Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015

Peru

Làm quen với con cháu thần mặt trời.

Nền văn minh Inca- đế chế hùng mạnh nhất Nam Mỹ thế kỷ 15-16. Thành phố đá machu Picchu là một trong bảy kỳ quan thế giới năm 2007. Cung đường Inca với tổng chiều dài hơn nửa vòng trái đất vượt qua bao vực đèo hiểm trở đã được xây dựng cách đây hơn năm thế kỷ. Những bức tranh bí ẩn rộng ngót 500 km2 ( gần bằng đất nước Singapore) trên sa mạc Nazca….Tất cả những điều đó đã thôi thúc tôi vác ba lô lên đường đến Peru. 



Ngủ bụi và taxi Peru 
Hơn mười tiếng bay từ Mỹ, tôi đặt chân đến Peru đã gần một giờ sáng. Để tiết kiệm 30 usd thuê khách sạn, tôi quyết định tìm một góc nào đó tại sân bay rồi ngả lưng chờ trời sáng. Những tưởng mình là “dân chơi” thứ thiệt rồi vậy mà vẫn phải loanh quoanh hồi lâu mới tìm ra một chỗ tạm ổn vì những vị trí ngon lành (sạch sẽ, gần nơi qua lại của nhân viên sân bay để an toàn hơn) đã có những “phược thủ” thứ thiệt (dân balô chuyên nghiệp) đóng giữ. Giấc ngủ bụi chập chờn, co ro trong cái lạnh cóng người rồi cũng trôi qua, sáu giờ sáng, tôi bắt taxi vào trung tâm, tìm đường lên Puno - điểm khởi đầu của cung đường lang thang- cách Lima hơn 1000 km. 

Qua đêm ở sân bay


Người ta nói Peru là bãi rác của xe hơi quả thật chính xác. Peru rất hiếm xe máy, chỉ toàn xe hơi nhưng hầu hết là xe đời cũ từ thế kỉ trước. Chiếc taxi chở tôi móp méo và đầy “sẹo”, cưả kiếng quay bằng tay nhưng quay mãi không chịu lên. Qua ổ gà cả xe và người cứ rung lên bần bật. Quái hơn, gần tay lái lại treo lủng lẳng một chiếc giày trẻ em bé xíu, cũ kĩ. Người tài xế giải thích bằng thứ tiếng Anh bồi pha Tây Ban Nha: “ Buà đấy! Nếu trên đường, bắt được một chiếc (không phải đôi) giày của trẻ con mơí biết đi, đó là điều cực kì may mắn. Người Peru tin rằng, những bước đi của trẻ con, sẽ dẫn họ những bước đi đúng đắn, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra”. (Trong suốt gần hai tháng lang thang, thỉnh thoảng tôi vẫn thường thấy điều này trên các chuyến xe khắp Peru). 

Những tưởng chiếc taxi này chiếm ngôi vô địch xe “cùi” ở Peru rồi nhưng chạy ra đường mới thấy nó haỹ còn tốt chán so vơí các xe khác. Đường nhỏ, có dải phân cách nhưng xe cứ chạy tán loạn, vượt cả đèn đỏ. Kinh khủng nhất là tình yêu âm nhạc vô bờ bến của ông tài xế. Trên xe mở nhạc ầm ĩ, vưà lái ông vưà lắc lư, hát theo một cách hào hứng. Đến đoạn cao trào, ông bỏ cả tay lái, vỗ tay, vỗ đùi, lắc hông nhún nhảy theo bài hát… Cũng may là đoạn đường từ sân bay đến trung tâm không xa, nếu không, có lẽ tôi đã đứng thở mà chết. 

Xe đò ở Peru 


Con cháu thần mặt trời cũng phải mưu sinh 
Vị thần tối cao của đế chế Inca chính là thần mặt trời Inti. Vì thế, người Peru vẫn tự xem mình là con cháu thần mặt trời. Từng là một đế chế hùng mạnh nhất Nam Mỹ với lãnh thổ trải dài 4000 km từ Bắc xuống Nam bao gồm các quốc gia hiện nay là Peru, Ecuador, một phần các nước Colombia, Bolivia, Argentina và Chile; từng là dân tộc sở hữu những khối vàng có thể luyện thành sợi dây xích khổng lồ dài hàng chục km nhưng con cháu thần mặt trời, hậu duệ của đế chế Inca hùng mạnh, ngày nào bây giờ lại phải đương đầu với chướng ngại đời thường nhất: mưu sinh.

Hai mẹ con bán nhúm trái cây giá chỉ 5 hào (3000 đồng Việt Nam) tại Cuzco 


Bà già bán muỗng dĩa tại Juliaca


Nhận xét về Peru chỉ gói gọn trong một chữ: Nghèo. Tại quảng trường trước phủ tổng thống, thủ đô Lima, nhan nhản những em bé, thanh niên, bà già cầm những bịch kẹo rẻ tiền, những cuộn giấy vệ sinh tính luôn vốn giá chỉ khoảng nưả sol ( đơn vị tiền tệ Peru, 1 sol = 6000 đồng Việt Nam). Trong khi đó, một bữa ăn trung bình tại Lima giá khoảng bốn-năm soles. Họ rao, họ mời mọc nhưng hoàn toàn không chèo kéo. Trên gương mặt khắc khổ hiện lên một vẻ cam chịu. Họ làm tôi nhớ đến Tây Tạng. Cũng những gương mặt nám đỏ vì cháy nắng, cũng những bộ đồ cũ kĩ, cũng những cái nhìn nhẫn nhục… Người nghèo ở đâu sao cũng giống nhau đến thế. 

Ông già bán những sợi roi làm bằng lông con alpaca hoặc llama dùng để chăn gia súc và...đánh con (không đùa tí nào), chỉ với giá 1 sol ( 6000 đồng Việt Nam)


Đánh giày cũng là cách kiếm sống phổ biến của người Peru 


Peru có rất ít trạm điện thoại công cộng mà thay vào đó, ngay mỗi góc đường đều có những cô gái, thanh niên, cầm sẵn vài cái điện thoại di động để khách qua đường thuê gọi. năm hào/phút ( ba ngàn đồng Việt Nam). Vanessa, cô điện thoại viên 15 tuổi, cho biết: “Tôi bắt đầu làm từ bảy giờ sáng và kết thúc vào tám giờ rưỡi tối, một tuần bảy ngày được trả lương 300 soles (khoảng 100 usd/tháng)”. Đó là còn may mắn, có người phải đạt chỉ tiêu có khách gọi đủ 400 soles/ ngày mới được tiền lương là tám đến mười soles/ngày (khoảng sáu mươi ngàn đồng Việt Nam) Không đủ chỉ tiêu, thì chỉ được bao cơm, không có lương. Nhẩm một phép tính đơn giản, nếu trung bình mỗi người gọi một cuộc hai phút (tương đương một sol) thì một ngày họ phải mời được bốn trăm khách gọi. Đến Peru thì biết, những điện thoại viên di động như vậy nhiều vô kể ở mỗi góc đường, vì thế mức độ cạnh tranh cao khủng khiếp. có người phải bắt đầu công việc từ 5h30 sáng hòng mong kiếm thêm được vài người khách.

Một điện thoại viên bị mù, anh ta phải lấy dây xích để buộc điện thoại xung quanh người để khỏi bị giựt chạy mất. 


Chợ ước mơ
Cuộc sống càng khó khăn, con người thường đặt niềm tin tâm linh càng mãnh liệt. Có lẽ vì thế, ở các vùng miền núi Peru có một chợ khá lạ đời: chợ ước mơ. Thật ra, chợ ước mơ cũng giống chợ hàng mã ở Việt Nam, nhưng hàng mã dành cho người chết còn chợ ước mơ dành cho người sống. Hầu như mọi ước mơ trên đời đều có bán tại đây. Họ bán từ những ước mơ giản dị nhất như: cái nồi đất có gạo chảy tràn ra ngoài với mong ước luôn có đủ cơm ăn cho đến bán cái xe đạp, cái máy vi tính cũ (bằng bột) để phục vụ cho những mong ước nhất thời. Những bạn trẻ thường đến chợ để mua những bằng đại học, hay những cái buà hộ mệnh với ước mơ mình sẽ học hành đỗ đạt. Thậm chí, chợ ước mơ còn bán cả hộ chiếu, va li (hàng mã) để phục vụ cho mong ước đi nước ngoài. Vào ngày 3 tháng 5 hàng năm, lễ Alasitas, người dân thường kéo nhau lên núi, mang theo những món đồ nhỏ xiú tượng trưng cho ước mơ của mình. Để ước mơ được thực hiện, họ mời những ông thầy cúng niệm chú và hơ những món đồ mơ ước lên trên làn khói được đốt từ bột trầm, cỏ thơm. Sau đó, họ mua bia đổ xung quanh những ước mơ đó, và vui vẻ tổ chức ăn mừng vì họ luôn tin tưởng rằng những mơ ước chắc chắn sẽ thực hiện trong tương lai. (Dĩ nhiên, có những ước mơ chằng bao giờ được thực hiện, nhưng người Peru vẫn luôn tin tưởng tuyệt đối vào điều đó). Và cũng vì thế, chợ ước mơ lúc nào cũng đông khách.

"Ước mơ" của người dân Peru 


Box: 
Peru là quốc gia thuộc Nam Mỹ, diện tích gấp 4 lần Việt Nam ( 1.285.220 km2) nhưng dân số chỉ bằng 1/3 Việt Nam (chưa đến 30 triệu người). Peru hiện là quốc gia đang phát triển, thu nhập bình quân năm 2006 là 3616 USD (gấp 4 lần Việt Nam) nhưng do phân hoá giàu nghèo quá cao nên đến 51,6% dân số Peru sống dưới mức nghèo và 19,3% dân số sống ở mức rất nghèo. (Wikipedia)

Inca trail-cung đường huyền thoại và cuộc bạo động lúc nửa đêm.

Bản đồ cung đường Inca: đây là hai hệ thống đường chính (không kể vô số nhánh nhỏ) kéo dài qua năm nước từ Ecuador đến tận Agrentina. trong cung đường Inca với tổng chiều dài hơn nưả đường xích đạo (gần 23.000 km)


Con đường mòn gồ ghề đá , len lỏi qua dải núi Andes phủ đầy mây mù và tuyết trắng, vậy mà muốn đi phải đăng kí trước cả nưả năm mới hi vọng xin được giấy phép. Chuyến đi bộ bốn ngày, ba đêm trung bình trên con đường này ngốn 500 usd/người. Đơn giản nó chính là con đường mòn Inca có từ thế kỉ 15, một trong những cung đường mòn lịch sử đáng đi nhất trên thế giới, dẫn đến kì quan thế giới Machu Picchu...

Không phải gì cũng mua được bằng tiền
Tôi từng gặp những khuyến cáo: “Muốn đi Inca trail phải đăng kí giấy phép ít nhất sáu tháng trước khi khởi hành”. Vì thế, sau khi thu xếp được công việc để đi Peru, tôi lập tức online đăng kí giấy phép. Thế nhưng… giấy phép đã kín chỗ cho đến… tháng 11. Do sợ quá đông khách du lịch sẽ phá hỏng con đường, chính quyền Peru chỉ đồng ý cấp phép cho dươí 250 du khách/ngày (không tính hướng dẫn viên và người thồ hàng). Chính vì thế, con đường này là một trong những tuyến đường trekking (đi bộ) “hot” nhất thế giới. Muốn đi phải đặt trước ít nhất từ 4 đến 6 tháng, thậm chí cả năm. Mà đâu có rẻ, một chuyến đi bộ 4 ngày 3 đêm giá trung bình từ 500 đến 600 usd. (Đối với nhóm ít người, số tiền này còn cao hơn nhiều). 

Phải tìm cách xoay sở! Vừa đến Cuzco, tôi lập tức liên lạc với tất cả các công ty du lịch được giới đi đường xa “điểm mặt chỉ tên”, nhưng đều được nhận cái lắc đầu một cách dứt khoát. Thậm chí họ còn cười nhạo khi tôi hỏi việc sẵn sàng trả thêm cho việc “chạy” giấy phép đi Inca trail: “ Đừng mơ tưởng, có trả gấp ba, bốn lần cũng thua”. “Thế còn việc đi chui?”, tôi hỏi nhỏ. Họ cười phá lên: “Dọc đường có đến năm trạm gác, kiểm tra 24/24 vì thế, đừng hòng. Thậm chí, nếu có người đã đăng kí nhưng hủy vào giờ chót, cũng không có ai được trám chỗ vì số hộ chiếu đã được lưu vào máy, không thay đổi được”. Cùng đường, tôi đành cầu cứu văn phòng đại sứ quán Việt Nam tại Chile (Peru không có văn phòng đại sứ quán Việt Nam) hi vọng nhờ can thiệp. Ngay trong buổi chiều, lá thư giới thiệu từ đại sứ quán được fax trực tiếp đến nơi cấp giấy phép là Viện văn hoá quốc gia tại Cuzco (INC: Intitution National Culture de Cuzco). Cùng lúc đó, để chắc chắn, bí thư thứ nhất Nguyễn Đại Bản cũng nhờ đến sự giúp đỡ của đại sứ quán Peru tại Chile. Lá thư giới thiệu thứ hai cũng được tức tốc fax về ngay trong ngày.

Sau gần một tuần chờ đợi, đích thân Giám đốc Viện văn hoá quốc gia cho tôi một cái hẹn làm việc. Tôi vừa mừng thầm, vừa yên tâm tin chắc mình sẽ cầm một chiếc giấy phép trong tay. Nhưng tôi lầm, sau khi bắt tay thăm hỏi xã giao, INC lịch sự trả lời ngắn gọn: “Xin lỗi, chúng tôi không thể cấp giấy phép cho anh”. 

Nhà thờ tại Cuzco-kinh đô của đế chế Inca xưa 


Tờ giấy phép may mắn
Mọi ngã đường dường như bịt kín. Đúng lúc thất vọng não nề, B.-người phiên dịch giúp tôi rất nhiều trong thủ tục xin giấy phép tại INC- mới nhẹ nhàng gợi ý: “ Tôi có thể giúp anh xin giấy phép với giá 400 usd”. Để chứng minh, B. lôi ra một xấp bản copy giấy phép đã xin được cho những du khách. Khá nhiều. GIấy phép xin được gần nhất là tháng 5/2008: “Yên tâm đi, tôi làm nhiều lần rồi. Tuy nhiên, vụ này ngày càng khó vì kiểm tra rất gắt gao, lại thông qua rất nhiều cưả.” Bốn trăm usd là con số không nhỏ, nhưng tôi đã đầu tư quá nhiều cho chuyến đi này (tiền bạc, công sức, bỏ học, bỏ việc…), tôi nhận lời.Nhưng đến phút chót, B. gọi lại: “Xin lỗi, họ không dám cấp phép cho anh vì... sợ bị lộ!”. 

Dời lại vé máy bay, tốn tiền thuê hướng dẫn viên… Hơn 10 ngày tất tả tìm đủ cách để đi cho được con đường Inca này cuối cùng cũng công cốc. Tôi gọi điện cho đại sứ quán Việt Nam để gởi lời cảm ơn và chào tạm biệt thì một phép lạ ở phút 89 xuất hiện. Đúng lúc đó, đại sứ Việt Nam Nguyễn Văn Tích đang công tác tại Peru. Biết chuyện, ông liền liên lạc trực tiếp vơí ban tổ chức APEC 2008 (Peru là nước đăng cai tổ chức APEC 2008), và bộ ngoại giao Peru nhờ can thiệp. Những cú gọi điện thoại, email tới tấp từ cấp cao hơn đã giúp tôi nhận được tờ giấy phép đặc biệt từ đích thân giám đốc INC. Con đường Inca huyền thoại tưởng đã đóng chặt bất ngờ lại hé ra đón người lữ hành Việt Nam cuôí cùng…

Nhóm trekking quốc tế: 1 Việt Nam, 2 Bỉ, 2 Canada.


Cuộc du hành lúc nửa đêm
Theo lịch, sáng thứ 3, ngày 8/7, chúng tôi sẽ lên xe bus đến điểm xuất phát đầu tiên, Km82, để bắt đầu con đường Inca. Tuy nhiên, 7h30 đêm trước ngày xuất phát tôi bỗng nhận cú điện thoại triệu tập bất ngờ: “ Ngày mai cả nước bỉểu tình, mọi ngả đường đều bị chặn. Cả đoàn phải xuất phát ngay trong đêm nay, lúc 11h đêm”. Tức tốc lên mạng, hàng loạt đại sứ quán các nước đều thông báo khẩn: “ Bạo động có thể xảy ra, mọi người không nên ra ngoài đường vào hai ngày 8 và 9/7”… Không phải chỉ riêng đoàn tôi, những nhóm ở đoàn khác cũng lên xe bus đến điểm tập kết ngay trong đêm.

Chặn đường đốt vỏ xe


Người hướng dẫn viên đã nói sai. Mọi ngã đường không phải bị chặn vào ngày mai, mà …ngay trong đêm chúng tôi khởi hành. Vưà ra khỏi trung tâm thành phố Cuzco không xa, đã thấy những đống đá to trên đường. Xe chạy thỉnh thoảng phải dừng lại, mọi người xuống xe, dẹp đá vào vệ đường rồi tiếp tục. Tuy nhiên, mọi việc trở nên căng thẳng khi gần đến điểm xuất phát. Đường ngày càng nhỏ, đất đá đổ ra đường ngày càng nhiều. Đang cặm cụi dẹp đá, thì một nhóm người với gậy gộc trên tay, mặt mũi “đằng đằng sát khí” bước đến: “ Ai cho tụi mày dẹp?”, Hướng dẫn viên người Quechua phải chạy đến giải thích. Hồi lâu, chúng tôi, những khách du lịch người nước ngoài, được đi tiếp nhưng…đi bộ. Xe bus, hướng dẫn viên cùng với những người porter phải ở lại vì “tụi mày là người của chính quyền”. Một số người quá khích nhảy lên xe, la hét um sùm, rồi như để trút giận, họ lôi cái bánh xe sơ cua trong xe đem ra đốt. Hướng dẫn viên nói nhỏ: “ Xin các anh im lặng mà đi. Bất cứ kháng cự nào sẽ dễ xảy ra chuyện lớn”. Cũng may, điểm tập kết chỉ cách gần 1 tiếng đi bộ. Chúng tôi đi mà lòng cứ lo ngay ngáy. Vưà lo cho những người porter ở lại, vưà lo không biết sẽ ngủ ở đâu vì những người porter giữ hết lều, túi ngủ. Hơn 3h sáng, những người porter đến. Họ phải đi ngược lại, kiếm đường vòng băng qua suối để đến nơi tập kết. Giấc ngủ muộn, chập chờn chuẩn bị cho con đường Inca sắp đến được bắt đầu vào lúc 4h sáng…

Điểm cắm trại



Đường mòn Inca dẫn đến Machu Picchu chỉ là một đoạn trong hệ thống đường Inca với tổng chiều dài lên đến 23.000km nhưng chỉ dùng để…đi bộ. (người Inca không có ngựa cũng như xe kéo để đi lại như ở Châu Âu, Á). Tuỳ theo địa hình mà con đường có thể rộng 8m (ven biển) và hẹp chỉ 1m (ven núi), gồm hai nhánh chính: đường ven biển dài hơn 4000 km rộng 8m, và đường dọc theo dãy núi Andes dài 5200 km cùng vô số nhánh nhỏ khác. Các đoạn dốc đứng được xử lí bằng những bậc thang xây bằng đá, có bờ kè an toàn để tránh rơi xuống vực. 



Điểm xuất phát cung đường Inca, km 82, đến kì quan thế giới Machu picchu


Bonus thêm vài hình gái Peru coi cho đỡ ngán 






Tác giả 

Không có nhận xét nào: