Thứ Hai, 29 tháng 9, 2014

4 điểm hành hương về miền đất Phật

Lumbini, Bodh Gaya, Sarnath và Kushinagar là bốn thánh tích linh thiêng mà mọi khách hành hương về đất Phật đều ao ước được chiêm bái một lần trong đời. 

Từ tháng 10 đến tháng 3 được xem là mùa hành hương của các Phật tử tìm về phương Đông huyền bí. Khoảng thời gian này tiết trời thanh mát, thích hợp cho một chuyến đi dài về miền đất Phật. Đối với các Phật tử, một lần trong đời được diện kiến Tứ Động Tâm, tên gọi của bốn thánh tích linh thiêng thuộc Ấn Độ và Nepal là trải nghiệm không thể quên trong tâm trí của họ.
Bốn thánh tích này bao gồm Lumbini (Lâm Tì Ni), Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng), Sarnath (vườn Lộc Uyển) và Kushinagar (Câu Thi Na). Hành trình về miền đất Phật thường trải dài qua hai nước Ấn Độ và Nepal với những sắc màu huyền bí. 
Lumbini, Nepal - nơi Đức Phật ra đời
Nằm dưới chân núi dãy Himalaya, Lumbini là vùng đất nổi tiếng, nơi hành hương linh thiêng của đạo Phật. Lumbini cách thành phố Kapilavastu, Ấn Độ 25 km về hướng Đông. Đây là nơi hoàng hậu Mayadevi đã hạ sinh Đức Phật Thích Ca, người sau này khai sinh ra Phật giáo, đem lòng từ bi đến với muôn loài khắp cõi.
Tương truyền khi được sinh ra, Đức Phật đã đứng vững bằng hai chân, mặt hướng về phía Bắc đi bảy bước, mỗi bước đi của Đức Phật đều được nâng bằng một tòa sen bên dưới và Lumbini là nơi Đức Phật đã sống đến năm ngài 29 tuổi.
Thanh-tich-Lumbini-o-Nepal-noi-1581-7346
Thánh tích Lumbini sáng rực, đây là nơi Phật Thích Ca đã được hạ sinh. Ảnh: fiditour
Sau khi làm thủ tục nhập cảnh vào đất nước Nepal và đến Lumbini, bạn nhất định phải ghé thăm Vườn thánh Lumbini, nơi hoàng hậu Mayadevi hạ sinh Đức Phật. Tại đây cũng có một đền thờ Mayadevi, được xây cách đây gần 2.600 năm, cách Kathmandu thủ đô vương quốc Nepal khoảng 240 km, được xem là cái nôi của Phật giáo. 
Bodh Gaya, Ấn Độ - nơi Đức Phật thành đạo
Chính Bodh Gaya là nơi Đức Phật đã thiền định 49 ngày dưới gốc cây bồ đề và giác ngộ ra giáo lý của nhà Phật. Đây là một thành phố ở quận Gaya Bihar, Ấn Độ. Bạn có thể đến khấn vái tại đền Mahabodhi ở Bodh Gaya. Đức Phật Thích Ca đã đạt được bồ đề trong chính ngôi đền này. Cây bồ đề hậu duệ linh thiêng sau 49 ngày thiền định của Đức Phật để đắc đạo cũng ở đây . 
Tại Bodh Gaya, bạn có thể nhìn thấy dòng sông Niranjana, nơi Đức Phật nhận bát cháo sữa từ một tín nữ để cứu sống ngài, Đức Phật còn nhận thêm bó hoa kiết tường làm gối ngồi thiền từ một người nông dân trong vùng trước khi ngài về cội bồ đề để thiền định. Cũng tại Bodh Gaya, bạn cũng có thể tham quan một số đền, chùa khác như Việt Nam Phật Quốc Tự do thầy Huyền Diệu chủ trì, đền Mahabodhi uy nghi cao 52 mét, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới... Đền Mahabodhi được tin tưởng là nơi linh thiêng nhất trong các thánh địa Phật giáo.  
Den-Mahabodhi-mot-di-tich-tron-7462-3917
Đền Mahabodhi, nơi linh thiêng nhất trong các thánh địa Phật giáo. Ảnh: fiditour
Sarnath, Ấn Độ - nơi đầu tiên Đức Phật giảng pháp
Còn được biết đến với cái tên vườn Lộc Uyển, Sarnath được xem là thánh địa của Phật giáo. Để đến được Sarnath, bạn sẽ khởi hành từ Bodh Gaya đến Varanasi, một thành phố thánh của Hindu giáo nằm bên bờ sông Hằng ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Theo ghi chép, sau khi đắc đạo dưới cây bồ đề, Phật Thích Ca đã thuyết giảng về quy luật tự nhiên của vạn vật cho năm vị tu sĩ khổ hạnh trong lần thuyết pháp đầu tiên trong vườn Sarnath. Ở đây, Đức Phật đã giác ngộ họ và Phật giáo bắt đầu được truyền bá rộng rãi. Đây cũng là trung tâm lớn của các hoạt động Phật giáo trong suốt hơn 1.500 năm sau ngày Phật nhập diệt và là nơi Đức Phật trải qua mùa an cư kiết hạ đầu tiên. 
Nhân việc ghé thăm Sarnath, sáng sớm bạn còn có thể tham quan sông Hằng, được xem là dòng sữa mẹ linh thiêng. Bạn có thể đi dọc bờ sông Hằng bằng thuyền và ngắm cảnh mặt trời mọc, xem bãi hỏa thiêu và nghi thức tắm gội. Đây là một trong những điểm hành hương không thể thiếu khi đến Varanasi. 
Kushinagar, Ấn Độ - nơi Đức Phật nhập niết bàn
Từ Varanasi, bạn sẽ di chuyển tiếp đến Kushinagar, ngôi làng của Ấn Độ. Đây là nơi Đức Phật xưa kia nhập niết bàn. Trên đường đi, bạn cũng có thể tham quan những địa điểm như đền Mahaparinirvana, nơi đặt bức tượng Đức Phật dài 6 mét nằm ở tư thế nhập niết bàn và tháp Ramabhar, nơi làm lễ hỏa táng Đức Phật. Đây cũng chính là nơi học giả lữ hành cao tăng Trần Huyền Trang viếng thăm. 
Thảo Nghi

Những cái nhất thú vị về các điểm đến trên thế giới

Singapore là thành phố đắt đỏ nhất để sống trong khi Seoul là nơi có đường truyền Internet mạnh nhất thế giới.
Với dân số vỏn vẹn 842 người, thành Vatican là nơi có dân số ít nhất thế giới. Trong khi đó, Thượng Hải, Trung Quốc với số dân lên đến hơn 24 triệu người được bình chọn là thành phố đông đúc nhất.
 
Tokyo, Nhật Bản là thành phố giàu có nhất thế giới với GDP lên đến 1.520 tỷ USD.
 
Với lượng mưa trung bình mỗi năm lên đến 1.200 cm, Mawsynram của Ấn Độ là nơi ẩm ướt nhất thế giới.
 
Năm 2014, Singapore đã đánh bại Tokyo để đạt danh hiệu "thành phố đắt đỏ nhất". Giá xe ô tô nhập khẩu ở Singapore đắt gấp 4-6 lần so với Anh và Mỹ.
 
Mumbai, Ấn Độ là nơi có cuộc sống rẻ nhất trên thế giới, theo số liệu của Worldwide Cost of Living Index 2014 (Chi phí sinh hoạt toàn cầu). Một ổ bánh mì ở Singapore có giá 3,36 USD thì ở Mumbai, giá của nó là 0,91 USD.
 
Thành phố Damascus của Syria được coi là thành phố cổ kính nhất thế giới với niên đại hơn 11.000 năm.
 
Nam Sudan được chính thức công nhận là quốc gia độc lập vào năm 2011 và trở thành đất nước có tuổi đời trẻ nhấttrên thế giới.
 
Sau vài năm bị Bangkok, Thái Lan vượt mặt, năm 2014 London, Anh đã lấy lại vị trí dẫn đầu của mình khi trở thành điểm đến hút khách nhất thế giới với 18,69 triệu khách tham quan, mang về 19.3 tỷ USD doanh thu từ du lịch.
 
Tại Belarus, trung bình mỗi năm một người trên 15 tuổi tiêu thụ hơn 17.000 lít bia. Với con số này, Belarus trở thành điểm đến có nhiều dân "nhậu" nhất thế giới.
 
Tại Groningen, Hà Lan có đến 50% dân số sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại. Với con số này, Groningen xứng đáng trở thành điểm đến thân thiện và lý tưởng dành cho xe đạp.
 
Hong Kong là nơi có chỉ số IQ của người dân cao nhất, với trung bình đạt 107.
 
Seoul, Hàn Quốc là thành phố có đường truyền Internet nhanh nhất thế giới. Chính phủ đã hỗ trợ và lắp đặt 10.000 điểm phát sóng wifi miễn phí trong thành phố để người dân và khách du lịch có thể vào mạng thoải mái.
 
Anh Minh
Ảnh: Distractify

Bí mật dưới tấm khăn trùm đầu của phụ nữ Hồi giáo

Đằng sau tấm khăn choàng kín màu đen của phụ nữ Hồi giáo là một thế giới riêng với những quy định ngặt nghèo.

Du lịch đến các nước thuộc khu vực Trung Đông, không khó để bạn bắt gặp những người phụ nữ Hồi giáo trong trang phục truyền thống. Họ thường đeo mạng và đầu quấn khăn (hijab), chỉ để hở duy nhất đôi mắt. Sau đây là những bí mật nằm sau tấm khăn trùm màu đen ảm đạm mà những người phụ nữ này phải theo thường ngày.
Cách quấn khăn
Một cô gái Hồi giáo có thể có hàng triệu cách quấn hijab (khăn trùm đầu). Dù vậy, đa phần phụ nữ Hồi giáo chỉ dùng 5 kiểu trong suốt cuộc đời. Ngay cả khi sinh ra ở nơi là quê hương của hijab, các cô gái Hồi giáo vẫn thường lên mạng internet để học thêm cách đeo loại khăn này.
hijab-3-6077-1411963597.jpg
Trang phục hàng ngày của phụ nữ Hồi giáo hầu như chỉ phủ một màu đen. Ảnh: Debbie Schlussel
Quần áo
Chuyện mua quần áo mới với các cô gái theo đạo Hồi là không thể cho đến khi họ tìm được một chiếc hijab phù hợp. Thế nhưng trang phục ra phố của phụ nữ Hồi giáo vẫn chỉ là màu đen tuyền của chiếc khăn phủ bên ngoài.
Ngoài ra, vì phải thường xuyên mang khăn trùm đầu và phủ kín tai, nhiều cô gái theo đạo Hồi thường không nghe rõ những gì người đối diện đang nói.
Ra phố vào ngày hè
Với việc trùm khăn kín cả cơ thể theo đúng phong tục, mùa hè đối với phụ nữ Hồi giáo là một cực hình. Ngày nào họ cũng phải đấu tranh tư tưởng để ra khỏi nhà và mỗi khi trở về, được trút bỏ tấm khăn là một niềm vui lớn.
Đôi khi, phụ nữ theo đạo Hồi cũng cảm thấy chán việc luôn phải giấu mình trong chiếc hijab. Họ thường lười biếng trốn trong nhà cả ngày với lý do "đeo hijab thật quá mất công".
Khách đến nhà
Nếu bạn đột ngột gõ cửa thăm nhà một cô nàng Hồi giáo, rất có thể bạn sẽ phải chôn chân cả tiếng đồng hồ chỉ để chờ chủ nhà đeo hijab. Trong những trường hợp khẩn cấp, họ còn đeo cả chăn thay thế hijab để ra mở cửa.
Nói đùa
Phụ nữ theo đạo Hồi cũng thường bông đùa khi bị hỏi những câu họ cho rằng ngớ ngẩn. Chẳng hạn, nếu nhận được câu hỏi "Cô bị hói phải không?", một phụ nữ Hồi giáo sẽ tỉnh bơ trả lời: "Vâng, cái bướu phía sau đầu tôi chính là một khối u" mà không cảm thấy ngần ngại.
Tóc búi
Các cô gái búi tóc và trùm hijab ở khu vực Trung Đông cũng thường bị đánh giá và cho rằng đang cố tình thu hút sự chú ý từ người xung quanh, nhất là khi họ dùng thêm phụ kiện để tóc gồ lên cao hơn.
Ôm ấp
Ngoài việc trùm hijab, phụ nữ Trung Đông cũng dành nhiều thời gian để tìm cách lảng tránh những cái ôm từ người khác, đặc biệt là nam giới.
Tập thể dục
Phụ nữ Hồi giáo thường không tập thể dục, nhất là với những môn vận động mạnh. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt kết hợp việc mặc quần áo nhiều lớp là chuyện không tưởng đối với họ.
Trần Hằng

Những điều thú vị tại quốc gia minh bạch nhất thế giới

Bên cạnh hình ảnh hiện đại, sạch sẽ Singapore còn là quốc gia được biết đến và ngưỡng mộ bởi sự minh bạch trong chính phủ.

Singapore dù là một quốc gia non trẻ nhưng có tốc độ phát triển, tăng trưởng kinh tế, y tế, giáo dục khiến nhiều đất nước trên thế giới ngưỡng mộ. Sau đây là một số nét thú vị của đảo quốc này, trong có những điều tưởng như bé nhỏ lại làm nên một Singapore hùng mạnh như ngày nay.
Đất nước của sự minh bạch
Theo chỉ số GDP, Singapore có thu nhập bình quân đầu người vào top cao trên thế giới. Quốc gia này cũng xếp hạng cao trong các bảng xếp hạng quốc tế liên quan đến giáo dục, chăm sóc sức khỏe, sự minh bạch của chính phủ, và tính cạnh tranh kinh tế. Tổ chức Minh bạch Quốc tế liên tục xếp Singapore vào hạng các quốc gia ít tham nhũng nhất trên thế giới.
Sự công bằng trong văn hóa
3 tộc người chính ở Singapore là Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ. Chính phủ đối xử với 3 nền văn hóa này rất công bằng. Mỗi quốc gia đều có những lễ hội, những kỳ nghỉ riêng và đều được công nhận là kỳ nghỉ quốc gia.
Quán xá vỉa hè
Khác với Việt Nam và Thái Lan, hàng quán được bày la liệt ngoài đường, vỉa hè lấn chiếm chỗ của người đi bộ, đến Singapore bạn sẽ không thể gặp một quán hàng rong bên vỉa hè. Trước đây cũng có nhiều quầy hàng bán ven đường ở Singapore nhưng chính phủ đã nhanh chóng nhận thấy điều này gây mất mỹ quan đô thị. Vì vậy, những hàng quán đó được tập trung lại vào một khu và đường phố không hề xuất hiện bóng dáng của những gánh hàng vặt.
IMG-8896-JPG-1239-1410495391.jpg
Singapore được đánh giá cao về mức độ an toàn đối với khách du lịch. Ảnh: Phương Anh.
Sạch sẽ
Singapore là một đất nước phát triển, nhưng khi đến với đảo quốc này bạn không hề có cảm giác bụi bặm. Đường phố cũng không có rác rưởi và hiện tượng xả rác vào môi trường hầu như không tồn tại.
An toàn
Tỷ lệ trộm cắp ở Singapore rất thấp. Nhiều khách du lịch cho biết họ hài lòng về sự an toàn mà quốc gia này mang lại. Khách đi chơi về đêm muộn cũng không sợ gặp phải kẻ xấu và luật pháp ở Singapore được đánh giá là rất nghiêm minh. Các cửa hàng ăn trên phố khi đêm tối chỉ đóng cửa hàng, còn bàn ghế vẫn bày biện và để nguyên ở bên ngoài mà không sợ bị mất mát.
Hoàn thuế
Đối với các các nghiện mua sắm, đây là một thông tin vô cùng hữu ích. Với bất kỳ hóa đơn mua sắm có giá từ 100 SGD (đô la Singapore), bạn sẽ được hoàn thuế tại sân bay. Bạn chỉ cần phải cung cấp cho hải quan hóa đơn mua hàng và toàn bộ hàng hóa mình đã mua.
IMG-8819-JPG-8486-1410495394.jpg
Đường phố Singapore sạch bóng bã kẹo cao su. Ảnh: Phương Anh.
Mua sắm
Thông thường, từ tháng 5 đến tháng 7, Singapore có những đợt giảm giá lớn. Tại các cửa hàng ở Singapore bạn sẽ tìm được những món hàng với giá rẻ bất ngờ, thậm chí có những cửa hàng còn giảm ở mức kỷ lục là 90% cùng chương trình rút thăm may mắn có giá trị cao vào đúng nửa đêm.
Phố Orchard (Orchard Road) là trung tâm mua sắm của Singapore. Bạn sẽ phải hoa mắt và mỏi chân khi ghé thăm các đại siêu thị dọc đại lộ này.
Ở khu phố Tàu (Chinatown) và khu Tiểu Ấn (Little India), bạn có thể tìm được các món hàng lưu niệm giá rẻ. Tuy nhiên với các hàng hóa khác, bạn nên cẩn thận vì họ nói thách rất cao. Bạn có thể giảm từ 80 đến 85% số tiền mà họ nói thách.
Internet
Mạng Wifi ở Singapore khá tốt nhưng 3G khá chậm. Nhiều khách du lịch là người Singapore khi tới Việt Nam đã phải thốt lên 3G của Việt Nam "siêu nhanh". Giá cước điện thoại của Singapore cũng khá đắt. Với một chiếc sim có giá 15 SGD, bạn chỉ có thể gọi về Việt Nam khoảng 10 phút.
Ẩm thực
Ẩm thực địa phương của Singapore rất phong phú, nó là sự kết hợp, giao thoa của hai nền văn hóa Á - Âu. Vì vậy đến đây, du khách có thể thoải mái lựa chọn cho mình các món ăn của châu Âu hay đậm chất địa phương của người Hoa, người Ấn và người Malaysia. Xuất ăn trung bình từ 5 đến 8 SGD/ suất.
IMG-8889-JPG-1509-1410495394.jpg
Ẩm thực Singapore eaats phong phú, đa dạng. Ảnh: Phương Anh.
Hoa quả và rau xanh
Giá cả của hoa quả ở Singapore không quá đắt so với Việt Nam, tuy các loại rau củ không phong phú bằng. Một số loại hoa quả nhập khẩu thậm chí có giá chỉ bằng một nửa ở Việt Nam nhưng giá rau lại khá đắt.
Những số điện thoại hữu ích cho du khách Việt khi ở Singapore:
Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore: 64625938/64625994
Taxi : 65428297 (MaxiCab), 6555 8888 (TIBS Taxis), 6552 2222 (CityCab)
Tìm đồ đạc thất lạc hoặc bị mất cắp : 6391 0000
Tìm hộ chiếu/Cục quản lý xuất nhập cảnh Singapore : 63916100
Cảnh sát : 999
Cứu thương, cứu hoả : 995
Tư vấn khẩn cấp : 18002214444
Anh Minh

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2014

Nàng tiên cá Saracen và hồ Pha Lê

Saracen gần như chưa có tên trên bản đồ du lịch. Đó là một vịnh nhỏ hình trái tim dài chừng năm cây số, nằm ở phía đông Koh Rong Sanloem. Theo tiếng Khmer và tiếng Thái, “Koh” nghĩa là đảo. Koh Rong Sanloem rộng 48 cây số vuông với dân số hơn 300 người là đảo lớn thứ nhì của Campuchia.
Nhiều du khách Việt đã đến tắm ở Saracen nhưng không nhớ tên vịnh, chỉ biết tên đảo. Còn thác và hồ Pha Lê thì chưa ai biết vì mới được Công ty Lửa Việt đặt tên vào tháng 7 vừa rồi. Thác nằm ven biển phía tây Saracen, trong Freedom Resort, nhưng ai vào tắm cũng được. Thác có nhiều tầng nhỏ, nối với biển bằng hồ tự nhiên, nước trong nhìn tận đáy.
Một bãi biển ở Rong Sanloem
Đường ra đảo
Từ Việt Nam muốn đến Saracen phải nghỉ đêm ở Sihanouk vì tàu ra đảo chỉ khởi hành vào buổi sáng. Bãi Ochheuteal tấp nập hàng quán, nhiều nhất là BBQ hải sản. Các quán sạch sẽ, không xô bồ. Khách ngồi tràn ra biển, nhâm nhi bia Angkor và hải sản tươi nướng than, mua rồi đốt thử các loại pháo bông cây, pháo xẹt, pháo hoa chùm…
Cầu tàu trên đảo
Mùa nắng, tàu ra đảo đón khách tại bãi Ochheuteal, còn mùa mưa tàu dời về bãi Independence, ngang qua làng chài Phum Nesas và Chne Bang (đê chắn sóng). Giá vé tàu thường là 25 USD khứ hồi; có trà, cà phê, nước suối miễn phí. Lượt đi có ăn trưa buffet mini sau đó thả neo cho khách tắm biển, lặn ngắm san hô, câu cá thư giãn… cạnh Koh Tang. Tàu tới đảo lúc 13g30 và rời đảo lúc 15g30. Nếu đi tàu cao tốc thì giá khứ hồi là 30 USD, hải trình chỉ 45 phút.
Campuchia có 445km bờ biển, số đảo ít nhưng các bãi biển đẹp, tắm được quanh năm. Đặc biệt các đảo đều hoang sơ và ít dân cư; rất lý tưởng để phát triển du lịch sinh thái. Koh Sanloem chỉ mới làm du lịch từ vài năm nay. Toàn đảo là rừng nguyên sinh nhiệt đới dài chín cây số, bề ngang từ một đến bốn cây số, nơi cao nhất là 202m. Dân quần tụ ở làng đánh cá M’ Pai Bei phía bắc đảo.
Phòng ốc nằm lọt thỏm giữa rừng
Phía tây, bãi dài chừng hai cây số. Mùa này biển động, tàu không thể cập bến, chỉ còn cách duy nhất là trekking chừng ba cây số xuyên đảo, len lỏi giữa rừng nguyên sinh ríu rít tiếng chim cùng phong lan và địa lan quyến rũ. Những con suối trong veo, mấy cây k’nia vững chãi và vài đoạn dốc đá lởm chởm… Bờ tây ầm ào tung bọt trắng xóa như mây, là điểm ngắm hoàng hôn cực đẹp. Bờ đông biển lặng đến sững sờ, cát trắng mịn như nhung.
Đảo có gần hai chục resort eco kiểu nhà sàn hoặc bulgalow. Mái đa phần lợp tranh hoặc lá cọ, vách ván dân dã; một vài nơi lợp ngói, thi thoảng có sử dụng xi măng một cách tinh tế. Có cả nhà Tazan trên ngọn cây và cả nhà lều. Các resort đều có tiện nghi tối thiểu, không tivi, không internet, không máy lạnh, điện – nước vừa đủ dùng, chỉ có điện thoại liên lạc lúc cần thiết. Phòng ốc nằm lọt thỏm giữa rừng, hoàn toàn biệt lập với thế giới, ngăn nắp và bình yên đến kinh ngạc.
Mới chỉ khai thác hơn năm nhưng tiếng lành đồn xa nên công suất phòng ở đây gần kín, dù đang mùa thấp điểm. Giá phòng ở Koh Rong Sanloem mùa thấp điểm từ 30 đến 65 USD, còn mùa cao điểm gần gấp đôi.
Nàng tiên cá Saracen
Rong Sanloem là đảo hoang nên phải chuẩn bị thêm đồ ăn và phương tiện giải trí nếu muốn qua đêm. Có thể đi chợ Mới (Phsar Thmey) hoặc ghé cảng cá Phum Nesas để mua hải sản mang theo vì ngoài đảo chỉ bán đồ ăn kiểu Tây, giá cả đắt đỏ và cần đặt trước. Do tàu lớn không cập cảng được nên phải dùng tàu nhỏ trung chuyển.
Du khách tắm suối
Vịnh Saracen đẹp hơn nàng tiên cá. Mùa mưa bão, nước vẫn trong xanh, hơn mét sâu còn nhìn rõ đáy. Cát nhung trắng mịn tít tắp, bãi rộng và phẳng lạ lùng, không chút gợn sóng. Từng đàn cá nhỏ vô tư đùa giỡn. Khi khách vãng lai rời đảo, Saracen vắng lặng, càng đẹp hơn trong nắng chiều nhợt nhạt. Xa xa, có vài đôi đang tắm biển riêng. Bữa ăn tối nhà hàng gồm cá, mực, khoai tây nướng và cơm chiên; nếu được tăng cường thêm ghẹ, tôm, cá, gà tự nướng sẽ càng rôm rả. Đêm rực rỡ và giòn giã pháo bông cây, pháo xẹt, pháo hoa chùm… còn hơn cả giao thừa. Bên ánh lửa bập bùng, du khách hát hò vang trời đất, cười nghiêng ngả với những trò hoạt náo sôi động.

Cây đẹp trên biển
Nhiều người thích nằm đung đưa trên võng, trước mặt là biển, sau lưng là rừng. Vạn vật tĩnh lặng. Mọi thứ đều khẽ khàng. Côn trùng rả rích nho nhỏ, cỏ cây lặng lẽ thầm thì và gió đêm nhẹ nhàng hào phóng. Biển cố rướn người, với tay vào thềm cửa nhưng sợ khách giật mình; nên rón rén, thẹn thùng lấp ló. Chỉ ban ngày, khi có tàu lớn vào bãi, biển mới gợn sóng chút đỉnh rồi lại lặng thầm chờ đợi. Giữa đảo vắng, đôi khi nửa đêm chợt giật mình bởi những tiếng nhạc trầm buồn. Hóa ra là mưa đêm. Nhà lợp mái tranh. Tiếng mưa dội xuống cũng khẽ khàng xa vắng…
Bình minh trên hồ Pha Lê
Bình minh ở đảo thường đến sớm. Khách cứ đầu trần, chân không, tha hồ rửa phổi, rửa mắt với đất trời và biển cả. Mỗi resort là một nét duyên, tinh tươm và sạch sẽ. Quanh các bulgalow có nhiều loại cây thân thuộc. Nếu dừa, điều được trồng có chủ đích thì mua, sim, trang, tra, bàng, phong ba, hà thủ ô… cùng nhiều loài chưa biết tên cứ tự nhiên khoe sắc.
Mấy loại chim rừng ra biển kiếm ăn, giật mình bay vút khi gặp khách lạ. Hai đầu vịnh toàn đá sa thạch. Vô số cua đá cứ lách cách, thậm thụt trốn tìm ngộ nghĩnh. Ốc len bằng đầu đũa, cứ gom thành từng cụm đen đặc cả gang tay nhưng khi mặt trời lên là tản ra với biển.

Thác nước hoang sơ
Phía nam vịnh có những khe suối nhỏ nước màu trà bởi lá mục và đất ẩm. Phía đông có nhiều thác nhỏ róc rách, nước trong veo len lỏi qua các kẽ đá. Lạ lùng nhất là thác ven biển, có nhiều tầng trong khu vực resort Freedom. Du khách thầm khen ai đã khéo léo làm đập tràn, ngăn dòng chảy, tạo thành hồ tự nhiên độc đáo. Phía đầu hồ là thác nước thấp nhưng chảy mạnh, tắm sục kiểu sacuzi hay massage đều rất “đã”.
Lòng hồ bằng đá, nước sâu chừng mét rưỡi, nhìn tận đáy, trong suốt như kính. Nước mát lạnh đến rợn người dù đang mùa hè nóng nực. Bên cạnh là nhà hàng tươm tất. Du khách có thể ngồi trong nhà hay dưới tán gốc tra cổ thụ, xòe cành tỏa bóng râm như chiếc dù khổng lồ. Phải nói là thác và hồ quá đẹp, vừa được đặt tên là Pha Lê. Đã đời với biển hoặc rã rời sau trekking mà xuống hồ Pha Lê là mọi nhọc nhằn, phiền muộn đều tan biến.

Resort nằm trên cây
Rừng nguyên sinh trên đảo
Dọc bãi biển, còn in vết hình mấy trái tim kết bằng nến hồng trơ gốc. Chắc lại có màn cầu hôn đáng yêu của mấy chàng Tây lãng tử. Saracen là nơi hẹn hò tình tự lý tưởng, là chốn riêng tư để hưởng tuần trăng mật tuyệt vời…

VŨ LINH PHƯƠNG/DNSGCT

"Bữa tiệc trà" lịch sử ở Boston

Boston, thủ phủ bang Massachusetts, có một quá khứ rất "hiển hách", nổi tiếng trong lịch sử Mỹ với cụm từ "Boston Tea Party".



Faneuil Hall và tượng ông Samuel Adams
Trở về thời xa xưa, trong đêm 16/12/1773, một số cư dân Boston, tự xưng là "Những người con của tự do", đã cải trang thành những thổ dân da đỏ Mohawk, dùng xuồng nhỏ chèo thật nhẹ mà áp sát mạn ba chiếc thuyền buồm chất đầy những thùng gỗ đựng trà, vừa vượt Đại Tây Dương từ Anh sang. Họ leo lên thuyền và trong 180 phút sau đó đã ném tổng cộng 342 thùng trà xuống biển.
Sự kiện "Tiệc trà Boston" (Boston Tea Party) là một hành động quyết liệt nhằm phản đối Đạo luật Trà đã được Quốc hội Anh ban hành hồi tháng 5/1773.
"Tại sao những ông vua, bà chúa và các dòng tộc quý phái ở thật xa chúng ta lại có quyền áp đặt những đòi hỏi, thuế má quá đáng lên chúng ta, hãy chống lại họ!" là nội dung bản tin đã được loan truyền rộng rãi.
Có thể nói, "Tiệc trà Boston" đã châm ngòi cho cuộc chiến chống lại triều đình Anh vào năm 1775 với kết cục là đến ngày 4/7/1776 thì những Ông tổ lập quốc Mỹ (Founding Fathers) đã ra bản Tuyên ngôn độc lập, đánh dấu chính thức sự ra đời của nước Mỹ, không còn là thuộc địa của Anh.
Cũng từ sau "bữa tiệc trà” trong cảng biển Boston ấy, việc uống trà bị xem là hành động "phản bội" của những người Mỹ "thiếu lòng yêu nước". Rất nhiều người Mỹ chuyển sang uống cà phê. Cho đến tận ngày nay, đa số người Mỹ rất thích cà phê chứ không thích và thậm chí không biết uống trà!
Với sự biến này, Faneuil Hall, nơi được người Mỹ gọi là "Cái nôi của tự do" (The Cradle of Liberty) đã trở thành một địa điểm nổi bật không thể không ghé qua khi khách du lịch tham quan Boston. Dựng ngay phía trước tòa nhà này là tượng ông Samuel Adams, một trong những "Founding Fathers" của nước Mỹ ngày nay.

Faneuil Hall là một thành phần của Công viên quốc gia lịch sử Boston, có vinh dự thuộc top 25 địa chỉ ở Mỹ thu hút nhiều du khách nhất. Trung bình mỗi năm có đến 4 triệu khách tham quan Faneuil Hall, một trong 18 địa chỉ của "con đường tự do" (Freedom Trail).
Con đường này bao gồm nhà thờ, nhà nguyện trong nghĩa trang, tửu quán, chiến hạm... từng là điểm diễn ra những sự kiện cột mốc trong lịch sử người Mỹ đấu tranh chống lại triều đình Anh.


D.NGUYỄN

Savannah, phố xưa yêu kiều

Vốn rất mê bộ tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió nên chúng tôi có cảm tình với hình ảnh đồn điền trồng bông và những dinh thự ẩn mình dưới tán sồi ở bang Georgia nước Mỹ. Trong chuyến đi thăm Savannah, cảm tình đó lại càng tăng lên khi mỗi con đường, mỗi công viên xinh đẹp của thành phố này đều có thể kể cho du khách nghe hàng chuỗi câu chuyện lịch sử thăng trầm.
Phố thị dưới rừng sồi
Lịch sử của Savannah bắt đầu vào tháng Hai năm 1733 khi tướng James Oglethorpe của Hoàng gia Anh và 120 hành khách trên con tàu Anne hạ neo trên sông Savannah. Oglethorpe đã đặt tên cho thuộc địa thứ 13 của Mỹ là Georgia với Savannah là thành phố đầu tiên, cũng là thủ phủ của tiểu bang này trong một thời gian ngắn (thủ phủ Georgia ngày nay là Atlanta).
Savannah lúc lên đèn
Buổi chiều mùa hè, nắng vàng như mật tỏa những con đường rợp bóng cây trong phố cổ. Phố cổ là cách gọi nôm na chứ người dân ở đây gọi phố thị mấy trăm năm tuổi ấy là “khu vực lịch sử” (Historical District). Nét đặc biệt của Savannah là khu trung tâm có rất nhiều bùng binh hình vuông với những cây sồi cổ thụ tán thật rộng lớn, bao phủ cả dãy nhà kế bên. Không gian xưa này rộng gần bốn cây số vuông, đường sá lát gạch nhiều chỗ đã mòn vẹt
Cứ đi vài dãy nhà lại gặp một quảng trường hay công viên được chăm chút kỹ lưỡng. Mỗi công viên đều có một tượng đài, một bảng ghi những câu chuyện lịch sử liên quan và được bao bọc bởi hàng cây sồi tán xanh um. Được du khách đến thăm nhiều là Forsyth, công viên rộng nhất và có bồn phun nước ở giữa làm theo kiểu bồn nước hai tầng tại quảng trường Concorde của nước Pháp.
Công viên này rất nhân văn ở chỗ nó có một khu vực chỉ toàn trồng các loài hoa có hương thơm, để dành cho những người khiếm thị đến và thưởng thức hoa nở theo mùa…
Một góc êm đềm của thành phố
Ngoài 22 công viên tuyệt đẹp, Savannah cũng sở hữu một “bộ sưu tập” các phong cách kiến trúc nhà phố của mấy thế kỷ trước. Các ngôi nhà lớn, nhỏ, bằng gạch đỏ hay bằng gỗ đều đẹp, sang trọng và nhuốm màu thời gian. Nhà cửa ở đây đa số liền kề nhau, ban công, lối vào nhà được tô điểm bằng hoa tươi và những kiểu trang trí bắt mắt. Dù nhà cửa san sát thế nhưng du khách đến đây cứ ngỡ Savannah là phố giữa rừng.
Đứng trên vỉa hè trước một ngôi nhà nào đó, người ta ngước nhìn lên có khi chẳng thấy bầu trời mà chỉ thấy một màu xanh mát của tán cây sồi. Hàng sồi dọc hai bên phố cao tuổi đến mức các tán lá xòe rộng đan xen vào nhau, tạo thành chiếc dù khổng lồ che kín cả phố.
Nhà phố san sát xinh đẹp
Muốn tìm nơi hóng mát nên chúng tôi ra bờ sông, dạo bộ trên River Street. Dọc bờ sông, một bên là những nhà hàng, quán cà phê nhiều màu sắc, bên kia đường là bến đậu của những con tàu thanh lịch. Xen giữa khung cảnh nên thơ đó, phố đi bộ (River Walk) hiện ra khá lạc lõng bởi dọc phố là những tòa nhà rêu phong cũ kỹ. Dãy nhà này có thể làm cho Savannah bớt đi vẻ tươi tắn trong mắt du khách nhưng người dân địa phương lại coi đó là một phần quan trọng của thành phố.
Dường như chính quyền Savannah rất tự hào về lịch sử nơi đây. Dọc bờ sông, trên đường phố, du khách cứ đi một chút là nhìn thấy bảng giới thiệu về lịch sử một di tích xưa. Cứ đọc hết những bảng này là du khách biết gần hết những câu chuyện thời cuộc hấp dẫn của Savannah. Và cứ lần theo bờ sông, chúng tôi vừa ngắm cảnh vừa đọc cho hết chục tấm biển.
Căn nhà của nhóm cướp biển ngày xưa – điểm tham quan gây tò mò cho nhiều du khách
Nơi lưu giữ một thời oanh liệt
Thuở ban đầu, Hoàng gia Anh dùng Savannah làm nơi định cư cho di dân nghèo và làm chỗ buôn bán cho thương nhân. Tướng Oglethorpe là một nhà ngoại giao đại tài. Ông ta làm thân với tộc trưởng Tomochichi của bộ tộc Yamacraw – thổ dân địa phương và thuyết phục được họ đồng ý cho người da trắng sinh sống lâu dài tại đây. Người Anh đến đây lập thành phố mà không tốn một giọt máu tranh giành như những vùng đất khác. Họ có thời gian và tiền bạc để xây dựng thành phố theo chương trình hoạch định.
Savannah là đô thị đầu tiên ở Mỹ được xây dựng theo quy hoạch từ trước. Tướng Oglethorpe thiết kế thành phố theo kiểu mẫu đặc biệt, giữa những con đường rộng rãi là các công trường và công viên dành cho các buổi họp công cộng và nơi buôn bán. Savannah ngày trước có 24 quảng trường và công viên, ngày nay còn lại 22 cái.
Xe ngựa trong phố cổ
Khi Hoa Kỳ độc lập, Savannah phát triển mạnh mẽ với nghề trồng bông và buôn bán nô lệ. Những chuyến tàu xuyên Đại Tây Dương buôn bán nô lệ biến hải cảng Savannah trở thành nơi buôn bán sầm uất nhất miền Nam. Người dân thành phố nhanh chóng trở nên giàu có và xây cất hàng loạt dinh thự, nhà thờ xinh đẹp. Tòa nhà Trao đổi Bông vải sợi (The Cotton Exchange Building) đồ sộ là chứng nhân cho thời cực thịnh đó.
Tượng đài bên sông Savannah
Trước cuộc nội chiến Nam Bắc Mỹ, Savannah được xem là một trong những thành phố đẹp nhất của Hoa Kỳ nhờ những con đường rợp bóng cây sồi, trên cành cây là những cụm rêu xanh treo lơ lửng, rồi công viên, quảng trường xanh mát xen kẽ giữa các con đường thẳng tắp… Cũng nhờ vẻ diễm lệ mà thành phố tránh được sự phá hủy của quân đội phía Bắc.
Ngày nay, Savannah giữ được rất nhiều di tích và trở thành một điểm đến du lịch thu hút khách bốn phương. Người Savannah giữ gìn phố phường xưa cũ một cách cẩn thận. Không phải chỉ những tòa nhà lớn mới được coi là di tích, những ngôi nhà nhỏ trên mỗi con đường đều được bảo trì, tu bổ kỹ lưỡng, trước cửa treo biển ghi chép năm xây dựng, tên chủ nhân và công ty kiến trúc. Chính vì thế mà đi dạo trong thành phố, nhiều lúc chúng tôi cứ tưởng mình đang ở nước Mỹ của thế kỷ trước.
Những hàng cây sồi thơ mộng trên đường phố Savannah
Bảo tàng Lịch sử Savannah lại càng mang dáng dấp cổ kính. Công trình được xây từ nhà ga xe lửa cũ này tái hiện lịch sử thành phố một cách hệ thống và bắt mắt. Từ những hình ảnh đầu máy xe lửa cổ, những người lính trong bộ quân phục thời chiến cổ, mô hình tái hiện trận đánh lịch sử để giành độc lập cho thành phố đều khiến khách tham quan thích thú. Cách bảo tàng không xa, tòa thị chính sừng sững cao ngất với tháp đồng hồ bốn mặt có để mô hình cỡ lớn con tàu Savannah, con tàu chạy bằng hơi đầu tiên băng qua Đại Tây Dương vào năm 1819.
Cạnh bên, tòa nhà cũng là bảo tàng của ngài Owens, một chủ tịch ngân hàng thời xưa là biểu tượng cho kiểu kiến trúc Anh quý phái đầu thế kỷ XIX. Trong nhà vẫn còn giữ được rất nhiều hiện vật cổ của gia đình. Những vách tường điêu khắc, thảm lót, bàn ăn, tủ sách, trần nhà chạm trổ… đều được bảo quản rất kỹ và tuyệt đối cấm du khách chụp ảnh bên trong ngôi nhà. Rồi ngôi nhà của những tên cướp biển – the Pirate House bằng gỗ tuy cũ kỹ nhưng lưu giữ nhiều vật dụng xưa của toán cướp biển.
Bên cạnh đó, các kiến trúc tôn giáo đặc sắc như nhà thờ cổ Mickve Israel Synagogue kiểu Do Thái hay nhà thờ cổ Cathedral of St. John cũng mang lại chiều sâu văn hóa tâm linh cho thành phố.
Cảnh công viên ở Savannah
Savannah đã qua thời phồn thịnh nhất. Sự sầm uất nhường chỗ cho vẻ tĩnh lặng êm đềm, nhưng niềm kiêu hãnh về một giai đoạn lịch sử sôi động thì mãi còn đó. Lịch sử Savannah sẽ không bao giờ bị quên lãng nhờ những người dân tỉ mỉ nâng niu từng viên gạch, từng gốc cây, từng bức tường rêu phong xưa cũ.



THÀNH NAM/DNSGCT

Armenia – vùng đất xa xăm

Sau chuyến bay dài gần bốn giờ đồng hồ từ Rome, chúng tôi đặt chân xuống thủ đô Yerevan của Armenia. Mặc dù Armenia đang được coi là điểm đến mới hấp dẫn đối với dân Ý song chúng tôi vẫn bất ngờ trước vẻ xinh đẹp của thành phố lớn nhất nước này.
Yerevan hiện đại hơn nhiều so với những gì mọi người trong đoàn hình dung. Đường phố, khu dân cư và công trình công cộng được quy hoạch chỉn chu, bài bản. Trước các cửa hàng sang trọng là hàng dài những chiếc xe hơi đắt tiền như Bentley, Rolls-Royce… phô bày sự giàu có của một tầng lớp dân cư mới.
Thành phố của đức tin
Sau hơn một thập niên trở thành đại công trường xây dựng, hôm nay tại Yerevan loạt kiến trúc mới đã bắt đầu xóa dần các công trình được xây trong thời kỳ Xô Viết. Thành phố êm đềm và tươi tắn với nhà hàng, quán cà phê đầy hoa. Đặc biệt, phụ nữở đây nhìn rất thu hút với cặp mắt to đen, nụ cười rạng rỡ và dáng vẻ quyến rũ trong trang phục thanh lịch.
Sự hiếu khách chân thành của người Armenia có thể tìm thấy ở bất cứ đâu. Khi đi qua khu chợ chuyên bán trái cây có đặc sản là trái cây sấy khô và trái cây muối, chúng tôi được các bà các chị niềm nở tặng nào mận, nào táo… để ăn thử. Thấy chúng tôi lúng túng rút tiền ra, họ liền xua tay: “Ồ không, không phải trả tiền. Cái này là chúng tôi mời các bạn ăn thử để biết đặc sản của Armenia”.
City tour vòng quanh Yerevan bắt đầu từ quảng trường Cộng hòa được xây theo phong cách Tân cổ điển (Neoclassical). Bao quanh quảng trường có bảy công trình kiến trúc lớn như Bảo tàng Quốc gia, Tòa nhà Quốc hội… Tọa lạc giữa thủ đô nhiều đồi dốc, khu vực quảng trường này đẹp giản dị mà sang trọng, bề thế song vẫn thanh thoát.
Ngay gần quảng trường đông vui là khu chợ Vernisage chuyên bán hàng thủ công mỹ nghệ và nổi tiếng có nhiều tác phẩm tinh xảo độc đáo. Hấp dẫn nhất chợ có lẽ là đồ khắc gỗ, đồ cổ, đăng ten và những tấm thảm dệt tay hoa văn sắc sảo. Phụ nữ trong đoàn nhiều người mê mẩn với đồ trang trí và trang sức khảm Obsidian, một loại đá quý màu sẫm chỉ có tại địa phương. Nghề kim hoàn Armenia có truyền thống lâu đời và phong cách riêng, trong chợ có hẳn khu vực dành riêng cho những bộ sưu tập đồ vàng.
Phía bên kia Nhà hát Thành phố là một khu chợ bán đồ cổ và các tác phẩm nghệ thuật song chỉ họp vào dịp cuối tuần. Lịch sử lâu dài của Armenia trên ngã tư đường của các đế chế cổ đại khiến nơi đây trở thành địa điểm tuyệt vời để khám phá di tích cổ. Các di chỉ khảo cổ thời Trung cổ, thời Đồ sắt, thời Đồ đồng và thậm chí thời Đồ đá chỉ cách thành phố vài giờ đi xe. Đa số chúng vẫn ở tình trạng chưa được khám phá nên mang lại cho du khách cơ hội tham quan những nhà thờ, những pháo đài còn ở tình trạng nguyên bản.
Lịch sử Yerevan bắt đầu tính từ thế kỷ VIII trước Công Nguyên cùng với việc thiết lập pháo đài Urartia Erebuni. Vùng đất dưới chân dãy Ararat này được coi là cái nôi của đạo Thiên Chúa, nơi mà Chúa Jesu đã chỉ tay vào một tảng đá và nói rằng: “Đây là cái nôi của loài người”. Xung quanh tảng đá thiêng đó vào thế kỷ XI người ta đã xây nên nhà thờ Saint Sarkis Cathedral uy nghiêm, trái tim của thủ đô Yerevan cho đến ngày nay.
Armenia là một trong những đất nước theo đạo Thiên Chúa đầu tiên trên thế giới với hàng chục tu viện cổ nằm trên đỉnh núi và những thánh đường nằm khuất trong rừng sâu đã được xây từ ngàn năm trước. Ngay tại thủ đô cũng có rất nhiều nhà thờ cổ lớn nhỏ với những lối kiến trúc đặc sắc. Nói đến kiến trúc nhà thờ thì thánh đường Surb Zoravor hoàn thành vào năm 1694 là niềm tự hào của người Armenia. Lối kiến trúc nhà thờ ở đây rất riêng và mỗi công trình trong quần thể nhà thờ đều gắn liền với một điển tích tôn giáo nào đó.
Dưới chân ngọn Ararat
Hôm sau ra khỏi thành phố, chúng tôi chợt chùng xuống trước vẻ đơn sơ đến mức nghèo nàn của những ngôi nhà ngoại ô và nông thôn Armenia. Ở đó, người dân di chuyển chủ yếu bằng xe đạp hoặc xe hơi Lada cũ kỹ, cồng kềnh thường thấy trong các bộ phim Liên Xô thuở trước. Nhưng bù lại, thiên nhiên Armenia đẹp tuyệt vời. Sau khi băng qua nhiều con đèo rất ngoạn mục, mọi người được chiêm ngưỡng cảnh tượng thật hùng vĩ với các dãy núi cao ngọn phủ băng tuyết lấp lánh. Dưới chân núi là các thung lũng bạt ngàn hoa dại đua nhau khoe sắc chào nắng ấm.
Một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất Armenia là hồ Sevan, hồ lớn nhất nước này và cũng là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất trên thế giới nằm ở cao nguyên. Mất gần một giờ đồng hồ xe chúng tôi mới đi hết gần bảy mươi cây số chiều dài của hồ. Nước hồ xanh trong như ngọc bích, ven hồ thỉnh thoảng lại có những tu viện nhỏ cổ kính nhìn đẹp như tranh.
Gần hồ có Noraduz, một nghĩa trang nổi tiếng bởi hàng loạt bia đá được tạo tác như những tác phẩm nghệ thuật. Truyền thống Công giáo lâu đời ở Armenia được thể hiện một phần không nhỏ qua những bia đá được làm vô cùng công phu và tinh xảo này. Nơi nhiều bia đá nhất là ở Noraduz. Trên diện tích chừng bảy hécta có khoảng một ngàn chiếc bia được chạm trổ cầu kỳ. Một số bia rất đẹp được làm từ thế kỷ thứ XVI và XVII khi mà Armenia còn là thuộc địa của người Ba Tư.
Là nghĩa trang cổ nhưng Noraduz khá đông vui. Phía sau bia đá luôn có mấy cụ bà ngồi đợi du khách đến hỏi mua tất hay mũ len do chính họ đan. Còn những cô bé xinh xắn như thiên thần bán hàng lưu niệm thì ríu rít nhảy lò cò quanh các bụi hoa dại sặc sỡ.

Đến Armenia du khách không thể không nghe nhắc đến núi thiêng Ararat, và đứng ở bất kỳ nơi nào tại Yerevan người ta cũng nhìn thấy đỉnh núi huyền thoại này.
Kinh Thánh kể rằng Noah đã dùng một con tàu để tránh bị diệt vong trong trận đại hồng thủy. Ngày nay, trên đỉnh núi Ararat (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) vẫn còn dấu tích của con tàu đó. Núi Ararat là núi cao nhất trong vùng và từng là một phần của Armenia cho tới tận khoảng năm 1915, khi nó rơi vào tay nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ. Người Armenia luôn coi núi Ararat là biểu tượng của họ. Trong con dấu nhập – xuất cảnh của hải quan đóng lên passport của du khách đều có biểu tượng núi Ararat.
Do Armenia và Thổ Nhĩ kỳ vẫn hận thù nhau đến giờ nên Thổ Nhĩ Kỳ không mở cửa biên giới cho người Armenia qua. Vì thế phần lớn dân Armenia chỉ có thể nhìn thấy mà không thể đến được Ararat. Có giai thoại kể là khi Armenia đưa hình Ararat vào quốc huy, người Thổ Nhĩ Kỳ đã cho là Armenia vi phạm chủ quyền và phản đối. Liên Xô khi đó đại diện cho Armenia trả lời rằng: “Vậy Thổ Nhĩ Kỳ có hình mặt trăng trên quốc huy thì sao, liệu có nghĩa rằng Thổ định đòi chủ quyền với mặt trăng không?”.
Chuyện kể cho vui nhưng người hướng dẫn của chúng tôi thì có vẻ ngậm ngùi. Điều an ủi theo anh là: “Tuy không còn được chạm tay vào Ararat song chúng tôi có góc nhìn đẹp nhất đến ngọn núi này. Dù thế nào đi nữa thì núi thiêng vẫn luôn là thánh địa trong tim người Armenia…”.

TẤN MINH/DNSGCT

Năm món ngon ở Brussels

So với thủ đô của hai nước láng giềng Pháp và Hà Lan, thủ đô Brussels của Bỉ không có nhiều lắm những thứ để khoe; tuy nhiên ai đã từng trải nghiệm ẩm thực ở Brussels cũng sẽ khó quên năm món ăn đặc trưng của thành phố này.
Trong khi Paris danh bất hư truyền với tháp Eiffel, Bảo tàng Louvre, cung điện Versailles, nhà thờ Đức Bà, Khải Hoàn Môn, đại lộ Champs Elysees…; Amsterdam nổi như cồn nhờ hệ thống kênh đào chằng chịt, Bảo tàng quốc gia Rijksmuseum, Bảo tàng Van Gogh, quảng trường Dam, chợ hoa tulip, phố đèn đỏ… thì Brussels chỉ khiêm tốn với quảng trường Lớn, công viên Heysel với mô hình nguyên tử Atomium… và đặc biệt là tượng thằng bé Manneken-Pis đang… tè.
Trước khi đến Brussels, tôi vẫn hình dung tượng Manneken-Pis cao to lừng lững như những tượng đài khác. Trên đường đến nơi đặt tượng, nhìn thấy mô hình Manneken-Pis bằng sô-cô-la cỡ người thật trong các cửa hiệu, tôi càng tin vào trí tưởng tượng của mình cho đến khi tận mắt thấy một bức tượng nhỏ bằng bình hoa cỡ trung nằm khiêm tốn ở một góc đường.
Mới hay người Bỉ rất giỏi “lăng-xê”, vì tượng Manneken-Pis không nổi tiếng bởi sự hoành tráng mà nhờ vào câu chuyện lịch sử được kể lui kể tới.

Có thể nhờ giỏi lăng-xê mà ẩm thực Bỉ nổi tiếng thế giới với những món tưởng chừng khó mà nổi tiếng. Trước khi đến Brussels, tôi đã sục sạo trên các trang web du lịch để tìm hiểu về ẩm thực Bỉ, thấy chỗ nào cũng đề cập đến năm món nên nếm thử khi đến đây: chem chép, bánh quế, khoai tây chiên, bia và sô-cô-la. Năm món là vừa vặn cho một lần trải nghiệm: nhâm nhi khoai tây chiên với bia “made in Belgium”, thưởng thức món chính nấu bằng chem chép béo ngọt rồi tráng miệng với bánh quế thơm giòn và sô-cô-la (món này còn để đem về làm quà).
1. Chem chép, khoai tây chiên
Chem chép (tiếng Pháp là moulle, tiếng Anh là mussel) là món quốc hồn quốc túy của người Bỉ. Gọi là chem chép vì hình dạng bên ngoài giống chem chép của ta, nhưng thịt bên trong lại rất khác: vàng óng, mềm chứ không dai.
Thật ra ngôn ngữ ẩm thực chúng ta chưa đặt tên cho loại động vật thân mềm đặc biệt ở vùng biển Bắc Đại Tây Dương và Nam Thái Bình Dương. Hầu hết chem chép trong các nhà hàng ở Bỉ đến từ biển Bắc, ngoài khơi vùng biển phía Bắc của Hà Lan. Có nhiều cách ăn chem chép tùy theo từng vùng miền, nhưng cách phổ biến nhất là hấp trong nồi sâu lòng với vang trắng (hoặc bia Bỉ), hành tây, rau cần tây và bơ.
Quanh khu trung tâm Brussels, có rất nhiều nhà hàng quảng cáo món chem chép với giá từ 12 euro đến 25 euro cho một phần ăn gồm một nồi chem chép hấp, một tô khoai tây chiên và một ly bia Bỉ. Con chem chép ở Brussels có vỏ màu đất đen, thịt màu cam căng tròn nhìn rất bắt mắt. Nhai từ tốn thịt chem chép hấp vị ngọt thơm, rồi húp nước hấp chem chép tỉnh cả người – có thể nhờ rượu vang trong nước hấp.
Nhìn nồi chem chép ở đây mà thương cho đĩa chem chép nướng mỡ hành ở Sài Gòn, cũng ngọt thơm tuyệt đối nhưng chìm nghỉm trong sơ đồ ẩm thực nước nhà.
2. Khoai tây chiên với nước xốt

Khoai tây chiên của Bỉ ngon trước hết nhờ cách chọn loại khoai tây Bintje hảo hạng, cắt miếng lớn và chiên bằng mỡ động vật. Cách chiên cũng là bí kíp của món ăn đẳng cấp thế giới này. Khoai được chiên sơ rồi để cho nguội, khi có khách gọi mới chiên lần nữa, nhờ vậy mà miếng khoai tây có lớp ngoài giòn thơm trong khi phía trong lại mềm bùi.
Ở nhà hàng, khoai tây chiên đứng một mình khi được phục vụ cùng với các món khác, nhưng tại hơn 4.000 cửa hàng khoai tây chiên – đa số ở Brussels – khoai tây chiên trở nên kiêu kỳ hơn rất nhiều khi sánh vai cùng hơn 50 loại nước xốt ăn kèm. Khách có thể chọn phần ăn cỡ nhỏ, cỡ trung hay cỡ lớn và bất cứ loại nước xốt nào trong một danh sách dài được ghi sẵn trước cửa hàng.
Khi khách gọi, người bán lấy một tờ giấy cuộn tròn hình phễu, xúc khoai tây chiên nóng giòn đổ vô trước, múc xốt chế lên trên rồi cắm thêm cây que bằng gỗ. Đã có cả ngàn bài báo trên khắp thế giới viết về khoai tây chiên kiểu Bỉ.
3. Bia
Ăn khoai tây chiên đừng quên uống bia Bỉ. Mặc dù bia Bỉ không có được vị trí số 1 như bia của nước láng giềng Đức, nhưng nhắc tới ẩm thực Bỉ người ta không thể không nhắc đến bia. Tại quốc gia có hơn 180 nhà máy bia, từ những tập đoàn quốc tế khổng lồ đến các cơ sở sản xuất bia nhỏ lẻ sản xuất hơn 450 loại bia khác nhau, bia không đơn thuần là một loại thức uống mà là một nền văn hóa.
Trong các cửa hàng bia ở Brussels có hàng trăm nhãn hiệu bia khác nhau với nhiều kiểu dáng chai bia đủ mọi kích cỡ và hình thù đẹp mắt. Nhiều công ty bia Bỉ thậm chí sản xuất cả ly uống bia riêng như cách người ta làm với rượu vang.
4. Bánh quế

Cũng như món khoai tây chiên, bánh quế (waffles) có mặt ở khắp nơi trên đất nước Bỉ, với giá bán từ 1 euro cho bánh không và từ 3 euro cho bánh ăn kèm kem và trái cây tươi. Những ngày cuối hè ở Brussels trời se lạnh, thật hạnh phúc khi dạo bước ngắm phố phường với miếng bánh quế nóng hổi thơm phức, ngọt dịu, giòn bên ngoài, mềm bên trong.
Gần nơi đặt tượng Manneken-Pis có tới mấy cửa hàng bán bánh quế với vài chục lựa chọn các loại nhân phủ bên trên như kem tươi, mật ong, bơ đậu phộng, chuối, dâu, kiwi…
5. Socola
Mặc dù cây cacao không được trồng tại Bỉ, quốc gia này vẫn là nước sản xuất sô-cô-la số 1 thế giới. Sô-cô-la Bỉ nổi tiếng nhờ cách chọn nguyên liệu và quy trình sản xuất. Có rất nhiều loại sô-cô-la nhưng Praline với hương vị hoàn toàn khác biệt – bên ngoài là lớp vỏ sô-cô-la cứng, bên trong nhân kem lỏng làm từ sữa kem tươi và bơ cacao nguyên chất – mới là thứ đưa danh hiệu sô-cô-la Bỉ lên tầm cao nhất.
Người ta vẫn chuộng sô-cô-la sản xuất theo phương pháp thủ công tại các xưởng sản xuất nhỏ trên khắp đất nước. Hiện Bỉ có khoảng 2.000 cửa hàng chuyên bán sô-cô-la, tập trung nhiều tại các điểm tham quan mua sắm nổi tiếng. Ở quảng trường Lớn và nơi đặt tượng Manneken-Pis, có rất nhiều thương hiệu sô-cô-la hàng đầu như Nirvana, Godiva, Neuhaus, Floranne… Đến Brussels mà không ăn sô-cô-la mới là thiếu sót lớn nhất!


NGÔ VY/DNSGCT