Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2018

5 món ăn dẻo mềm vừa quen vừa lạ được làm từ gạo nếp đến từ Thái Lan

Gạo nếp là một trong những nguyên liệu chính thường được sử dụng ở Thái Lan. Tuy nhiên, bạn đã biết đủ các món ăn được làm từ gạo nếp ở đất nước này chưa?



Với mùi thơm đặc trưng lại dẻo mềm, đậm đà nên từ lâu gạo nếp đã được người dân Thái Lan ưu tiên sử dụng nhiều trong các món ăn, đặc biệt là đồ ăn vặt. Nhờ có nguồn gạo ngon cùng sự sáng tạo tuyệt vời trong cách chế biến nên khi được kết hợp các loại gia vị độc đáo vào thì những món ăn từ gạo nếp của Thái Lan đều trở nên rất phong phú và ấn tượng.
Vậy nên, hãy cùng "điểm mặt gọi tên" các món ăn làm từ gạo nếp ở Thái Lan qua bài viết này nhé!

Khanom Gluay (Bánh chuối)

Đây là món ăn được kết hợp giữa gạo nếp và chuối chín nên còn được gọi là bánh chuối của Thái Lan. Món này sẽ khá phù hợp cho những bạn thích ăn đồ ngọt vì hương vị của chuối quyện lẫn trong bánh có độ ngọt vừa đủ để bạn ngồi nhâm nhi cả buổi. Bánh vừa có độ mềm lại dẻo quẹo của gạo nếp nên khi ăn vào sẽ thấy hơi "dinh dính". Người Thái thường ăn bánh này cùng dừa sấy để vị thêm đậm đà, thơm ngon. Nhiều nơi còn nhuộm nước ép lá dứa vào cùng để bánh có màu xanh đẹp mắt hơn.
5 món ăn dẻo mềm vừa quen vừa lạ được làm từ gạo nếp đến từ Thái Lan - Ảnh 1.
Khanom Gluay (Bánh chuối).

Khao Lam (Xôi nướng ống tre)

Trông thoáng qua thì món này giống với những ống cơm lam cổ truyền, đặc sản của người dân Tây Bắc ở nước ta. Tuy nhiên, món ăn này của người Thái Lan lại là sự kết hợp giữa gạo nếp, đậu đen và nước cốt dừa bỏ vào trong ống tre. Sau đó, người ta sẽ nướng trong lửa đến khi chín thì có thể mang ra ăn ngay khi còn nóng. Một sự kết hợp khá ăn ý giữa ba nguyên liệu nên món ăn này vừa có độ mềm dẻo, lại vừa thơm mùi dừa và đậu đen bùi ngậy.
5 món ăn dẻo mềm vừa quen vừa lạ được làm từ gạo nếp đến từ Thái Lan - Ảnh 2.
Khao Lam (Xôi nướng ống tre).

Khao Neow Toorien (Xôi sầu riêng)

Món này thì mới du nhập về Việt Nam đi cùng "cơn sốt sầu riêng" vừa đổ bộ nên cũng được nhiều người biết đến. Nguyên liệu chủ yếu của xôi sầu riêng khá đơn giản với gạo nếp, nước cốt dừa và sầu riêng tươi. Vị thơm từ gạo nếp hòa quyện cùng vị béo của nước cốt dừa và vị ngọt bởi sầu riêng nên chắc chắn đây sẽ là một món ăn không thể bỏ qua dành cho tín đồ yêu thích sầu riêng.
5 món ăn dẻo mềm vừa quen vừa lạ được làm từ gạo nếp đến từ Thái Lan - Ảnh 3.
Khao Neow Toorien (Xôi sầu riêng).
Ngoài ra, đặc trưng của các món ăn từ gạo nếp Thái Lan cũng phải nhắc đến cả xôi mít và xôi xoài. Mặc dù không còn "hot" như những ngày đầu nhưng món ăn này vẫn thường có mặt trong menu tráng miệng hay ăn vặt của các quán ăn Thái Lan ở nước ta.

Khao Neow Sang Kaya (Xôi kem trứng)

Sở dĩ gọi là xôi kem trứng bởi vì món xôi này là sự kết hợp giữa phần xôi từ gạo nếp và phần kem trứng đặt bên trên. Người ta thường đặt món này trên lá chuối để thêm phần độc đáo cho người ăn thưởng thức. Hương vị của món xôi kem trứng này cũng khá thơm ngon và tự nhiên nên chỉ một lần nếm thử là bạn có thể "nghiện" ngay lập tức.
5 món ăn dẻo mềm vừa quen vừa lạ được làm từ gạo nếp đến từ Thái Lan - Ảnh 4.
Khao Neow Sang Kaya (Xôi kem trứng).

Khao Mao Tod (Chuối chiên dừa)

Cuối cùng là món bánh chuối chiên vàng rụm của chuối chín già, gạo nếp và dừa nạo. Đây là một sự kết hợp khá độc đáo khi người ta hòa quyện ba loại nguyên liệu trên với nhau rồi rán trên chảo dầu đến khi chín vàng. Món này phải ăn ngay khi còn đang nóng để cảm nhận lớp vỏ giòn tan nhưng phần nhân lại mềm ngọt, dẻo béo.
5 món ăn dẻo mềm vừa quen vừa lạ được làm từ gạo nếp đến từ Thái Lan - Ảnh 5.
Khao Mao Tod (Chuối chiên dừa).
*Điểm đặc biệt trong các món ăn làm từ gạo nếp ở Thái Lan:
- Mùi hương lúa nếp Thái thơm nhẹ, kích thích vị giác tốt.
- Thường sử dụng nước cốt dừa hoặc dừa sấy/nạo để tăng thêm vị béo ngậy.
- Món ăn có màu sắc bắt mắt, cách trang trí độc đáo.
Qua đó, chúng ta cũng đã có thể cảm nhận rõ hơn về các món ăn làm từ gạo nếp ở Thái Lan. Điều này cũng giúp chúng ta biết thêm được nhiều thứ về ẩm thực Thái Lan phong phú và hấp dẫn đến thế nào.
Nếu yêu thích những món ăn khác của Thái Lan thì hãy chia sẻ thêm cho chúng mình biết nhé!
Nguồn: migrationology

Không có nhận xét nào: