Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Vịnh Tokyo, Nhật Bản

Từ các tòa nhà cao tầng ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, chúng ta hướng tầm mắt về phía Thái Bình Dương là có thể nhìn thấy vịnh Tokyo. Vịnh Tokyo nổi tiếng với sự đa dạng sinh học, trong lòng vịnh có vô số loài sinh vật biển cư ngụ. Nguồn hải sản dồi dào ở đây đã góp phần quan trọng nuôi sống cư dân thủ đô, góp phần tạo nên sự phong phú cho nền ẩm thực của thủ đô Tokyo và cả Nhật Bản.
Vịnh Tokyo nằm ở phía nam vùng Kanto của Nhật Bản. Vịnh biển này có 1 vị trí địa lý rất quan trọng, là cửa ngõ giao thương duy nhất bằng đường thủy giữa thủ đô Tokyo với thế giới bên ngoài.
Vịnh Tokyo là cửa ngõ giao thương duy nhất bằng đường thủy giữa thủ đô Tokyo với thế giới bên ngoài
Vịnh có độ dài 70 km từ Bắc xuống Nam. Tổng diện tích của vịnh Tokyo, bao gồm cả eo biển Uraga là 1.400 km vuông. Vịnh được bao bọc bởi thủ đô Tokyo, tỉnh Kanagawa và tỉnh Chiba. Đây là khu vực có mật độ dân cư đông đúc, người ta ước tính có đến 30 triệu người sống dựa vào vùng vịnh này.
Về cấu tạo địa chất, phần đáy vịnh được chia ra làm 2 khu vực rõ rệt. Phía nam tồn tại những thung lũng trong lòng biển với độ sâu trung bình 45 mét.
Bên trong các thung lũng là 1 thế giới sinh vật đa sắc màu. Rất nhiều loài cá có hình dáng và màu sắc đẹp mắt cư ngụ ở đây. Vùng nước ấm áp này là nơi thích hợp cho lũ cá hề, cá damselfish, cá sọc vằn sinh sống.
Đi về hướng bắc, vào sâu bên trong vịnh là khu vực biển cạn, đáy vịnh tương đối bằng phẳng, độ sâu trung bình chỉ khoảng 15 mét. Khu vực này có nhiều hòn đảo nhân tạo được xây dựng để phục vụ các mục đích kinh tế, quân sự.
Vịnh Tokyo còn là nơi cung cấp nguồn hải sản phong phú, gần đây, mỗi năm, sản lượng cá đánh bắt được vào khoảng 20 ngàn tấn. Con số này đã sụt giảm rất nhiều so với những năm 1960, giai đoạn vịnh Tokyo chưa bị ảnh hưởng bởi các hoạt động sản xuất công nghiệp. Nhiều loài cá đánh bắt từ vịnh có giá trị kinh tế rất cao như cá nhồng, cá tráp biển, cá chình.
Không chỉ có tôm cá, vịnh Tokyo còn ban tặng cho con người nhiều sản vật biển khác. Ngay từ thời Edo, các ngư dân ở tỉnh Chiba đã ra khơi khai thác nguồn rong biển dồi dào bằng phương pháp thủ công. Ngày nay, chỉ cần 1 chiếc thuyền chuyên dụng và 2 người trên thuyền là họ có thể thu hoạch hàng trăm kg rong biển tươi mỗi ngày. Rong biển là thực phẩm quan trọng trong đời sống của người Nhật. Những miếng rong biển khô là nguyên liệu không thể thiếu trong món sushi. Rong biển khai thác từ vịnh Tokyo nổi tiếng bởi hương vị thơm ngon và nhiều dưỡng chất.
Hàng năm, từ mùa xuân đến mùa hè, vịnh Tokyo trở thành địa điểm thu hút rất đông khách du lịch. Khi thủy triều xuống, nước rút dần ra biển để lộ 1 khu vực bờ vịnh đầy cát và đá. Đây là lúc người ta đổ ra vịnh. Bờ vịnh thuộc địa phận của thành phố Yokohama, tỉnh Kanagawa, hấp dẫn nhiều người nhất. Họ đến đây để bắt nghêu, sò, những loại hải sản rất phổ biến của vịnh Tokyo.
Những lúc thủy triều rút cạn, người dân rất thích đi bắt nghêu, sò ở vịnh Tokyo.
Năm 1603, Tokugawa Ieyasu trở thành Tướng quân, đứng đầu chế độ Mạc phủ tại Nhật Bản. Tướng quân Ieyasu chọn Edo là thủ đô, nay là Tokyo.
Tướng quân Ieyasu đã ra lệnh xây dựng nhiều công trình lấn biển ra vịnh Edo (tên gọi cũ của vịnh Tokyo) nhằm tăng cường hoạt động lưu thông đường thủy của 1 đô thị lớn.
Người dân từ khắp nơi trên cả nước đổ về Edo, để giải quyết chỗ ở cho 1 lượng lớn dân cư tăng đột biến, tướng quân Ieyasu đã cho xây dựng những hòn đảo nhân tạo trên vịnh.
Chính quyền Mạc phủ Tokugawa cũng tạo điều kiện và khuyến khích ngư dân ra khơi khai thác nguồn tài nguyên biển dồi dào ở vịnh Edo để cung cấp thực phẩm cho cư dân kinh thành.
Kết quả là một lượng khổng lồ tôm cá tươi được đưa về Edo mỗi ngày. Những khu chợ mua bán hải sản mọc lên khắp nơi, chúng là tiền thân của chợ cá ngày nay ở Nhật Bản.
Nguồn nguyên liệu tươi ngon, phong phú là điều kiện thuận lợi để giới đầu bếp chế biến nhiều món ăn mới. Thời kỳ Edo được xem là giai đoạn hoàng kim trong ẩm thực Nhật Bản
.Cá chình tẩm nước dùng dashi nướng là một trong những món ăn nổi tiếng của Nhật Bản ra đời vào thời Edo. Cá chình sinh sống ở vịnh Tokyo có thịt mềm ngọt nhưng không vỡ vụn, đặc biệt, hương vị của chúng càng thêm đậm đà khi được nướng trên than hồng. Người dân Edo đã phát hiện ra điều này và đến tận ngày nay, món cá chình nướng luôn khiến thực khách hài lòng.
Món ăn này được chế biến khá kỳ công, người ta dùng que tre xiên qua những miếng cá đã làm sạch. Nướng chúng trên than để rỏ bớt mỡ. Kế đến hấp cách thủy các xiên cá vừa mới nướng để các thớ thịt trở nên mềm mại. Sau khi hấp xong, đầu bếp nhúng các xiên cá vào nồi nước dùng dashi đã nêm gia vị, rồi 1 lần nữa nướng chúng trên bếp than. Nước dùng giúp thịt cá có màu vàng hổ phách và trở nên hấp dẫn hơn.
Tempura là một đại diện nữa của ẩm thực Nhật Bản có mặt vào thời Edo. Ngày xưa, nguyên liệu để làm tempura là tôm cá đánh bắt từ vịnh Tokyo. Đây là món ăn khoái khẩu của trẻ nhỏ. 
Để làm món tempura, người ta dùng tôm đã lột vỏ chừa phần đuôi hoặc những con cá nhỏ lóc hết xương. Nhúng tôm cá đã làm sạch vào bột nhão, kế đến chiên chúng trong chảo ngập dầu. Tuy là món ăn nhanh nhưng do nguồn nguyên liệu là hải sản nên tempura không chứa nhiều năng lượng thừa.
Kinh thành Edo được xem là một đô thị lớn lúc bấy giờ, với dân số khoảng 1 triệu người, đa phần là người nhập cư. Lực lượng lao động đông đúc kéo theo nhu cầu ăn uống tăng mạnh. Các cửa hàng kinh doanh thức ăn lưu động – hình thức sơ khai của cửa hàng thức ăn nhanh ngày nay – ra đời.
Tempura là món ăn phổ biến nhất của các cửa hàng thức ăn lưu động. Nhờ giá cả hợp lý mà lại ngon và bổ dưỡng nên tempura trở thành lựa chọn số 1 của tầng lớp bình dân. Không chỉ có dân thường mà ngay cả giới võ sĩ cũng trở thành khách hàng thường xuyên của các cửa hàng này.
Trước nhu cầu ngày càng cao, các cửa hàng thức ăn lưu động nỗ lực tìm ra những món mới phục vụ thực khách. Món nigiri-sushi là 1 ví dụ. Trước đó, người ta làm sushi bằng cách dùng khuôn gỗ ép chặt các lớp cơm, hải sản, rong biển xen kẽ nhau. Khi phục vụ khách hàng, đầu bếp cắt sushi ra thành những miếng nhỏ vừa ăn. Tuy nhiên, cách làm này mất nhiều thời gian.
Đến thời Edo, các đầu bếp đã nghĩ ra 1 phương pháp làm sushi rất nhanh gọi là Nigiri-sushi, tức sushi được nắn bằng tay. Họ đặt miếng cá, tôm hoặc sò lên 1 vắt cơm và nắn trong lòng bàn tay để cho ra miếng sushi nhỏ gọn. Nguyên liệu tươi ngon trong nigiri-sushi làm nên danh tiếng cho món ăn này.
Bổ dưỡng, rẻ và nhanh chóng là ưu điểm của các món ăn vào thời Edo. Đây cũng là những yếu tố giúp chúng được ưa thích cho đến tận ngày nay. 
Giữa thế kỷ 20, giai đoạn kinh tế Nhật Bản phát triển bùng nổ, thủ đô Tokyo đi đầu trong quá trình công nghiệp hóa này. Hàng loạt nhà máy và khu công nghiệp đã được xây dựng quanh khu vực vịnh Tokyo. Các nhà máy đã xả một lượng khổng lồ nước thải độc hại chưa qua xử lý ra các con sông chảy ra vịnh hoặc thải trực tiếp ra vịnh. Hậu quả là nguồn nước trên vịnh Tokyo bị ô nhiễm trầm trọng. Môi trường bị hủy hoại, tôm cá trong vịnh cũng theo đó chết hàng loạt. 
Trong nỗ lực bảo vệ con vịnh xinh đẹp của thủ đô, chính quyền đã áp dụng các biện pháp mạnh đối với các nhà máy, siết chặt quy định về xử lý nước thải. Bên cạnh đó, những giải pháp phục hồi vịnh Tokyo cũng được tiến hành một cách khẩn trương.
Sự ô nhiễm đã tạo điều kiện cho các loài tảo độc sinh sôi, gây nên hiện tượng Thủy triều đỏ. Tảo độc có màu đỏ, những mảng tảo khổng lồ trôi dạt trên vịnh đã làm đổi màu cả vùng nước rộng lớn.
Hiện tượng thủy triều đỏ ghi nhận được ở khu vực Vịnh Tokyo
Không chỉ có hiện tượng thủy triều đỏ, vịnh Tokyo còn xuất hiện cả Thủy triều xanh do tảo độc có màu xanh gây ra. Những loài tảo này rất nguy hiểm, với mật độ dày đặc, chúng lấy đi ánh sáng mặt trời, sử dụng hết nguồn khí oxy trong nước và thải ra chất độc hại. Thiếu oxy, các loài sinh vật biển trên vịnh không thể duy trì sự sống.
Để khôi phục hiện trạng của vịnh Tokyo, chính quyền và người dân Nhật Bản đã phát động nhiều chiến dịch quy mô, kéo dài suốt nhiều năm qua.
Tại thành phố Yokohama, những nhóm tình nguyện viên được thành lập để thu nhặt rác thải dưới đáy vịnh. Với 50 thành viên, hầu hết đều biết lặn, nhóm tình nguyện viên này hoạt động thường xuyên trên khu vực vịnh thuộc địa phận thành phố Yokohama. Họ lặn sâu xuống đáy vịnh thu lượm rác thải đủ loại, nhiều nhất là lon bia, lon nước giải khát. Có cả những chiếc điện thoại di động. Số lượng rác mà họ thu gom trong ngày hôm nay lên đến 380 kg.
Người dân Tokyo, bất kể già trẻ, đều tham gia hoạt động trồng rong lươn trên vịnh
Một hoạt động cải tạo vịnh Tokyo có sự góp sức của người dân ra đời vào năm 2003 đã trở thành sự kiện mang tính thường niên. Ban tổ chức đã kêu gọi các bậc phụ huynh và cả con em của họ cùng tham gia trồng rong lươn trên vịnh Tokyo.
Rong lươn được trồng ở các vùng biển cạn, chúng hấp thụ tốt ánh sáng mặt trời và sinh trưởng rất nhanh. Rong lươn giữ vai trò quan trọng trong đời sống của các loài sinh vật biển. Rong lươn hấp thụ khí CO2 và thải ra khí oxy làm sạch nguồn nước. Ngoài ra, những đám rong lươn còn là nơi đẻ trứng an toàn cho một số loài cá.
Rong lươn là môi trường sinh sống lý tưởng của nhiều loài sinh vật biển
Giải pháp trồng rong lươn trên vịnh Tokyo đã được áp dụng thành công. Hiện nay, diện tích che phủ đáy biển của loài thực vật này đang ngày càng tăng. Theo thống kê, hiện có đến 70 loài cá biển đang sinh sống dựa vào các đám rong lươn ở vịnh Tokyo.
Thanh Tâm
 

Không có nhận xét nào: