Thứ Ba, 6 tháng 1, 2015

Thăm dòng Amazon huyền thoại

Thăm dòng Amazon huyền thoại

Chuyến đi thăm vùng thượng nguồn dòng Amazon của chúng tôi mở màn bằng một trận mưa có thể khiến những ai yếu tim phải khiếp đảm. Bước ra khỏi máy bay là như có hàng triệu khối nước ầm ầm đổ sập xuống đầu.
Mây đen cuồn cuộn bao kín bầu trời, đại ngàn xanh tươi phía xa xa trở nên xám xịt. Iquitos vốn đã cũ kỹ giờ lại càng ảm đạm.
Thành phố lọt thỏm giữa rừng mưa nhiệt đới này gần như bị cô lập với phần còn lại của Peru: Muốn ra vào thành phố người ta chỉ có thể dùng máy bay hoặc tàu thuyền, còn khái niệm đường bộ không hề tồn tại.
Thủ đô của rừng mưa nhiệt đới
Nguồn của hệ thống sông Amazon là dòng Ucayali và dòng Marañon bắt đầu từ rặng núi Andes. Hai nhánh nguồn này hợp lại ở gần thành phố Iquitos tạo thành điểm khởi đầu của dòng sông dài nhất thế giới.
Iquitos có hơn 400 ngàn dân, một thời thịnh vượng và được coi là “thủ đô” của Amazon nhờ cơn sốt khai thác cao su cách đây một thế kỷ.
Đến khi Nam Mỹ không còn độc quyền về sản xuất cao su, Iquitos mất đi vai trò giao thương nhưng những năm gần đây lại thu hút được nhiều du khách quốc tế. Nhờ vị trí bị cô lập, thành phố giữ được nhiều giá trị truyền thống của nền văn hóa và ẩm thực phong phú vùng Amazon.

Ở khu vực trung tâm Iquitos, phía trước những dãy phố kiến trúc châu Âu cũ xưa là loạt motorcarro đậu san sát. Motorcarro khá giống xe lôi ở Việt Nam nhưng được sơn vẽ sắc màu rực rỡ.
Tất cả mọi con đường ở Iquitos đều tận cùng bằng bìa rừng. Mới nhìn, đại ngàn như dựng thành dựng lũy dày ken bao bọc lấy thành phố nhưng thật ra, đó chính là cánh cửa bước vào thế giới hoang dã đầy bí ẩn.
Hiện nay, nhiều đại lý du lịch đóng ở đây cung cấp khá đa dạng chương trình tour, đáp ứng được các cấp độ yêu mạo hiểm khác nhau của du khách.

Buổi sáng đầu tiên, chúng tôi đi chợ Belen nằm trên một khúc sông hẹp – trung tâm giao thương của 150 cộng đồng người thiểu số vùng rừng nhiệt đới Nam Mỹ trong suốt hơn một trăm năm qua.
Dù mang tiếng là khu chợ nổi lớn và đa dạng nhất vùng châu Mỹ Latinh, Belen mới đầu làm tôi hơi thất vọng vì chợ khá giống chợ nổi ở Tiền Giang.
Cũng cảnh ghe thuyền tấp nập, đậu san sát bên những ngôi nhà sàn giản dị, cũng những khách thương hồ ngăm đen lam lũ.Chỉ khi quan sát tận mắt hàng hóa bày bán, tôi mới “ồ, à” lên bất ngờ.
Thú rừng ở đây được bán công khai. Kỳ đà, rùa, tê tê, cá sấu, cú, vẹt Nam Mỹ… được bày la liệt. Có cả những loại thú quý hiếm mà tôi giờ mới thấy như cá paiche, loài cá nước ngọt có vảy lớn nhất thế giới, loài cá này có con dài vài ba mét, nặng gần hai trăm ký.

Ngắm thú ngắm cá chán, chúng tôi đến khu vực ăn uống. Ngoài các món ăn chính của thổ dân như các loại củ rừng, khoai thì có mấy món ăn vặt rất ngon như món chuối bột, khoai mì chiên giòn.
Trái cây và nông sản ở đây khá phong phú, phần lớn có mức giá chưa đến 20 ngàn đồng Việt Nam một ký lô. Nhiều loại trái nhìn rất lạ mắt. Ngộ nhất phải nói đến trái aguaje.
Theo như cô bán hàng nhiệt tình thì aguaje được người vùng Amazon coi như “tình dược” dành cho phụ nữ. Đa số khách mua của cô là đàn ông, song cô đảm bảo họ mua không phải để ăn bởi đàn ông mà ăn aguaje nhiều thì dễ mất phần… nam tính.
Tiếc là vì chuyến đi còn dài và nhiều gian khổ nên không ai trong đoàn tôi dám thử loại trái cám dỗ này!
Rừng thẳm sông dài và những sinh tồn bất tận
Một ngày của mọi sinh vật ở Amazon bắt đầu cùng lúc với mặt trời. Khi phương Đông vừa ửng hồng, sương rừng, khói sông còn dày đặc thì nhiều dân nghèo Iquitos với dao, súng… tự chế đã rời phố vào rừng bắt đầu một ngày kiếm sống.
Chim, thú rừng thường đi kiếm ăn vào lúc sáng sớm. Chúng tôi cũng lên thuyền băng qua dòng sông chảy ngang thành phố. Khoảng cách hai bờ sông là bảy cây số. Khúc sông mênh mông như biển không đến nỗi vắng vẻ nhờ những chiếc thuyền đánh cá lững lờ dưới ánh bình minh.

Rừng chào đón cả nhóm bằng một con chim toucan đứng trên cành khoe bộ lông lộng lẫy. Cái tĩnh lặng của ban mai bỗng bị xé toang bởi đàn két luôn miệng inhỏi. Sau đó rất nhiều loài chim đủ màu sắc rực rỡ như chim bắt ruồi vàng, vàng anh, diều hâu, kên kên, cốc dơi lần lượt xuất hiện.
Không xinh đẹp nhưng tạo được ấn tượng đặc biệt là great potoo, loài chim được thổ dân đặt tên là “cành cây khô”.Potoo chỉ kiếm ăn ban đêm, ban ngày chúng đứng ngủ trên một cành cây. Nhìn từ khoảng cách dăm mét, Potoo nhìn đúng hệt như một cành cây khô!
Bữa sáng muộn trên thuyền của chúng tôi khá hấp dẫn với món cá piranha xốt cà chua, hành ớt Amazon. Cá piranha ngon hơn cả cá lăng ở Việt Nam. Piranha nghĩa là cái răng.
Thổ dân đặt tên chúng như thế vì loài cá này có loạt răng sắc nhọn như dao, bộ hàm cực khỏe và vô cùng hung dữ. Chúng thường đi từng đàn hàng trăm con. Nhiều người đi rừng từng thấy những con bò xấu số khi lội xuống sông mà bị đàn cá phát hiện lao đến xé thịt, thường chỉ sau 20 phút, con bò chỉ còn là bộ xương trắng.
Tuy nhiên đối với thổ dân thì cá piranha cũng không quá đáng sợ. Trẻ em người lớn vẫn bơi lội tắm rửa dưới sông.Cá piranha chỉ phát hiện ra con mồi khi có mùi máu. Vì thế khi có các vết thương chảy máu dân Amazon không lội xuống sông.

Cần phải kể thêm, món cá piranha trong bữa ăn sáng là do chúng tôi câu được. Trước hết, người hướng dẫn viên đổ một ít máu bò xuống sông, kế đến cả nhóm dùng đầu cần câu khua nước, làm như là có một con vật đang vùng vẫy.
Ngửi thấy mùi máu và nghe tiếng nước xao động là cá ào tới. Lúc này chúng tôi quăng câu gắn thịt bò xuống. Nháy mắt đã tóm được mấy con piranha háu ăn. Kể ra cá này khá đẹp với phần cổ và bụng màu đỏ tươi.
Chỉ khi banh hàm chúng ra nhìn mới thấy nổi da gà. Thổ dân vẫn dùng răng cá piranha làm cưa, dao, giũa.

Gần trưa, đoàn lên bờ đi sâu vào một cánh rừng để giao lưu với tộc người Amazon. Hướng dẫn viên gọi đây là bộ tộc Sắc Màu bởi nam nữ già trẻ đều ở trần và vẽ đầy những lằn sơn màu xanh quanh người. Ấn tượng nhất là mỗi người đều đội những chiếc mũ nhỏ màu đỏ rực.
Màu sắc chiếc nón quá chói chang nên du khách không ai đoán được nó làm từ chất liệu gì. Chúng tôi trò chuyện với một người đàn ông đứng tuổi thông qua hướng dẫn viên kiêm phiên dịch. Tôi hỏi rằng nón họ làm bằng gì.
Anh thổ dân ngạc nhiên hỏi lại: “Nón gì?”. Hướng dẫn viên phì cười cho biết đó là bộ tóc của họ. Và đó là điểm đặc biệt của tộc người Sắc Màu. Thì ra, họ dùng một loại dâu rừng có màu đỏ chà xát vào tóc cho đến khi nó trở nên dày cứng, sau đó họ vuốt tóc dựng đứng thành như cái nón. Đàn ông đã có gia đình thì để “nón” trơn như thế.
Thanh niên thì buộc thêm những sợi dây vải lòe lẹt, để các thiếu nữ biết rằng họ còn chăn đơn gối chiếc! Một lần làm tóc họ duy trì được đến nửa năm. Kể cũng tiện thật!
Chúng tôi chia tay với tộc người Sắc Màu xong thì mặt trời cũng vừa kịp nung nóng cả khu rừng. Ai nấy đầm đìa mồ hôi. Côn trùng và muỗi bay ào tới, lăn xả vào người.
Chỉ sau mấy tiếng chịu đựng cái nóng ẩm khủng khiếp và đàn muỗi hung hăng của rừng mưa chúng tôi đã thấy thấm mệt. May có cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời vớt vát nên tinh thần khám phá vẫn còn chút đỉnh, đủ để đi qua buổi chiều.
Thế mới biết sinh tồn ở Amazon thật chẳng dễ dàng!
STEVE NGUYỄN/DNSGCT

Không có nhận xét nào: