủ sở hữu và thị trưởng của thị trấn), vợ và con trai của ông. Sau khi vợ chết và con trai chuyển đi, Sammons đã quyết định bán đấu giá vùng đất của mình cho người trả giá cao nhất. Cuối cùng Buford đã thuộc về doanh nhân người Việt Nam Phạm Đình Nguyên với giá 900.000 USD và được đổi tên thành Buford PhinDeli  nhằm quảng bá thương hiệu café Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.
 
Ngôi làng “búp bê”
 
 
Sau khi trở về quê hương – ngôi làng Nagoro (Nhật Bản) của mình và thấy rằng dân số ở đây đã ngày càng ít ỏi khi chỉ còn có 35 người, nghệ sỹ 67 tuổi Ayano Tsukimi đã nghĩ ra việc tạo ra những con búp bê có kích thước giống mỗi người đã từng sống ở đây. Sau đó, những con búp bê này đã được bố trí khắp thị trấn với dáng điệu giống như con người đang làm việc, học hành, vui chơi tại nơi đây. Tsukimi đã làm ra khoảng 350 con búp bê và tiếp tục làm thêm khi có ai đó rời khỏi cõi đời này hoặc rời bỏ thị trấn. Ngày nay, nhờ những con búp bê này mà ngôi làng Nagoro đã bớt ảm đạm hơn khi thu hút nhiều khách tham quan tới đây.
 
 

Không có nhận xét nào: