Những người dân ở Eyam (Anh) đã lập ranh giới và thề rằng sẽ không vượt ra khỏi ngôi làng, nhằm tránh truyền dịch hạch cho người dân khắp nước, điều đó đồng nghĩa với việc họ chấp nhận đối diện với cái chết ngày càng đến gần.
Cái chết đen (The Great Plague - tên gọi một đại dịch ở châu Âu vào thế kỷ 14) ở London đã ảnh hưởng đến nhiều vùng khắp nước Anh, nhưng nơi được nhắc đến nhiều nhất chính là Eyam. Ngày nay, du khách khi đến đảo quốc sương mù sẽ vẫn được người dân nhắc đến tên ngôi làng này với niềm tự hào, bởi sự hy sinh và dũng cảm của họ nhiều thế kỷ trước đã cứu nước Anh khỏi họa diệt vong.
Eyam được nhiều người coi là nơi có người dân dũng cảm nhất nước Anh. Ảnh: Amusing.
|
Giữa năm 1346 đến 1353, dịch hạch bùng nổ ở châu Âu, khiến hơn 100 triệu người thiệt mạng. Con số này xấp xỉ một phần tư dân số thế giới thời đó. Vào năm 1665-1666, căn bệnh này lại phá hủy London một lần nữa, khiến 100.000 người trở thành nạn nhân.
Mùa hè năm 1665, dịch hạch đã đến Eyam, cách phía đông nam London 56 km, khi một thương gia ở thủ đô gửi một kiện vải đến cho người thợ may Alexander Hadfield trong ngôi làng. Tương truyền rằng, người trợ lý George Vicars đã mở kiện hàng và treo những mảnh vải bị ẩm trước lò sưởi để sấy khô, vô tình khiến những con bọ chét mang mầm bệnh rơi ra. Trong vòng một tuần, Vicars chết và không lâu sau đó những người sống cùng ông bị bệnh nặng rồi qua đời.
Nơi người dân làng thả tiền xuống để trả cho các nhu yếu phẩm, thuốc men mà dân làng khác mang tới. Ảnh: Amusing.
|
Dịch bệnh bắt đầu lan tràn khắp ngôi làng. Một số người bắt đầu hoảng loạn vì lo sợ đối mặt với tử thần. Trong tháng 9 năm đó, nhiều người bàn nhau bỏ chạy khỏi ngôi làng, trốn dịch bệnh. Một người đàn ông bản lĩnh tên là William Mompesson bước lên và thuyết phục dân làng không được rời đi. Nếu không làm thế, mọi người sẽ mang dịch bệnh gây cho những người ở các ngôi làng khác.
Cuối cùng, mọi người trong làng đưa ra quyết định đau đớn nhưng mạnh mẽ: họ tự cách ly bản thân với thế giới bên ngoài. Điều đó đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều người phải đối mặt với cái chết.
Hòn đá từng được sử dụng để vạch ra ranh giới. Ảnh: Amusing.
|
Mọi người tạo ra ranh giới quanh ngôi làng. Tất cả người dân Eyam, kể cả những người đang khỏe mạnh, cũng thề rằng sẽ không vượt qua ranh giới này cho đến khi dịch bệnh được đẩy lui. Người làng nhận thức ăn và các nhu yếu phẩm từ người dân khu vực láng giềng tại địa điểm ranh giới được thiết lập. Đổi lại, mọi người trong làng để tiền trong một máng nước đầy giấm (họ cho rằng làm thế để khử trùng, và dịch bệnh sẽ không theo những đồng tiền này ra ngoài).
Ngày nay, du khách khi đến làng Eyam đều đến thăm những hòn đá - nơi năm xưa người dân đã dùng để tạo ra ranh giới.
Người dân cũng làm nhiều biện pháp để giảm thiểu sự lây lan trong cộng đồng. Một trong số đó là khi chôn cất người bệnh, họ buộc dây vào chân của người chết và kéo đến nghĩa trang, thay vì khuân vác để không bị lây bệnh.
Sau 14 tháng, dịch bệnh chấm dứt. Đã có nhiều người chết trong làng. Những người dân ở Eyam được tôn vinh như những người dũng cảm nhất đất nước, khiến những thế hệ sau lớn lên ở ngôi làng tự hào.
Ngày nay, du khách đến đây vào ngày chủ nhật cuối cùng của tháng 8 hàng năm có thể tham gia vào một buổi lễ tượng niệm những người dân đã chết vì dịch bệnh. Nhiều người vẫn đến nơi đặt máng nước xưa và thả vào đó những đồng xu, như một hành động tưởng niệm những người quá cố - những con người thực sự dũng cảm của nhiều trăm năm về trước.
Anh Minh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét