Thứ Năm, 19 tháng 4, 2018

Nơi ở cuối cùng của Van Gogh

Ngôi làng Auvers-sur-Oise, cách trung tâm Paris (Pháp) 30 km, là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình đời của Vincent Van Gogh.
Quán trọ Ravoux
Quán trọ Ravoux
37 tuổi, 38 địa điểm sống, ở 4 quốc gia Pháp, Hà Lan, Bỉ và Anh. Lúc sinh thời bán được duy nhất bức tranh Ruộng nho đỏ với giá 400 francs, sau khi chết có một bức họa Chân dung bác sĩ Gachet trị giá 82,5 triệu USD, là một trong những bức tranh đắt giá nhất của họa sĩ và đắt nhất thế giới vào thời điểm được bán đấu giá, năm 1990.
Ngôi làng họa sĩ
Ngôi làng Auvers-sur-Oise, cách trung tâm Paris (Pháp) 30 km, là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình đời của Vincent Van Gogh. Tại đây trong 70 ngày cuối cùng cuộc đời, danh họa sáng tác 80 bức họa với cường độ làm việc khủng khiếp, rời phòng trọ từ 5 giờ sáng khi ánh mặt trời lên và về nhà lúc 9 giờ tối khi những tia sáng tắt. Ông đến đây vào năm 1890 và lìa đời hai tháng sau đó, vào một ngày cuối tháng 7 nắng vàng rực rỡ.
Nơi ở cuối cùng của Van Gogh - ảnh 1
Nhà hàng Ravoux
Trước Van Gogh đã có nhiều họa sĩ đặt chân đến đây để vẽ như Charles-François Daubigny, Paul Cézanne, Honoré Daumier, Camille Pissarro... Làng ở vào thế đắc địa vào cuối thế kỷ 19: tiện lợi di chuyển vì chỉ cách Paris một tiếng tàu hỏa mà phong cảnh thôn quê đồng ruộng vẫn nguyên sơ và hữu tình.
Làng ôm lấy con sông Oise, địa hình thung lũng thoai thoải, những cánh đồng trải dài ngút tầm mắt. Nhiều họa sĩ trẻ, đặc biệt của trường phái Ấn tượng, tìm thấy ở đây một bối cảnh thiên nhiên lý tưởng với ánh sáng chan hòa để vẽ. Vì thế, cuối thế kỷ 19, ngôi làng này đã trở thành làng nghệ sĩ.
Quán trọ Ravoux
Các nghệ sĩ và họa sĩ đến đây đủ nhiều để trong làng mọc ra nhiều quán trọ phục vụ khách với giá rất bình dân. Một trong những địa điểm họ tụ họp ăn uống hay tán gẫu là những quán cà phê, mà một trong những quán nổi tiếng nhất là nhà trọ - quán cà phê - nhà hàng mang tên ông chủ Ravoux.
Quán trọ này nằm ở trung tâm làng, đối diện với tòa thị chính, bưu điện và trường tiểu học nằm kế bên. Khoảng sân rộng giữa tòa thị chính và quán trọ là nơi thứ năm hằng tuần biến thành chợ trời. Thử tưởng tượng còn gì vui nhộn và bắt mắt với những nghệ sĩ thời thượng Paris là được chứng kiến tận mắt khung cảnh nhộn nhịp quê mùa bên tách cà phê hay ly rượu vang ngay trên vỉa hè quán trọ này.
Nơi ở cuối cùng của Van Gogh1
Căn phòng, nơi Van Gogh ở những ngày cuối đời
ẢNH: THỤY PHƯƠNG
Chiều tà, nghệ sĩ và dân làng là thợ thủ công, nông dân, hay thợ mộc, cùng tán gẫu quanh ly rượu hay bên bàn billard. Tầng một là nhà hàng và quán cà phê, nơi Van Gogh chọn ngồi trong góc, và nhiều thập niên sau nhà văn André Malraux chọn ngồi gần cửa sổ. Tầng trên và tầng áp mái là các gian phòng trọ.
Khách du lịch ngày nay, khi đặt chân vào quán trọ biến thành nhà hàng này, không những được thưởng thức những món ăn đúng hương vị mà còn được chiêm ngưỡng không gian ấm cúng với những đồ trang trí dung dị của cuối thế kỷ 19: khăn trải bàn và khăn tay trắng viền đỏ, 10 bộ bàn ăn gỗ sồi, các hốc rượu vang, một quầy rượu cổ.
Gian bếp ngay bên cạnh, cánh cửa luôn mở đem theo mùi vị của những món ăn đặc trưng của ẩm thực Pháp, từ những món ăn bình dân, món địa phương hay món của giới tư sản: đùi cừu hầm 7 tiếng, gà trống hầm rượu vang, ragu thịt trắng, sườn bò, cá và rau hấp kem tươi...
Giữ truyền thống, nhà hàng hiện vẫn là nơi buôn bán rượu vang có tiếng, vì thế, khách du lịch có gu ẩm thực đến nơi này còn là để thưởng thức những loại rượu vang hảo hạng. Khẩu phần ăn trong các món của mỗi thực đơn đều nhiều gấp đôi ở các nhà hàng thông thường. Chủ nhà hàng giải thích đây cũng là một điểm nữa nhà hàng muốn giữ đúng truyền thống, vì cuối thế kỷ 19, nông dân họ phải ăn nhiều như vậy mới có sức lao động!
Vincent không đến nỗi quá nghèo vì vẫn được em trai Theo nuôi ăn hằng tháng, nhưng chính vì thế ông tằn tiện từng xu. Trong làng này, có một quán trọ rao giá 6 francs/ngày gồm cả tiền ăn, Vincent từ chối, và chọn quán của ông bà chủ Ravoux chỉ có 3,5 francs/ngày trong đó 1 franc tiền phòng và 2,5 francs tiền ăn. Phía sau nhà hàng - phòng ăn ấy là chiếc cầu thang gỗ thiếu ánh sáng dẫn lên các phòng trọ sơ sài.
Nơi ở cuối cùng của Van Gogh3
Phía trước nhà hàng
Bảo tàng bé nhất thế giới
Gian phòng số 5, 7 m², được soi sáng bởi một ô cửa sổ nhỏ xíu trên tầng hầm mái. Sau ngày Vincent chết, chủ nhà đã đốt trọn đồ dùng, đặc biệt là đồ gỗ của Vincent để xua đuổi cái xui. Từ đó, gia đình Ravoux và những chủ nhân tiếp theo của quán trọ không thể cho ai thuê lại được nữa, đâu phải vì Vincent là Van Gogh, mà bởi căn phòng được mệnh danh là “phòng gã tự tử”.
Để đến thời điểm này, tháng 4.2018, trong căn phòng này, chỉ còn lại duy nhất những lỗ thủng trên bức tường từng kê sát giường ngủ là di vật thực sự Vincent để lại, vì chính họa sĩ tự đóng đinh vào những bức vẽ để tối tối từ ngoài đồng về treo tranh cho khô.
Chưa có nhà hay gian phòng bảo tàng nào trên thế giới lại không có hiện vật gì ngoài cái ghế và những lỗ thủng ấy mà lại đón hàng triệu lượt khách du lịch. Gian phòng này “chẳng có gì để nhìn... nhưng có tất cả để cảm nhận”, y như mỹ cảm Á Đông “ý tại ngôn ngoại”.
Gian phòng áp mái 7 m² trơ trọi và tối giản ấy đã trở thành bảo tàng nhỏ nhất thế giới kể từ 1993. Nhỏ bé và cô độc nhưng nó có thể xâm chiếm một xúc cảm trầm lắng trong trái tim bạn. Như một du khách tự lý giải rằng chủ nhân của Ngôi nhà Van Gogh ngày nay, quán trọ Ravoux ngày xưa, đã biết “biến hào quang của Van Gogh thành điều thầm kín”.
Chắc chỉ có Arles, một thành phố nhỏ phương nam và ngôi làng này là hai nơi chốn trong nước Pháp được bất tử hóa trong hội họa, từ quán trọ, nhà thờ, tòa thị chính, đồng ruộng, bến sông đến những người dân làng vô danh.
Một lần, Vincent viết cho Theo “một ngày nào đó, anh tin là anh sẽ tìm được cách để làm một cuộc triển lãm cho riêng anh trong một quán cà phê”. Viện Van Gogh đang nỗ lực thực hiện ước mơ của danh họa “một ngày nào đó” đem về gian phòng áp mái một trong những bức tranh ông đã từng phơi khô trên bức tường từ thuở 1890. Hy vọng những người bạn Việt yêu hội họa và nghệ thuật của tôi “một ngày nào đó” tạt qua Paris sẽ được chiêm ngưỡng tận mắt một trong những bức họa đặc tả Auvers-sur-Oise.
Sự giản dị và khiêm nhường của Ngôi nhà Van Gogh này được coi là tiêu chí số một để lưu giữ linh hồn của Van Gogh và tinh thần của một nơi chốn bình dân cuối thế kỷ 19. Nó dung dị đến mức mà rất có thể có những vị khách du lịch của thế kỷ 21 trót quen với du lịch kiểu đại trà chốn đông người sẽ đi lướt qua ngôi nhà ấy mà không hề nhận ra.
Đến ngôi làng này, các bạn hãy dừng chân ở hai ngôi mộ liền kề của hai anh em Vincent và Theo nhé! Một tình ruột thịt hiếm có: lúc sinh thời, em trợ cấp nuôi anh từng ngày, anh viết cho em 652 bức thư, 5 tháng sau khi anh lìa đời thì em cũng đi theo anh.
Nếu ai đã biết Paris của Eiffel, Louvre, Lido, Moulin rouge rồi thì hãy đến với những ngôi làng danh họa Auvers-sur-Oise, Giverny, Barbizon, chỉ cách Paris vài chục cây số. Tại đây, bạn sẽ tìm thấy không khí và không gian của những ngôi làng nơi mà công nghiệp và đô thị hóa khó lòng “bén mảng”.

Không có nhận xét nào: