Nguyễn Kim Oanh –
Trong cuộc hành trình du lịch khám phá trên đất nước Trung Quốc, tôi đã có dịp dừng chân ở tỉnh Cam túc, nơi được nhiều người bảo rằng có công viên rừng hồ dương rất đẹp. Lần đầu tiên tôi mới được nghe đến địa danh và tên gọi của cây này. Qua tìm hiểu, tôi được biết hồ dương là một cây sống gần hoang mạc, mọc nhiều ở vùng có khí hậu khô như Cam Túc, Nội Mông, Tân Cương, nơi có những sa mạc rộng lớn của Trung Quốc như Taklamakan, một phần Gobi giữa Mông Cổ và Trung Quốc.
Công viên rừng hồ dương này thuộc lâm trường Triều Hồ ở huyện Kim Tháp, thành phố Tửu tuyền thuộc tỉnh Cam Túc, cách Gia Dụ Quan nơi tôi nghỉ trọ khoảng 2 giờ xe chạy. Vì là một loại cây vừa chịu đựng được nắng nóng khô hạn, vừa chịu được lạnh lẽo ẩm ướt nên người ta còn đặt tên cho nó là “dũng sĩ sa mạc”. Với mục đích ngăn tình trạng sa mạc hóa, chính quyền địa phương đã cho trồng rừng phòng hộ nơi này bằng cây hồ dương và những loại cây chịu hạn khác như bạch dương, táo sa mạc… Dần dần họ mở rộng diện tích và hình thành nên công viên rừng hồ dương vào năm 2010, bắt đầu đón du khách vào tham quan cho đến nay.
Hồ dương, hay còn gọi là cây hồ đồng và nhiều loại tên khác, là một loại cây thân gỗ, cao khoảng 10 đến 30 m, lá của nó khi còn non hình thuôn dài nhưng khi già biến thành hình bầu dục.
Vào sáng sớm, với nhiệt độ chỉ chừng 5 độ C, lạnh tê tái, quả tình chui ra khỏi tấm chăn ấm thật không dễ chút nào. Nhưng vì chưa bao giờ tôi được ngắm rừng hồ dương mùa thu nên cố gắng thức dậy và lên đường, đi một lần cho biết. Cả nhóm gồm có tôi, cậu em yêu thích du lịch đi cùng tôi chuyến này, và một cô gái người An Huy ở chung phòng trọ, người đã lang thang hơn một tháng từ An Huy tới đây.
Sau khi ngồi xe buýt 2 giờ đồng, chúng tôi đã đến thành phố Tửu Tuyền và sau đó tiếp tục ngồi taxi vào công viên cách đó 8 km. Công viên rộng đến hơn một vạn héc ta cho nên chúng tôi phải ngồi xe trung chuyển đi từ cổng chính đến các địa điểm tham quan nằm sâu bên trong. Xe chỉ mới vừa lăn bánh được ít phút, mọi ánh mắt của chúng tôi đã lập tức bị thu hút bởi cảnh sắc hai bên: một rừng hồ dương lá vàng tuyệt đẹp. Những hàng cây thay lá chuyển màu vàng rực rỡ cứ như mời gọi chúng tôi đến đây để cùng chiêm ngưỡng “nàng thu” tuyệt đep này.
Ở một điểm dừng, chúng tôi men theo lối đi được lát gỗ với chiều rộng hơn 1 m dành cho khách tham quan, lá thu phủ vàng khắp dưới chân sau làn gió thoảng thổi qua, Đây là một con đường dài với những hàng cây cao vút, bao phủ bên trên là một màu lá vàng óng của hồ dương. Phong cảnh tuyệt mỹ khiến say đắm lòng người.
Men theo con đường gỗ chúng tôi tiến vào bên trong hồ Kim Tháp – điểm tham quan rừng hồ dương của công viên. Hiện ra trước mắt tôi màu sắc của sự sống giữa nơi hoang mạc, đó chính là màu cây hồ dương mà lần đầu tôi thấy được. Một sự phối hợp màu sắc tuyệt vời của thiên nhiên, gồm màu trắng của mây, màu xanh của nền trời, màu vàng của lá thu phản chiếu trên mặt hồ trong vắt. Những người bạn đồng hành cùng tôi không khỏi xuýt xoa trầm trồ tán thưởng vẻ đẹp của mùa thu nơi này, họ liên tục bấm máy để lưu giữ những khung hình nơi đây với ý nghĩ không biết lúc nào mới có dịp gặp lại.
Nơi đây là điểm tham quan chính của công viên và cũng là điểm đưa đón du khách, bãi giữ xe, trung tâm ẩm thực, cung văn hóa nghệ thuật, triển lãm… Hôm ấy là ngày cuối tuần nên du khách đến rất đông, những người dân bản địa biểu diễn các tiết mục văn nghệ đặc sắc làm cho không khí càng náo nhiệt.
Trong công viên còn nhiều điểm tham quan đáng để đi như Phong hỏa đài, đó là một tháp canh với lối đi hai bên tường thành, từ nơi này du khách có thể ngắm bao quát cả cánh rừng hồ dương và các loại cây mọc dại của vùng hoang mạc vô cùng rộng lớn. Ngoài ra, nơi đây còn có một bãi đất trống mà người ta bố trí, sắp xếp những khúc gỗ làm từ thân cây hồ dương với những hình thù kỳ thú để mọi người có thể chụp hình, vui chơi.
Mùa thu trong công viên rừng hồ dương để lại trong lòng chúng tôi những ấn tượng khó quên. Dạo bước trên những thảm lá vàng rực, tôi thấy tâm hồn bình yên, thư thái, có cảm giác như nhịp sống chậm lại, hiền hòa. Tạm biệt thành phố Tửu Tuyền chúng tôi về lại Gia Dụ Quan để tiếp tục cuộc hành trình khám phá mới…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét