Thứ Ba, 13 tháng 12, 2016

Lopburi rực rỡ mùa hướng dương vàng

(Sắc màu thế giới) - Lopburi còn khá lạ với du khách Việt nhưng rất gần gũi, quen thuộc với du khách Thái bản địa, cũng như khách Âu Mỹ - dù mục đích đến của hai nhóm này hoàn toàn khác nhau.


Tuy nhiên, miền đẹp chỉ cách Bangkok 150km này sẽ là điểm đến thú vị cho du khách Việt, không chỉ để thưởng ngoạn mà còn có thể học hỏi để giúp du lịch Việt tốt hơn.
Đền xưa đài cũ trầm mặc, uy nghi
Ra đời từ thế kỷ (TK) VI, thành Lavo - tên cũ của Lopburi - thuộc triều đại Dvaravati từ thuở người Thái còn chưa di cư xuống miền đất này. Quy hàng trước đế chế hùng mạnh Khmer một thời gian dài, Lopburi về với người Thái từ lúc tiểu quốc Sukhothai lớn mạnh, rồi trở thành kinh đô thứ hai của triều đại Ayutthaya vào TK XVI - XVII.
Đó cũng là thời gian thực dân châu Âu hướng Đông, các thương gia, nhà truyền giáo đổ về kinh đô trù phú này, vừa góp phần dựng xây Lopburi thịnh vượng, vừa mang theo những nét văn hóa, kiến trúc mới. Sự giao thoa, tiếp nhận tinh hoa mới mang thêm sắc thái cho thành cổ.
Lopburi ruc ro mua huong duong vang
Qua bao dâu bể, đền xưa tháp cũ phong úa dấu thời gian giờ trầm mặc giữa phố mới
Điểm nổi bật của Lopburi là những di tích cổ. Bên những đền đài thay đổi theo từng triều đại Dvaravati, Khmer, Sukhothai… là những kiến trúc mới, chịu ảnh hưởng của phương Tây. Dù qua bao thời gian, lắm thăng trầm, bị xâm lăng, tàn phá… những kiến trúc xưa cổ dù đã khá nhiều phai phôi giờ vẫn sừng sững. Khác với nhiều khu di tích khác, phố mới mọc lên sống chung trong lòng phố xưa thành cổ, mang nét độc đáo rất riêng.
Tính theo độ xưa cổ sẽ là đền đài có từ TK VI theo kiến trúc Dvaravati rồi đến Khmer - Sukhothai - Ayutthaya. Còn tính theo độ hoành tráng, được giữ gìn kỹ có thể sẽ phải đi ngược lại, dù không hoàn toàn đúng lắm.
Tỷ như kiến trúc “hiện đại” nhất trong các di tích ở đây là biệt thự của vị sứ thần người Hy Lạp được vua Narai sủng ái Constantine Phaulkon, dù mang nét Gothic pha lẫn chạm khắc phương Tây mềm mại… làm sao to lớn, uy nghi bằng hoàng cung gần đó, có từ năm 1665, được giữ gìn kỹ, bảo quản, trùng tu tốt vẫn rạng ngời đến hôm nay.
Nhưng khó có thể rạch ròi. Vì cụm đền đài lớn nhất Lopburi nằm trong khuôn viên đến 32.000m2 Phra Si Ratana Mahathat là một phức hợp đa dạng khác, được xây dựng vào TK XIII trong thời đại Sukhothai, ôm quanh nhiều công trình cổ hơn, nên có đền đài Khmer xưa hơn nằm trong đó.
Đến triều Ayutthaya, vua Narai tiếp tục cho xây thêm chùa tháp mới nên nhiều kiểu kiến trúc giao hòa. Dù xây trước, nhưng có lẽ do bằng đá cứng, ngôi tháp Khmer Phra Prang giờ vẫn sắc nét, rạng rỡ hơn vài đền tháp làm từ gạch nung của các triều đại sau. Tuy nhiên, vẫn có những cụm đền tháp nằm tách biệt, mang dấu ấn rất riêng của từng triều đại.
Qua bao dâu bể, đền xưa tháp cũ phong úa dấu thời gian giờ trầm mặc giữa phố mới nhưng không hề tịch liêu, mà còn khá náo nhiệt vì một cộng đồng “cư dân” khác chiếm lĩnh, cát cứ và chí cha chí chóe ồn ào - những chú khỉ đuôi dài. Đông đúc, lang thang khắp nơi nhưng bản doanh chính của chúng là ngôi đền Khmer hơn 800 năm tuổi Phra Prang Sam Yot.
Lopburi ruc ro mua huong duong vang
Lễ hội truyền thống thu hút khách thập phương
Ảnh hưởng của Ấn giáo ngày xưa vẫn còn, hậu duệ của thần khỉ Hanuman vẫn được dân chúng ở đây tôn trọng, được xem như một cộng đồng dân cư thứ hai của miệt này. Thu hút du khách Âu Mỹ vốn yêu động vật cũng như hiếm thấy cảnh này ở phố thị quê nhà, chúng là niềm tự hào của Lopburi, miền đất có nickname khá phổ biến với người dân Thái Lan - “Thành phố Khỉ”.
Trông người mà nghĩ đến ta
Thế nhưng, đền xưa thành cổ, những nét cuốn hút du khách Âu Mỹ lại không phải là thứ thu hút du khách bản địa, nhất là những người trẻ ghé thăm Lopburi. Không ngồn ngộn, hoành tráng như bên xứ láng giềng Chùa Tháp, đất nước Chùa Vàng cũng không ít di tích lịch sử mà nhiều nơi đã được UNESCO lưu danh như Sukhothai, Ayutthaya… Khách bản địa đổ về đây vì nhiều lý do khác, nhưng đông vui nhất là những ngày đông sang xuân, khi những đồng hướng dương trổ vàng rực rỡ miền quê Lopburi.
Những cánh đồng hướng dương mênh mang vàng rực trong những ngày giao mùa năm cũ và năm mới, khi đất trời dịu mát, trong trẻo xanh veo lôi cuốn người Thái về ngắm hoa, chụp hình, đi picnic cùng gia đình, bè bạn. Từ những cây hướng dương trồng xen canh thay vụ lúa đông xuân, giờ đã có lễ hội hoa hướng dương hoành tráng nhất đất Thái.
Khi du khách ùn ùn đổ về, người dân nơi đây đã biết điều chỉnh vụ mùa, không đồng loạt xuống giống mà kéo giãn thời gian gieo hạt nên mùa vui kéo dài, suốt từ tháng 11 đến cuối tháng Giêng, lúc nào du khách cũng có thể chọn được một đồng hoa vàng rực cho riêng mình.
Nhiều đồng hướng dương trải dài theo tỉnh lộ 3017, nhưng đẹp nhất là ở Khao Chin Lae. Đây không chỉ là cánh đồng thênh thang nhất mà còn vì hậu cảnh là dãy núi đá vôi nhấp nhô nhấn nhá. Thấp thoáng lưng chừng là cụm chùa trên núi Wat Waeluwan khi thanh thoát bảo tháp trắng toát, lúc ẩn hiện mái nghiêng cao lấp lánh ánh vàng trong mảng xanh rậm rì ôm quanh. Vài ngọn cao trong dãy Khao Chin Lae cũng là điểm chinh phục của môn leo núi dành cho du khách ưa mạo hiểm. 
Lopburi ruc ro mua huong duong vang
Mùa hướng dương nở rộ
Đọc thấy có việc thu phí 10 baht (khoảng 6.000đ) vào đồng hoa chụp ảnh nhưng đã tới đây mấy bận, tôi chưa thấy việc này - dù vài viewpoint để ngắm cảnh, hoặc các mô hình đẹp để chụp hình… do người dân bỏ tiền tự dựng lên thì có thu tiền.
Có mùa đến sớm, xe đò thả ngoài đường nơi đồng còn xanh ngắt, tôi được người quê dù đang bận việc nhà vẫn lấy xe chở đi nhờ miễn phí vào đồng sâu ngắm hoa. Còn ở những đồng hoa, không hề có cảnh bẻ cành ngắt hoa, từ người lớn đến đám con nít, chứ đừng nói đến việc phi thân, cỡi xe vào giẫm nát, xả rác vô tư như ở những nương tam giác mạch, vườn cải, đường hoa… của một số không ít “phượt thủ” quê mình.
Nên những lần tới đây, tôi luôn mong sao có nhiều du khách Việt sẽ ghé. Để xem, để học hỏi. Để mỗi năm về, mỗi mùa đến sẽ không còn những hình ảnh xấu, những than phiền ngập tràn báo chí, mạng xã hội. Để du lịch Việt ngày càng đẹp hơn, càng thu hút hơn, trong mắt người Việt và cả khách du quốc tế.
Từ Bangkok, có nhiều cách đi Lopburi. Xe đò từ bến xe Bắc Bangkok, Mochit 2, đi mất gần ba giờ. Xe nhỏ minivan, tiện hơn, có thể đi từ Mochit 2, quanh bùng binh Victory Monument hay ở đường Ratchadoern gần khu du lịch ba lô Khao San, vé khoảng 60.000đ, đi mất hai giờ rưỡi.
Xe đò và minivan của bến Mochit 2 chỉ dừng ở bến xe Lopburi, từ đó ra đường chính đón xe buýt vào phố cách đó vài cây số, giá 5.000đ. Xe minivan từ hai bến kia vào hẳn trung tâm Lopburi. Cách đi rẻ nhất và du khách Âu Mỹ thích nhất là xe lửa, tàu chợ chỉ 9.000đ cho hành trình bốn giờ đồng hồ ngang qua làng mạc đồng quê xứ Thái. Ga xe lửa Lopburi nằm ngay trong phố, bên cạnh những đền đài mấy trăm năm tuổi, cũng là bối cảnh chụp hình đẹp cho những đám cưới và selfie.
Mùa hướng dương nở rộ từ tháng 11 đến cuối tháng Giêng. Từ bến xe đò Lopburi đón xe số 601 hướng về huyện Wang Muang, 10.000đ/vé, rồi nhờ bác tài dừng lại tùy thích ở những đồng hoa nào rộ nhất. Nên nói trước với các tài xế vì họ đi trên cung đường này hàng ngày, sẽ biết nơi nào hoa đang đẹp nhất.
Lopburi về đêm vắng vẻ vì khách thường đi về trong ngày, nhưng vẫn đông vui, tấp nập tại các lữ điếm dành cho dân đi bụi. Việc để lại Bangkok ồn ào chỉ cách đó vài giờ xe lại sau lưng, nghỉ ngơi thư giãn trong phố mới về đêm yên ả, giữa những đền xưa đài cổ rất gần bên là trải nghiệm thú vị khác.
Trần Thái Hoãn

Không có nhận xét nào: