Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Tôi bước vào thế giới hippie

 Cuồn cuộn trong lặng thầm

(TNO) Cộng đồng hippie được biết đến với phong cách sống khác lạ so với số đông. Tự thuật dưới đây của một cô gái trẻ người Việt cho chúng ta cái nhìn sâu hơn về thế giới của những người hippie.

Tôi bước vào thế giới hippie - Kỳ 1: Cuồn cuộn trong lặng thầm - ảnh 1Bob Marley - hình tượng âm nhạc lớn của cộng đồng hippie - Ảnh: AFP
Cộng đồng Việt Nam vài năm gần đây bắt đầu tiếp xúc nhiều với những cụm từ như “du lịch bụi”, “backpacking” (kiểu du lịch với chỉ một chiếc ba lô to đùng trên vai), “phượt”… Những cụm từ này đều hướng về phong cách du lịch không đi theo tour, không đặt khách sạn, không có kế hoạch chính xác giờ nào đi đâu làm gì, không hành lý cồng kềnh. Điểm quan trọng của phong cách du lịch này là càng rẻ càng tốt, đi một mình hoặc với một số người thân, tự mình tìm hiểu nơi đi nơi đến, tự dùng phương tiện cá nhân hoặc tự mua vé tàu xe địa phương, càng vất vả càng vui, không chen chúc nơi nổi tiếng…
Tuy có thể mới mẻ với số đông người dân Việt Nam, nhưng phong cách du lịch này là một phần của văn hóa hippie xuất thân từ phương Tây đã tồn tại hơn nửa thế kỷ qua. Vào thập niên 1940, sau hai cuộc chiến tranh thế giới và khủng hoảng kinh tế chỉ trong vòng 30 năm, cộng đồng phương Tây nhen nhúm phong trào phản kháng và giải phóng bản thân khỏi các giá trị xã hội cứng nhắc. Họ lo cho hiện tại và tương lai của một thế giới hỗn loạn, bạo lực và vật chất. Họ bắt đầu chia sẻ với nhau qua văn thơ và âm nhạc (The Beat Generation, Jazz) tại các “nhà café” (Coffee House) họ tự mở. Từ thời điểm này, họ bắt đầu được gọi là cộng đồng/văn hóa hippie. Hip là từ lóng tiếng Anh chỉ sự phức tạp/sâu sắc, phá cách, thời đại; hippie chỉ những người thuộc cộng đồng này.
Phong trào hippie phát triển, lan tỏa mạnh vào thập niên 1960, đặc biệt với những cuộc biểu tình hòa bình chống chiến tranh Việt Nam. Nhà tâm lý học người Mỹ Timothy Leary từng nói: "Hippie khởi đầu phong trào sinh thái học. Họ chiến đấu chống kỳ thị chủng tộc. Họ giải phóng những thành kiến khuôn mẫu về giới tính, khuyến khích sự thay đổi, tự hào và tự tin vào bản thân. Họ chất vấn chủ nghĩa vật chất máy móc. Trong bốn năm họ đã tìm cách chặn đứng được cuộc chiến tranh Việt Nam".
Vậy là Việt Nam đóng một vai trò lớn trong việc kéo cộng đồng hippie quốc tế lại gần nhau! Hippie trên toàn thế giới từ Mỹ, châu Âu, Mexico, đến New Zealand và Úc tổ chức biểu tình và các đại hội âm nhạc thể hiện sự chống đối và tức giận trước các vấn đề của thế giới như bạo lực, nạn phân biệt chủng tộc, nghèo khổ, bất bình đẳng xã hội, bất bình đẳng giới… Nổi bật nhất và được coi là đỉnh cao của “thời đại hippie” là đại nhạc hội Woodstock kéo dài 3 ngày vào tháng 8.1969 tại New York, Mỹ với nửa triệu hippie kéo về nhảy múa và ca ngợi sự chung sống hòa bình.
Cộng đồng hippie được biết đến với phong cách sống hoàn toàn khác lạ so với số đông. Họ coi trọng và sống gần gũi với thiên nhiên nên không sử dụng các sản phẩm hóa chất mà tự làm xà phòng, dầu gội đầu, quần áo từ tự nhiên và đa phần ăn chay. Trang phục của họ thường nhiều màu sắc trẻ trung vui mắt và rộng rãi để thoải mái vận động. Họ thường để tóc dài hoặc để “dreadlocks” (kiểu tóc dài cuốn thành từng lọn không cần gội) và đi chân đất để cảm nhận được nắng, gió và đất. Đối với họ thế giới là ngôi nhà chung và tất cả đều là gia đình nên họ thường cởi mở, vui vẻ và luôn sẵn sàng chia sẻ mọi thứ với mọi người, kể cả người lạ. Họ thường không có nhiều của cải vì họ không thích sở hữu gì, thay vì dùng tiền mua bán họ thích trao đổi bằng hàng hóa hoặc bằng kiến thức, kỹ năng. Họ thích đi “lang thang” khắp thế giới để nhìn ngắm, trải nghiệm và chia sẻ tư duy lối sống hài hòa. Chính họ đã khởi nguồn cho phong cách du lịch bụi qua “Con đường Hippie” họ đi từ thập niên 1950 đến thập niên 1970. Một số lớn hippie đã đi đường bộ từ châu Âu (London, Amsterdam, Athens, Luxembourg) qua Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ, Nepal bằng caravan (vừa xe vừa nhà), hitchhiking (đi nhờ xe), và đi bộ đường trường. Bạn có thể bắt gặp rất nhiều hippie thế hệ cũ này ở độ tuổi 50, 60 vẫn sống tại các vùng như Kathmandu (Nepal), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và đặc biệt là Goa (Ấn Độ) - nơi cả trăm hippie sống, làm việc và vẫn tổ chức nhạc hội hằng tuần.
Tôi bước vào thế giới hippie - Bài 1: Cuồn cuộn trong lặng thầm 2Hippie thế hệ trẻ làm tóc dreadlocks cho nhau
Dòng chảy văn hóa hippie chậm lại từ đầu thập niên 1980, có thể là do sự thay đổi tiến bộ hơn của xã hội, cũng có thể bởi cái gì lên đỉnh cao rồi cũng sẽ dần đi xuống. Nhưng ngày nay thế giới bắt đầu hình thành một thế hệ hippie mới, tiếp nối lối sống cởi mở, hòa bình và chia sẻ của thế hệ cũ, đồng thời kết hợp với những vấn đề thời đại. Bạn sẽ ít gặp các hippie trẻ lái xe đi lang thang khắp thế giới trong nhiều năm, một phần vì bây giờ có máy bay giá rẻ, một phần vì họ không còn tách biệt mình hoàn toàn khỏi xã hội như trước đây. Hippie ngày nay không chỉ thể hiện sự quan tâm trong nhóm mà dùng nhiều hình thức, đặc biệt là công nghệ thông tin để đưa ra cộng đồng những thông điệp về các vấn đề xã hội họ quan tâm như môi trường, tôn giáo, đạo đức… Bên cạnh reggae và country music (nhạc đồng quê), ngày nay hippie trẻ tụ hội ở nhiều lễ hội âm nhạc psytrance với hàng trăm ngàn người tham gia (rất nhiều điểm diễn ra quanh năm ở Mỹ, châu Âu, Israel, Nam Phi, Ấn Độ…). Ở những lễ hội này bên cạnh chia sẻ âm nhạc, nghệ thuật, họ luôn đề cao việc bảo vệ môi trường xung quanh và nhặt rác mọi nơi mọi lúc.
Nhiều người có quan niệm sai lầm cho rằng hippie là những người chỉ biết cả ngày ngồi hút cỏ, nghe nhạc, nói chuyện tầm phào và luôn “phẫn nộ” trước xã hội nhưng không làm được gì khác; sự thật là hippie trẻ càng ngày càng quan tâm hơn đến sức khỏe của bản thân và cộng đồng, họ tìm hiểu văn hóa lối sống và tình cảm của mọi người để dung hòa và giúp đỡ khi gặp khó khăn, họ tham gia nhiệt tình và tổ chức nhiều hoạt động xã hội lớn. Trước một thế giới đa phần vẫn nặng vật chất và nhiều mâu thuẫn, nhiều luật lệ, văn hóa hippie thật sự giúp giải phóng tinh thần và tư duy của nhiều người, giúp họ sống thật hơn, đơn giản mà hạnh phúc hơn.
Tôi bước vào thế giới hippie - Bài 1: Cuồn cuộn trong lặng thầm 3Boom festival - lễ hội âm nhạc psytrance lớn nhất thế giới 
Tất nhiên không phải ai cũng sẵn sàng hoặc phù hợp với lối sống hippie. Nếu bạn là một người thích chia sẻ yêu thương, quan tâm đến mọi người, yêu và gần gũi với thiên nhiên, thích cười và hay cười, bạn là một hippie. Cái gì trở thành xu hướng cũng có điểm hay và điểm dở, hippie cũng vậy. Nhiều người coi trọng mặc quần áo thế nào, đầu tóc thế nào, cư xử thế nào cho giống hippie nhưng bản thân họ chưa hiểu và chưa sẵn sàng cho lối sống này. Điều đó cũng không có gì xấu, mỗi người chọn cho mình một cách sống riêng. Quan trọng là, như “tuyên ngôn” của người hippie, bạn sống không để thể hiện hay biểu diễn cho ai, mà sống để thật sự hiểu, để thật sự vui, thật sự chia sẻ và trân trọng cuộc sống này với tất cả mọi người, động vật, và cây cỏ xung quanh bạn.
Từ một cô gái trường làng, tôi đã bước vào thế giới hippie có phần tình cờ theo sau khóa thực tập ở New York. Tiếp theo tôi sẽ kể những trải nghiệm của mình, những đổi thay trong lối sống, trong tư duy khi từng bước dấn thân vào một thế giới mà ban đầu bản thân tôi chưa mấy hiểu biết.

Bob Marley là ai vậy ?

(TNO) Tại New York (Mỹ), rất nhiều nhà hoạt động đã từng là và vẫn là hippie, nhưng hồi đó tôi không biết hippie là gì, tôi chỉ biết mình là một 'social activist' nho nhỏ đang chập chững học đi.


Tôi bước vào thế giới hippie - Bài 2: Bob Marley là ai vậy?Tôi đi tham quan tòa nhà trụ sở Liên Hiệp Quốc
Giữa năm 2010, 21 tuổi, tôi xuất ngoại một mình lần đầu tiên, đích đến là thành phố New York nổi tiếng của nước Mỹ. Gia đình tôi thuộc dạng trung trung, bố mẹ đều làm công nhân viên bình thường, tôi học tiểu học ở trường làng, lớn lên đến lớp cũng nhiều khi ngủ gật… Nói chung từ trước đến lúc đó chưa bao giờ được đi Thái Lan chơi, chưa bao giờ mơ mộng du học, thế mà giờ được qua Mỹ! Cụm từ New York, USA nghe kêu thật là kêu. Chưa hết, lý do được đi là vì tôi thi trầy trật được cái fellowship (thực tập viên hưởng lương và được bao ăn ở đi lại) của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) có trụ sở tại New York, trao cho 6 người trên toàn thế giới chọn ra từ hơn 1.100 người. Tôi là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đoạt giải từ trước đến nay, khuôn mặt non nớt giọng nói run run đi xin visa G4 tiêu chuẩn đặc biệt của Liên Hiệp Quốc không phải xếp hàng và không cần phỏng vấn. Chân ướt chân ráo bước ra từ những chiều đá bóng với tụi hàng xóm ở mảnh ruộng rau muống sau nhà, tôi xách túi leo lên máy bay đi Mỹ - vừa sướng hoan hỉ vừa lo là đến làm họ nói mình không hiểu gì thì hỏng.
Đợt đó 5 người bạn còn lại cũng được giải cùng tôi gồm 2 bạn nữ người Fiji và Ecuador, và 3 bạn nam người Ukraine, Lebanon và Togo. Cả nhóm được sắp xếp ở tại International House, gần trường Đại học Colombia. Cái nhà này gần như là ký túc xá, nhưng là kiểu “dân lập”, có tới hơn 700 bạn trẻ sống ở đây, nhiều người học Đại học Colombia, học Đại học New York (NYU), nhiều người làm cho các tổ chức phi chính phủ, cho Liên Hiệp Quốc… Một tập thể hết sức thú vị, tràn đầy trí tuệ và năng lượng.
Về công việc, bên Quỹ họ cho từng phòng ban tới giới thiệu với chúng tôi công việc họ đang làm, và họ cần người như thế nào, chúng tôi được phép chọn bất cứ mảng nào mình thích. Tôi làm một nghiên cứu về tình trạng sức khỏe và nhân quyền của gái mại dâm tại châu Á - Thái Bình Dương; sau đó tự mình phải đi các hội thảo về vấn đề gái mại dâm do Liên Hiệp Quốc và chính phủ các nước tổ chức. Khi ở Việt Nam tôi đã làm một vài nghiên cứu và hoạt động liên quan tới Phòng chống HIV/AIDS và quyền phụ nữ, bình đẳng giới, nhưng tới khi ở Mỹ mới được học từ social activist, để chỉ những người như mình. Social activist là một người làm việc đấu tranh bảo vệ/chống lại một điều gì đó trong xã hội, ví dụ như đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc, đấu tranh bảo vệ quyền trẻ em… Rất nhiều social activist đã từng là và vẫn là hippie, nhưng hồi đó tôi không biết hippie là gì, tôi chỉ biết mình là một social activist nho nhỏ đang chập chững học đi.
Sống một thời gian, tôi bắt đầu chơi thân với Kalindy - cô bạn từ Ecuador hơn tôi 2 tuổi, và Wissam - một bạn nam từ Lebanon bằng tuổi. Wissam là người đồng tính, xã hội Lebanon rất kỳ thị người đồng tính nên trên đất New York, Wissam cuối cùng cũng được thoải mái thể hiện con người thật của mình. Cậu ấy cực yêu đời, luôn ca hát nhảy múa. Tôi nhớ có lần trên tàu điện ngầm có một cô bé con ngồi xe nôi đang khóc, Wissam với bản tính yêu trẻ nhỏ và nhiệt tình vui vẻ đã múa hát tặng cô bé. Mới hát được vài câu đầy cảm xúc, mẹ cô bé tròn mắt nhìn Wissam xua tay: “Thôi bạn ơi! Bạn hát thế này tôi cũng muốn khóc luôn!”. Từ hôm đó phải mất vài ngày cậu bạn này mới nguôi ngoai để bắt đầu hát lại giữa đám đông, đa phần ở trạm xe, công viên, trong siêu thị, hoặc trên đường đi bộ về vừa nhảy vừa hát.
Tôi bước vào thế giới hippie - Bài 2: Bob Marley là ai vậy? 2Tôi và Wissam đi Gay Pride - buổi diễu hành ủng hộ quyền của người đồng tính
Kalindy tới New York với chồng và con gái Violetta mới 11 tháng tuổi. Gọi là chồng nhưng Jorge và Kalindy sống với nhau nhiều năm mà chưa kết hôn. Hai bạn đều không tin vào hôn nhân, cho rằng nó là sự ràng buộc không cần thiết mà chỉ là hình thức thủ tục. Violetta là con gái của họ, cô bé xinh như một thiên thần, lúc nào cũng cười tươi rói như hoa. Họ quả là một gia đình “không chính thức” hết sức hạnh phúc và có một chút “kỳ quặc”. Cả Jorge và Kalindy đều làm trong lĩnh vực bình đẳng giới nên hai bạn chia nhau mỗi người trông con một cuối tuần để người kia được đi chơi thoải mái tự do với bạn bè của mình. Kalindy đã là thủ lĩnh nhiều năm trong một tổ chức đấu tranh cho quyền lợi thân thể của phụ nữ, bản thân cô ấy đã nhiều lần đi biểu tình khỏa thân với các hình vẽ và chữ viết trên cơ thể đòi cơ quan chính quyền phải quan tâm bảo vệ quyền của phụ nữ hơn.
Tôi bước vào thế giới hippie - Bài 2: Bob Marley là ai vậy? 3Kalindy, Violetta - con gái cô ấy, và tôi
Ba chúng tôi đã có rất nhiều ngày ngồi bên nhau tranh luận về chính trị, xã hội, văn hóa và cả những chuyện hôm nay ăn gì đi chơi đâu. Họ là những con người cực kỳ mạnh mẽ và thông minh, bám sát con đường đi của mình và đấu tranh không mệt mỏi cho một xã hội công bằng hơn.
Tôi đã học được rất nhiều, từ các khái niệm đến cách suy nghĩ rồi cả lối sống từ họ. Tôi học được cách vượt qua ngượng ngùng để nhảy và hát cho niềm vui của bản thân, và tôi học được sự cần thiết phải đứng lên bảo vệ lòng nhân đạo quyết liệt thế nào. Tôi còn biết được Bob Marley là ai nữa chứ! Một hôm đi ăn pizza 99 cents (99 xu một miếng - một trong các món rẻ nhất New York), Kalindy rủ tôi qua phòng chơi nghe nhạc Bob Marley. Tôi hồi đó ở nhà còn đang nghe Bức Tường, thật thà gãi đầu hỏi Bob Marley là ai. Wissam và Kalindy nhìn tôi ngạc nhiên, cười ngặt nghẽo, rồi vỗ vai động viên tôi trả tiền pizza cho cả nhóm để được nghe giảng về Bob Marley. Vậy là hôm đó được nghe vài bài hát, vài mẩu chuyện về nhạc reggae và lối sống hippie, nhưng hippie nghe thì nhiều khi không hiểu mà lại thấy “ghét” nó, gì đâu toàn người trông kỳ và nghe nhạc lạ hoắc. Sau này tôi ngẫm ra là phải được tiếp xúc và thử nghiệm nhiều trong cộng đồng mới có thể thật sự hiểu và trân trọng văn hóa này.

Ấn Độ huyền bí

(TNO) Ở Ấn Độ, tôi hiểu rằng mình yêu cái đẹp tự nhiên bình dị như thế nào. Tất cả chúng tôi khát khao một cái gì đó khác cái thế giới vật chất, nơi chúng tôi không phải tranh đấu dẫm đạp lên nhau hay chạy vội từ chỗ này tới chỗ khác để tìm những thứ tưởng là hạnh phúc.


Ấn Độ huyền bíSắc màu Ấn Độ - Jasalmer
Sống ở New York (Mỹ) vui và náo nhiệt, học được vô số điều, gặp được biết bao người bạn tốt, nhưng thật sự hồi đó tôi luôn có cảm giác mình không thuộc về New York. Nó tráng lệ thật đấy, nó luôn sôi nổi và sáng tạo và chuyển động không ngừng thật đấy, nó đa dạng đa màu đa vị thật đấy, nhưng dường như nó có quá nhiều nhà cao tầng, quá nhiều cửa kính, quá nhiều vội vàng, quá nhiều đèn sáng chói chang mà bầu trời đêm không thể tối hẳn và không bao giờ thấy sao. Ngày nào tôi cũng vui, Wissam và Kalindy là bạn thân của tôi tới ngày hôm nay, nhưng lúc đó tôi cảm thấy mình bị cuốn đi theo một cái vui mơ hồ của một thế giới tôi không hoàn toàn thoải mái trở thành một phần trong đó.
Tôi rời New York sau một thời gian sống và làm việc, tự nhủ đây là thời gian để mình khám phá bản thân, để mình tìm tòi những góc cạnh con người mình mà trước đây mình chưa gặp. Công việc tôi làm đang phát triển rất nhanh, nhưng tôi tạm gác nó sang một bên để thật sự đi tìm con người mình - một điều với tôi khi đó là quan trọng nhất. Tôi cần biết mình là người thế nào, thích gì, không thích gì, đam mê thật sự cái gì, điểm mạnh điểm yếu là gì… Vài tháng sau khi rời New York và chơi loanh quanh ở Anh, tôi bắt đầu chuyến đi bụi một mình đầu tiên, điểm tới lần này là Ấn Độ.
Yêu từ phút đầu tiên
Chưa đi bụi bao giờ mà chọn đi Ấn Độ, cũng hơi “đầu gấu”. Ở Anh được vài tháng tôi cảm thấy đã đủ cuộc sống thành thị phồn hoa, và thế là tôi quyết định luôn đi Ấn Độ, chẳng suy nghĩ gì nhiều lắm (tôi sợ nghĩ nhiều lại không dám đi nữa thì không còn gì để nói!).
Tôi đúng là chưa đi bụi bao giờ, bay từ Anh khí hậu đang là âm 2 độ C sang Ấn khoảng hơn 30 độ C, tôi vác theo một vali kéo to khủng toàn đồ mùa đông. Bước xuống máy bay tôi lo tìm ngay auto rickshaw (giống xe tuk tuk của Thái Lan) để đi tới nơi về tới chốn cho an toàn. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi ngay khi xe vừa thoát ra khỏi khu sân bay, tôi ngồi trong xe nhìn ngó đường phố con người Ấn Độ như một khách du lịch ngây ngô thật sự và cười suốt chặng đường hạnh phúc vô cùng. Tôi đã yêu Ấn Độ ngay từ giây phút đầu tiên. 
Có một cái gì đó rất khác lạ ở vùng đất này, những người du lịch bụi như chúng tôi hay gọi đó là một năng lượng (energy, vibe) đặc biệt mà chỉ Ấn Độ mới có. Sau này đi nhiều hơn tôi càng đồng ý với điều đó. Đây là một nước mà người tới chơi chỉ có thể cực yêu quý nó hoặc cực ghét nó, hai mức độ hoàn toàn đối lập như vậy, rất rất ít người nói “Ấn Độ đi cũng được không đi cũng không sao” bao giờ. Tôi biết nhiều người ghét Ấn Độ vì nó hôi bẩn, mất lịch sự, thiếu văn minh, chen chúc, nghèo đói, khổ sở… Những ngày đầu, dù yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi cũng phải vượt qua kha khá thử thách. Đi trên đường thường bị đàn ông quấy rầy hỏi câu này trêu câu kia, về nhà trọ rẻ tiền có lần nhân viên còn gõ cửa phòng tôi lúc 2 giờ sáng đòi “vào chơi”… Ở Ấn Độ sự quấy rối xảy ra thường xuyên hơn nhiều các nước khác, nhưng nếu bạn tỉnh táo và biết cách thì sẽ không quá nguy hiểm. Một cách đặc biệt hiệu quả và còn rất vui nữa là bạn tìm những người du lịch bụi khác để đi cùng, nhóm càng đông càng tốt, và kết bạn ở Ấn Độ với dân du lịch bụi khác thì đơn giản nhất trên đời.
Sau vài ngày mặc quần jeans và kéo vali, tôi bắt đầu nhận thấy mình quá nổi bật ở đây vì ăn mặc khác người nên quyết định thay đổi hoàn toàn để trở nên bình thường hơn (nhằm không bị trêu quá, thấy mình lơ ngơ họ càng trêu tợn). Tôi gửi va li, mua ba lô đeo nặng chịch như người ta, và cũng mua quần thụng alibaba rồi áo tie dye mặc như ai. Chỉ với vài đôla trông tôi đã cực kỳ hippie, ra ngoài tôi giống mọi người nên cũng dễ bắt chuyện hơn. Dần dần tôi trở nên cực kỳ thoải mái với vẻ bề ngoài và phong cách sống mới cởi mở vui vẻ gặp ai cũng như người nhà nên tôi đi đâu cũng có rất nhiều bạn. Khi bạn lang thang ở Ấn Độ một mình, ai cũng trở thành anh em và tất cả đều là người một nhà. Dân du lịch bụi ở Ấn Độ cũng rất nhiều hippie, cả thế hệ trẻ và thế hệ cũ nên văn hóa lối sống hippie dường như được hiểu ngầm giữa mọi người ở đây.
Ấn Độ huyền bí 2Lễ hội Holi ở Ấn Độ - Hampi
Khi ở Hampi tôi quen được một nhóm bạn người Đức, cũng 20, 21 tuổi như tôi, là dân sáng tác và chơi nhạc upbeat underground ở Berlin. Các bạn này trông cực hay, là hippie đời mới của Đức, không ăn mặc rách rưới mà có sự kết hợp màu sắc rất lạ mắt và nghịch, tính cách rất tốt và hiền. Chúng tôi đi cùng nhau khắp nơi ở Hampi và sau đó hội ngộ tại Varanasi. Buồn cười là khi tôi đi lòng vòng xe buýt nhiều tỉnh giữa hai địa danh này, nhóm bạn này đã đi bằng… lừa. Họ gặp một vài người gypsy (người sống du mục) đang bán một con lừa và họ đã quyết định mua để đi du lịch bằng lừa xem sao. Chán một nỗi, họ lại bị dân gypsy này “chơi đểu”. Chú lừa đã già yếu và chỉ sau một tuần, mỗi ngày đi được không xa lắm, đã ngã gục bỏ lại nhóm bạn của tôi vừa thương lừa vừa thương mình tức tối.
Ấn Độ huyền bí 3Rishikesh - miền bắc Ấn Độ
Lên tới miền bắc núi cao của Ấn Độ, ở Manali, Parvati Valley, Leh… đông dân hippie trẻ Israel vô cùng. Parvati Valley đầy rẫy các cửa hàng tiếng Hebrew, 99% người du lịch ở đây là dân hippie Israel, đa phần ở ít nhất một đến hai tháng. Họ đều chơi đàn tuyệt hay, luôn rất hài hước và đặc biệt vô cùng hiếu khách. Dân hippie Israel dù là thế hệ trẻ nhưng nhiều người để dreadlocks (kiểu tóc phổ biến của dân hippie) rất dài, và ăn mặc giống như thế hệ hippie cũ, quần áo chắp vá trông hơi rách rưới nhưng thật ra luôn có gu rất đẹp.
Tôi ở Parvati Valley một tháng chơi với những người hippie Israel, đi festival ca nhạc cùng nhau vòng vèo qua rừng thông với dòng sông mẹ Ganga (sông Hằng) chảy xiết bên cạnh, tay cầm đèn pin tay vén tán cây sợ rơi xuống nước, chân rón rén từng bước, miệng cười rúc rích, ngẩng mặt lên là thấy trăng sáng và sao lung linh qua từng kẽ lá.
Nói tới sao, tôi nhớ tới sa mạc. Thời điểm tôi nhìn thấy nhiều sao nhất và đẹp nhất là khi tôi cưỡi lạc đà một chuyến trên sa mạc Great Thar ở Jasalmer. Tôi đi cùng 6 người bạn gặp tại Jasalmer, người Canada, Đan Mạch,Thụy Điển và Anh. Mỗi người một con lạc đà chở theo nhiều hành lý để nấu ăn trên đường luôn, đi xuyên sâu vào sa mạc ngủ một đêm trên cát. Các bạn nữ trong nhóm rất hớn hở trong khi có 3 bạn nam loay hoay mãi không ngồi yên vì mặc quần hơi bó và khi ngồi lạc đà thì bị bí. Tôi người nhỏ và chú lạc đà của mình còn chở hẳn 4 cái chăn to đùng ngay sau lưng làm điểm tựa nên vừa cưỡi vừa ngả lưng nghỉ ngơi, rất sướng. Mấy chú lạc đà bình thường rất dễ thương nhưng đến khi chúng phì nước bọt thì bạn ngồi sau sẽ lĩnh đủ. Đêm đó chúng tôi đốt lửa giữa sa mạc mênh mông, cùng 4 người dân bản địa đánh trống chơi đàn và hát hò hăng say các bài hát của dân du mục sa mạc nơi đó. Tới đêm rét run mỗi người vài lớp chăn nằm cạnh nhau ngắm sao, dải ngân hà rõ mồn một, lúc đầu mấy đứa còn hét toáng khi thấy sao băng nhưng rồi nhiều quá nên thôi, chỉ biết nằm thả mình trong tĩnh lặng của không gian và thời gian.
Ấn Độ huyền bí 4Chiều tà - cưỡi lạc đà trên sa mạc Great Thar - Ấn Độ
Để trông có vẻ như một hippie, bạn chỉ cần vài đôla đi loanh quanh mấy cửa tiệm bán đồ cho dân du lịch bụi ở Ấn Độ, Nepal hay thậm chí Thái Lan để mua một mớ “phụ kiện”. Để thật sự sống là một hippie lại là câu chuyện hoàn toàn khác.
Ở Ấn Độ, tôi hiểu rằng mình yêu cái đẹp tự nhiên bình dị như thế nào. Tôi đã ứa nước măt ngắm nhìn hoàng hôn từ một ngôi đền cao hơn 700 bậc thang tại Hampi; tôi đã nhảy múa và học vẽ henna hàng tiếng đồng hồ với tụi trẻ con mắt to tròn tôi vô tình gặp dưới tán cây một ngày nắng ở Pushkar; tôi đã gặp hàng trăm người bạn mới từ mọi nơi trên thế giới với những buổi trò chuyện thâu đêm về tự do là gì và làm thế nào để tìm được sự thật của mọi vấn đề dưới bao lớp bụi phủ dầy. Tất cả chúng tôi khát khao một cái gì đó khác cái thế giới vật chất, nơi chúng tôi không phải tranh đấu dẫm đạp lên nhau hay chạy vội từ chỗ này tới chỗ khác để tìm những thứ tưởng là hạnh phúc… Tất cả điều đó không có nghĩa gì nhiều. Chúng tôi đam mê trải nghiệm, chúng tôi tôn thờ tự do. Vào thời điểm đó, với tôi tự do là phá bỏ hoàn toàn tất cả những gì tôi đã từng biết, văn hóa và xã hội tôi đã từng thuộc về, để sống một cuộc sống không ràng buộc không tài sản, một cuộc sống du mục đúng nghĩa. Ấn Độ qua bao năm nay vẫn là một thời kỳ đẹp của cuộc đời tôi, tôi đã thật sự hạnh phúc - một niềm hạnh phúc vô tư trọn vẹn trong sáng không tính toán ngày mai.

Châu Phi của tôi

(TNO) Tại Israel, tôi chợt giật mình khi nhận ra rằng tiền và cuộc sống có phần dễ dàng ấy có một sức hút lớn. Càng kiếm được tiền nhanh và dễ, bạn càng muốn kiếm được nhiều hơn, và bị cuốn theo nó khi nào không hay.


Châu Phi của tôi 1Cảng Haifa, Israel
Sau nửa năm ở Ấn Độ, tôi khánh kiệt không còn một xu. Không phải vì mình tiêu nhiều mà vì từ ban đầu mình đi đã không có đủ tiền, nên dù tiết kiệm thế nào, ăn ngủ đi rẻ ra sao thì kết cục cạn túi là không tránh khỏi. Tuy nhiên, “trời thương người tốt”, tôi đã may mắn có cơ hội sang Israel ngay sau đó và xin được visa làm việc. Loay hoay xin việc một hồi cũng vào làm được ở một số công ty công nghệ, trong khi mình không biết chút xíu gì về công nghệ, nhưng tôi đoán là vì tiếng Anh khá và họ thấy mình cũng “dễ chơi”. Ở nơi nào làm được vài tháng tôi cũng được thăng chức, từ nhân viên quèn lên quản lý, nói chung mọi thứ suôn sẻ đáng kinh ngạc. Tiền lương của tôi mỗi tháng rất cao và tôi để dành được một khoản khá lớn sau một thời gian không dài ở Israel. Cuộc sống ở Tel Aviv lại rất tuyệt vời với bờ biển dài đẹp thơ mộng, Jaffa kiến trúc cổ kính và nhiều gallery nghệ thuật rất hấp dẫn, người dân Israel thông minh, vui tính, tốt bụng… Thật sự không có gì để chê.
Vấn đề là, tiền và cuộc sống có phần dễ dàng ấy có một sức hút lớn. Càng kiếm được tiền nhanh và dễ, bạn càng muốn kiếm được nhiều hơn, và bị cuốn theo nó khi nào không hay. Sau một thời gian ở Israel, tôi bắt quả tang bản thân mình nghĩ “Chà, nếu mình ở đây thêm từng này tháng, mình sẽ kiếm được từng này, không ở đâu có thể kiếm nhiều như vậy…” và nổi giận với bản thân. Cuối cùng tôi phải đưa ra một con số vừa đủ và hợp lý là cái đích, một khi đạt tới tôi sẽ phải dừng chặng đường Israel lại để đi tiếp. Sau một năm rưỡi, cuối cùng tôi cũng đạt cái đích này. Để bỏ một cuộc sống nhiều hứa hẹn như vậy cũng đòi hỏi rất nhiều quyết tâm. Nhưng ước mơ là ước mơ, lục địa đen châu Phi luôn là ước mơ lớn nhất của tôi từ sau Ấn Độ, và tôi nhất định phải hiện thực hóa nó. Vậy là, một ngày đẹp trời, tôi xách ba lô 15 ký bắt xe buýt đi từ Tel Aviv tới Eilat, và từ đó qua biên giới tới Sinai - Ai Cập.
Tôi đi 6 nước ở châu Phi dọc bờ Ấn Độ Dương trong vòng gần 5 tháng. Châu Phi là một câu chuyện rất khó kể, vì với tôi nó là khoảng thời gian tôi đi sâu vào nội tâm và khám phá nhiều điều kỳ bí của bản thân nhất mà tôi bỏ quên, tôi chưa biết, hoặc tôi quá bận rộn hướng ra bên ngoài nên chưa nhận ra. Ở châu Phi rất khó tìm bạn đi cùng. Đa phần dân du lịch ở đây là các cô chú bác trung niên người Mỹ và châu Âu, chủ yếu đến để làm một tour ngắm nhanh chóng các loài động vật hoang dã. Họ thường ăn mặc rất nghiêm chỉnh và chuẩn đồ Nike, North Face, máy ảnh lens dài 3 gang tay. Họ cũng rất tốt và vui vẻ, nhưng để đi chơi cùng nhau thì hơi khó, vì đa phần họ đi theo một đoàn rất đông và những mối quan tâm của chúng tôi không giống nhau mấy. Đơn giản như việc tôi vẫn lang thang châu Phi với mấy cái quần mỏng dính đũng ngang gối, dép lê loẹt quẹt và cầm theo chiếc máy ảnh kỹ thuật số cũ rích tôi mua $100 ở Mỹ cách đó 3 năm. Nhưng cũng nhờ có vậy, tôi có rất nhiều thời gian học cách ở một mình. 
Châu Phi của tôi 2Đi cho đại bàng ăn trên chiếc thuyền gỗ độc đáo ở Cape Maclear, Malawi
Nếu phải chọn một nước, tôi nhất định chọn Malawi. Malawi nhỏ xíu thôi nhưng đẹp vô ngần. Hồ Malawi là một trong những hồ lớn nhất thế giới, phản chiếu bầu trời xanh ngắt đến chói chang. Vùng đồi núi Malawi đẹp, tuy khác, nhưng không kém đồi núi ở Ấn Độ. Đặc biệt là con người Malawi, chân thành, tốt bụng, nhiệt tình đến kinh ngạc. Đã quen với việc phải xù gai để không bị bắt nạt thì khi tới Malawi tôi đã rất bất ngờ với con người nơi đây. Nhà trọ tôi đến hôm đầu tiên ở Malawi có một chú trông coi 24/7. Nói chuyện với chú một hồi thì biết chú đang làm việc để kiếm tiền đi học đại học, tôi không nhớ chính xác con số là bao nhiêu nhưng tôi nhớ nghe chú tính toán thì xem ra phải hơn chục năm nữa mới may mắn kiếm được nửa số tiền. Ấy vậy, chú rất hào hứng khoe tôi chú đang chăm chỉ trồng khoai nữa, khoai mà được thì ra ngoài bán cũng có thêm tiền, nhưng nếu tôi đói thì cứ bảo chú nhổ khoai nấu cho tôi ăn miễn phí. Ôi chao!
Ở Tanzania tôi cũng lon ton đi safari 3 ngày 2 đêm, ở Serengeti và Ngorongoro - khu hệ sinh thái hoang dã lớn nhất thế giới. Quả là một trong những khoảng thời gian quý giá nhất của cuộc đời tôi, được ngắm nhìn thiên nhiên gần gũi và chân thực nhất. Tôi tận mắt chứng kiến cuộc rượt đuổi săn mồi của hai chú báo dũng mãnh, đứng ngay cạnh một đoàn lớn khoảng 20 con voi già trẻ đầy yêu thương, ngước mắt nhìn hàng chục chú hươu cao cổ ăn lá chậm rãi thư thái, rượt theo mấy cô cậu hà mã ục ịch đuổi nhau và nghịch bùn lấm lem, ngắm một vài trong số những chú tê giác đen quý giá hiếm hoi còn lại trên thế giới, choáng ngợp trước hàng trăm ngàn con linh dương (wildebeest) chung sống một nhà, và hoàn toàn bị chinh phục khi được dõi theo một gia đình sư tử với một sư tử đực và ba sư tử cái chạy đuổi nhau chơi đùa ngập tràn tự do và hạnh phúc trên cánh đồng cỏ vàng rực cháy nắng Phi châu. 
Châu Phi của tôi 3Khi có các bạn động vật thì không được ra khỏi xe Jeep, chỉ khi không có ai mới chạy ra chụp được (ở Serengeti và Ngorongoro - Tanzania)
Bên cạnh những câu chuyện đẹp như mơ là những khoảng thời gian khó khăn thử thách tôi chưa bao giờ đối mặt trước đó. Khi qua biên giới từ Ethiopia đến Kenya, chẳng may vào mùa mưa, tôi đã rất vất vả chen chúc chui lên được một chiếc xe tải ngồi với hàng chục người địa phương dưới tấm vải nilon nóng bức như chở… heo. Đó là rất may mắn rồi đấy! Nóng quá không chịu được, tôi trèo lên ngồi ngay trên nóc chỗ người ta ngồi lái, bám vào cái khung ở đó cưỡi xe tải như phim, gió lồng lộng thổi tưởng bay đi mất, mưa thì lại hì hục chui xuống trốn. Tưởng thế là xong, ai dè đi được một ngày tới chiều tối xe mắc bùn, kẹt luôn không đi nổi. Mọi người chung tay đào đất đẩy xe nhưng không được. Vậy là ngủ trong xe cả tối bụng đói meo, nửa đêm nghe tiếng linh cẩu gầm gừ ngay thành xe, chúng ngửi thấy mùi người nên từ đâu mò tới dọa nạt. Sáng hôm sau dậy đi quanh mới thấy hóa ra có tới gần 5 xe tải bị kẹt ở đây. Chúng tôi lếch thếch lôi nhau đi bộ cả chục cây số tới được một cái làng nhỏ, ít ra có giường ngủ, thỉnh thoảng tắm mưa, và có một quán ăn không có gì khác ngoài cơm và mỡ. Gần 200 con người cả người già trẻ con bị tắc ở đây 5 ngày dần cũng quen biết nhau, trò chuyện, chia sẻ, và mỗi ngày đều hỏi trêu nhau một câu quen thuộc “Ơ bạn vẫn chưa thoát à?”. Đến ngày thứ 6 may mắn người ta gửi xe Jeep đến và tôi lại phải tranh đấu để lên được xe rời khỏi cái nơi mà không ai biết là đâu đó.
Rồi còn chưa kể đến những vùng hẻo lánh không có một khách du lịch nào, như Lamu ở Kenya, Zanzibar đi sai mùa ở Tanzania, ở một hòn đảo Jungle Junction ở Zambia, và nhất là lần ở Monkey Bay - Malawi. Lần ấy, tôi tới nơi mò mẫm đi tìm nhà trọ theo chỉ dẫn của cẩm nang Lonely Planet. Đi lòng vòng, ngoắt nghéo, qua một dãy núi, một cánh đồng, vòng vèo một hồi cũng đến nơi. Nhà trọ làm bằng gỗ (ở bên đó họ hay làm bằng gỗ, không phải loại xịn và đắt như ở thành thị mình đâu), gồm nhiều căn cấp 4 cạnh nhau trên bờ biển cát trắng rất đẹp và thanh bình. Không gian yên tĩnh và hòa với thiên nhiên, cả nhà trọ không sử dụng điện, nói chung đến nơi tôi rất sung sướng, mặc dù ngoại trừ tôi và hai người làm việc ở đó chẳng có ai khác nhưng tôi hào hứng có cả bãi biển cho bản thân. Lấy được giường ngủ ở dorm (phòng rộng nhiều giường ngủ cho rẻ), tôi vừa đặt lưng xuống là đánh luôn một giấc sâu vì mệt quá. Đến lúc dậy cũng phải hơn 10 giờ, trời đã tối om, nửa mơ nửa tỉnh, bụng đói, tôi ra ngoài xem có gì ăn uống không. Nhưng kinh ngạc thay, sau một hồi tìm trong vô vọng, gào thét khản cả tiếng không có ai trả lời, tôi mới hiểu người ta làm xong đã đi về hết cả, chỉ còn mỗi mình ở giữa nơi biển không mông quạnh giữa rừng giữa núi này và chẳng-hề-có-một-ai-khác. Run run nhận ra sự thật, tôi ngước lên may mắn thấy ánh trăng tròn tỏa sáng dịu dàng dẫn lối, ngồi nghịch cát một hồi nhìn trăng cho lòng bình tâm lại, tôi chui vào phòng (và không có khóa) ngồi thắp nến cố gắng thiền, thỉnh thoảng miệng lẩm nhẩm hát, xui xẻo là vì đã ngủ một giấc đẫy trước đó nên giờ phải ngồi lo lắng sợ hãi một lúc lâu mới dần ngủ lại được. Sáng hôm sau thật sự quá đỗi hạnh phúc khi thấy mặt trời lên và hai người bạn hôm qua lại xuất hiện, như chưa có điều gì xảy ra! 
Châu Phi của tôi 4Trẻ con từ đâu chạy ra mà đông quá nè ?!! (ở miền Nam Ethiopia)
Đó là châu Phi của tôi. Nơi bức tranh đen trắng, tối sáng, giàu nghèo, tốt xấu được vẽ hòa quyện vào nhau rất điêu luyện, rất nghệ thuật nhưng lại giản dị và có phần ngây thơ đến lạ lùng. Đó cũng là điều tôi học được về bản thân, trong con đường trở thành một hippie thực thụ. Tôi cũng là tổng hợp của những điều đối lập, điều quan trọng là phải tìm được sự cân bằng giữa các cực ngược nhau. Châu Phi cho tôi quá nhiều bài học sâu sắc khiến tôi thay đổi toàn bộ kế hoạch của mình để về nhà dành thời gian suy ngẫm. Đã có một thời gian tôi bị cuốn theo cái mác “hippie” mà tôi chưa thật sự hiểu để biến nó thành mình, chứ không phải biến mình thành nó. Một thời gian tôi từ chối tất cả các giá trị cũ, những gì tôi đã học đã biết, để chạy theo các bài học mới, các giá trị mới. Tôi chưa bao giờ hối tiếc, vì nhờ có chúng mà tôi phát triển được đến ngày hôm nay, nhưng chặng đường còn quá dài và “chối bỏ” hay “chạy trốn” một cái gì đó để “đuổi theo” một cái gì khác không phải là cách làm đúng đắn. Ấy, nhưng mà này, bạn cũng phải tự làm sai thì bạn mới học được, chứ đừng tin luôn lời tôi tào lao nhé! Nghe biết chơi vậy thôi!

Tôi đi tìm lối sống mới

(TNO) Chuyến đi lần này của tôi là một hành trình hoàn toàn khác, hành trình không hướng ra ngoài mà hướng vào nội tâm. Một hành trình tìm hiểu và học yêu thương bản thân một cách trung thực và trọn vẹn.


Tôi đi tìm lối sống mớiLớp học tại Thiền viện Kopan, Kathmandu, Nepal
Cuối 2013, tôi quay lại sống ở Việt Nam sau nhiều năm “lang thang” thế giới. Tôi không biết mình sẽ làm gì, tôi không biết mình có thể hòa nhập được với cuộc sống ở đây không. Sự thật là nó không hề đơn giản, một năm sau tôi lại sắp xếp đồ đạc “lang thang” tiếp vì tôi chưa sẵn sàng dừng lại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tôi bắt đầu đọc nhiều về thế giới “tâm linh”, và học được vô vàn bài học quý giá. Chuyến đi lần này của tôi không chỉ là sự di chuyển từ nơi này sang nơi khác, không chỉ là bắt chuyện làm quen với bạn bè mới từ khắp nơi, không chỉ là thử thách mình có thể đi bộ bao xa với ba lô nặng 15 ký, có thể chịu tắm nước lạnh cóng bao lâu, nhìn ngắm phân tích bao nhiêu về xã hội và văn hóa vùng miền… 3 năm lang thang trước đây đã cho tôi tất cả những điều đó. Và chuyến đi lần này là một hành trình hoàn toàn khác, hành trình không hướng ra ngoài mà hướng vào nội tâm. Một hành trình tìm hiểu và học yêu thương bản thân một cách trung thực và trọn vẹn.
Một lối sống - tư duy mới
Tôi không hề bàn về thế giới tâm linh của ma quỷ và thần thánh. Khái niệm spirituality tôi cảm thấy còn khá xa lạ với người Việt Nam, mặc dù thực ra lối sống của đa phần người Việt Nam lại rất gần gũi với khái niệm này. Giới trẻ tiên tiến ở nhiều nước dần xa rời lối sống vật chất, vì họ nhận ra nó không thật sự đem lại bình an và hạnh phúc bền lâu. Họ tìm đến spirituality - nơi họ tiếp nhận cách sống và tư duy khác. Spirituality là một cuộc chiến lâu dài chống lại lối suy nghĩ "ca ngợi bản thân” (self-cherishing thoughts), không chạy theo phục vụ danh lợi hay hạnh phúc cá nhân, mà đề cao sự thay đổi bản thân để hòa nhập và bình an trong cộng đồng (bạn có thể đọc thêm bài viết Văn hóa Hippie- dòng chảy thầm lặng). Ví dụ, một ai đó làm bạn tức giận. Bình thường, theo thói quen, bạn sẽ đánh giá người đó làm cái này hay cái kia sai, và vì thế bạn có lý do và quyền phản ứng một cách tiêu cực (tức giận, chỉ trích, xa lánh …).
Tuy nhiên, spirituality hướng bạn đánh giá bản thân chứ không đánh giá người khác. Vì sao bạn tức giận với họ? Bạn nghĩ bạn có thể làm việc đó tốt hơn người ta? Bạn nghĩ người ta không tôn trọng, hiểu hay thông cảm cho bạn? Người ta làm bạn đau, người ta làm bạn tổn thương? Dù là lý do gì đi chăng nữa, bạn sẽ luôn thấy suy nghĩ “ca ngợi bản thân” ở trong đó. Dường như với mỗi người chúng ta, bản thân ta là quan trọng nhất. Dường như tất cả mọi hành động và suy nghĩ chúng ta có đều hướng về lợi ích cho bản thân. Ở một mức độ cao hơn và “nghệ thuật” hơn, bạn yêu quý và quan tâm đến bạn bè và gia đình của mình, vì họ là hạnh phúc của bạn. Bạn không hẳn quan tâm đến hạnh phúc của người khác nếu họ không liên quan gì đến bạn… Bằng cách nhìn nhận và đánh giá bản thân này, dần bạn sẽ thấy mình rất ích kỷ và vụ lợi. Dần bạn thấy bạn tức giận người khác là lỗi của bạn chứ không phải vì người ta sai. Mục đích của cuộc sống dần trở thành để giữ hòa khí và giúp đỡ người khác khi cần, loại bỏ “ca ngợi cá nhân” và học ca ngợi người khác, loại bỏ cái khung sợ hãi “tôi bị thiệt, tôi không thể hạnh phúc nếu thiếu A B C” và học để thỏa mãn và hạnh phúc trong bất cứ trường hợp nào.
Tháng 11.2014 tôi sống ở Thiền viện Kopan, Kathmandu (Nepal) một tháng, học đạo Phật nguyên thủy Tibet. Mỗi tháng 11 hằng năm, Thiền viện Kopan tổ chức khóa học này cho người nước ngoài học về Phật giáo Tibet. Ngày càng nhiều người từ Úc, Canada, Mỹ, Nga, Châu Âu, Israel… đến học, độ tuổi từ 18 đến 60, cả nam và nữ. Tôi không theo đạo, và spirituality không phải là và cũng không đi theo một đạo nào. Tôi đi học Phật giáo Tibet để mở rộng hiểu biết và học những cách mới để loại bỏ suy nghĩ “ca ngợi cá nhân” của mình. Một trong những lời khuyên tôi thích từ Phật giáo là, dù trong hoàn cảnh nào, dù người khác làm gì, bạn cũng nên luôn tin rằng người ta đã cố gắng hết sức và làm chính xác điều người ta cần và có thể làm. Lời khuyên đơn giản nhưng vô cùng khó thực hiện, đặc biệt là khi bạn cảm thấy hành động hay lời nói của người kia ảnh hưởng lợi ích và hạnh phúc của bạn (nhưng đừng quên, bài học số 1 là không ai quyết định hạnh phúc của bạn ngoại trừ bản thân bạn). Chúng ta không biết về cuộc sống của nhau, dù là vợ chồng hay bạn thân hay cha mẹ con cái, chúng ta không ai có thể sống thay nhau hay nhìn thấu suy nghĩ của nhau. Tôi cho rằng ai cũng cố gắng sống theo cách họ hiểu là tốt nhất, là đem lại hạnh phúc. Dù họ có gây hại thế nào, đó cũng là cách họ hiểu để sống, phụ thuộc vào quá khứ tuổi thơ, gia đình, bạn bè, xã hội, học vấn, trình độ, hoàn cảnh hiện tại… Nếu bạn là họ, bạn cũng sẽ làm như vậy. Vì bạn không phải là họ, và bạn dựa theo một số quy tắc đạo đức nhất định (vì bạn có điều kiện học, hiểu, và áp dụng chúng) không có nghĩa bạn có quyền chỉ trích, coi thường và phản ứng tiêu cực với họ.
Tôi đã đặt câu hỏi “Nếu người ta phạm tội ác thì sao?”. Rõ ràng tôi có thể can thiệp. Nhưng lối suy nghĩ mới sẽ giúp tôi can thiệp theo kiểu khác. Không tách riêng tôi và người phạm tội, không phải tôi tốt hơn và bạn sai nên bạn phải nghe tôi, bạn phải chịu hình phạt. Tôi nhận thấy người làm điều “sai”, điều “xấu” xuất phát từ những suy nghĩ sai và hiểu lầm của họ (mà họ tin là đúng), và họ cũng phải chịu không kém dằn vặt, suy nghĩ, khổ sở… Với cách hiểu này tôi sẽ không có suy nghĩ “ca ngợi cá nhân”, tôi can thiệp vì tôi hiểu và cảm thông và thật sự muốn giúp đỡ.
Quỳnh Nguyễn

10 “thánh địa” của các hipster trên thế giới

Chắc chắn khá nhiều người trong chúng ta có định kiến với khái niệm Hipster. Thực chất Hipster là từ dùng để chỉ người đi theo xu hướng thời trang mới nhất nhưng lại đi ngược với những quy luật truyền thống. Dưới đây là danh sách 10 thành phố được trang The Richest xếp hạng đi đầu trong trào lưu văn hóa này.


Trong vài năm gần đây, văn hóa Hipster trở nên ngày càng phổ biến. Và dù bạn có biết đến Hipster hay không thì chắc chắn mỗi người cũng sẽ đều có cho mình một vài món đồ của trào lưu này như quần skinny, râu quai nón, dòng nhạc indie. Những người đi theo trào lưu này có sở thích về bia được làm thủ công và tự kinh doanh nhỏ.
10. San Francisco, California, Mỹ 
10 “thanh dia” cua cac hipster tren the gioi

San Francisco, đặc biệt ở quận Mission, chính là thiên đường của văn hóa Hipster. Cũng giống như các nơi khác trong danh sách này, quận Mission từng là một thị trấn nghèo, phần lớn là người lao động.
Tại đây có rất nhiều lễ hội, trung tâm nghệ thuật, nhà hàng hay các quán bar được trang trí bởi những bức vẽ về người dân sống ở khu vực này. Không chỉ có vậy, những bức tường và hàng rào ở quận Mission được lấy cảm hứng trừ bức vẽ truyền thống của người Mexico.
9. Tokyo, Nhật Bản
10 “thanh dia” cua cac hipster tren the gioi

Khi nhắc đến Tokyo, du khách có thể sẽ không nghĩ đến văn hóa Bô-hê-miêng và Hippie. Thay vì hình dung ra cảnh những con phố đông đúc và đèn đường rực rỡ thì những trào lưu này chính là một phần của Tokyo.
Chỉ cần một chuyến tàu ngắn, du khách sẽ tìm thấy được khu phố Shimokiatazawa  hay còn được người dân địa phương gọi với tên khác là Shimokita. Đây là đi đầu về nơi trào lưu Hipster trong nhiều thập kỉ nay, và cho đến ngày nay, tại đây có rất nhiều nơi để ghé thăm như các cửa hàng thời trang vintage, cửa hàng bán băng đĩa nhạc, những rạp chiếu phim nhỏ, nhạc sống và nhiều hơn nữa.
Shimokita cũng là một nơi rất nhiều màu sắc, với vô số bức tranh tường và nghệ thuật đường phố. Không có gì đáng ngạc nhiên đối với người Nhật và du khách quốc tế khi khu phố này khá nổi tiếng với những người theo trào lưu Hipster.
8. Copenhagen, Đan Mạch
10 “thanh dia” cua cac hipster tren the gioi

Copenhagen đang nhanh chóng trở thành một trong những điểm đến về ẩm thực hàng đầu châu Âu, tại đây có rất nhiều các nhà hàng, quán cà phê nổi bật được đặt ở vị trí phong cách nhất của thị trấn - Norrebro.
Tại Norrebro, bạn sẽ tìm thấy Jaegersborggade, đó là ngôi làng nhỏ của các nghệ sĩ, các nhà hoạt động về môi trường và ẩm thực. Khu vực này trước đây không đi theo trào lưu như bây giờ cho đến khi  có sự xuất hiện của quán cà phê Collective nổi tiếng với cà phê rang xay, và Noma -  nhà hàng đã được xếp hạng là nhà hàng tốt nhất trên thế giới bởi tạp chí Restaurant.
7. Hensiki, Phần Lan
10 “thanh dia” cua cac hipster tren the gioi

Được tách ra từ trung tâm thành phố Helsinki bởi con đường Siltasaarenkatu sau đó đi qua một cây cầu, du khách sẽ tìm thấy khu phố mang  tên Kallio. Cây cầu ở đây tượng trưng cho sự phân chia giữa tầng lớp tư sản và các người dân lao động Kallio.
Chính vì Kallio là khu của người lao động nên giá thuê nhà ở đây cũng rẻ hơn so với những nơi khác trong thành phố. Hầu hết các căn hộ đều nhỏ, phù hợp với những người trẻ tuổi, độc thân, đặc biệt là với học sinh và nghệ sĩ.
Tuy nhiên, do dân số khu vực ngày càng nên giá thuê cũng tăng theo. Kallio ngày càng nổi tiếng là nơi phóng túng và tự do. Ở đây có số lượng lớn các cửa hàng độc, nhà hàng và phòng trưng bày cho người dân đến thưởng thức, bên cạnh đó còn có những cửa hàng bán đồ người lớn và  các quán bar sôi động.
6. Seattle, Washington, Mỹ
10 “thanh dia” cua cac hipster tren the gioi


Du khách chắc chắn sẽ bất ngờ khi Seattle, thành phố của Starbucks và dòng nhạc Grunge lại lọt vào danh sách này.
Seattle được biết đến là một trong những nơi tào lưu hipster lớn nhất ở Mỹ. Đây không chỉ là nơi  đi đầu các xu hướng thời trang hiện đại, vui chơi  giải trí, du khách có  thể bắt gặp những người đàn ông râu quai nón, mặc một chiếc skinny jeans ở Capitol Hill, là tâm điểm của phong cách ngầu này.
Và một điều chắc chắn, không có thành phố hipster nào có thể thiếu được các loại bia thủ công hoặc dây chuyền sản xuất bia, và Seattle có cả hai thứ trên. Du khách  có thể chọn một chuyến thăm quan nhà máy bia và được đi bằng một chiếc xe đạp 16  chỗ. Điều này chỉ có thấy ở  Seattle.
5. Montreal, Canada
10 “thanh dia” cua cac hipster tren the gioi

Không có gì ngạc nhiên khi khu phố Mile End tại Montreal thường được gọi là thủ đô Hipster của Canada. Các nghệ sĩ như Mordecai Richler và ban nhạc Arcade Fire đều đã bắt đầu sự nghiệp của mình ở đây. Đối với nhiều người, đi bộ xung quanh khu phố gợi nhớ cho họ về Brooklyn, New York.
Các nghệ sĩ có thể được bắt gặp trên mọi góc phố, trong đó phải kể đến nhà máy lốp xe cũ. Tất cả những gì liên quan đến sáng tạo đều có thể tìm thấy ở đây.
Và chắc chắn khu vực dành cho các hipster sẽ không trở nên hoàn thiện nếu thiếu những nhà hàng phục độc đáo. Mile End có tất cả những điều đó và hơn thế nữa. Tại đây có một tiệm bánh mang tên Mi và Stu, chuyên về các sản phẩm không sử dụng đường và sữa.
4. Stockhom, Thụy Điển
10 “thanh dia” cua cac hipster tren the gioi

Quanh co qua các đường phố của Sodermalm có một khu phố nằm ở Stockholm, Thụy Điển, nơi mà du khách sẽ bắt gặp các cửa hàng vintage, cửa hàng chuyên bán đồ "độc", phòng tranh và các nhà hàng và quán bar đồ uống tuyệt hảo.
3.Riga, Latvia
10 “thanh dia” cua cac hipster tren the gioi


Từ Miera Iela được dịch ra là khu phố của sự hòa bình. Điều này khá kì lạ khi nó được đặt tên cho khu phố của các Hipster. Khu phố này không nằm ở San Francisco hay Portland hoặc thậm chí không bất cứ nơi nào ở Tây Ban Nha mà nó thuộc Riga, Latvia. Đi dạo quanh khu Miera Iela bạn chắc chắn sẽ bắt gặp những phòng triển lãm tranh, của hàng quần áo vintage, những nhà hàng chơi nhạc acoustic và nhiều hơn thế nữa.
Nhưng đừng nghĩ rằng khu phố hòa bình này là thiên đường duy nhất của hipster  tại  Riga. Thực tế, trào lưu văn hóa này đã nổi lên ở nhiều nơi ở Riga, đa phần là những khu vực của thành phố vốn đã bị lãng quên. Đối với những người trẻ sáng tạo thì đây như một thử thách. Họ biến nơi này trở nên xinh đẹp, ấm cúng hơn mọi người có thể dành nhiều thời gian giao lưu và thư giãn.
2. Berlin, Đức
10 “thanh dia” cua cac hipster tren the gioi

Trào lưu Hipster đổ về Berlin và khu vực Kreuzberg trở thành vương quốc của Hipster.
Từ một khu vực rất nghèo và khó khăn, Kreuzberg dường như đang trở mình sống lại, với nghệ thuật đường phố, các quán dành cho khách sành cà phê và những quán bar thời thượng, tất cả đều nhằm phục vụ cho giới trẻ và những người sành điệu. Đối với nhiều người, đây thực sự là một sự thay đổi thú vị.
1.Brooklyn, New York, Mỹ
10 “thanh dia” cua cac hipster tren the gioi

Một số người đã nhận định rằng Brooklyn, đáng chú ý nhất là khu phố Williamsburg, chính là trung tâm của kinh đô Hipster tại Mỹ.
Williamsburg có 113.000 cư dân thuộc các nhóm dân như người Mỹ gốc Phi, người Ý, người Do Thái, Dominica. Khu vực này có giá thuê phải chăng, điều này đã thu hút rất nhiều nghệ sĩ  với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Ngày nay, Brooklyn được coi là nơi có ảnh hưởng lớn tới dòng nhạc indie rock, thậm chí là quê hương của dòng nhạc điện tử.
Hạnh Chi (theo The Richest) 

Không có nhận xét nào: