Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

Sống ở Cuba: Tâm linh ở xứ xì gà

Một cửa hàng bán “bùa”ẢNH: NGUYỄN TẬP
Tôi cùng Lismary đi chợ. Vừa ra đầu ngõ, cô chợt khựng lại, hoảng hốt chỉ vào xác con gà cùng lông vương vãi rồi lẩm bẩm: “Biết ngay, bị ếm bùa rồi!”.
Cũng như các nước Mỹ Latin khác, bùa chú và mê tín là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Cuba.
Khi người Cuba “chơi bùa”
Lismary là sinh viên y khoa năm thứ năm, sống với chồng tại Santa Clara (cách Havana khoảng 300 km). Cô cho biết tại Cuba, cũng có 2 dạng thầy pháp là Curandero giúp cầu an, khử tà và Palero có thể làm phép hại người. Nếu có người muốn hại mình, họ sẽ tìm đến Palero để khấn rồi giết con gà mái đen vất gần nhà mình và “tà khí” sẽ theo ám và làm hại. “Hèn gì gần đây toàn gặp chuyện xui xẻo. Tôi cũng nghi là có người ếm bùa hại. Hôm nay thì rõ ràng rồi”, cô hậm hực.
Giải thích xong, Lismary cũng lật đật đi tìm mua con bồ câu trắng (màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết) và trứng rồi mang đến cho một Curandero làm phép trục cái bùa ếm mình đi.
Ông thầy trục tà cho Lismary là một trung niên mặc quần áo trắng, đeo vòng cổ, hút xì gà, nói chuyện rất nhẹ nhàng, tình cảm. Tôi hơi bất ngờ vì nhà của “thầy” khá tuềnh toàng, không ti vi, điện thoại, máy hát. Thậm chí còn nghèo hơn cả nhà dân thường. Căn phòng sực mùi nước hoa và xì gà. Nơi góc phòng có đặt tượng của vài vị thần thánh khá lạ.
“Thầy pháp ở Cuba sống đơn sơ, giản dị lắm. Họ cũng có gia đình bình thường, nhưng không tham dự các lễ hội hay đến những điểm vui chơi giải trí. Mỗi lần gặp thầy, thường người ta trả 10 peso nhưng cũng có thể đưa ít hoặc nhiều hơn, tùy hoàn cảnh mỗi người”, Lismary nói.
Người Cuba cũng tin thờ thần thánh và một trong những vị được yêu kính nhất là thần Lazaro. Tương truyền rằng lúc còn ở cõi trần, thần Lazaro bị hủi nên nhiều người xa lánh. Mấy con chó cứ đến liếm chân ông và sau đó những vết thương bỗng lành hẳn. Vì vậy, hình ảnh thần Lazaro thường là một người đàn ông khắc khổ mặc đồ màu vàng chống nạng và có bầy chó đi theo. Người Cuba hay đặt tượng ông ở góc nhà. Mỗi ngày có tiền xu lẻ thì để vào. Đến ngày 17.12, ngày của thần Lazaro, họ sẽ lấy hết tiền đó để mua rượu, nến, đồ ngọt và thuốc lá để cúng. Còn những người tàn tật xin tiền thường lấy ảnh thần Lazaro đặt phía trước chỗ ngồi.
 
 
Đối với cặp vợ chồng già, nếu một trong hai qua đời, người Cuba sẽ lấy sợi dây đo chiều cao của người kia rồi cắt lấy đoạn đó bỏ vào hòm người quá cố. Họ tin rằng làm như vậy, người chết sẽ không lôi người còn lại theo.
Nếu vô tình giẫm phải phân, người Cuba cho rằng đó là may mắn. Các tỉnh ở Cuba, ngựa là phương tiện giao thông phổ biến nên phân ngựa đầy đường, kiểu này chắc họ may mắn cả đời...
Có một điều khá thú vị là sinh viên Cuba cũng thường “chơi bùa”. Nếu biết tên của giáo viên, trước khi thi, họ thường viết tên của người đó lên tờ giấy rồi đặt vào... ngăn đá tủ lạnh để cầu thi đậu. Tôi chưa thấy ở đâu có kiểu “ếm bùa” dễ thương như vậy.
Nhập gia tùy tục
Những ngày đầu đến Cuba, tại Havana tôi trọ ở casa particular (một dạng homestay). Tôi mua bia về làm vài lon với chủ nhà. Trước khi uống, theo thông tục của người vùng Trung và Nam Mỹ, ông chủ nhà cũng đổ bia xuống đất một chút để mời và tỏ lòng cảm ơn đến các vị thần. Đang uống, nghe ông kể chuyện, tôi cười và bị sặc, làm đổ bia. Ổng liền xua tay: “Không sao, không sao. Đừng lo. Vậy cũng là điều tốt nữa đó vì đối với người Cuba, khi đổ bia thì những điều xui rủi sẽ trôi theo luôn”.
Dù sao thì ở Havana vẫn là thủ đô, khá hiện đại nên phong tục tập quán cũng mai một ít nhiều. Về những tỉnh xa, tất cả vẫn được lưu giữ trong nếp sống hằng ngày. Còn nhớ khi xuống tỉnh Sancti Spíritus, chỉ trong một ngày mà tôi học được biết bao nhiêu điều lạ trong văn hóa Cuba.
Một người bạn mới quen mời tôi đến nhà chơi, ăn trưa. Lúc này, nhà cũng đang có khách. Mỗi người một tay dọn dẹp cho nhanh. Bạn vào bếp chuẩn bị đồ ăn, tôi lấy chổi quét nhà. Vừa quét, bạn đã ra hiệu dừng lại: “Hãy quét ra phía sau, đừng quét ra trước nhà vì đó là điều không may mắn”. Quét xong, theo thói quen ở VN, tôi dựng ngược cây chổi cất sau cửa, bạn lại tiếp tục: “Dựng ngược sau cửa là muốn cho khách không đến hoặc muốn đuổi khách đi đấy”.
Chưa hết, nhà dưới quê nên cũng có 2 cửa ra vào. Khi vào, dĩ nhiên tôi vào cửa chính, nhưng lúc về, tiện đang ở nhà dưới, tôi vừa dợm định bước qua cửa sau ra vườn rồi đi quanh ra phía trước thì người bạn đi cùng cản lại: “Vào cửa nào thì phải ra cửa đó. Nếu không thì sẽ đưa những điều may mắn trong nhà đi hết”.
Ngoài ra, cũng thêm một chuyện vui mà nhiều người kể lại cho tôi. Đó là đa số người Cuba đều rất muốn đi du lịch nước ngoài. Để ước mơ đó thành hiện thực trong năm mới, vào đêm giao thừa họ sẽ mang vali ra ngoài đường như đi du lịch thật. Niềm tin này phổ biến đến nỗi: “Ở Cuba, sau giao thừa bạn sẽ thấy rất nhiều người cầm vali đi đi lại lại ngoài đường. Nhiều khi họ còn đi thành từng đoàn, có người phía trước mở đường cầm chiêng trống gõ tưng bừng, theo sau là một hàng người xách vali cứ thế dạo khắp phố. Vui lắm!”, người bạn kể.
Nguyễn Tập

 Xì gà Cuba - đến Tổng thống Mỹ cũng... mê

Vấn xì gà trong xưởngẢNH: NGUYỄN TẬP
Nói đến Cuba mọi người đều nghĩ ngay đến... xì gà. Điều gì đã làm xì gà Cuba lừng danh như thế?
Xì gà được trồng khắp nơi tại Cuba, tuy nhiên tập trung nhiều nhất là vùng Pinar del Rio. Vùng này thì rất đông du khách. Tôi đâm ngại nên tìm đến khu trồng xì gà ở tỉnh Sancti Spíritus, cách thủ đô Havana khoảng 350 km. Tôi đến vào thời điểm cuối năm, cây thuốc lá cũng chỉ mới nhú.
Ông nông dân Juanito cho biết cây thuốc lá ở đây chỉ trồng một vụ/năm. Trồng vào tháng 11 đến tháng 2, nông dân bắt đầu thu hoạch bằng cách ngắt từng lá và gom về kho, treo trên sào gỗ để phơi khô trong 4 tháng nữa. Sau đó tất cả lá xì gà sẽ được nhà nước thu mua..
“Cây thuốc lá trưởng thành nhiều nhất chỉ có 30 lá. Tuy nhiên việc ngắt lá ở mỗi cây có thể kéo dài vài tuần vì mỗi lần chỉ được ngắt từ 2 - 3 lá, sau đó lại phải đợi vài ngày mới được ngắt tiếp”, ông nói.
Có tri thức nhờ vấn xì gà
Nhiều nước trên thế giới cũng trồng và sản xuất xì gà, nhưng xì gà Cuba vẫn luôn được xếp vào hàng chất lượng nhất. Ngoài lợi thế thổ nhưỡng và những bí quyết độc đáo trong quá trình trồng, thu hoạch, sản xuất, Cuba cũng là nước duy nhất làm xì gà hoàn toàn bằng phương pháp thủ công như cách đây 200 năm. Vì thế, xưởng sản xuất được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn khi đến nước này.
Ở Havana, xưởng Romeo y Julieta thu hút nhiều khách du lịch nhất. Vé vào cửa tham quan cũng đến 10 CUC (10 USD). Nhiều người hay đùa sở dĩ xì gà có mùi thơm và vị đặc biệt là do được vấn “trên đùi những cô gái mới lớn”. Rõ ràng là chuyện nói vui vì thực tế người ta vấn xì gà trên bàn nhưng chuyện đa số phụ nữ làm nghề này thì đúng bởi vì họ tỉ mỉ và khéo léo hơn. Một người có thể vấn được từ 60 - 100 điếu/ngày tùy kỹ thuật và kích thước.
Yaraina, 30 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm, cho biết một điếu xì gà thường có 3 thành phần chính là ruột, vỏ lót và vỏ bọc. Cây thuốc lá trồng ngoài trời sẽ được lấy lá làm ruột và vỏ lót. Cây trồng trong nhà có lá to và mỏng hơn sẽ được dùng làm vỏ bọc vì dễ cuốn hơn. Từ lúc bắt đầu trồng cho đến khi ra thành phẩm có đến hơn 100 công đoạn. “Do có nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cao độ nên muốn trở thành một nghệ nhân vấn xì gà phải tốn cả chục năm”, cô nói.
Lương công nhân xì gà tại đây là 400 - 600 peso và 25 CUC/tháng (tổng cộng khoảng 45 - 50 USD). Ngoài ra, mỗi người còn được 5 điếu/ngày. Đây là mức khá cao so với lương trung bình ở Cuba khoảng từ 20 - 40 USD/tháng.
Khá bất ngờ là những người vấn xì gà Cuba từng được xem là giới trí thức. Chuyện bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19, trong xưởng xì gà luôn có một người đứng đọc các tác phẩm văn học hoặc sách báo cho những thợ vấn nghe khi họ đang làm việc. Nhờ đó, họ tiếp thu và tích lũy kiến thức khá nhiều. Thậm chí cả tên của các loại xì gà nổi tiếng Cuba hiện nay như Montecristo và Romeo y Julieta cũng được cho là bắt nguồn từ hai tác phẩm Bá tước Monte Cristo và Romeo - Juliette đọc cho thợ vấn nghe vào thời điểm đó. Ngày nay, một số xưởng tại Cuba vẫn còn giữ truyền thống đọc sách báo cho thợ vấn nghe mỗi ngày.
Trữ xì gà rồi mới cấm vận
Đến Cuba, đi trên đường du khách thường được chào mời mua xì gà. Ai cũng đảm bảo hàng xịn 100% và rằng anh ta có bà con làm ở xưởng nhưng phần lớn đều không thật. Một trong những nguyên tắc đầu tiên mà nhiều người tại Cuba đều dặn tôi là không bao giờ mua xì gà trên đường phố vì ở Cuba có đủ loại, đủ giá từ vài peso (vài ngàn đồng) cho đến vài chục CUC/điếu (cả triệu đồng).
“Ngay cả dân Cuba hút xì gà “từ trong bụng mẹ” cũng khó phân biệt được những loại cùng dòng, cùng vị nhưng giá chênh lệch nhau gấp mấy lần”, theo lời Lorenso (32 tuổi), nghệ nhân vấn xì gà của Hãng Partagas nổi tiếng.
Năm 1961, Mỹ âm mưu lật đổ chế độ cách mạng Cuba trong sự kiện vịnh Con heo nhưng thất bại. Một tháng sau đó, Tổng thống Mỹ John F.Kennedy gọi người phát ngôn Pierre Salinger vào phòng riêng và nói ông cần 1.000 điếu xì gà Cuba Petit Upmann vào sáng mai.
Hôm sau, khi Salinger trả lời đã tìm được 1.200 điếu, Kennedy hào hứng khen: “Tuyệt vời” rồi mở ngăn kéo rút sắc lệnh cấm tất cả sản phẩm của Cuba tại Mỹ và ký vào. Theo lời kể của cựu trợ lý Richard Goodwin với tờ The New York Times nhiều năm sau, Kennedy từng nói rằng ông không có ý định cấm vận luôn cả xì gà nhưng các nhà sản xuất tại Tampa (bang Florida, Mỹ) đã gây áp lực rất mạnh nên đành “xuôi tay”.
Câu chuyện này cũng cho thấy sức quyến rũ của xì gà Cuba mạnh mẽ đến chừng nào.
Nguyễn Tập

Tiếng lành đồn xa

Cô giáo Yamile Alvarz Dreke và học sinhẢNH: NGUYỄN TẬP
Nhiều người biết giáo dục và y tế ở Cuba hoàn toàn miễn phí, nhưng “tận mục sở thị” thì còn thú vị hơn.
Ở Cuba, có hai giới rất được yêu quý và kính trọng, đó là giáo viên và bác sĩ. Ra đường, nhìn thấy họ là người dân tay bắt mặt mừng, ân cần hỏi han như người thân.
Đến Mỹ cũng chào thua
Theo báo cáo quan sát toàn cầu của UNESCO năm 2012, Cuba đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng giáo dục qua các bài kiểm tra quốc tế, hiệu suất trung bình của học sinh khá cao so với các nước trong khu vực. Những nguyên nhân khả dĩ là đầu tư bền vững, giáo viên chất lượng cao, ưu đãi và tưởng thưởng học sinh, giáo viên, trường xuất sắc, giáo dục là nền tảng của cuộc cách mạng Cuba... Báo cáo cũng lưu ý Cuba nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc phát triển cá nhân, liên kết rõ ràng giữa giáo dục và cuộc sống, công việc, sản xuất.
Tiến sĩ Hugo M.Pons Duarte, Giám đốc quan hệ quốc tế của Hiệp hội Tài chính và Kinh tế quốc gia Cuba, nói với Thanh Niên: “Ngay từ năm 2 đại học, các nhà máy và công ty đã đến tận trường để tuyển dụng sinh viên vào thực tập. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Cuba có 2 năm thực hiện “nghĩa vụ xã hội” tại chính nơi họ đã thực tập rồi được tự do chuyển nghề, làm việc độc lập hoặc trở lại học tiếp”.
Yamile Alvarz Dreke, giáo viên Trường tiểu học Carlos Paneque Vazquez ở khu phố cổ (Havana), cho biết ở Cuba tất cả người dân đều bắt buộc phải học hết lớp 9. Nếu không chịu đi học sẽ bị đưa vào trường giáo dưỡng. Học sinh từ 12 tuổi trở lên có thể vào các trường dạy nghề. “Giáo dục ở đây miễn phí hoàn toàn từ khi biết đi đến sau đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (nếu vẫn đáp ứng được yêu cầu chuyên môn). Những em học 2 buổi/ngày sẽ có ăn trưa, ăn xế. Sách vở, đồng phục cũng được cấp miễn phí. Nếu trẻ em không thể đến trường vì khuyết tật hay bệnh, giáo viên sẽ được cử đến tận nhà để dạy. Ngoài ra còn có đào tạo đại học từ xa thông qua truyền hình”, cô cho hay.
Theo thống kê của UNESCO cách đây vài năm, so với Mỹ, Cuba chi gấp đôi tỷ lệ ngân sách quốc gia cho giáo dục. Cụ thể, Cuba dành 12,9% GDP và 18,3% tổng chi của chính phủ cho giáo dục. Trong khi đó, ngân sách của Mỹ dành cho giáo dục là 5,4%.
Khó khăn nhưng hào hiệp
Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận xét hệ thống y tế của Cuba là điển hình cho các nước. Theo WHO, năm 2015 Cuba là quốc gia đầu tiên trên thế giới ngăn chặn thành công lây nhiễm HIV và giang mai từ mẹ sang con. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh tại Cuba trong 4 năm qua luôn ở mức thấp nhất thế giới: ít hơn 6/1.000 trường hợp.
“Xuất khẩu” chương trình xóa mù chữ
Theo Fox News, từ sau chiến dịch xóa mù chữ năm 1961, Cuba đã dẫn đầu khu vực Trung, Nam Mỹ và vùng Caribe về tỷ lệ biết đọc viết, triển khai giáo viên xóa mù chữ đến hơn 20 nước. Qua chương trình Yo si puedo (Vâng, tôi có thể), hơn 6 triệu người đã biết đọc viết (trong đó có hơn 1,5 triệu người Venezuela).
Năm 2006, cùng với hơn 15 nước, Cuba được UNESCO trao tặng giải thưởng “King Sejong” về phương pháp học chữ sáng tạo để thúc đẩy tiềm năng cá nhân và xã hội. Mặc dù một số nước khác cũng nhận được giải thưởng này nhưng chỉ riêng Cuba được trao vì đã hỗ trợ các nước khác.
Trong thời gian ở Cuba, nhiều lần tôi thấy nhân viên dịch tễ đến từng nhà để kiểm tra tình trạng vệ sinh, xịt thuốc diệt muỗi, côn trùng. Đợt này, Cuba lo ngại vi rút Zika nên nhân viên y tế đến từng nhà để đo nhiệt độ, hỏi thăm từng người. Chính tôi cũng chứng kiến có người trong khu phố bị suy thận, 2 lần/tuần được nhà nước đưa xe đến chở đi bệnh viện để chạy thận rồi đưa về. Không tốn một đồng.
Nguyễn Trọng Việt, bác sĩ nội trú khoa tim mạch tại Trung tâm tim mạch tỉnh Villa Clara, cho biết phụ nữ Cuba từ 25 - 60 tuổi cứ 3 năm/lần đều phải kiểm tra bắt buộc để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Nếu không đi, bác sĩ sẽ đến tận nhà. Những người tàn tật, thiểu năng hoặc nằm liệt giường được cấp 200 peso/tháng (bằng 1/3 lương bình quân) và có người đến chăm sóc, hoặc nhà nước trả tiền cho người thân để bớt thời gian đi làm mà chăm sóc người nhà.
Với những bệnh nhẹ không phải nằm viện như cảm sốt, nhức đầu... người dân phải tự mua thuốc. Còn lại, nếu nằm viện thì tất cả miễn phí, kể cả tiền thuốc lẫn người chăm sóc. Ngay cả mổ tim, mổ não, đặt máy trợ tim nhân tạo cũng miễn phí.
“Do còn nghèo, nên Cuba đặc biệt chú trọng và đầu tư rất nhiều vào phòng ngừa bệnh vì chi phí phòng bệnh sẽ thấp hơn rất nhiều so với chữa bệnh”, bác sĩ Việt cho biết.
Tôi cũng đem điều rất nhiều người thắc mắc để hỏi những bác sĩ, chuyên gia tại Cuba: “Y tế Cuba ưu việt như thế sao chưa thấy có vị nào được trao giải Nobel?”. Ivette Molina, bác sĩ gia đình tại tỉnh Villa Clara, giải thích những người nhận Nobel Y học đều từ các phòng thí nghiệm nổi tiếng thế giới với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Còn Cuba vẫn khó khăn, làm gì đủ thiết bị, điều kiện kinh tế để nghiên cứu. Hơn nữa, dù không có giải Nobel nhưng WHO xác nhận Cuba là một trong những nước có đội bác sĩ thiện nguyện đông nhất thế giới, hỗ trợ miễn phí 30.000 bác sĩ cho các nước kém phát triển và luôn là quốc gia đầu tiên có mặt hỗ trợ ứng cứu sau những thảm họa trên thế giới.
Nguyễn Tập

Không có nhận xét nào: