Trong khối Ả Rập xưa nay chỉ có hoàng tử, thái tử... chứ không dùng từ công tử. Sở dĩ gọi là công tử vì vùng đất này khiến tôi liên tưởng đến công tử Bạc Liêu - hiện thân của sự giàu có và 'chơi ngông'.
Khách sạn 7 sao - Ảnh: Đoàn Xuân Hải |
Công tử Bạc Liêu còn phải bái phục
Vùng đất ấy có tên gọi Dubai, thuộc Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (United Arab Emirates - UAE). Cách nay khoảng 3 thế kỷ - cùng thời khai phá và xây dựng Sài Gòn - Gia Định ở Việt Nam, Dubai vẫn còn là vùng hoang mạc với vài làng chài nghèo khổ. Cư dân bấy giờ thưa thớt, trước mặt là vịnh Ba Tư, sau lưng là trùng điệp sa mạc hoang vu. Đã vậy, vùng đất này lại có lượng mưa thuộc nhóm thấp nhất thế giới, chẳng thể trồng trọt được gì. Do vậy, nguồn sống duy nhất của họ là trông cậy vào tài nguyên biển: đánh bắt hải sản và mò ngọc trai để đổi nhu yếu phẩm và lương thực từ thương hồ tứ xứ ghé qua.
Mãi đến năm 1966, lịch sử của Tiểu vương quốc Dubai sang trang mới khi người ta phát hiện được một nguồn tài nguyên dầu hỏa. Thế nhưng nguồn lợi trời cho ấy lại do đế quốc Anh kiểm soát. Đến năm 1971, khi Liên hiệp Anh rút chân ra khỏi bán đảo Ả Rập, cuộc sống của Dubai bắt đầu khởi sắc. Những làng chài nghèo khó ngày xưa chỉ còn trong ký ức, và ký ức ấy được lưu giữ, tái hiện trong các bảo tàng. Không như các bảo tàng đồ sộ ở phương Tây, bảo tàng của Dubai khá khiêm tốn, nhỏ hẹp và đơn giản như chính lịch sử và đất nước của họ. Dubai bây giờ khác 180 độ so với ngày xưa.
Trong Bảo tàng Dubai |
Công tử Bạc Liêu ở VN, theo truyền thuyết, dám đốt tiền giấy để luộc trứng gà trứng vịt. Đó là một kiểu “chơi ngông”. Ở Dubai người ta cũng “chơi ngông” nhưng không phải đốt tiền nấu trứng, mà “ngông” theo kiểu khiến mọi người phải bái phục, đó là cái gì cũng nhất thế giới: Tòa nhà cao nhất thế giới (Buji Khalifa, 164 tầng, cao 828 m) có thang máy nhanh nhất địa cầu (64 km/giờ), đi từ tầng trệt lên đến tầng 124 ở độ cao 452 m chỉ mất đúng 1 phút; Khách sạn 7 sao (Buji Al Arab, còn gọi là khách sạn Cánh buồm, giá bia cũng 7 sao, nếu quy ra tiền Việt là 360.000 đồng/chai); Siêu thị lớn nhất thế giới (Dubai Mall); Chiếc nhẫn vàng bự nhất thế giới (ở khu Chợ Vàng - Dubai City of Gold). Đặc biệt, ở xứ sở nóng hầm hập trung bình 40 độ C, vậy mà Dubai vẫn có nhà trượt tuyết, dĩ nhiên đó là tuyết nhân tạo.
Nếu là công dân chính thức của Dubai, bạn sẽ không phải đóng bất cứ loại thuế nào, đã vậy còn được bao cấp học hành, xe đưa đón học sinh (school bus), chăm sóc y tế, cấp nhà ở... Ngay cả trạm chờ xe bus trong nội thành và ngoài xa lộ đều được trang bị máy lạnh cho hành khách thêm phần mát mẻ. Vì dân số Dubai quá ít, nên những công việc lao động phổ thông, bán hàng, dịch vụ... đều thuê lao động nước ngoài (chiếm khoảng 90% lực lượng lao động, trong đó có một số ít người Việt). Phụ nữ Dubai đa phần làm công việc nội trợ, chăm nom gia đình, mọi thu chi tài chính đều do người chồng lo liệu. Người đàn ông Dubai muốn cưới vợ, thì phải có của hồi môn cho cô dâu tối thiểu 5 kg vàng 24K hoặc 22K. Thu nhập bình quân đầu người ở Dubai thuộc vào hàng cao nhất thế giới (gần 58.000 USD/năm, chỉ xếp sau Qatar và Luxembourg). Với thu nhập “khủng” ấy, không màng đến chuyện luộc trứng như công tử Bạc Liêu, người Dubai có thể đốt tiền giấy để... nấu cơm! Tất nhiên họ không “ngông” kiểu như vậy.
Đến Dubai làm gì ?
Trong 7 tiểu vương quốc thuộc UAE, giàu nhất không phải Dubai mà là Abu Dhabi. Thế nhưng Dubai lại hội đủ những yếu tố khiến du khách phải tò mò muốn ít nhất một lần “mục sở thị”. Đó là lý do giải thích tại sao Dubai đang nổi lên như một điểm đến thú vị, ngành du lịch vì thế nghiễm nhiên trở thành một trong những nguồn thu thập chính, chỉ sau dầu hỏa. Ngoài khám phá những cái nhất thế giới như đã nêu trên, “đặc sản” sa mạc chính là nơi người Dubai muốn du khách thập phương trải nghiệm để hiểu thêm cuộc sống của họ. Có 3 tiết mục chính dành cho du khách khám phá sa mạc Dubai: ngồi trên xe địa hình vượt đồi cát, cưỡi lạc đà và dùng bữa tối xem múa lửa. Trừ ban đêm, còn lại tất cả đều diễn ra trong bối cảnh “nắng cháy da người”. Trên sa mạc hoang vu ấy, vẫn còn lưu lại xác những chiếc xe hơi bị cháy trụi, chỉ còn trơ khung sắt, kết quả kém may mắn cho những chiếc xe gặp nạn khi lộn nhào xuống đồi cát. Một loại hình du lịch mạo hiểm đúng nghĩa.
Du khách cưỡi lạc đà trên sa mạc |
Là du khách Việt, đến Dubai sẽ giúp ta tự vấn lương tâm tại sao lại có người đi phá rừng hoặc “bức tử” những cây xanh trong thành phố của mình một cách không thương tiếc, trong khi ở xứ họ cọng cỏ còn không mọc nổi. Ngoài cọ và chà là - hai loại cây đặc trưng ở Trung Đông - các loại cây khác khó mà sống sót trên vùng đất khắc nghiệt này. Chính vì vậy, người dân Dubai rất yêu cây xanh, một tình yêu mãnh liệt đến mức họ sẵn sàng hào phóng chi tiền để trồng cây, trồng cỏ. Chi phí tạo mảng xanh này không hề rẻ. Giống như bang California bên Mỹ, muốn biết nhà nào khá giả chỉ cần đếm số cây cọ trong vườn nhà họ, mỗi cây như vậy có giá 50.000 USD (hơn 1 tỉ đồng). Chi phí trồng một cây xanh như vậy ở Dubai cao hơn nhiều, có thể tương đương với việc xây một căn biệt thự, nhìn vào nhà nào có nhiều cây xanh và bãi cỏ, chắc chắn đó là “đại gia” thứ thiệt. Nếu như ai đó dại dột đốn hạ 1 cây xanh, đồng nghĩa với việc họ đã đập tan tành 1 biệt thự! Nước sinh hoạt ở Dubai thực sự khan hiếm, muốn cây và cỏ được sống tốt, họ phải tưới tự động 24/24 giờ. Nước ngọt ở Dubai đắt hơn xăng. Nói vui, ở Dubai chỉ cần vài cơn mưa ngập lụt như ở TP.HCM hay Hà Nội thì chẳng khác nào được thượng đế ban cho một núi vàng. Tiếc thay chuyện ấy chưa bao giờ diễn ra.
Khi nào người Dubai đến Việt Nam ?
Đoàn nhà báo chúng tôi đến Dubai vào đầu tháng 10 năm nay để chứng kiến hai sự kiện: Công ty du lịch Vietravel nhận giải thưởng World Travel Awards (WTA); thứ hai là buổi giới thiệu du lịch VN và hoạt động của Vietravel với các nhà tổ chức du lịch ở UAE. Trong buổi tiệc tối giới thiệu du lịch VN, một nhà hàng của người Việt ở Dubai nấu chiêu đãi quan khách những món ăn dân dã “không chê vào đâu được”. Những vị khách mời rất hài lòng về các món ăn VN. Ẩm thực coi như ổn, còn lữ hành thì sao? Có một sự thật là người Dubai du lịch đến Đông Nam Á chủ yếu ghé Thái Lan và Malaysia, còn VN số lượng khá hạn chế.
Nước nào cũng vậy, một khi coi du lịch là một ngành kinh tế trọng yếu thì ắt phải hội đủ những yếu tố làm hài lòng du khách, nhất là khách nhà giàu như UAE. Người Ả Rập thích ăn hải sản và rau củ quả, những thứ này VN có đầy. Người Ả Rập thích sự mát rượi của vườn cây và những dòng sông nước ngọt, ở VN bao la. Người Ả Rập thích thư giãn ở những resort xanh rợp bóng dừa, ở VN dư sức đáp ứng... Những yếu tố vừa nêu hầu hết các nước ASEAN đều có, do vậy, yếu tố cạnh tranh để thu hút khách còn tùy thuộc vào “nghệ thuật câu khách” của chính VN.
Người ta ước tính nguồn dầu hỏa của Dubai còn khai thác được trong thời hạn 150 năm nữa. Đến lúc ấy không biết chuyện gì sẽ xảy ra, chỉ biết rằng vùng sa mạc này đang thay đổi từng ngày theo chiều hướng cái gì cũng nhất thế giới. Đó cũng là yếu tố cơ bản để đánh vào sự tò mò của du khách thập phương, trong đó có tôi.
Đoàn Xuân Hải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét