Trong tủ kính phòng khách của những người dân Việt đã từng một thời yêu quý nước Nga, ấm Samovar, chú lật đật và búp bê Matryoshka luôn nằm ở một vị trí trang trọng.
Ấm Samovar để giữa bàn sôi tỏa hơi nóng, một chiếc bánh táo thơm, mấy quả táo xanh trong liễn, vài chiếc bánh nướng trong đĩa, dăm củ khoai tây luộc chấm đường, đó là những gì thường có trên bàn của một gia đình người Nga vào giờ trà chiều của nhiều năm trước.
Người Nga có truyền thống uống trà bên ấm samovar, một ấm trà cầu kỳ và kiểu cách mà không ở đâu có được. Samovar là chiếc bình đựng để đun sôi và giữ ấm cho bình trà phía trên. Chiếc ấm được làm tinh xảo với kiểu dáng giống như một chiếc cúp bằng đồng, có hai quai để xách, vòi mở nước và nắp phía trên để được một chiếc ấm pha trà. Trong tiếng Nga, samovar có nghĩa gốc là ‘đun sôi’. Thời trước, để đun sôi nước trong chiếc ấm đó, người ta gắp than hồng, quả thông, gỗ vụn bỏ vào một ống đặc biệt có tác dụng như chiếc bếp nhỏ bên trong samovar để giữ nhiệt. Sau này khi chiếc ấm được cải tiến để tiện dụng hơn, chiếc bình đun được thay thế bằng cách cắm điện.
Người ta dùng nước trong ấm samovar để pha trà. Sau một tuần trà nóng, chiếc ấm nhỏ được đặt lên phía trên ấm, để nhiệt trong samovar giữ ấm cho bình trà trong suốt thời gian dài.
Chiếc ấm đầu tiên có dạng giống như chiếc Samovar được tìm thấy ở Azerbaijan với tuổi đời hơn 3700 năm. Từ rất lâu, chiếc ấm đã trở thành món đồ không thể thiếu trong các gia đình Nga. Ấm samovar thường làm theo bộ với bình trà và bộ cốc chén cùng màu. Có rất nhiều kiểu ra đời với nhiều màu sắc và chất liệu bằng bạc, đồng hay khảm trai cùng những hoa văn đậm phong cách Nga tuyệt đẹp. Trước sự thay đổi mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại, những chiếc ấm dùng điện với kiểu dáng hiện đại và tiện lợi hơn xuất hiện, nhưng kiểu dáng cổ điển vẫn được sản xuất dành cho khách du lịch làm quà lưu niệm hoặc trưng bày trong gia đình.
Ấm Samovar là hình ảnh văn hóa nước Nga, chiếc ấm xuất hiện trong các bức tranh của giới quý tộc thời trước và cả trong các bộ phim hoạt hình. Trong các cửa tiệm bán đồ lưu niệm, ấm samovar được đặt chung với những món đồ đặc trưng cho món quà từ nước Nga. Chiếc ấm vẫn là món đồ không thể thiếu trong gian bếp của các gia đình vùng nông thôn, nơi mỗi chiều, những người dân Nga hồn hậu ngồi quanh hiên nhà, uống trà, ăn bánh nướng và tán gẫu trong phút nghỉ ngơi.
Đến Nga hôm nay, bạn có thể tìm thấy những chiếc ấm samovar tuyệt đẹp trong các cửa hàng lưu niệm hay ghé thăm Mikhail Borschey, bảo tàng nổi tiếng nước Nga, nơi trưng bày hơn 400 chiếc Samovar các loại, nơi tất cả các du khách đều được mời uống trà với bánh nướng Gorodetsky và nghe kể về lịch sử của những chiếc ấm tuyệt đẹp này.
Theo dantri
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét