Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 4/2018] Thuộc nửa Đông Jammu và Kashmir, giữa những cuộc giao tranh, Ladakh vẫn hiện ra như một thánh địa bình yên dường như không gì lay chuyển được. Cái tên Ladakh – miền đất của những con đèo cao, từ lâu đã được mệnh danh là “Tiểu Tây Tạng” của Ấn Độ nhờ thiên nhiên tuyệt mỹ, nguồn gốc lịch sử và nền văn hóa có nhiều nét tương đồng với Tây Tạng giàu truyền thống.
THIÊN NHIÊN CHUYỂN DỜI
Chuyến bay từ New Delhi đưa tôi đến Leh, một trong hai thủ phủ của Ladakh, cùng với Kargil. Leh nằm giữa thung lũng sông Indus, bốn bề là núi. Một bên là dãy Karakoram trập trùng tuyết trắng, phía kia là dải Zanskar cao ngạo nghễ và âm thầm hiểm nguy. Mùa Thu đã đến Ladakh trước tôi một nhịp. Dọc theo các triền núi cằn khô, những cơn gió mang hơi tuyết lạnh ùa xuống thung lũng. Lá cây bắt đầu chuyển vàng, nắng ngày càng xế bóng, quang cảnh liên tục biến đổi từng ngày. Từ Leh, các khúc cua tay áo nối nhau đưa tôi lên cao dần, vượt những con đèo Chang La và Tanglang La cao hơn 5.000 mét để đến hai hồ nước mặn lớn nhất bang Jammu và Kashmir, đó là hồ Pangong và hồ Mori xanh thẳm kiêu kỳ. Xe dằn xóc qua nhiều địa hình, thung lũng tươi xanh khuất hẳn, thay vào đó là những mảng cam của cây bụi thấp, rồi mặt đất phủ rêu, cho đến khi chỉ còn hoang mạc và sỏi đá. Ở độ cao ấy, nắng chói chang hơn, tuyết lạnh lẽo hơn, gió dữ dội hơn. Những cơn lốc cuốn cát bụi phủ mờ ô cửa kính.
Chặng đường dài từ Kargil vào Zanskar băng qua những đoạn đường đèo quanh co, dẫn tôi lên thung lũng Suru (thung lũng Hoa). Thung lũng mênh mông trải dưới chân những rặng núi cao 7.000 mét thuộc Himalaya, cắt ngang sông băng vĩnh cửu Drang-Drung và bắc qua những vực sâu lồng lộng gió. Vùng đất này trước đây từng bị biệt lập trong một thời gian dài, nay vẫn là nơi hẻo lánh và thần bí nhất Ladakh. Trung tâm Zanskar là một vùng lòng chảo với độ cao 3.600 mét, được tạo ra bởi ba dòng sông chảy xiết Doda, Tsarap và Zanskar. Trong ánh chiều, nắng trong veo phủ lên những nếp hằn của thời gian trên bề mặt núi non, phong cảnh càng thêm hùng vĩ. Nơi này vô cùng sống động và nguyên sơ, rộng lớn đến choáng ngợp, khiến tôi không thể không thổn thức.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác sững sờ trước vẻ đẹp Zanskar. Trời xanh và sâu thẳm, núi đá đẫm màu cam của nắng chiều. Từ trên cao, tôi lặng người ngắm nhìn hai nhánh sông Tsarap và Kargyag hai màu, dòng trong, dòng đục, hòa vào nhau làm một. Sông sông, núi núi, mây mây, đẹp đến ngẩn ngơ. Tôi đến Zanskar khi Thu đã sắp tàn. Thu muộn nhuốm vàng rực khắp các thung lũng, nước bắt đầu đóng băng, đánh dấu thời khắc giao mùa. Người Ladakh kể rằng, khi mùa Đông đến, cuộc sống vốn đã đơn độc của Zanskar sẽ hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, Ladakh lặng lẽ trở mình, hóa thành thế giới của băng và tuyết.
KHÔNG GIAN TĨNH TẠI
Ladakh không phải nơi ta tìm kiếm sự an nhàn, nhưng đối lập với phần thiên nhiên gai góc và khốc liệt là những khoảng lặng yên bình. Buổi sáng trời se lạnh, lác đác đây đó những sợi khói mỏng nhẹ tênh, bay lên từ căn bếp của các ngôi nhà truyền thống sơn trắng. Từng đàn chim di cư sải cánh trên những khoảnh đồng mới gặt ấm màu đất nâu. Xen kẽ với núi cao và sông băng là thảo nguyên xanh yên ả, không khó bắt gặp bầy ngựa tung tăng, những chú bò yak thẩn tha gặm cỏ, rất thơ và rất tình.
Điểm nhấn trầm mặc nhất trong bức tranh Ladakh nhiều sắc thái là những tu viện an yên trên sườn núi. Phần lớn người Ladakh theo đạo Phật. Phật giáo Ladakh là tổng hòa của Phật giáo Ấn Độ, đạo Bon nguyên thủy và Phật giáo Tây Tạng. Đạo Bon có niềm tin vào linh hồn của cây cỏ, núi sông, vạn vật. Vì thế Phật giáo Ladakh mang nhiều màu sắc phép thuật và thần linh hơn thường thấy ở các vùng khác của Ấn Độ. Tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống người dân Ladakh, mỗi gia đình đều gửi một người con trai xuất gia từ khi còn nhỏ. Các tu viện cổ vì thế được duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Quanh Leh, vô số các tu viện lớn nhỏ được xây trên cao với tầm nhìn bao quát thung lũng sông Indus phủ lá Thu Hemis, Thiksey, Stok, Matho, Starna… Các tu viện như bước ra từ một trang cổ tích, khuôn viên vô cùng tĩnh lặng. Trong các gian thờ, vẻ thanh tịnh bao bọc không gian tối trầm, ngai ngái mùi mỡ bò yak tỏa ra từ các lư đèn le lói. Những bức tượng Phật, tranh tường, thangka được bảo tồn cẩn thận qua hàng trăm năm. Rất xa bên dưới, dòng sông mềm mại uốn mình như dải lụa xanh. Cảnh sắc hài hòa gợi cảm xúc an nhiên, là nơi ta đến gửi lại một chút muộn phiền và mang theo một phần thanh tịnh.
So với phía Leh, các tu viện ở Zanskar cổ kính và biệt lập hơn, như Dzongkul, Karsha và nhất là Phuktal. Tôi yêu và trân trọng khoảnh khắc ngồi bên bậu cửa ở tu viện Karsha, đối mặt với rặng núi cao của dải Zanskar sừng sững phía bên kia vùng lòng chảo bao la. Chiều Thu yên ả không một tiếng động nào ngoài tiếng gió xào xạc lay tán cây và mơn man giải cờ phong mã (lungta – ngựa gió). Lungta, cờ cầu nguyện in ngũ sắc – vàng, xanh lá, đỏ, trắng và xanh lam, tượng trưng cho đất, nước, lửa, không khí và bầu trời. Người ta tin rằng dải cờ no gió sẽ gửi vào không trung những lời nguyện ước an lành và mang lại hòa bình, an lạc khắp thế gian.
Thật tuyệt vời khi được đứng trên tầng mái cao nhất của tu viện, hít thở thật sâu luồng khí trong lành, mát lạnh tràn đầy lồng ngực. Ngay lúc ấy, tôi thấy tâm trí mình nhẹ nhõm và an định, không còn nhớ về quá khứ, không nghĩ đến tương lai, không còn bao lung tưởng tượng, chỉ chú tâm quan sát vạn vật xung quanh. Gió rất thanh, nắng rất nhẹ. Núi băng kia không còn hiểm nguy đe dọa, chỉ là tuyết trắng trường tồn và thanh khiết. Sông dài kia không còn dữ dằn, chỉ đơn giản là một dòng nước chảy về xuôi. Mọi thứ đều êm đềm và trong veo không vẩn bụi.
Tiến sâu hơn nữa vào vùng núi hoang sơ giữa lòng Zanskar, chúng tôi đến tu viện Phuktal. Ngôi cổ tự 900 tuổi tựa vào vách đá cheo leo ở một trong những nơi hẻo lánh và cách biệt nhất. Đường đến Phuktal vắt qua khung cảnh núi sông hùng vĩ, thỉnh thoảng mới nhác thấy bóng một vài ngôi làng nhỏ thanh bình. Lạ thay, giữa thiên nhiên rộng lớn, tôi không cảm thấy mình nhỏ bé và lạc lõng. Không gian ấy vừa gần gũi và bình dị vừa sống động và diệu kỳ, khiến mỗi bước đi, mỗi hơi thở là một niềm vui sướng hân hoan.
CUỘC SỐNG HÀI HÒA
Ở miền đất Ladakh, thiên nhiên dữ dội chuyển dời và tâm tưởng an nhiên tĩnh tại đã từ lâu tồn tại song song. Người Ladakh duy trì được cuộc sống hài hòa giữa động và tĩnh, họ như dấu gạch nối liên kết hai thái cực. Ngày qua ngày, người dân nơi đây thích nghi với những biến đổi của thiên nhiên khắc nghiệt. Cuộc sống hoàn toàn giản đơn, xa rời những tiện nghi hiện đại và vật chất xa hoa. Tuy vậy, họ không để bị cuốn theo lối sống bản năng nhờ được thừa hưởng nền văn hóa truyền thống rất sâu sắc và nhờ tâm hồn giác ngộ tư tưởng Phật giáo, không bị che phủ bởi tiếng ồn và khói đục. Giữa vùng núi xa xôi, cuộc sống ở Ladakh thiếu thốn về vật chất nhưng sung túc về tinh thần. Nhiều lễ hội được tổ chức hàng năm từ mùa Xuân đến đầu Thu tại các tu viện lớn trong vùng. Họ cùng nhau nhảy múa, ca hát, kết hợp với các nghi lễ tôn giáo. Những điệu múa mặt nạ nhiều màu sắc kể lại các bản anh hùng ca về cuộc chiến giữa tinh thần và ác quỷ.
Tôi yêu nhất ánh mắt chân thành và nụ cười hồn hậu của những người Ladakh tôi có duyên hạnh ngộ. Trong tiếng Ladakh có từ “julley” kỳ diệu, vừa có nghĩa là “xin chào, cảm ơn, rất vui được gặp bạn” và “tạm biệt”. Với những con người hiền hòa và mến khách, chỉ cần mở lời “julley” kèm một nụ cười thật tươi, họ sẽ đáp lại bằng tất cả sự chân thành và thân thiện. Vẻ cân bằng và thanh thản trong tâm hồn người dân hiển hiện trong phong thái từ tốn và những khuôn mặt phúc hậu. Mọi cử chỉ, hành động đều thư thái, nhẹ nhàng. Trong những lần trò chuyện, tôi cảm nhận rõ những yêu thương và suy nghĩ tích cực. Tâm hồn người Ladakh giản dị, hòa quyện với hơi thở của sông núi, chạm vào từng nhịp đập của thiên nhiên. Hạnh phúc nơi đây lan tỏa khắp nơi, đơn giản là nhờ những nụ cười, lời nguyện cầu bình an và những tấm lòng rộng mở
.
—
Nhóm thực hiện
Bài & Ảnh: Bùi Huyền Chi (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét