TTCT - Panaji tiếng là thủ phủ nhưng cũng chính là miền thị thành bị lãng quên của tiểu bang Goa lừng danh với biển xanh, cát trắng, nắng vàng ở Ấn Độ.
Panaji- Ảnh: T.T.H. |
Những ngày tôi đến, nắng đó rồi mưa đó bàng bạc những con phố xưa vắng tênh lại là tưởng thưởng lạ lùng của xứ Ấn sau những ngày lang thang trên đất nước mà người đâu là người, lúc nào cũng chen phố lấn phường. Nhưng sau đó mới biết “bé cái lầm”.
Vẫn có một góc Panaji đông vui đến bất ngờ. Một góc xưa Panaji, nơi những ngôi nhà thờ Công giáo thanh thoát khoe dáng, đông đúc các con chiên, giáo dân và cả những kẻ ham vui đón đợi mùa Giáng sinh trên đất nước tôn giáo chính là Hindu giáo này.
Ngôi đền Hindu giáo Hanuman Mandir nằm trên đồi cao - Ảnh: T.T.H. |
Miền đất không ngập lụt
Là miền đất đẹp trù phú, mãi đến năm 1961 Panaji mới được người Bồ Đào Nha trả lại cho Ấn Độ vốn đã độc lập từ lâu lắc 1947. Nằm ngay cửa sông Mandovi đổ ra biển Ả Rập, Panaji tiếng địa phương là “miền đất không bao giờ bị ngập lụt”.
Nằm trên những triền đồi lúp xúp, phố xưa không chỉ nhìn xuống mỗi dòng Mandovi mà còn được ôm quanh bởi hai chi lưu Ourem, Santa Inez, nhiều nước, nhiều mưa nên cứ xanh ngăn ngắt.
Là đô thị hành chính của người Bồ Đào Nha từ những năm 1843 cũng như là thủ phủ của bang Goa, nhưng dân số Panaji chỉ khoảng 110.000 người, đâu đó bằng 1/4 quận Tân Bình, TP.HCM.
Dù đã ra đi, người Bồ Đào Nha cũng như những hậu duệ vẫn còn lưu lại rất nhiều. Giữ lại những nét sống ít nhiều Âu hóa, phố sạch, xanh được chăm chút.
Dòng Mandovi một chiều đông mới nắng đó chợt chao sang mưa mù - Ảnh: T.T.H. |
Từng sửng sốt trước Hằng Hà, Jamuna... danh tiếng nhưng đen thui đục bẩn, lữ khách sẽ ngỡ ngàng trước những con sông, nhánh kênh chảy qua phố thị Panaji trong xanh. Lác đác dưới vòm biếc vài tay câu đủng đỉnh buông cần.
Sông nước nhiều, mưa lắm nên cỏ cây nhiệt đới cứ um tùm. Đến đây những ngày đông, nhìn các hàng phượng vĩ ken dày cũng không khó để đoán những ngày hè phượng cháy rực rỡ nơi đây.
Leo lên những ngọn đồi nhìn xuống, những phố ngói nâu đỏ chen giữa các vườn dừa ngăn ngắt, lấp lánh những khúc sông loáng nước quanh co... sẽ gợi sao Hội An, hay đâu đó Tam Quan hữu tình hữu duyên quê nhà.
Nhất là đi lang bang trong phố vắng tênh vắng tanh cỏ hoa tưng bừng trước ngõ, đòng đưa trên cửa sổ, bên hiên những ngôi nhà dáng đẹp, nhiều sắc... mới hiểu sao một số du khách vinh danh “một góc nhỏ thiên đường Ấn Độ” cho Panaji.
Sắc màu gia vị quen thuộc Ấn Độ ở chợ trời Anjuna - Ảnh: T.T.H. |
Miền di tích nhiều sắc màu
Đã được UNESCO vinh danh là di tích lịch sử, văn hóa không chỉ vì thiên nhiên đã ưu đãi, Panaji còn được ví von như một Lisbon (Bồ Đào Nha) danh giá nhờ những kiến trúc xưa cũ vẫn được giữ gìn, phát huy.
Bên cạnh những nét hòa hợp tôn giáo là những kiến trúc quý tôn giáo xưa cũ được bảo quản, trùng tu đúng cách.
Những mái nâu lô xô giữa phố xanh gợi nhớ Hội An quê nhà - Ảnh: T.T.H. |
Những ngôi nhà thờ Công giáo kiến trúc baroque thanh thoát khi nằm cạnh quảng trường lớn, lúc khép nép trong những con đường nhỏ rải sỏi nhẵn thín màu thời gian..., chúng là những điểm nhấn ít thấy nơi khác ở xứ Ấn.
Kiệm màu, thường chỉ trắng thanh nhã, những ngôi nhà thờ đó lại nổi bật giữa những con phố lắm màu của người Panaji.
Những người Goa bản địa, những hậu duệ người Bồ Đào Nha, làn sóng hippy đổ về Goa những năm 1960... cùng chia nhau sự yêu thích các gam đỏ, vàng, cam, lục qua việc tô phết những ngôi nhà phố. Lạ thay, không sặc sỡ mà rất hợp hòa.
Nhà thờ Công giáo |
Ngược sắc với nhà thờ Công giáo là những ngôi đền Hindu khi hồng tươi lúc cam đậm. Kiến trúc đậm nét bản địa Goa với nhiều tháp đền mái vòm cong mềm mại nhiều hoa văn được chạm trổ tô viền tỉ mỉ, những ngôi đền Hindu thường nằm nơi đồi cao vườn xanh đã tô thêm sắc cho Panaji vốn đã không thiếu màu.
Có lẽ nhờ những khung cửa sổ trắng bằng vỏ sò nhấn nhá. Có lẽ nhờ những mảng xanh cỏ cây điểm tô. Có lẽ nhờ kiến trúc nhà phố thâm thấp, vuông vắn mái ngói nâu đỏ trung dung kết nối... thường chìm giữa phố xanh cây nên duyên.
Những ngày đầu tháng 12 Giáng sinh còn lâu nhưng nhà cửa đã lấp lánh kim tuyến, xanh thông, đỏ lá trạng nguyên, biêng biếc vòng nguyệt quế... Những con chiên, giáo dân cùng nhiều khách lãng du cũng bắt đầu tụ tập về chờ đón một mùa Giáng sinh an lành nơi đất lạ.
Kết thúc một ngày Panaji thường là một chuyến lênh đênh sông ngắm hoàng hôn, cũng để tự thưởng cho một ngày mỏi gối lang thang lên xuống xuống lên. Tiếc sao ngày đông đó hoàng hôn rực rỡ không về, chỉ có mây xám và mưa mù giăng mịt sông chiều nên ra đi mà lòng sân si vẫn mãi nuối!
Những con phố đẹp, lắm sắc và bình yên đến ngỡ ngàng ở Panaji - Ảnh: T.T.H. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét