Đó là một trung tâm thương mại khổng lồ, tên là Porta Portese, nơi mua bán trao tay hàng hạ giá, hàng nhái, hàng cũ, đồ cổ, hàng nhặt và tất nhiên cả hàng... ăn cắp!
Một góc khu chợ |
Khu chợ dài 2 km. Chủng loại phong phú, hàng Italy, hàng Mỹ, hàng Trung Quốc và cả hàng VN.
Chợ trời thì bao giờ cũng lẫn lộn hàng thật, giả, hàng độc. Nếu khéo mua, khéo chọn, chịu đi, khách hàng có thể mua được hàng vừa rẻ, vừa tốt mà nếu mua mới giá có thể đắt gấp hàng chục lần.
Có nhiều đồ xịn nguyên, người giàu bỏ đi, người nghèo nhặt đem bán mà không hề biết giá trị, hoặc những thứ dân "chôm chỉa" lấy được bán vội chỉ để lấy tiền ăn hút. Chỉ cần một chút kiến thức về hàng hóa, khách có thể giàu to.
Porta Portese cũng là nơi đáng để ngắm nghía và thưởng ngoạn. Hòa mình trong đám đông đa sắc tộc, ngó những thứ hàng lạ mắt mà siêu thị có lẽ cả đời cũng chẳng bao giờ thấy, cũng là một thú vui.
Cụ Giacomo Benedetti, 78 tuổi, người gần chợ kể: Chủ nhật nào cụ cũng lang thang ở cái chợ này, và mỗi lần lại phát hiện ra một một điều thú vị mới.
Cụ bồi hồi kể lại: "Chủ nhật tuần trước, tôi nhìn thấy một người bán chiếc cùm. Hỏi ra đó là một chiếc cùm lấy được từ nhà tù thời Thế chiến II. Lại cả một chiếc bàn là sắt mà muốn dùng được phải đốt than hồng bỏ vào. Những đồ như vậy làm tôi nhớ lại những năm tháng khó khăn, nhớ lại bạn bè đã mất trong cuộc chiến tranh".
Chợ trời này là nơi mang đến những cuộc mua bán, mang niềm vui nho nhỏ cho khách hàng tới chợ. Nhưng bên cạnh đó cũng là những mảnh đời nhọc nhằn trên đất khách.
Bám chợ trời dể sống có rất nhiều người nhập cư, từ đủ các nước khác nhau: Trung Quốc, Nga, Bangladesh, Pakistan, Ecuador, Guatemala, Haiti, đông nhất là người Di-gan.
Họ kiếm sống chủ yếu bằng cách hàng ngày (từ thứ Hai đến thứ Bảy) đi khắp các ngõ ngách Roma để thu lượm quần áo, giày dép, túi xách cũ, và nhiều đồ bỏ đi khác đựng trong thùng sắt tây lớn trong các khu phố, rồi đem ra chợ bán vào Chủ nhật.
Người Di-gan thường họp chợ rất sớm vì sợ đến giờ làm việc bị cảnh sát đuổi.
Họ thường tụ tập vào một gò đất cao, trống trải, gần đường cái lớn, có khi tràn vào cả vỉa hè. Không ít lần xe cảnh sát xịch tới, vứt toàn bộ hàng hóa vào thùng rác. Khi cảnh sát rút về họ lại tiếp tục moi các thứ rồi tản vào các ngõ hẻm trong chợ để bán.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét