Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

Cuộc sống của thổ dân đảo Papua

Thị trấn Nabire, đảo Papua, là nơi sinh sống của nhiều thổ dân Indonesia với chế độ mẫu hệ và phương thức săn bắt hái lượm vẫn còn phổ biến.

Papua là tỉnh rộng nhất của Indonesia, bao gồm phía Tây của đảo New Guinea và nhiều đảo xa bờ thuộc vùng biển phía Tây Nam Thái Bình Dương, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới.
 
Thổ dân ở đây thường sống rải rác trong rừng dọc theo bờ biển Nabire và lưu vực các dòng sông. Thị trấn Nabire nằm cạnh vịnh Cendrawasih ở bờ biển phía bắc của tỉnh Papua, cách thủ đô Jakarta của Indonesia khoảng 3.200 km về phía đông, được bao quanh bởi các dãy núi và rừng rậm.
 
Đây là khu vực ít được thám hiểm nhất trên thế giới, không chỉ về địa lý mà còn về văn hóa. 
 
Sự tồn tại nhiều tộc người trong cùng một vùng lãnh thổ khiến nơi đây có đến hàng trăm nhóm văn hoá khác nhau.
 
Chính vì sự đa dạng này, mỗi nhóm đã tạo ra các hình thức thể hiện riêng của mình trong nghệ thuật, nhảy múa, vũ khí, trang phục, ca hát, âm nhạc, kiến trúc…
 
Đa phần các nhóm văn hoá khác nhau đều sở hữu một thứ ngôn ngữ riêng. Các ngôn ngữ phổ biến chung ở đây gồm thổ ngữ, tiếng Indo phổ thông và tiếng Anh.
 
Các tộc người đều có nhiều lễ nghi địa phương nhiều màu sắc. Họ sơn mình, mặc lông chim, đeo ngọc trai và da thú, chạm khắc hoa văn lên mũi tên, thuyền… để thể hiện tinh thần của các loài chim, cây hay núi non theo tín ngưỡng riêng của mỗi dân tộc.
 
Mật độ dân cư ở đây thưa thớt, nhiều tộc người thường tập trung thành các làng và sinh sống theo kiểu tự cung tự cấp. Thức ăn chủ yếu từ săn bắt hái lượm. Hoạt động thương mại được tập trung ở các thị trấn chủ yếu do người Hoa quản lý.
 
Vào thứ 5 hàng tuần trên đảo có chợ động vật hoang dã, động vật săn bắt được chở về đây buôn bán tập trung.
 
Những con thú săn được chở đến bằng thuyền để trao đổi, mua bán và có giá rẻ hơn thú nuôi. Những người có kỹ năng săn bắt, trồng cấy và đánh cá rất được tôn trọng.
 
Ngoài các con thú, người dân cũng mang đến bán tại chợ những sản vật địa phương tự trồng được. Hầu hết người dân ở đây đều tỏ ra thân thiện và vui vẻ.
 
Từ Việt Nam, nếu muốn tới đây bạn phải trải qua ba chặng bay và mất khoảng 13 giờ. Nếu khởi hành từ TP HCM bạn phải đến Jakarta (mất khoảng 2 tiếng rưỡi), sau đó mua vé đi Nabire, Papua, qua 2 sân bay nội địa mất khoảng 10 tiếng nữa. Tổng giá vé một chiều khoảng 30 triệu đồng.
 
Lê Thương
Ảnh: Nguyễn Lâm Anh Tuấn

Không có nhận xét nào: